Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Ngáo đá làm chết người: tội "vô ý làm chết người" hay tội "giết người"?

Ngáo đá làm chết người: tội "vô ý làm chết người" hay tội "giết người"? 

Ls. Trần Hồng Phong bình luận

Khi một người đang trong trạng thái ngáo đá (mất kiểm soát do sử dụng ma tuý, chất kích thích nặng) mà có hành động làm chết người, thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Nếu có, thì phạm tội "vô ý làm chết người", hay tội "giết người"? hay là một tội danh nào khác? 

<< Một thanh niên đang ngáo đá leo và đi trên dây điện! Giả sử anh này rớt xuống gây chết người, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự (ảnh minh hoạ)

Trong cơn ngáo đá, nhét tỏi vào miệng nạn nhân gây chết người

Ngày 5/3/2018 vừa qua, một cô gái 20 tuổi tên H. (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã tử vong trong một căn nhà tại nội thành Hà Nội. Nghi can được xác định là ca sĩ Châu Việt Cường (quê Thanh Hoá).

Ngày 6/3/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình (Hà Nội, nơi xảy ra vụ án mạng) đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Châu Việt Cường, về tội danh "vô ý làm chết người" theo Điều 128 Bộ luật hình sự (2015).

Theo thông tin trên báo chí mấy ngày qua, bước đầu ca sĩ Châu Việt Cường khai nhận đã cùng cô gái tên H. (và một số bạn bè khác) về nhà bạn sử dụng ma tuý suốt đêm. Sau đó do bị ảo giác từ ma tuý, Châu Việt Cường cho rằng cô gái tên H. bị "ma nhập", nên đã ghì cổ, nhét tỏi vào miệng. Hành động của Châu Việt Cường khiến chị H. bị nghẹt thở, dẫn đến tử vong.

Theo lời một nhân chứng tên T., căn nhà nơi xảy ra vụ án là nhà mượn. Tối 4/3/2018, ca sĩ Châu Việt Cường đến nhà và rủ T. “chơi” ma túy. Sau đó, Cường gọi thêm H. và một phụ nữ khác đến chơi cùng. Đến khoảng 8h ngày hôm sau, Cường và chị H. đều phê ma túy. Chị H. cho rằng trong nhà có ma và đi tìm tỏi để nhai rồi đưa cho Cường nhai cùng. Trong cơn “ngáo đá”, Cường cho rằng chị H. bị ma nhập nên đã dùng tỏi nhét vào miệng nạn nhân khiến chị H. ngạt thở dẫn đến tử vong.

Tin mới nhất trên báo Người lao động ngày 12/3/2018 cho hay: gia đình nạn nhân H. không đồng ý với việc Châu Việt Cường bị khởi tố với tội danh "vô ý làm chết người", mà đề nghị xem xét về tội "giết người". Lý do: theo quy định của pháp luật hình sự, dù Châu Việt Cường bị ngáo đá (do sử dụng ma tuý), thì vẫn phải chịu trách nhiệm về tội "giết người"

.....

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:

Truy tố tội "giết người" phù hợp hơn

1. Trước hết, đây là một vụ việc có tính chất và hậu quả rất nghiêm trọng, một mạng người tử vong. Do vậy, việc cơ quan công an bước đầu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nghi can gây án (ở đây là ca sỹ Châu Việt Cường), để chính thức điều tra làm rõ về nguyên nhân vì sao nạn nhân chết? ai giết? nếu có thì phạm tội gì? ... là cần thiết, đúng pháp luật.

2. Việc cơ quan điều tra xác định và khởi tố điều tra Châu Việt Cường về tội danh gì (hiện nay là tội "vô ý làm chết người") là thuộc thẩm quyền và theo nhận thức, đánh giá tại thời điểm khởi tố, căn cứ vào những thông tin, kết quả xác minh bước đầu. Trong quá trình điều tra, truy tố hay có thể là ở giai đoạn xét xử (là các giai đoạn tố tụng của một vụ án hình sự), có thể sẽ có sự thay đổi, chẳng hạn từ tội danh "vô ý làm chết người" thành tội danh "giết người". Đây là điều bình thường, phù hợp với quy định của pháp luật. 

Vấn đề quan trọng nhất cần phải giải quyết là: phải truy tố và kết tội bị can về tội danh đúng với bản chất, sự thật khách quan của sự việc. Không làm tăng nặng, nhưng cũng không "bỏ lọt" tính chất nguy hiểm của hành vi. Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ án có sự thay đổi về tội danh. Điều này phụ thuộc vào kết quả điều tra cuối cùng, việc đánh giá chứng cứ và cả quan điểm, nhận thức chủ quan của những người tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán xét xử).

3. Vậy với những tình tiết đã tương đối rõ ràng như hiện nay, thì bị can Châu Việt Cường bị khởi tố về tội danh "vô ý làm chết người" như theo quan điểm của cơ quan điều tra đã hợp lý chưa? Hay phải là tội "giết người" theo quan điểm của gia đình nạn nhân mới hợp lý hơn? Về quan điểm cá nhân, thì tôi cho rằng hành vi của bị can Châu Việt Cường có nhiều dấu hiệu để quy kết về tội "giết người" sẽ hợp lý hơn là tội "vô ý làm chết người". Vì những lý do sau đây:

Như chúng ta đã biết, một hành vi có bị xác định là tội phạm hay không phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm. Gồm: khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan và chủ thể của tội phạm.

Cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta đã xác định được:

Khách thể: là tính mạng của chị H. đã bị xâm hại. Đây là dấu hiệu của các tội về xâm phạm tính mạng con người - quy định trong Bộ luật hình sự. Trong đó có 2 tội danh "vô ý làm chết người" và "giết người" bước đầu xác định là phù hợp nhất.

Về mặt khách quan: là những dấu hiệu của hành vi phạm tội. Ở đây chính là việc bị can Châu Việt Cường nhét tỏi vào miệng chị H., là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết. Bản thân Châu Việt Cường cũng đã thừa nhận (kể lại) và phù hợp với lời khai của các nhân chứng. Như vậy, yếu tố này cũng đã rõ ràng.

Về mặt chủ thể: là người thực hiện hành vi phạm tội. Trong vụ án này, hiện nay Châu Việt Cường đã thừa nhận là mình. Lời khai của các nhân chứng cũng vậy. Như vậy, yếu tố này cũng đã xác định rõ. 

Cả 3 yếu tố trên đều có thể là những yếu tố/dấu hiệu cấu thành của tội "giết người" hoặc "vô ý làm chết người". Do vậy, yếu tố cuối cùng và cũng là quan trọng nhất: mặt chủ quan - sẽ xác định chính xác (tương đối) nhất khả năng Châu Việt Cường phạm tội gì (là phù hợp nhất).

4. Để làm rõ, chúng ta cần xem xét, đối chiếu quy định của pháp luật giữa hai tội danh "giết người" và "vô ý làm chết người". Kế đó, chúng ta cần phải xem xét quy định của pháp luật trong trường hợp bị can bị ngáo đá (do sử dụng chất ma tuý) thì giải quyết như thế nào?

Châu Việt Cường có cố ý giết hại chị H. không? Theo các thông tin, chúng ta thấy rằng Châu Việt Cường không có mâu thuẫn, tư thù gì với chị H. trước khi sự việc xảy ra. Hay nói khác đi, cho đến thời điểm sử dụng chất ma tuý, tôi cho rằng Châu Việt Cường không có ý định sát hại chị H. Như vậy, có thể nói rằng việc chị H. tử vong không phải là kết quả của một hành vi cố ý (có ý thức) của Châu Việt Cường - trong trường hợp Châu Việt Cường tỉnh táo. Tôi nhấn mạnh yếu tố "trong trường hợp Châu Việt Cường tỉnh táo".

Tức là chị H. đã bị tử vong do hành vi của Châu Việt Cường thực hiện trong thời điểm Cường bị ngáo đá (do sử dụng ma tuý). Do bị ngáo đá, Cường đã mất nhận thức, không thể kiểm soát được hành vi của mình. Từ đó đã "lỡ tay" làm chết chị H. Như vậy, nếu nói Châu Việt Cường đã vô ý (lỡ tay, không cố ý" làm chết chị H. cũng là hợp lý. Không phải là sự nguỵ biện hay né tránh.

5. Tuy nhiên, vấn đề ở đây, là trường hợp của Châu Việt Cường rơi vào tình huống "phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác" - quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự 2015. Nguyên văn điều luật như sau:

Điều 13. Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác

Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.


Như vậy, chúng ta thấy rằng khi một người thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, do sử dụng chất ma tuý như Châu Việt Cường, thì "vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự". Tức là không thoát tội.

6. Phải chăng là với quy định như trên, Châu Việt Cường phải chịu trách nhiệm về tội "giết người" chứ không phải về tội "vô ý làm chết người" như đã bị khởi tố hiện nay?

Có quan điểm (của một luật sư, đăng trên báo Người Lao Động) cho rằng nếu như người thực hiện hành vi bị bệnh mãn tính hoặc hạn chế về khả năng ý thức thì có thể xem xét về hành vi vô ý làm chết người. Tuy nhiên, ở đây người thực hiện hành vi hoàn toàn bình thường, khi sử dụng ma túy đá đã biết có thể bị kích thích gây ra ảo giác, nhưng cố tình đưa mình vào thế bị mất năng lực nhận thức. Do vậy, họ biết cho nhiều tỏi vào trong miệng của người khác sẽ gây ra nguy hiểm đến tính mạng người khác và thực hiện đều chủ động được cả về hành vi lẫn biết được hậu quả. Do vậy, trong trường hợp này Châu Việt Cường phải chịu trách nhiệm về tội "giết người".

7. Tôi đồng ý với quan điểm trên, và muốn làm rõ hơn bằng cách đưa ra một tình huống giả định khác. Giả sử rằng cũng trong tình huống của sự việc trên, nhưng thay vì nhét tỏi làm chết chị H., thì Châu Việt Cường lại dùng dao rạch vào người chị H. chẳng hạn, và gây thương tích tỷ lệ 40%. Trong trường hợp này, chúng ta thấy không có tội danh "vô ý gây thương tích" để "thay thế" cho tội danh "cố ý gây thương tích". Và theo quy định tại Điều 13 nói trên, Châu Việt Cường sẽ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "cố ý gây thương tích" - mặc dù là khi đó Cường đang bị ngáo đá. Tức là dù anh ngáo đá, nhưng do anh tự ý sử dụng ma tuý chứ không ai ép buộc anh, thì anh vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự - như đối với trường hợp anh đang "bình thường".  

Hay một ví dụ khác dễ hình dung hơn: Anh A là tài xế lái xe khách. Bữa nọ anh A uống rượu say trước khi lái xe, khi lái gây tai nạn làm thương vong một số hành khách trên xe. Chẳng lẽ anh A không có trách nhiệm gì? Mà thậm chí việc uống rượu trong khi làm việc còn là tình tiết tăng nặng.

Ngoài ra, có lẽ cũng cần nói thêm là theo quy định tại Điều 10 Bộ luật hình sự (2015), thì "cố ý phạm tội" phải hiểu không hẳn là sự cố ý khi gây án, mà còn bao gồm cả ý thức của người thực hiện hành vi, trong việc tự mình phải có trách nhiệm "thấy trước hậu quả của hành vi có thể xảy ra", cho dù là không mong muốn. (Xem điều luật bên dưới) 

Tóm lại, trong vụ án này, tôi cơ bản đồng ý với quan điểm của gia đình nạn nhân: Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Châu Việt Cường về tội danh "giết người" là phù hợp hơn. Tất nhiên đây chỉ là quan điểm cá nhân, trên tinh thần trao đổi khoa học pháp lý, không nhằm mục đích làm tăng nặng cho bị can.

Cuối cùng, tôi muốn nói đây là một vụ án không đáng để xảy ra. Ngoài việc mất đi một mạng người, thì cũng vô cùng đáng tiếc cho bị can Châu Việt Cường. Hãy tránh xa ma tuý!
.....

Bài liên quan:
....

* Quy định tại Bộ luật hình sự (2015):

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 128. Tội vô ý làm chết người


1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Điều 10. Cố ý phạm tội

Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.