Thần linh và quan chức CSVN
Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Đất nước Việt Nam dưới chế độ cộng sản ngày nay, có thể nói không ngoa rằng đúng là một xứ sở của lễ hội, ngày nào cũng có lễ, tháng nào cũng có hội và năm nào cũng có... đại lễ?! từ lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng (và lễ hội học đòi từ các quốc gia tây phương), theo vùng, miền, sắc dân, như lễ làng, lễ xứ, lễ dân tộc Kinh, lễ dân tộc thiểu số Tày, Mường, Lô Lô, Jarai, Rhade, tới lễ hội cấp quốc gia như lễ đền Hùng, lễ chùa Hương, lễ đền Trần, lễ Bà chúa xứ núi Sam, lễ lăng Ông… hay có tầm vóc toàn quốc như tết Nguyên Đán, với tổng cộng gần 8.000 lễ hội hàng năm.
Ý nghĩa và giá trị nguyên thủy của lễ hội thường là phản ánh nền văn minh, văn hóa của một nước, nên ngoại trừ các lễ hội lịch sử chiếm một phần nhỏ, mang tính uống nước nhớ nguồn, vinh danh chiến công chống ngoại xâm và những anh hùng, liệt nữ dân tộc, đa số các lễ hội dân gian của Việt Nam đều xuất phát từ căn bản tôn giáo, tín ngưỡng đương thời, thường mang nặng màu sắc thần quyền, với việc thờ, lạy, lễ, bái là hành vi chủ đạo, thiêng liêng nhất và vấn đề cầu xin là quan trọng nhất, đối với mọi lễ, cũng như với mọi người tham dự lễ. Do đó, theo thời gian yếu tố tương thích thời đại sẽ có những lễ hội bị mai một, quên lãng, nhưng cũng có những cái được duy trì lâu dài và có những lễ mới nẩy sinh, tương ứng với đà phát triển của cộng đồng.
Dưới chế độ cộng sản đang cai trị Việt Nam ngày nay, thay vì thuận theo quy luật vận động tất yếu của xã hội, thay vì đời sống càng văn minh, các lễ hội mê tín dị đoan phải lần lượt bị đào thải, thì ngược lại mọi loại hình lễ hội từ đời kiếp nào, hồi khai thiên lập địa, hoặc từ thuở "bình minh của dân tộc" lại rùng rùng đội mồ sống dậy, với đầy đủ tính chất bán khai của nó. Lý do vì đâu? Trong vũ trụ quan của người cộng sản, bản chất của thế giới là vật chất, vật chất có trước, ý thức (tư tưởng, hay trí óc) có sau và vật chất quyết định ý thức. Do đó với chủ nghĩa duy vật, con người khi chết là hết, không có linh hồn, cũng chẳng có thiên đàng hay địa ngục. Vậy tại sao trong hàng ngũ những kẻ đang nhiệt thành lạy thần, vái thánh đó – công khai, hay lén lút, không thiếu đủ loại cán bộ cộng sản, từ cao xuống thấp đang tìm cách dựa dẫm vào thần linh?.
Không khó để có thể hiểu được điều thứ nhất. Các yếu tố sụp đổ "thành trì cách mạng tháng 10" ở Nga và các nước vô sản Đông Âu, yêu cầu phải đổi màu để tồn tại và với sự phát triển vũ bão của kỷ nguyên Internet, đã là những tác nhân chính khiến đảng cộng sản Việt Nam phải đổi mới chủ trương ngu dân truyền thống, kiểu bưng bít thông tin và tuyên truyền tẩy não, qua các chủ trương định hướng dư luận, cũng như nỗ lực chuyển hướng cảm thụ của người dân sang những lĩnh vực phi chính trị, từ trụy lạc hóa cộng đồng dưới các hình thức như ngầm dung túng tệ nạn cờ bạc, rượu chè, hút xách, đĩ điếm, đến u mê thần tượng hóa và cổ võ xu hướng tự tôn lố bịch trong các phong trào thể dục, thể thao, nghệ thuật, phòng trà, giới showbiz và tệ hại hơn là xã hội hóa, phục dựng lại các hủ tục mê tín, dị đoan, bằng cách đẩy mạnh phát triển mọi thứ lễ hội, cầu đảo, bói toán, đồng bóng… trong mục đích tập trung đám đông vào các lễ hội vô thưởng, vô phạt, vừa là một thứ van an toàn (safety valve) xả hơi các dồn nén bất công, áp bức trong xã hội, vừa làm mê muội người dân ngày càng thêm nặng nề.
Do xuất phát điểm vẫn là một quốc gia chưa phát triển, phần lớn mọi thành phần dân chúng trong xã hội vừa chịu ảnh hưởng nặng nhân sinh quan Phật giáo, vừa trộn lẫn với các triết lý Khổng giáo, Lảo giáo, nên hệ tư tưởng sùng bái thần quyền và các thế lực siêu nhiên đã trở thành thâm căn cố đế. Môi trường xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã trở thành bát nháo, hổn loạn, vô pháp, mạnh được yếu thua, giáo dục thì lạc hậu, môi trường sống ô nhiểm trầm trọng, an toàn giao thông và vệ sinh thực phẩm là con số không, mà không thể trông mong gì vào ngành y tế bất nhân, vừa bệ rạc, thiếu khả năng trong điều trị, vừa thiếu vắng y đức, tình người, mọi thứ chỉ là mối tương quan tiền đâu – đầu tiên!!! Cộng hưởng hai yếu tố mưu toan ngu dân của chế độ và nhu cầu bám víu vào thần linh, do đã mất niềm tin lý tính vào xã hội phải nhờ quyền uy siêu nhiên giúp đỡ, che chở của dân chúng trong cộng đồng, khiến mọi lễ hội cúng bái nhanh chóng tái hiện và phát triển ào ạt như nấm mọc sau mưa.
Cả một xã hội đắm chìm trong mê tín dị đoan, van nài, trông chờ và hy vọng vào quyền lực huyền bí. Triết lý nhà Phật xuống cấp, hoằng pháp không bằng hoạt động thầy cúng, dâng sao giải hạn, đốt sớ cầu phúc, bá tánh thi nhau cúng tiền nhét vào tay tượng thần, tượng thánh, cúng tiến đủ thứ lễ vật, đốt vàng mã cho người đã khuất, từ xe hơi, biệt thự, đến chân dài để xin phù hộ. Ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội đền Hùng, đền Trần biến dạng trở thành méo mó, thay vì xiển dương giáo dục nguồn cội, ghi nhớ công ơn dựng nước và giữ nước của tiền nhân, thì trở thành sự phô diễn vô học, cúng bánh cho lớn tới mức kỷ lục, chen lấn, đấm đá, giành giựt mọi thứ đã bị nhà đền kinh doanh đôn lên hàng huyền bí, phả mùi danh lợi, thăng quan tiến chức, là phúc, là lộc đầy mơ hồ, viển vông. Theo kết quả khảo sát của chính phủ cộng sản Việt Nam, năm 2012 trung bình một gia đình người Việt chi 574.000 VNĐ cho chi phí cúng lễ, toàn quốc là 13.000 tỷ đồng, năm 2016 tăng lên trung bình 654.000 VNĐ (đã loại yếu tố lạm phát), toàn quốc là 16.000 tỷ đồng, chưa tính đến các chi phí khác như ma chay, giỗ chạp và đi lại, cũng đã cao gấp 8 lần, so với chi phí về đồ chơi và sách truyện cho trẻ em (1).
Với giới quan lại cộng sản tuy không thể hiển lộ công khai, nhưng trong âm thầm nhu cầu quay lại với tâm linh cũng không kém phần quan trọng, nếu không muốn nói là đã trở nên thúc bách hơn, sau sự kiện tan rã trong một sớm một chiều, vô phương cứu vãn của cả khối cộng sản quốc tế và những cảnh kết bè kéo cánh, ân đền oán trả, hay ác lai ác báo đầy rẫy sau hậu trường.
Đối với tầng lớp cán bộ cấp thấp, thừa hành, do phải tiếp tục quay cuồng trong hệ thống tổ chức để giữ danh lợi, địa vị, trong khi lý tưởng cộng sản đã mục ruỗng, thoái hóa, biến thái thành thứ kinh tế thị trường hoang dã, khiến sự tranh đoạt quyền lực trong nội bộ đảng ngày càng quyết liệt và tàn bạo, tình đồng chí chỉ thể hiện ngoài mặt, bên trong là liên tục đấu đá, đưa tới cảnh lên ông xuống thằng chẳng mấy chốc, có khi còn cả mất mạng, buộc họ phải xếp xó bộ vỏ vô thần, đổ xô đi cầu cạnh, mua chuộc thần thánh theo bản chất tiềm ẩn của người Việt – tâm lý này của giới cán bộ cấp thấp, trung gian, càng bị nặng nề hơn, bởi tầng lớp xuất thân đa số chỉ là bình dân, ít học – để mong mua lấy bình an cho bản thân và gia đình, giữ được quyền và tiền, hay cao hơn là còn là thăng tiến trên quan lộ và trong cuộc chiến "ai thắng ai" thuộc nhiều phe, nhóm lợi ích khác nhau.
Bên cạnh đó, âm thầm hơn – hay đau khổ, sợ hãi hơn (?) là tâm lý ngã ba đường trong giới cán bộ thanh gươm lá chắn của đảng, tức thành phần đồ tể, hiếu sát cần thiết cho sự tồn vong của đảng, của thành phần cán bộ "lão thành" có thâm niên quyền lực, nay đang đứng trước giới hạn sinh, tử của con người và cả thành phần cán bộ cao cấp, trung cấp đương nhiệm, tất cả vừa vẫn muốn bám chặt vào quyền hành danh lợi để vinh thân phì gia, nhưng đồng thờ cũng muốn bám víu vào thần linh, sau khi đã chứng kiến bao nhiêu tai họa, các điều tai ương xảy ra cho bản thân, hoặc cho đồng đảng, mà không thể nào lý giải được theo kiểu duy vật biện chứng, đành hối hả gỡ gạc theo kiểu… hối lộ thần thánh, chạy theo tâm lý Á đông gia tăng cúng bái để cầu phước(?), giải oan và xin ơn trên, thần thánh xí xóa tội lỗi(?).
Một bí thư huyện ra lệnh phá hủy miếu Thành Hoàng, ít ngày sau kẻ thi hành lên cơn động kinh rồi chết. Những bóng người kỳ lạ trong đồn công an, có nhiều người uổng tử vì thắt cổ bằng dây lưng quần. Xa hơn là các loan truyền về những bóng ma thiếu nữ hay xuất hiện tại quảng trường Ba Đình, nạn nhân phải dâng tiết trinh cho các cụ rồi bị giết để phi tang nội vụ. Cụ thể hơn như Đinh La Thăng một thời hét ra lửa mửa ra khói, nay vào tù, có dính líu quả báo thế nào với vụ phá chùa Liên Trì – Thủ Thiêm năm 2016 (?). Một danh sách khá dài - nhưng không thể nào đầy đủ do thuộc loại bí mật quốc gia – cũng cho thấy vợ chồng Phạm Văn Đồng bị tuyệt tự, cuối đời thì vợ điên, chồng mù, con gái Trường Chinh cũng dở dở, ương ương, con gái Lê Duẩn chết trên bàn sanh, con trai Đinh Đức Thiện (Phan Đình Dinh) bắn chết cha, con trai Nguyễn Văn Linh tự sát… là các tiếng xì xào, thì thầm đầy lo ngại giữa giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam, là sự hoang mang đến mất phương hướng, khi lao vào cúng bái, phóng sinh, cất chùa, dựng miếu, hầu đồng, đi tu, xảy ra trong nhiều tầng lớp cán bộ đảng, hay trong gia đình cán bộ đảng.
Đức Phật dạy phước phải do mình tạo nên, không thể cầu mà có và tích phước là cả một quá trình lâu dài, bởi vậy nhân gian mới có câu "Phước bảy mươi đời" và đối nghịch lại là "Gieo nhân nào thì gặt quả đó". Người cộng sản lúc đương thời, thạnh thế hô hào "Thằng trời đi chổ khác chơi, để cho nông hội tiến lên làm mùa", nay phải đối diện với cái hữu hạn của kiếp nhân sinh, thấy sự bất lực của thứ sức mạnh phi nghĩa bạo ngược, phải nghe, phải sống trong đau khổ của nghiệp chướng, ác lai ác báo… thì chuyện hồi đầu cầu đảo, hối lộ thần linh chỉ là việc ruồi bâu – nhưng phù hợp với trình độ và gốc tích phát xuất của họ, chỉ tội nghiệp là người dân Việt Nam, cứ bị thứ chủ nghĩa cộng sản dẫn dắt đi từ tai họa này đến u mê khác, chưa biết đến lúc nào mới chấm dứt.
03/2018
(1) Người Việt chi tiền cho đồ cúng nhiều hơn đồ chơi và sách cho trẻ, RFA, 3/2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.