Khi Trump gặp Kim, Trung Quốc sẽ làm gì?
Nguồn: Zha Daojiong, “When Trump and Kim Meet, What Will Xi Do?”, China File, 13/03/2018.
Biên dịch: Phan Nguyên
Cuộc gặp Kim – Trump mở ra một cơ hội cho cộng đồng quốc tế để giảm kỳ vọng của mình về việc Trung Quốc phải “chịu trách nhiệm” đối với hành vi hạt nhân của Bắc Triều Tiên và yêu cầu Washington đóng một vai trò thỏa đáng hơn.
Dưới thời Trump, các quan chức Hoa Kỳ áp dụng một lập trường cực đoan hơn so với giới tinh hoa nghiên cứu an ninh Hoa Kỳ, những người đã nhiều thập niên nay lập luận rằng thành công gần đây của Trung Quốc được tạo ra ở Hoa Kỳ. Họ cho rằng Washington đã hỗ trợ Trung Quốc bằng cách cho phép nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và sử dụng Hải quân Hoa Kỳ để giữ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương luôn mở cho các hành trình hàng hải vào và ra các cảng Trung Quốc.
Đổi lại, Washington thể hiện tư thế cao đạo bằng cách mong muốn Trung Quốc thực hiện các chính sách liên quan đến Triều Tiên mà Washington tự quyết định một mình hoặc qua tham vấn với Tokyo và/hoặc Seoul.
Trung Quốc đã rất ngạc nhiên khi Trump đưa Triều Tiên trở thành một chủ đề quan trọng trong cuộc gặp đầu tiên của Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 4 năm 2017. Bắc Kinh từ lâu đã lập luận rằng Bắc Triều Tiên là một quốc gia có chủ quyền, tự theo đuổi chính sách đối ngoại và quốc phòng của riêng mình.
Khi Trump gọi điện cho Tập một tuần sau đó, một lần nữa về vấn đề Triều Tiên, đó là một sự tái khẳng định việc chấm dứt sự kiên nhẫn chiến lược đối với Bình Nhưỡng dưới thời Obama. Nhưng chẳng phải là sự thiếu kiên nhẫn của Trump cũng nhắm vào Bắc Kinh hay sao? Chẳng phải giới hoạch định chính sách Triều Tiên của Mỹ thiếu hiểu biết về những giới hạn ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hành vi của Bắc Triều Tiên?
Từ quan điểm của Trung Quốc, Triều Tiên KHÔNG phải là lĩnh vực nơi mà chính quyền Obama đã không hành động gì. Xét cho cùng, dưới thời Obama, Mỹ đã triển khai tại Hàn Quốc Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhiều uy lực nhất của quân đội nước này.
THAAD là vấn đề duy nhất có thể đảo ngược thiện chí giữa Bắc Kinh và Seoul vốn được tạo ra lúc chính quyền Park Geun-hye mới bắt đầu nắm quyền vào tháng 2 năm 2013. Park là nguyên thủ quốc gia duy nhất từ một nước thuộc khối OECD tham dự cuộc diễu binh tháng 9 năm 2015 tại Bắc Kinh nằm kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến II. Hoa Kỳ đã vận động thành công hầu như tất cả các đồng minh chính của mình tẩy chay cuộc diễn binh.
Cuộc gặp gỡ Kim-Trump rất khó dự đoán. Một chút thông tin lịch sử sẽ hữu ích ở đây. Chúng ta thường quên mất rằng khi Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận với Bình Nhưỡng vào năm 1994 để Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, Trung Quốc không được mời tham gia vào quá trình ngoại giao hoặc viện trợ đổi lấy việc đóng băng hạt nhân của Triều Tiên theo chương trình của Tổ chức Phát triển Năng lượng Triều Tiên (KEDO). Quy trình KEDO đã thất bại sau 10 năm, cả trên thực địa lẫn về ngoại giao. Chỉ sau khi Bình Nhưỡng rút khỏi Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân vào tháng 1 năm 2003, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của tất cả các nỗ lực trước đó, thì Trung Quốc mới được yêu cầu tham gia vào nỗ lực đa phương để dẫn dụ Bình Nhưỡng thay đổi hành vi của họ.
Một kết quả đáng mong muốn của cuộc gặp gỡ Kim-Trump là giúp làm giảm căng thẳng, cho phép những người phương Tây bình thường có thể đi du lịch đến Triều Tiên để họ tự chứng kiến xã hội nước này. Cảm nhận kiến thức trực tiếp có thể giúp cân bằng được cách khắc họa – thường là dựa vào trí tưởng tượng và tuyên truyền của phương Tây – về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên.
Zha Daojiong là Giáo sư về Kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Bắc Kinh.
232
1 0 251
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.