Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

Malta, xứ sở của những cuộc cạnh tranh quyết liệt

Malta, xứ sở của những cuộc cạnh tranh quyết liệt

Justin CalderonBản quyền hình ảnhJUSTIN CALDERON
Có một tinh thần ganh đua bao trùm ở khắp Malta vốn hoang dại và phóng túng đến nỗi nó được khắc lên trên bầu trời của thủ phủ Valletta và có mặt trên mọi lĩnh vực đời sống của quần đảo này.
Tôi đang nói về pika - một từ trong tiếng Malta vốn có thể dịch thoáng ra là 'đối đầu với người xung quanh' nhưng lại là một trong những từ mà nếu người nước ngoài cố tìm cách giảng giải nó sẽ không tài nào làm được.

Tinh thần Pika

Như lời giải thích của Giáo sư George Cassar, vốn dạy bộ môn du lịch di sản và văn hóa tại Đại học Malta, thì pika chính là điều đã thúc đẩy người Malta phải vượt lên những đối thủ ngay cạnh bên họ. 
Thông thường, sự đối đầu này là ở những tín đồ của các vị thánh khác nhau trong cùng một thành phố - thái độ rằng 'thành phố này không đủ lớn cho cả hai chúng ta' - và nó hiện diện từ tranh tài thể thao một cách ôn hòa cho đến sự hung hăng được tính toán trước.
"Pika chính là điều đã thúc đẩy người Malta vào năm 1958 phá bỏ sau đó xây lại Nhà thờ Carmelite Basilica mà ngày nay giúp định hình bầu trời của Valletta với mái vòm cao 42 mét với mục đích chỉ để ăn đứt Nhà thờ Anh giáo ở sát bên," ông giải thích.
Pika cũng chính là nguyên nhân khiến cho một người đàn ông bị đánh vào đầu bằng một chậu hoa trong một lễ hội hồi tháng Tám năm ngoái, theo tờ Thời báo Malta. 
AlamyBản quyền hình ảnhALAMY
Trong khi đó, chưa tới hai tuần sau đó, hai giáo xứ đã có những lời sỉ nhục mang tính báng bổ qua lại về bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh của đối phương - 'Bức tượng của chúng tôi mới là đẹp nhất. Còn tượng của mấy người là xấu nhất ở Malta'. Đây cũng là một ví dụ nữa của pika.
Hai sự việc này xảy ra gần nhau như thế về thời gian không phải là do tình cờ. 
Mỗi năm, mùa lễ hội của Malta - là lúc các ngôi làng tôn vinh vị thánh bảo trợ của mình bằng cách tổ chức những buổi lễ lớn - lên cao điểm vào khoảng giữa tháng Sáu và tháng Chín. 
Vào lúc này, pika đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần máu nóng Địa Trung Hải ở hòn đảo này khi các giáo xứ cạnh tranh nhau trong việc tôn vinh sự linh thiêng bằng một cách ngược ngạo là báng bổ. 
Sự đối đầu đã trở nên căng thẳng đến mức lễ hội đã phải bị hủy một phần, mới đây nhất là vào năm 2004, do có đe dọa bạo lực.

Nguồn gốc lâu đời

Từ năm này đến năm khác, tín đồ của các vị thánh bảo trợ khác nhau đều cố gắng bỏ nhiều tiền hơn và làm nhiều hơn giáo xứ lân cận. 
Họ có cuộc đối đầu không khoan nhượng về khả năng trình diễn, điều dường như rất thích hợp đối với các hậu duệ của Hiệp sỹ Hospitaller, tức các chiến binh Công giáo thời Trung Cổ từ Jerusalem đến cai trị Malta khoảng 300 năm kể từ năm 1530. 
Cho đến ngày nay, sự lộng lẫy, các vật dụng và đồ trang trí của lễ hội Malta đều mang dấu ấn của phong cách Baroque vốn định hình kiến trúc Thế kỷ 17 và 18, chẳng hạn như cỗ xe kéo tay vốn dùng để đưa tượng thánh đến sân khấu chính của lễ hội và hiện vật gỗ chạm khắc bằng tay nằm ở trung tâm buổi lễ vào Chủ Nhật. 
Trong những năm gần đây, lễ hội còn có các công ty sân khấu cạnh tranh nhau và kỷ lục mới là giương 711 lá cờ trong một ngôi làng.
"Nhiều vùng của Malta hăng máu về tinh thần pika hơn những vùng khác," Cassar cho tôi biết. 
Do đó, vào tháng 11 vừa qua tôi đã đến thăm một trong những thị trấn này với hy vọng nắm bắt rõ hơn về ý niệm này. 
Nằm ở miền trung Malta, thị trấn Qormi đã chứng kiến sự kèn cựa căng thẳng giữa các phái thuộc Thánh George và Thánh Sebastian vốn đã trở nên nổi tiếng trong những năm qua, và tôi đến để tìm hiểu tại sao.
Mario Cardona, một tín đồ thuộc hội Thánh Sebastian, là nhà nhân chủng học và là giáo sư tại Đại học Nghệ thuật, Khoa học và Công nghệ Malta. Ông đón tôi từ khách sạn ở bắc Malta và lái xe 30 phút đến Qormi, khoảng phân nửa chiều dài của hòn đảo.
AlamyBản quyền hình ảnhALAMY
Tục tôn sùng các vị thánh bắt nguồn từ thời Trung Cổ, bao gồm việc tôn thờ Thánh George ở Qormi, Cardona nói với tôi lúc ngồi trên xe. 
Tuy nhiên, mãi đến năm 1813 Thánh Sebastian mới được tôn thờ. Khi đó, dịch bệnh bùng phát ở Malta và dân làng đã thề sẽ dựng một bức tượng thánh bảo trợ về bệnh dịch để được giải thoát khỏi trận dịch.
Chúng tôi đánh xe vào một ngã rẽ trên con đường ngay trung tâm thị trấn được sơn bằng màu cát sa mạc vốn gợi nhắc cho tôi nhớ đến ngay những kiến trúc đá tạo thành Jerusalem, và chắc chắn là có hình dáng gần gũi hơn với các thành phố nằm ở phía nam Địa Trung Hải. 
Suy cho cùng, người Ả Rập đã để lại dấu ấn ở Malta mà vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay thông qua ngôn ngữ cùa hòn đảo, vốn có nguồn gốc Ả Rập mạnh hơn nhiều so với nguồn gốc Ý. 
Ấy vậy mà Malta vẫn là một quốc gia đậm nét châu Âu - và là một thành phố lâu nay vẫn trung thành với Giáo hội Công giáo La Mã.

'Câu lạc bộ ban nhạc'

"Pika mang đặc điểm Địa Trung Hải," Cassar cho biết và giải thích rằng Ý và Tây Ban Nha cũng quen thể hiện sự đối đầu trong các lễ hội nhiều màu sắc. 
"Tuy nhiên ví dụ gần gũi nhất đối với lễ hội của chúng tôi là của Sicily." 
Chẳng hạn như, cũng giống như cách ăn mừng của Malta, lễ hội Sicily cũng có màn rước tượng thánh bảo trợ dọc theo những con đường trong thị trấn - và người Sicily đặc biệt rất thích các màn trình diễn pháo hoa đỉnh cao.
Tuy nhiên, sự thù nghịch thể hiện trên đảo Malta còn có thêm một chút cay nghiệt vốn là điều đặc trưng của chỉ Malta.
Chúng tôi đến một tòa nhà có mặt tiền bằng đá được trang trí với hàng trăm chiếc bóng đèn lớn và có tấm băng rôn xanh lá cây phủ lên - màu ưa thích của phái theo thánh St Sebastian ở Qormi.
Ở phía dưới băng rôn, các người bạn đồng phái Thánh Sebastian của Cardona đang chờ đợi tôi, trong đó có chủ tịch hiệp hội mà ở Malta người ta gọi là 'câu lạc bộ ban nhạc'.
Các câu lạc bộ ban nhạc ở Malta cũng là trung tâm của dạng thức pika ganh đua nhất. 
Với việc đến thăm câu lạc bộ ban nhạc Thánh Sebastian, tôi nói đùa rằng họ có thể sử dụng cuộc phỏng vấn này làm chất liệu cho lễ hội năm sau và điều này khiến một người đàn ông mở to mắt - người này dường như đã trù tính một kế hoạch đáng ngờ để lấn át hội Thánh George kế bên vào mùa hè sau.
Năm ngoái, lễ hội Thánh Sebastian được dự đoán trước là sẽ rất lộng lẫy. 
Trong ngày hội kéo dài cả tuần này, theo lời Cardona, câu lạc bộ ban nhạc của họ đã bỏ ra 100.000 euro để chi cho những bữa ăn thịnh soạn, những màn pháo hoa hoành tráng và mời nghệ sỹ bên ngoài đến trình diễn, trong đó có sự xuất hiện đặc biệt của quán quân chương trình X Factor Anh quốc Ben Haenow tại Qormi - một thị trấn có khoảng 16.000 dân.

Do diện tích nhỏ

"Pika là nhu cầu cần phải tiếp tục làm mọi thứ lớn hơn nữa để qua mặt đối thủ," Cardona nói với tôi. "Đó là phải thỏa mãn nhu cầu phải chứng tỏ với bản thân, người thân và người ngoài một cách liên tục. Thay vì theo đuổi những thứ đẹp đẽ và đem lại sự thoải mái, chúng tôi lại theo đuổi cái sẽ là điều đầu tiên trong làng."
Diện tích của Malta, quốc gia nhỏ nhất EU với dân số khoảng 430.000 người, có thể là manh mối tốt nhất về việc tại sao sự ganh đua ở đây căng thẳng đến vậy. 
"Kích thước nhỏ về địa lý đẩy mạnh sự ganh đua và pika do mọi người có thể dễ dàng theo dõi láng giềng của họ làm gì, nghĩ gì và nói gì," Cassar nói. "Bản năng cạnh tranh của con người làm nốt phần việc còn lại."
Justin CalderonBản quyền hình ảnhJUSTIN CALDERON
Trên tầng hai của câu lạc bộ ban nhạc hội Thánh Sebastian, trong một căn phòng giống như hội trường ở một bảo tàng Ý mà trong đó có một chiếc đèn chùm thủy tinh trị giá 80.000 euro và một bức họa của Đại tôn sư Manuel Pinto da Fonseca thuộc Dòng tu Thánh John, Cardona và ba người đàn ông khác tiếp tục nghiền ngẫm về tình trạng hiện tại của pika ở Malta.
"Khi mùa lễ hội tới, mọi người đều muốn chi tiêu hoang phí nhất có thể," Charles Saliba, thư ký của câu lạc bộ ban nhạc Thánh Sebastian, nói. 
Ở một số khía cạnh, nó còn lớn hơn cả Lễ Giáng sinh: dịp lễ thu hút cộng đồng Malta ở hải ngoại về quê hương và là thời điểm bạn cũ gặp lại nhau.
"Ngày nay nhà thờ có bao nhiêu ảnh hưởng trong công việc của quý vị?" tôi tìm hiểu trong khi đang nhìn chăm chú vào một dãy xếp theo thứ tự thời gian chân dung các vị giáo sỹ Công giáo treo trên tường phía sau Cardona.
"Nhà thờ lo phần linh thiêng bên trong của lễ hội trong khi câu lạc bộ ban nhạc tổ chức ngày hội của riêng mình. Đôi khi vị linh mục ở nhà thờ sẽ tham gia nếu ông ấy không thích lời nhạc mà chúng tôi viết," Charles Spiteri, chủ tịch hội, cười khúc khích nói với ý nói đến nỗ lực của nhà thờ muốn kiểm duyệt những nội dung thô tục mà các giáo xứ đối thủ tung ra bao gồm bài hát, băng rôn và biểu ngữ về vị thánh bảo trợ của họ.
"Theo ý kiến cá nhân của tôi," người đàn ông thứ tư có tên là John Camilleri nói, "và có lẽ họ không đồng ý với tôi, nhưng mà tôi không quan tâm lắm." Tất cả bọn họ đều cười. "Thì tôi cho rằng chính nhà thờ phải chịu trách nhiệm chính về tinh thần kèn cựa pika ở Malta."
"Trong lễ hội Malta, chủ nghĩa thiên vị được thể hiện ở việc các linh mục ủng hộ một vị thánh này hơn vị thánh kia. Họ sẽ bầu ra giáo xứ mà họ thích để tổ chức buổi lễ hoành tráng nhất trong khi đối thủ của họ buộc phải dừng lại ở 'lễ hội bậc hai' ít lộng lẫy hơn, Camilleri giải thích.
"Một số linh mục thậm chí còn đếm số bóng đèn trong lễ hội bậc hai để đảm bảo rằng chúng không nhiều như lễ hội chính. Lễ hội bậc hai cũng không thể nào thắp sáng mái vòm của nhà thờ, ông nói. "Điều này tạo ra tinh thần pika mạnh."
Hồi năm 2002, Tổng giáo phận Malta cố gắng kiểm soát mức độ ương ngạnh trong các lễ hội của Malta do lo sợ rằng chúng làm tổn hại tư cách của nhà thờ, nhưng cuối cùng nỗ lực này cũng chẳng đi đến đâu. 
Các nỗ lực thành lập một hội đồng kiểm duyệt để loại tất cả tài liệu mang tính khiêu khích ra khỏi lễ hội và các biện pháp khác cũng thất bại, và vị chức sắc nhà thờ lãnh đạo chiến dịch trở thành người 'không được hoan nghênh' ở quần đảo này, Cassar giải thích.
Điều này không có gì mới ở Malta. "Không giám mục nào đã từng thật sự kiểm soát được tinh thần pika của người Malta. Nó luôn luôn là một mình chống lại quá nhiều người - và nếu không có tín đồ thì nhà thờ không là gì cả," Cassar khẳng định.
Tuy nhiên, mặc dù chi phí và mức độ trình diễn dường như cứ liên tục leo thang, mức độ đàng hoàng dường như cũng đã được cải thiện ở Malta trong những thập niên gần đây cho dù có hay không tác động của nhà thờ. 
Camilleri nhớ lại những lễ hội thô tục hơn nhiều khi ông còn nhỏ. 
"Có một lần, họ sơn màu đỏ cho những con gà (màu tượng trưng cho hội thánh của họ) và ném chúng vào đối thủ ý muốn nói họ là gà," ông cười. 
"Một lần khác, khi một đoàn diễu hành của ban nhạc đối thủ đi ngang qua, ai đó đã từ ban công đổ nước tiểu xuống."
Nhờ có các vị thánh mà những ngày đó giờ đây đã xa rồi.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel

Chủ đề liên quan

Tin liên quan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.