Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Vụ mất 300 tỷ đồng ở Eximbank: quá chủ quan khi ký giấy uỷ quyền

Vụ mất 300 tỷ đồng ở Eximbank: quá chủ quan khi ký giấy uỷ quyền 

Ls. Trần Hồng Phong

Mấy ngày qua, báo chí đưa tin về vụ một khách hàng bị "mất tiền" hy hữu xảy ra ở ngân hàng Eximbank. Số tiền lên tới trên 300 tỷ đồng (có báo viết 245 tỷ) đã bị chiếm đoạt bởi vị Phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP. HCM bởi những thủ đoạn gian dối thoạt nhìn có vẻ tinh vi, nhưng thực chất lại khá đơn giản. Khách hàng (cũng là nạn nhân) đã quá chủ quan, trong khi phương thức làm việc, quản lý và kiểm soát của ngân hàng bộc lộ nhiều "lỗ hổng" khó chấp nhận.

(ảnh minh hoạ)

Nội dung sự việc: 

Dưới đây là thông tin tóm lược (theo các báo đã đăng, nguồn chính: Vnexpress):

Gửi hàng trăm tỷ đồng, ký giấy uỷ quyền cho người khác thực hiện giao dịch

Từ năm 2007, bà Chu Thị Bình, một người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thuỷ sản, bắt đầu gửi tiền tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP. HCM. Bà Bình được xem là khách VIP do số tiền gửi rất lớn. 

Trong quá trình đó, ông Lê Nguyên Hưng, Phó giám đốc chi nhánh Eximbank HCM là người trực tiếp thực hiện các giao dịch với bà Bình. Thay vì lẽ ra phải làm việc tại ngân hàng, lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng nhiều lần cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà để "làm việc" về các khoản tiền gửi, tất toán kỳ hạn gửi.

Nhưng trên thực tế ông Hưng đã có thủ đoạn và kế hoạch gian dối đối với bà Bình. Cụ thể là đã làm giả hồ sơ đứng tên của bà Bình, để rút số tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà, rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán. (Ghi chú: khi đến hạn tất toán thì người gửi được quyền rút tiền khỏi ngân hàng). 

Để thực hiện, ông Hưng đã "lừa" bà Bình ký 2 Giấy uỷ quyền cho 2 cá nhân. Nội dung uỷ quyền cho hai người này thay mặt bà chuyển tiền, rút tiền khỏi tài khoản của bà Bình. Điều đáng nói là, theo báo Vnexpress, bà Bình thậm chí... không biết tên, biết mặt 2 người này. Với "chiêu thức" này, ông Hưng đã chiếm đoạt được một số tiền rất lớn của bà Bình, trong quãng thời gian dài, mà bà Bình không hề hay biết.

Cuối năm 2016, nghi ngờ mình bị lừa, bà Bình kiểm tra đối chiếu số dư trong sổ tiết kiệm của mình, thì phát hiện hơn 245 tỷ đồng trong các tài khoản đã "bốc hơi" đi đâu mất!

Bà Bình liền khẩn cấp khiếu nại lên Eximbank, yêu cầu ngân hàng phải trả tiền cho mình. Đồng thời bà cũng làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng.

Ngân hàng nói gì?

Trao đổi với báo chí chiều 22/2/2018, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank thừa nhận vụ việc ông Hưng lừa đảo 245 tỷ trên là có thật và cho biết một số thông tin liên quan như sau:

- Tất cả các giao dịch liên quan đến các khoản tiền của bà Bình đều có CHỮ KÝ THẬT của bà Bình. Chữ ký của bà Bình trên giấy ủy quyền đã được Cơ quan Cảnh sát Điều tra phía Nam (C44B - Bộ Công an) giám định là chữ ký thật. Còn người được ủy quyền có trường hợp thật, có trường hợp không thật.

- Eximbank dù chia sẻ mong muốn của khách hàng, nhưng đây là số tiền rất lớn, kết luận của cơ quan điều tra về mặt pháp lý không phải là phán quyết cuối cùng. Khi tòa án có phán quyết, Eximbank có trách nhiệm trả số tiền này thì ngân hàng sẽ trả ngay.

- Chữ ký thật trên giấy uỷ quyền của bà Bình là các chữ KÝ SẴN của bà, vì bà Bình là khách hàng VIP nên được ngân hàng chăm sóc đặc biệt.

Bà Bùi Thị Thiện Tâm, Giám đốc Eximbank TP HCM cho biết thêm:

- Theo quy trình giao dịch tại nhà khách hàng thường có từ 2 đến 3 nhân viên ngân hàng trở lên. Tuy nhiên trong quá trình giao dịch, bà Bình không muốn tiếp xúc với người khác ngoài ông Hưng. Thậm chí nhân viên ngân hàng có liên hệ thì bà Bình đã trả lời bận.

- Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Hưng đã lấy tiền từ năm 2014 ở nhiều thời điểm khác nhau và ở nhiều sổ tiết kiệm khác nhau của bà Bình, kéo dài đến năm 2016. Cuối năm 2016 thì sự việc vỡ lở. Ông Hưng hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã quốc tế.

....

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:

Cần phải hiểu biết về hợp đồng uỷ quyền

1. Vụ việc trên có yếu tố hình sự rất rõ ràng. Đó là hành vi lừa đảo (dùng thủ đoạn gian dối) để chiếm đoạt tài sản/tiền của người khác. Theo thông tin, thì vụ án đã được khởi tố, hình như đã có Kết luận điều tra (?). Điều đáng nói là dù vậy thì cũng đã quá trễ, khi tiền đã biến mất cùng kẻ chiếm đoạt. Cho dù là sau này Toà có ra phán quyết ngân hàng phải trả tiền cho khổ chủ (bà Bình), thì cũng chỉ là động thái khắc phục hậu quả mà thôi. Số tiền đã mất này thật, rất khó để có thể thu hồi về đầy đủ.

2. Việc giải quyết vụ án này cũng không hề đơn giản nếu như không bắt được nghi can là ông Lê Nguyên Hưng (Phó giám đốc Eximbank Chi nhánh HCM). Vì đây là vụ án có rất nhiều tình tiết về dân sự, nghiệp vụ ngân hàng, thủ tục hành chính ...vv. Nên việc không có lời khai hay vắng mặt bị cáo tại Toà sẽ khiến cho việc thẩm tra, đánh giá chứng cứ và đưa ra kết luận là khó khăn. Mặc dù về nguyên tắc, có thể xác định ông Hưng là kẻ đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của bà Bình.

3. Có thể thấy, lý do cơ bản và chính yếu khiến bà Bình bị mất tiền chính là do bà đã quá "tin tưởng" vào ông Hưng, và đã quá chủ quan khi ký 2 Giấy uỷ quyền cho người khác thực hiện các giao dịch với ngân hàng, liên quan trực tiếp đến số tiền của mình.  

4. Uỷ quyền là một trong những giao dịch dân sự rất cơ bản và phổ biến, được quy định cụ thể và chặt chẽ tại Bộ luật dân sự. Nói một cách nôm na, uỷ quyền là việc một người giao/nhờ một người khác thay mặt mình làm một việc gì đó, liên quan đến quyền lợi hay nghĩa vụ của mình. Việc uỷ quyền bắt buộc phải lập thành văn bản (Hợp đồng uỷ quyền/Giấy uỷ quyền).

Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là bản thân việc uỷ quyền không làm chuyển dịch hay thay đổi quyền sở hữu đối với tài sản của người có tài sản. Chẳng hạn bà Bình ký giấy uỷ quyền cho ông A được rút tiền (của mình) trong tài khoản ngân hàng, thì điều này không đồng nghĩa với việc sau khi lấy được tiền, ông A sẽ trở thành "chủ" của số tiền đó. Chính điều này đã chỉ ra số tiền mà ông Hưng chiếm đoạt được là tiền phi pháp, vì không thuộc quyền sở hữu của ông. Và cũng chỉ ra rằng trong sự việc này, hai người được bà Bình uỷ quyền cũng có vai trò liên quan và rất quan trọng trong "đường dây" lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, do ông Hưng là chủ mưu. Đây là một vụ án đồng phạm (nhiều người).

5. Mặc dù phía ngân hàng cho rằng chữ ký của bà Bình trên các giấy uỷ quyền là chữ ký thật, thì cũng hoàn toàn không có nghĩa là những Giấy uỷ quyền đó có giá trị pháp lý. 

Uỷ quyền về bản chất chính là một giao dịch/hợp đồng dân sự, cho nên phải bảo đảm có đủ những điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự, đồng thời phải bảo đảm không có các yếu tố người tham gia giao dịch (chủ thể) "nhầm lẫn", "bị lừa dối", "không nhận thức và làm chủ được hành vi" ... (là các yếu tố làm giao dịch bị vô hiệu) thì mới có giá trị pháp lý. (xem các điều luật bên dưới).

Đó là chưa kể về nguyên tắc Giấy uỷ quyền không thể một bên ký khống (ký trước, ký sẵn), mà thông thường phải thực hiện tại Phòng công chứng, trước mặt Công chứng viên. Để kiểm tra năng lực hành vi dân sự của các bên tham gia giao dịch (uỷ quyền), đồng thời chứng nhận tính xác thực (có thật) của giao dịch. Nếu không bảo đảm các yếu tố này, hợp đồng uỷ quyền cũng sẽ bị xem là vô hiệu. 

Hay nói khác đi, nếu phía bà Bình chứng minh được các Giấy uỷ quyền do mình ký là vô hiệu (không có giá trị pháp lý), thì bà sẽ được Toà tuyên quyền được nhận lại tiền của mình. Tuy nhiên, việc xác định Ngân hàng hay chỉ cá nhân ông Hưng là người phải trả tiền cho bà Bình, lúc này vẫn còn khá sớm. Và tôi cũng không có đủ thông tin để nhận định.

6. Qua ý kiến từ các vị lãnh đạo của Eximbank, theo tôi, đã cho thấy một kẽ hở trong hoạt động ngân hàng. Đó là việc pháp luật cho phép người của ngân hàng tới nhà khách hàng làm việc với khách hàng theo kiểu "cá nhân" - "cá nhân", mà không có sự giám sát, kiểm tra hay phát hiện. Hay như việc cho rút, chuyển tiền ra khỏi tài khoản cá nhân, với số tiền rất lớn, lại thông qua người uỷ quyền mà không có sự kiểm tra, thẩm định chặt chẽ ...vv.

7. Bất luận thế nào, tôi cho rằng sự việc này là một bài học kinh nghiệm "lớn" không chỉ riêng đối với bà Bình, mà còn cho tất cả mọi người. Tuyệt đối không nên chủ quan, ký những giấy tờ liên quan đến tài sản của mình, mà không bảo đảm sự chặt chẽ về mặt pháp lý, không tỉnh táo sáng suốt. 

8. Bổ sung: Trên báo Tuổi Trẻ ngày 24/2/2018, có nêu ý kiến của bà Chu Thị Bình cho rằng ngân hàng phải trả tiền cho bà ngay mà không cần đưa ra Toà án giải quyết (như phía ngân hàng đề nghị). Bà Bình cho rằng ông Lê Nguyên Hưng đã lừa đảo ngân hàng Eximbank (để lấy tiền trong tài khoản của bà), chứ không phải lừa đảo bà. Người bị mất tiền ở đây là ngân hàng chứ không phải bà. Vì không có đầy đủ thông tin, cũng không có điều kiện xem các tài liệu, giấy tờ liên quan, ... và cũng không có quyền, nên tôi không có cơ sở để đánh giá hay đưa ra nhận định. Tuy nhiên tôi cho rằng hiện tại, xét về mặt pháp lý, thì người bị mất tiền đang là bà Bình. Vì tài khoản của bà đã không còn tiền. Bà cũng không thể đơn giản yêu cầu ngân hàng phải "trả" tiền cho mình trong bối cảnh chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự và có các yếu tố hình sự - ở đây là toà án. 

Mời quý vị tham khảo những quy định của pháp luật mà chúng tôi trích dẫn bên dưới.

.......

* Quy định tại Bộ luật dân sự 2015:

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Điều 126. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn

1. Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.

Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

Điều 128. Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN

Điều 562. Hợp đồng ủy quyền


Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 563. Thời hạn ủy quyền

Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Điều 564. Ủy quyền lại

1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:

a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;

b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

2. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

3. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.

Điều 565. Nghĩa vụ của bên được ủy quyền

1. Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.

2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.

3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.

4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.

5. Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.

Điều 566. Quyền của bên được ủy quyền

1. Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.

2. Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.

Điều 567. Nghĩa vụ của bên ủy quyền

1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc.

2. Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.

3. Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.

Điều 568. Quyền của bên ủy quyền

1. Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.

2. Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật này.

Điều 569. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền

1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.