Hà Nội 'cũng bụi mịn PM2.5' không thua Bangkok
Truyền thông Việt Nam dẫn lời chuyên gia cảnh báo không khí tại Hà Nội "ở mức có hại với sức khỏe con người" vì xuất hiện bụi mịn PM2.5 nhưng không có chuyện trường học phải đóng cửa vị bụi độc như tại Bangkok.
Báo Tin Tức hôm 30/1 viết: "Có những thời điểm, chất lượng không khí tại 10 điểm quan trắc môi trường của Hà Nội đều ở mức kém và mức xấu; ghi nhận chỉ số chất lượng không khí bụi PM 2.5 (loại bụi được coi là nguy hiểm tới sức khỏe) lên ngưỡng nguy hại."
Chỉ số PM 2.5 ở Hà Nội 'hơi cao'
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương được báo này dẫn lời:
"Bụi trong không khí có nhiều loại, bao gồm cả bụi vô cơ và bụi hữu cơ. Ở Hà Nội, nguồn bụi xuất phát chủ yếu từ mật độ giao thông lớn, nên bụi hữu cơ nhiều lại lẫn với nhiều tạp chất khác như nito, lưu huỳnh, kim loại… rất độc hại. Đặc biệt, theo cảnh báo, hạt bụi PM2.5 rất nhỏ, có thể đi thẳng vào phế nang phổi hoặc máu, gây độc cho cơ thể."
"Những người nhạy cảm, có nền bệnh sẵn, bệnh mãn tính không nên ra ngoài. Bởi khi tiếp xúc với không khí độc hại, những người mắc bệnh hô hấp, bệnh mãn tính ở phổi, bệnh tim mạch… có thể rơi vào tình trạng nặng hơn, các biến chứng nguy hiểm hơn."
Trước đó, báo Người Đô Thị dẫn lời ông Mai Trọng Thái, chi cục Trưởng chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội:
"Để đánh giá chung chất lượng không khí thành phố cần khách quan trên cả tổng thể môi trường giao thông, môi trường đô thị…, và việc xác định chỉ số chất lượng AQI (không khí) bình quân hàng ngày phải dựa trên số liệu từ nhiều điểm quan trắc khác nhau".
"Những thông tin về chất lượng không khí thu thập được từ một trạm quan trắc tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội chỉ mang tính chất cục bộ, chưa thể phản ánh chất lượng không khí chung của toàn thành phố. Nguyên do là vị trí của lắp đặt của trạm quan trắc này nằm gần ngã tư Láng Hạ-Đê La Thành, nơi có mật độ phương tiện giao thông rất cao, khu vực này lại có nhiều công trình xây dựng xung quanh, nên chỉ số PM 2.5 hơi cao."
Tuy vậy, tờ báo cũng dẫn lời ông Hoàng Xuân Cơ, giảng viên cao cấp khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên: "Tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam chưa đến mức nguy hiểm và chúng ta không nên quá bi quan."
Tại hội thảo cuối năm 2017 về ô nhiễm không khí, ông Nguyễn Văn Thùy - Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - chia sẻ: "Các trạm quan trắc của Việt Nam đã phát hiện bụi PM 1.0, nhỏ hơn bụi PM 2.5 đã được biết đến. Đây là loại bụi mới quan trắc được, thế giới vẫn đang nghiên cứu. Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn cho loại bụi này".
Cũng trong hội thảo này Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Nghiêm Trung Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội - cho biết:
"Bụi càng bé thì tổng diện tích bề mặt riêng càng lớn, càng hấp phụ nhiều chất ô nhiễm. Bản thân các hạt bụi này đã độc, lại giống như con thuyền mang theo nhiều chất ô nhiễm khác".
Ông Dũng đưa ra một so sánh: "Một trong các khâu vất vả khi nghiên cứu bụi nano là lấy mẫu bụi để cân. Chúng tôi dùng cân có giới hạn phát hiện là 1µg (1 phần triệu gram). Nếu như các đồng nghiệp ở Nhật Bản cần 3 ngày đến 1 tuần mới lấy đủ lượng bụi để cân thì ở Việt Nam chúng tôi chỉ cần khoảng 1 ngày".
Trước những thông tin như vậy và giới chức phát ngôn "chỏi" nhau, cơ quan chức năng không có động thái gì xử lý tình hình, người dân Hà Nội được ghi nhận phải tự theo dõi chất lượng không khí qua ứng dụng Airvisual trên điện thoại.
Bụi Bangkok 'ít nhất là đến cuối tháng 2/2019'
Hôm 30/1, tin cho hay 437 trường học ở Bangkok phải đóng cửa, sau khi Thống đốc cảnh báo 'trẻ em có thể bị tổn hại' vì cuộc khủng hoảng khói mù tại thành phố này.
Các hạt bụi mịn, được biết đến với tên gọi PM2.5, đã tăng từ cuối tháng 12 và luôn nằm trên ngưỡng an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Hơn 400 trường học đã được lệnh đóng cửa vào hôm nay (30/1), khi ô nhiễm không khí ở thủ đô Thái Lan tiếp tục tăng cao.
Các quan chức cho biết tình trạng ô nhiễm vượt quá mức chấp nhận được ở 39 khu vực trên thành phố, và Thống đốc Aswin Kwanmuang phải đưa ra cảnh báo về những tác hại đối với trẻ em.
Nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Bangkok hiện đạt mức báo động 50 microgam trên một mét khối.
Sau 2 ngày cuối tuần có dấu hiệu giảm nhẹ, chất lượng không khí của Bangkok ngày 30/1 đã lên ngưỡng 200 trên Chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index), mức không khí đặc biệt không tốt cho sức khoẻ của tất cả mọi người.
"Nó (bụi mịn) sẽ kéo dài đến ít nhất là cuối tháng Hai, và sẽ trở nên tồi tệ hơn khi hiện tượng thời tiết El Nino xuất hiện", theo Tara Buakamsri, Giám đốc điều hành Thái Lan của tổ chức môi trường Greenpeace.
El Nino là hiện tượng thời tiết bất thường, làm nhiệt độ nóng lên và ít mưa, được dự đoán sẽ xảy ra vào tháng Hai.
"PM2.5 là chất độc cho sức khỏe con người", Somnuck Jongmeewasin, giảng viên về Môi trường ĐH Silpakorn cho biết.
"Nó là nguyên nhân gây ra các bệnh hô hấp cấp tính và mãn tính, ảnh hưởng tim mạch trong cả thời gian ngắn lẫn khi tích tụ kéo dài."
Nhà chức trách Bangkok đã cân nhắc sử dụng máy bay không người lái để phun nước với hy vọng giảm nồng độ bụi mịn, theo Bangkok Post đưa tin.
Preecha Pradapmuk, giám đốc Viện Công nghệ Quốc phòng (DTI), cho biết 12 máy bay không người lái đã xúc tiến việc thử nghiệm việc phun nước tại một số khu vực của thủ đô Bangkok. Nhiều công nhân cũng thử nghiệm phun nước từ vòi rồng lắp trên xe tải dọc theo con đường đông đúc.
"Đó là nhiệm vụ bất khả thi, trừ khi vòi nước có khả năng phun ra hạt nước nhỏ hơn 2,5 microgam", Giảng viên Somnuck cho biết.
"Họ sẽ cần ít nhất 10.000 vòi phun phản lực hoạt động cùng lúc để đẩy lùi PM2.5 tại Bangkok."
Chính phủ cũng đã cứu xét việc sử dụng các kỹ thuật làm mưa nhân tạo nhưng các chuyên gia nghi ngờ hiệu quả của phương pháp này.
Witsanu Attavanich, Phó Giáo sư kinh tế Đại học Kasetsart, nhận định khó có khả năng chính phủ sẽ thực hiện các hành động cần thiết để giảm ô nhiễm không khí, bởi vì nó làm "tổn thương các doanh nghiệp".
Theo Phó Giáo sư Witsanu, biện pháp ngắn hạn hiệu quả nhất là "giảm số lượng xe trên đường" và mức thuế cao cho các phương tiện ít thân thiện với môi trường và thúc đẩy giao thông công cộng.
Bình luận của bạn đọc BBC Tiếng Việt
Tin bụi độc trong không khí khiến 437 trường học tại Bangkok phải đóng cửa theo lệnh chính quyền để giảm nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em khiến bạn đọc xôn xao bàn tán trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt.
Một số bạn cho rằng bụi của Hà Nội, nhỏ hơn PM2.5, được gọi là Bụi Nano còn độc hơn bụi Bangkok. Người khác lại cho rằng bụi độc Bangkok kinh khủng hơn nhiều.
Nhưng đa số bàn về cách chính quyền hai nước đối phó với tình trạng bụi độc lan tràn trong không khí, tạo nguy cơ cho sức khỏe nhiều người.
Bạn đọc: Khanh Nguyen: "Ở Việt Nam bụi mà vẫn tiếp tục học, tinh thần hiếu học."
Bạn đọc Trung Vu: "Hà Nội có chỉ số Airvisual trên 200 thường xuyên mà thấy chỉ nói không có hành động cụ thể gì ngoài nói mọi người nên ở trong nhà!"
Bạn đọc Minh Dan Dang: "Hà Nội, Việt Nam bị "sương mù" theo Đài khí tượng thủy văn Thông báo chứ không phải ô nhiễm các bạn nhé. Hãy tin họ!"
Bạn đọc Nguyễn Quang Dũng: "Vì chính quyền nó quan tâm tới con người, còn chính quyền mình quan tâm tới ổn định chính trị. Thế nên bên nó chưa ô nhiễm bằng Hà Nội nhưng học sinh vẫn được khuyến cáo ở nhà. Còn mình thì kể cả ô nhiễm cùng cực thì cũng chả có cảnh báo gì luôn."
Bạn đọc Minh Chau Ho: "Lãnh đạo mà để dân ăn bẩn ở bẩn, ô nhiểm thì quá kém, quá có lỗi với dân. Bao nhiêu bộ ngành: môi trường, hội bảo vệ người tiêu dùng... "Dân được ăn ngon ngủ ngon , trẻ có sân vui chơi" phải đặt lên hàng đầu. Do luật không nghiêm và hình phạt nhẹ mà ra cả. Học theo Singapore, Úc xem!"
Bạn đọc Le Khac Do Toan: "Phổi dân Việt Nam khỏe hơn các nước vì ô nhiễm như vậy vẫn như không có chuyện gì xảy ra."
Bạn đọc Phan Dai: "Khi ô nhiễm xảy ra, nước người ta ầm ý tìm đối sách, còn nước ta thì chỉ cần đưa dân ra hít dần để lọc không khí thôi."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.