Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

Tội phạm cấp cao


Tội phạm cấp cao

12-3-2018

Ảnh: internet

Đã bao nhiêu người từng là nạn nhân của tội phạm công nghệ cao và tìm đến Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công an để yêu cầu truy tìm và bắt giữ các đối tượng chiếm đoạt tiền của mình?
Có ai ngờ rằng Cục trưởng cục này lại là kẻ đứng đầu bảo kê đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng. Và còn nhiều tướng, tá khác sẽ bị truy tố trong thời gian tới về những tội phạm chức vụ tương tự.
Thật là khủng khiếp khi chính cơ quan chống tội phạm lại phạm tội đặc biệt nguy hiểm. Nó làm tội phạm gia tăng và hoành hành xã hội, không những thế nó còn khiến chúng coi thường pháp luật và có thể ám hại những người tốt. Nó cướp đi những công việc và cơ hội chân chính cho những người có trình độ và lương thiện. Nó biến quốc gia là nơi để chúng trục lợi và tàn phá.
Tại sao những tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm lại có chức vụ cao đến vậy? Chúng đã từng có thể khuynh loát được nhiều cơ quan, hệ thống quyền lực, kể cả ở trung ương, vì lúc đó chúng rất mạnh cả về vị thế và có sự liên kết chặt chẽ, tinh vi và chuyên nghiệp với những nhóm cùng chung lợi ích trong chính quyền ở các mắt xích quan trọng cũng như những tổ chức tội phạm ở ngoài xã hội.
Có ai đã từng là người đi nhờ kẻ âm thầm phạm tội đi truy bắt tội phạm hay chưa? Và kết quả ra sao sau những lần tố giác?
Còn bao nhiêu loại tội phạm nữa đang lũng đoạn chính trường Việt Nam?
Bảo sao rất nhiều tội phạm, mà ngày càng nguy hiểm, gia tăng, hơn hết là chúng còn diễn ra ngang nhiên trước những lời kêu cứu của nhiều người dân thấp cổ bé họng trong xã hội. Bao nhiêu tội phạm đã được bỏ qua, bao nhiêu vụ tố giác chìm vào im lặng?
Đến đây tôi lại cảm thấy chua chát cho những con người nghiên cứu luật, giảng dạy luật cũng như hành nghề luật, và quan trọng hơn là những người đang học về luật, không hiểu họ có thấy ê chề cho cái ngành, nghề mà nó đáng ra phải là giá trị bảo vệ cao nhất cho quốc gia và con người mà lại bị chà đạp, coi khinh và vô nghĩa đến thế hay không trước các tổ chức tội phạm có tính quyền lực trong hệ thống chính trị?
Họ vẫn thản nhiên giảng dạy, trao đổi và hành nghề với những thứ nguyên tắc hay định chế viển vông ở đâu đâu vậy? Họ rao giảng và truyền đạt những giá trị nào của luật pháp cho nhau nghe? Họ vẫn nhởn nhơ và làm thinh trước thân phận của luật pháp, vẫn tuyên bố về những đạo lý cao đẹp hay lẽ công bằng như thể nó vẫn đang tồn tại, nhưng họ có hiểu luật pháp ra sao và có vai trò gì cho con người và xã hội, vì bản thân họ còn chẳng biết nó dùng vào việc gì và có hữu ích gì cho cuộc sống đang ngày càng suy thoái trầm trọng này hay không.
Làm sao mà họ có thể sống được một cách vui vẻ và an lòng với những bất công và sự nguy hiểm luôn thường trực đến thế?
Rồi tôi lại nghĩ đến giáo dục và những kẻ tuyên giảng đạo đức, những chân lý sống hàng ngày với vẻ cao ngạo và mãn nguyện trước sự hào hứng của dân chúng. Hoá ra toàn là sự lừa phỉnh và chứa đầy sự khốn nạn và kể cả là tội ác suy đồi trong đó.
Xin kết lại một câu mà chắc hẳn chúng ta ai cũng có thể thấy đó như là một chân lý hiển nhiên trong bất cứ quốc gia nào và thời đại nào cũng vậy: Nếu những kẻ có quyền chức (cấp cao) mà thực hiện các hành vi phạm tội hoặc bảo kê cho tội phạm, thì ắt đó là biểu hiện cho sự suy mạt của một chính quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.