‘Kỳ khôi công an’ và ‘kỳ quan kỳ quặc’
Lò Văn Củi
7-3-2018
Ông Hai Xích lô nói:
– Ê Củi, tao chở lại cho xe củi nghen.
Củi tui trợn tròn mắt chứ biết làm sao:
– Thôi thôi ông Hai, để con mần củi kiếm cơm kiếm cháo, con hổng có… xây lò.
– Tao dân ngu cu đen, nói đúng nghĩa củi à, hổng có nghĩa láng, nghĩa trơn hay nghĩa bóng gì ráo á.
– Dạ, cũng thôi. Ông Hai ‘kỳ… khôi công an’ quá nghen, con là thằng củi, chuyên mần củi, chuyên bán củi, chuyên cho củi, muốn củi là hỏi Củi con, nay ông Hai lại ‘chở củi dìa rừng’, rừng chắc… bứt dây từng tửng tưng quá.
Xin mở ngoặc chỗ này chút nghen bà con cô bác.
Khôi là anh chàng thiếu úy công anở phường Tân Kiêng, quận 7, TP.HCM. Ảnh mần chuyện kỳ khôi là đêm hôm đêm khuya dựng đầu người ta dậy kiểm tra hành chánh. Hổm Củi tui cũng đã hóng hớt ở quán chị Tư Sồn và biên chép lại rồi đó.
Về các anh công an, thì các anh cũng thường xuyên mần chuyện kỳ khôi.
Như vừa rồi, ngày 26/02/2018, báo Pháp Luật TPHCM có bài: Cam kết năm 2018 của CSGT TP.HCM. Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT Công an TP.HCM (PC67), khẳng định sẽ chỉnh đốn lực lượng trước nạn mãi lộ tồn tại ở TP.HCM: “Năm 2018, việc siết chặt kỷ cương sẽ được ưu tiên tập trung thực hiện nhằm từng bước kéo giảm sai phạm của CSGT“.
Ngay sau đó chừng chỉ một tuần, vào ngày 05/03/2018 thì có bài khác từ báo Thanh niên: “Xe bồn ‘tung hoành’, CSGT TP.HCM ở đâu?”
“Nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan xe bồn không phép xảy ra khiến người dân vô cùng bất an. Thế nhưng, mỗi ngày các ‘hung thần’ này vẫn ung dung chạy ‘lụi’ vào trung tâm TP.HCM mà không thấy sự can thiệp từ cơ quan chức năng.
Vài năm qua, Báo Thanh Niên đã có rất nhiều bài viết phản ánh về thực trạng này, nhưng lực lượng CSGT TP vẫn để xe bồn, xe ben tung hoành trong nội thành, gây nỗi ám ảnh cho người đi đường, gây bức xúc dư luận!”
“Điệp khúc hứa của trung tá Huỳnh Trung Phong
Tháng 6.2016, khi Báo Thanh Niên đăng bài Hung thần xe ben ‘đại náo’ trung tâm Sài Gòn, lúc đó trung tá Huỳnh Trung Phong (ảnh) đang là Phó trưởng phòng PC67, Công an TP.HCM, hứa: ‘Vừa qua, PC67 lập tổ chuyên đề để xử lý rất nghiêm các phương tiện xe bồn, xe container, xe quá khổ quá tải…, trong đó có cả xe ben chở đất cát vi phạm. Với các trường hợp báo chí cung cấp, PC67 sẽ xử lý nghiêm, không bao che’. Đến tháng 7.2017, người dân lại tiếp tục phản ánh tình trạng xe ben, xe bồn chạy bạt mạng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn trên các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh… Vì thế, Báo Thanh Niên lần nữa thực hiện bài Khiếp đảm hung thần xe ben và lần này, ông Phong đã là Trưởng phòng PC67 Công an TP.HCM, tiếp tục hứa: ‘Sẽ tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện để kiểm tra xử lý; sẽ tăng cường thêm các tổ tuần tra kiểm soát dùng camera ghi hình những trường hợp vi phạm để xử phạt; bố trí lực lượng tuần tra trong mọi khung giờ, kiên quyết chấm dứt các hành vi vi phạm nguy hiểm…’.
Tuy nhiên, thực tế thì xe bồn, xe ben (không phép, chạy ẩu…) vẫn ngang nhiên phóng ở trung tâm TP và gây ra những vụ tai nạn như nói trên. Vậy, lực lượng CSGT bất lực hay làm lơ trước thực trạng này?
Báo Thanh Niên cũng nhiều lần phản ánh tình trạng xe ben chở bùn đất, chạy bạt mạng, lấn tuyến vượt đèn đỏ trên đường Cộng Hòa, Trường Chinh, Cách Mạng Tháng 8, Trường Sơn. Đến tháng 12.2017, Thanh Niên tiếp tục đăng loạt 3 bài: 3 năm, xe ben vẫn lộng hành; 3 năm, xe ben lộng hành CSGT vắng bóng khó hiểu; 3 năm, xe ben vẫn lộng hành: Phải làm rõ trách nhiệm của CSGT. Thời điểm đó, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM cũng lên tiếng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của lực lượng CSGT”.
Vậy là bà con cô bác lấy anh Khôi đại diện luôn, thành thử đã có thành ngữ ‘kỳ khôi công an’. Củi tui nói leo theo đó mà.
Xin đóng ngoặc và trở lại vụ ông Hai khơi màu. Ông Hai thấy cặp mắt toàn tròng trắng của Củi tui thì… trợn mắt lại, bộ ổng ngán “thằng Tây, công an Khôi” nào sao:
– ‘Kỳ khôi công an’ cái gì mà kỳ. Chớ sao chánh phủ Hàn quốc viện trợ 10.000 tấn gạo cho các tỉnh miền Trung được? Ta vẫn nhận như thường?
– Vụ này… lớn, con đâu có biết, chuyện quốc gia đại sự mà.
Anh Sáu Nhặt lắc đầu:
– Ờ ha, sao… ‘kỳ khôi công an’ vậy ta, mước ta là nước xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thứ ba thế giới chớ bộ giỡn hà. Nhận gạo hổng lẽ tự cười vô mũi mình hả ta (?)
Anh Năm Ba gác cũng lắc đầu:
– Sao hổng biết xin đổi viện trợ thứ khác. Thiếu gì thứ cần, thuốc men, dụng cụ y tế, tập vở học sinh, làm đường xá bị hư hỏng…
Chú Tám Thinh ca thán:
– Y như họ tự băm nát lòng tự trọng. Và băm nát cho tổn thương hết cỡ tấm lòng của bà con cô bác mình. Nhứt là tấm lòng của bà con miền Nam, miền Tây. Tấm lòng luôn luôn rộng mở, lá rách còn đùm là nát chứ đừng nói là lá lành, hễ có bị thiên tai nơi đâu, bà con đều mở tấm lòng mà góp sức góp của, còn chở tới tận tay cho bà con bị xui rủi. Thì, hổng lẽ lúa gạo quá chừng mà bà con mình hông sớt được dù chỉ chừng một ký lô gram, phải giữ để xuất khẩu sao (?)
Ôi thôi! còn biết bao nhiêu câu hỏi tưởng dễ nhưng quá khó hiểu nữa.
Bây giờ ông Thầy giáo mới chậm rãi nói:
– Có lẽ vì mấy chuyện như vầy thôi.
Vì cán bộ… ba phải, sao cũng được.
Vì quen đi xin, ham của cho. Xin được thì phải lấy. Vì… tự hào nghề đi xin, sẽ vỗ ngực ta xin được như thế (!) Lấy để lần sau xin tiếp, lần sau… mới có thể xin thứ khác.
Vì các bộ ta là những bộ óc “ưu tú”. Cả một rừng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nơi nào cũng có, có khắp cả nước.
Hãy nghe ông Lê Văn Làm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM trả lời ký giả báo Thanh Niên với câu hỏi, “Thưa ông, người được tuyển chọn phải đáp ứng những yêu cầu nào để có thể nhận được những chính sách ưu đãi mà TP.HCM đang tính toán thực hiện?”: “Chuyên gia, nhà khoa học được thu hút phải có đủ các tiêu chuẩn. Về trình độ chuyên môn phải có trình độ tiến sĩ hoặc có học hàm giáo sư, phó giáo sư; nếu chưa có trình độ tiến sĩ thì phải tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc ở trong nước; hoặc tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi trở lên tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài được công nhận văn bằng, chứng chỉ theo quy định pháp luật. Thời gian công tác chuyên môn tối thiểu từ đủ 5 năm trở lên hoặc có liên quan gần nhất với yêu cầu của vị trí tuyển dụng”.
Phải là những bộ óc “kỳ vĩ” mới làm được những chuyện “vĩ mô”, những “kỷ lục” kỷ liếc.
Và vì… vì này thuộc hàng dữ nè, vì cán bộ ta nhận đó, thì làm sao? Thì cứ tập trung chửi bới đi, chửi đã rồi… quên, cán bộ ta cũng “quên” phân phát hàng cứu trợ, chờ “đến một ngày đẹp trời, ngày biển lặng”, đến hẹn ta lại… ăn, ta bán ta ăn ta chia, như đã từng ăn không biết bao nhiêu tiền của cứu trợ cứu nạn của dân chúng.
Chuyện gì chứ chuyện ăn thì bà con ta thấy rõ bộ mặt của cán bộ từ thấp đến cao.
Cán bộ, bà con cô bác còn gọi theo kiểu xưa là quan. ‘Kỳ khôi công an’ đã có kỳ phùng địch thủ, đó là ‘kỳ… quan kỳ quặc’.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.