Tại sao cuốn sách “Một người quốc dân” của tôi sẽ khó lòng nào được xuất bản chính thống ở Việt Nam?!
1-3-2018
Bởi mấy lý do chính sau đây:
Một là đã đưa ra những quan điểm về vấn đề chống lại việc độc đảng và độc quyền chính trị. Tức không thể quy định vị thế lãnh đạo nhà nước và xã hội một cách toàn bộ cho bất cứ nhóm người, tổ chức hay đảng phái nào. Phải biết chọn bạn mà chơi chứ không thể cứ coi kẻ lưu manh hay luôn với tâm thế chèn ép, chiếm đoạt tài sản của ta là bạn bè thân hữu. Phải đề phòng và có kế sách mà dự phòng, đối phó. Nêu rõ sự quyết định của thể chế chính trị đối với con người và xã hội, tức tới sự phát triển của quốc gia, nên phải tránh mọi sự độc tài và cần có cơ chế vận hành quyền lực khoa học.
Thứ hai là việc phải biết trung thực với lịch sử dân tộc, trong đó nói lên việc không được phép thiên lệch hoặc dùng vị thế của người chiếm lĩnh lịch sử (bên thắng cuộc) để viết và diễn giải biến sử theo những thông tin một chiều và không khách quan. Phải có trách nhiệm hoà hợp hoà giải dân tộc, không được dùng lịch sử thiên vị để ăn mừng mãi chiến thắng của mình mà làm tổn thương phần còn lại của chính đồng bào mình. Cũng không được mãi sống trong hào quang của quá khứ, vì cuộc sống là hiện tại và tương lai phía trước. Nên cần gác lại cả huy hoàng lẫn bi thương để xây dựng đất nước, không để quốc gia suy thoái và lụn bại. Phải có nỗi nhục khi đất nước kém phát triển để mà bắt tay vào tái thiết quốc gia.
Thứ ba là nói về việc phê phán mạnh mẽ thói thiếu trách nhiệm nhưng lại thích được tụng ca. Trong đó có đề cập đến việc nhiều người hám danh luôn tự mãn về bản thân, coi mình là đỉnh cao trí tuệ, đến mức thuê người khác viết để ca ngợi mình hoặc thậm chí tự mình lấy một bút danh khác để khen ngợi chính mình. Điều đó thật nguy hiểm và là hành vi của người không phải trí thức hay bậc chính nhân quân tử. Điều đó là không được phép với một người có nhận thức và phẩm cách trong một xã hội văn minh. Lên án và phê phán trực diện những đức tính và thói xấu của đa phần người dân trong xã hội, từ đó sẽ có hướng cải sửa và tu tính.
Thứ tư là, giáo dục phải bằng tình yêu thương và lòng trung thực chứ không thể dùng các hình ảnh bạo lực từ thuở nhỏ (thiếu niên) để tuyên truyền và coi đó là các hình ảnh anh hùng. Những thế hệ được giáo dục bằng các tư liệu và hình ảnh như thế thì chỉ khiến chúng trở nên có xu hướng tiêu cực và bạo lực. Thay vì như vậy, ta dùng những hình ảnh đấu tranh bất bạo động và bằng tình yêu thương để cải biến và thay đổi xã hội thông qua các biểu tượng hoà bình trên thế giới đã làm được trong lịch sử mới là cần thiết và đúng đắn. Khẳng định tầm quan trọng của giáo dục tự do, khai phóng và không thiên lệch hay bị áp đặt về chính trị theo ý chí nhà cầm quyền, chủ yếu với mục đích tuyên truyền và trói buộc tư duy, tư tưởng.
Thứ năm là, phải có tinh thần phê phán đối với chính phủ. Chính phủ không được coi những quan điểm trái chiều hay bất đồng là nguy hại, mà phải coi đó là những giá trị để tham khảo và có nghĩa vụ tiếp nhận từ người dân. Vì người dân là người chủ của quốc gia và chính quyền chứ không phải là con cừu nào ở đây để phải sợ hãi chính phủ cả.
Thứ sáu là, trách nhiệm của người trí thức, phải độc lập, phải biết đấu tranh và lên tiếng, không được học bằng cách tầm chương trích cú theo kiểu khoa bảng xưa kia. Không chỉ chăm chăm chui vào nhà nước để hưởng lợi lộc và an thân hay cố đạt nhiều bằng cấp để loè bịp thiên hạ. Phải có chức phận đem kiến thức của mình để phổ biến tới người dân, khai sáng cho những người thiếu hiểu biết hoặc kém được tiếp cận thông tin hơn. Phải biết đấu tranh với tiêu cực và nhất là với cái chính phủ đang ăn bám người dân bằng những đồng tiền thuế là mồ hôi nước mắt của dân. Người trí thức thì phải có khí chất và không được ươn hèn. Không xu nịnh và sống theo kiểu gió chiều nào theo chiều đó.
Thứ bảy là, phải dùng luật pháp văn minh để quản lý đất nước, thiếu hiểu biết hoặc không tôn trọng luật pháp, mà đặc biệt là Hiến pháp khoa học, thì chỉ tạo ra loạn lạc cho xã hội. Trong đời sống quốc nội sẽ rối ren và tạo ra tình trạng vô chính phủ. Đối với quốc tế thì bị thiệt thòi và gánh chịu hậu quả là bị cô lập trong sự khinh rẻ của bạn bè thế giới. Và nói rõ việc quyền lực phải bị kiểm soát và nằm dưới luật pháp. Bất kể sự tiếm quyền nào cũng đều tiềm ẩn sự tha hoá quyền lực và tạo ra những khốn khổ cho dân chúng.
Thứ tám là, mỗi người phải có hai trách nhiệm cùng lúc, đó là vừa sống tốt và hữu ích với vai trò của bản thân, vừa phải gánh trọng trách của một người quốc dân với trách nhiệm người chủ quốc gia, cống hiến cũng như xây dựng, cải biến xã hội tốt hơn lên. Không được thờ ơ, bỏ mặc đất nước ra sao thì ra. Nếu chỉ an thân sống bàng quan thì đó là nỗi bất hạnh của dân tộc và đất nước.
Thứ chín là, không được bám vịn vào thần thánh, phải có đời sống kinh tế phát triển và dựa vào khoa học tân tiến, phải có niềm tin vào nhau để cùng liên kết và phát triển. Chống lại việc thần thánh hoá cá nhân, lãnh tụ. Nó vừa là để xã hội có nếp sống văn minh vừa bảo vệ được đất nước. Ở đó phê phán việc lười lao động nhưng thích ngồi mát hưởng bát vàng. Kinh tế phụ thuộc vào nước ngoài rồi mất nước lúc nào không hay. Mà nghèo đói thì dẫn tới bất ổn, nợ nần nhiều và có thể gây ra những hậu hoạ lớn cho quốc gia. Phải tiếp thu những thành quả văn minh của nhân loại chứ không thể bài bác và phủ nhận những thành tựu của thế giới đang vận dụng thành công và ngày càng vươn xa. Không thể một mình một đường vì sẽ lạc loài so với thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.