Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Hiếp dâm bé gái từ 20 năm trước, có thoát tội được không?

Hiếp dâm bé gái từ 20 năm trước, có thoát tội được không?

Ls. Trần Hồng Phong bình luận 

Một người đàn ông hiếp dâm bé gái 4 tuổi rồi lẩn trốn suốt gần 20 năm vừa bị bắt. Người này có thoát tội không, khi thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sắp hết? Tình huống nào thì gã mất nhân tính như thế này có thể thoát tội, giả sử sau một thời gian dài không bị truy nã?

<< Hiếp dâm trẻ em được xác định là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (ảnh minh hoạ)

Bị bắt sau 20 năm bỏ trốn vì hiếp dâm bé gái 


Báo Thanh Niên đưa tin ngày 8/3/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã bắt được và ra quyết định tạm giam đối với nghi can Nguyễn Văn Hải, 37 tuổi, trú tại xã Nhân Huệ, thị xã Chí Linh, Hải Dương, để điều tra hành vi hiếp dâm trẻ em.

Theo Công an tỉnh Hải Dương, khoảng đầu năm 1999, tức là cách nay 20 năm, Nguyễn Văn Hải đã hiếp dâm một bé gái tên P, khi đó mới 4 tuổi, cùng trú tại xã Nhân Huệ.

Ngay sau đó, Hải bỏ trốn khỏi địa phương và dùng giấy chứng minh nhân dân của một người bạn tên Phạm Văn Th. để làm giấy tờ tùy thân cho mình, sống giả vai.

Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, phát lệnh truy nã đối với Hải.

Đến năm 2011, Hải đã làm hộ chiếu mang tên Th. và trốn sang châu Âu sống.

Đầu năm 2015, Hải về nước, chung sống như vợ chồng với một phụ nữ. Sau đó, Hải tìm đến thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) làm thợ máy cho các tàu biển đến nay (2018).

Sau một thời gian dài điều tra, công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện Hải đang làm việc trên một tàu du lịch trên vùng biển vịnh Hạ Long. Khoảng 15 giờ ngày 7/3/2018, cảnh sát hình sự của Công an 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương phối hợp bắt giữ Nguyễn Văn Hải.

Bước đầu tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Hải đã nhận tội và bị di lý về Hải Dương.

....

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:

Bỏ trốn khi bị truy nã thì không được áp dụng thời hiệu

1. Hành vi hiếp dâm bé gái của đối tượng Nguyễn Văn Hải có thể nói là rất nguy hiểm và nghiêm trọng. Theo quy định của pháp luật hình sự, đây là hành vi phạm tội "hiếp dâm người dưới 16 tuổi", mà chúng ta hay gọi là "hiếp dâm trẻ em".

2. Tội hiếp dâm trẻ em, mà nạn nhân dưới 10 tuổi, được xếp vào loại tội phạm "đặc biệt nghiêm trọng", có mức án từ 15 -20 năm tù, đến tù chung thân, hoặc tử hình. Như vậy, hành vi của Hải trước mắt thuộc trường hợp có dấu hiệu phạm tội ở mức độ "đặc biệt nghiêm trọng". Những vấn đề này được quy định rõ tại Bộ luật hình sự.

3. Trong vụ án này, có một tình tiết "thú vị" về mặt pháp lý, là việc Hải bỏ trốn suốt 20 năm và vấn đề thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự (2015), thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.


Quy định trên được hiểu là: nếu một người nào đó phạm tội thuộc loại "đặc biệt nghiêm trọng", nhưng vì lý do nào đó mà sau 20 năm vẫn chưa bị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự (tức là chưa bị khởi tố, đưa ra xét xử về hành vi phạm tội), thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Tức có thể xem như thoát tội, không có tội.

4. Như vậy, giả sử rằng Nguyễn Văn Hải đã lẩn trốn đủ 20 năm, thì có thoát tội không? - vì đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự? (Lưu ý là chúng tôi chỉ "giả sử" để bàn luận về mặt khoa học pháp lý). Tình huống này về mặt lý thuyết là một khả năng có thể, với 2 điều kiện đi kèm sau đây:

- Người phạm tội "không cố tình trốn tránh" (bỏ trốn khỏi địa phương) và
- Không có quyết định truy nã của cơ quan công an.

5. Tuy nhiên, do Hải đã bỏ trốn trong bối cảnh có lệnh truy nã. Do vậy, Hải vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tức là sắp tới đây sẽ vẫn bị đưa ra xét xử về tội hiếp dâm trẻ em. Cho dù đã lẩn trốn được tới 20 năm!

6. Chúng tôi cũng muốn giải thích thêm là việc pháp luật hình sự đưa ra vấn đề và quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, là thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của con người. Đại để là một người tuy có hành vi tội ác, phạm tội, nhưng họ phải trốn chui trốn nhủi suốt một thời gian dài, tự mình tước đoạt quyền làm người của mình, bị hạn chế, khốn khổ rất nhiều ... - thì đó cũng chính là một loại "hình phạt" cho chính họ rồi! Pháp luật không cần thiết phải "xử" thêm nữa.


.....

* Quy định tại Bộ luật hình sự (2015, sửa đổi bổ sung 2017):

Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Điều 9. Phân loại tội phạm

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:

1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;

3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;

4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Có tính chất loạn luân;
b) Làm nạn nhân có thai;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
đ) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Đối với 02 người trở lên; 
h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Có tổ chức;
b) Nhiều người hiếp một người;
c) Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
e) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
g) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.