Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

Nói thêm về giáo dục


Nói thêm về giáo dục

Mạc Văn Trang
13-3-2018
Hôm qua tôi có đăng lên FB bài “Nhân chuyện cô giáo bắt học sinh quỳ – Phải đổi mới căn bản quan niệm giáo dục học sinh”, đã gây ra cuộc trao đổi nho nhỏ, khá thú vị, rất bổ ích.  Qua đó thấy cần trả lời một số ý kiến sau.
1. Bài viết chỉ là “lý thuyết suông”, áp dụng sao được vào thực tế! Lý thuyết đều “suông” cả, Kinh Phật, Kinh Thánh càng “suông” hơn. Chỉ ai biết suy nghĩ, chịu khó hiểu, tin, áp dụng và “ngộ ra” thì lý thuyết mới thành sức mạnh, góp phần thay đổi nhận thức và làm chuyển biến thực tại. Còn những người bằng lòng với thực tại, hoặc không nghe, không đọc, không tin vào lý thuyết nào nữa (có thể thực tại làm họ đang hưởng lợi), thì nói làm chi!
Lý thuyết có phần đúng với nền giáo dục các nước tiến tiến, chứ nước ta “dân tí thấp”, lại “ảnh hưởng Nho giáo nặng nề”, chưa áp dụng như bài viết được. Tôi bảo, quan niệm này là “phản động” (với nghĩa, cản trở sự tiến bộ). Ta nhớ là cách đây 100 năm, dân trí ta thấp thế nào? Nho giáo bao trùm xã hội ra sao? Vậy mà người Pháp vẫn đem nền giáo dục tiến bộ nhất thế giới lúc bấy giờ vào mở trường, dạy học theo quan điểm, nội dung, phương pháp hoàn toàn mới trong một xã hội phong kiến, lạc hậu và đã thành công tốt đẹp; họ đã đào tạo ra bao nhiêu người tài cho Việt Nam; đặt nền móng cho Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Y học, Kiến trúc, Giao thông – công chính, Hội họa, Âm nhạc, Văn chương, Báo chí… hiện đại. Toàn bộ Chính phủ Hồ Chí Minh 1945 đều được Tây đào tạo, không nhiều thì ít … Ở đây cho thấy sức mạnh của nền giáo dục tiên tiến, vượt lên trên thực tại lạc hậu, có thể soi đường, dẫn dắt xã hội ra sao.
Giáo dục gia đình mới quyết định, nhà trường chỉ hỗ trợ thôi; trong khi ở Việt Nam, nhiều người cha, mẹ không quan tâm giáo dục con cái... Đúng là gia đình ảnh hưởng rất lớn đến tính cách trẻ em bởi di truyền và môi trường sống. Nhưng giáo dục nhà trường mới đem đến cho trẻ em nhưng tri thức, kỹ năng hiện đại một cách hệ thống; mới hình thành, phát triển nhân cách HS theo xu hướng của thời đại, giúp thế hệ trẻ thích ứng với thế giới văn minh… Nhà trường sinh ra là để thay mặt gia đình, xã hội, tổ chức sự trưởng thành của thế hệ trẻ một cách tối ưu nhất, tiến bộ nhất. Sứ mệnh của giáo dục, của người GV lớn lao là ở đó. Như vậy nhà trường không chỉ “hỗ trợ” mà là quyết định! Không có gì chứng minh cho điều này rõ hơn là, nhiều người cha, mẹ ở nước lạc hậu, nhập cư vào các nước văn minh, họ không biết tiếng của nước sở tại, thậm chí còn đang ở trong trại người nhập cư, cách ly với xã hội; nhưng con họ được đến trường học của nước sở tại, vẫn trở thành người văn minh, hiện đại. Một nghiên cứu ở Đức của GS Helmker và cộng sự (2010), cho thấy trẻ em người Việt nhập cư, có thành tích học tập ngang như HS của nước sở tại. Vậy nhà trường là quyết định chứ!
4. Cả xã hội xuống cấp, mình giáo dục làm gì được. Về căn bản, ý kiến này đúng. Xét về tính quy luật xã hội thì giáo dục chỉ là một hệ thống con trong hệ thống Mẹ; nó chịu sự chi phối của các hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và vận hành trong khuôn khổ của một thể chế, khó vượt ra ngoài… Nhưng giáo dục có tính độc lập tương đối. Bản chất của giáo dục là truyền bá những giá trị tinh hoa, tiên tiến của nhân loại; những thể chế tiến bộ sẽ thúc đẩy phát triển giáo dục mạnh mẽ và giáo dục lại thúc đẩy chế độ xã hội hoàn thiện, mạnh mẽ hơn; ngược lại, những thể chế lạc hậu, đi ngược với xu thế văn minh nhân loại, sẽ kìm hãm giáo dục, nhưng từ bản chất của nó, giáo dục chính là nơi nuôi dưỡng những “chồi non, lá mới”, là “ngòi nổ” của các phong trào cách mạng, lật đổ các thể chế thối nát, cản trở bước tiến của mỗi dân tộc.
Cho nên sứ mệnh của nhà trường và nhà giáo không phải là ngụp lặn trong vũng bùn nhơ nhớp của thực tại xã hội, mà là dẫn dắt HS vượt lên trên nó, tiếp thu những giá trị văn minh của thời đại, đem lại niềm tin và hy vọng cho dân tộc. Đó mới là sứ mệnh đích thực của giáo dục và nhà giáo mà nhân dân mong đợi.
5. Thay lời kết. Cô giáo Nguyễn Thanh Hải thành viên nhóm Cánh Buồm, đang phụ trách chuyên môn của trường quốc tế Gateway, Hà Nội, tối qua gửi email cho tôi như sau: Bài viết hay quá bác ạ, Trường cháu hiện đang mời các chuyên gia Tây về đào tạo cho giáo viên, nhà quản lý…Nhưng cháu thấy chẳng hơn gì những cái bác và thầy Toàn vẫn hướng dẫn. Thành ra với vấn đề này thì nơi nghèo không có tiền thì vẫn chậm tiến như bác nói, nơi nào có tiền thì cũng không biết cách tiêu, mất tiền sang tận bên Tây để mời người về đào tạo… Chắc Bụt nhà không thiêng, phải Bụt Tây mới thiêng”!
Tôi tin rằng có những Hiệu trưởng, có nhiều Nhà giáo nhận thức rõ sứ mệnh của giáo dục, vẫn đang lặng lẽ triển khai trong thực tế đầy khó khăn, khắc nghiệt, tâm nguyện của mình. Còn học sinh, sinh viên bao giờ cũng quý trọng, ghi nhớ, biết ơn những người Thầy như thế, vì bản chất của tuổi trẻ là luôn khát khao tìm đến các giá trị Chân, Thiện, Mỹ, Ích của thời đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.