CSVN trong quan hệ Mỹ – Trung
4-3-2018
Người dân Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, rất quan tâm đến vận nước nhưng đa số sống trong tâm trạng chờ đợi. Chờ đợi người yêu nước và nhiều khi cũng chờ đợi cả kẻ bán nước. Chờ đợi đồng minh và chờ đợi luôn kẻ thù.
Mỗi tin tức chính trị là cơ hội để những người chờ đợi bàn thảo, suy diễn theo ước muốn và quan điểm chủ quan của mình. Chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng năm 2015 gây nhiều bàn thảo trước khi y đi, phân tích khi y đến, dự đoán những gì sẽ xảy ra sau khi y về.
Nhưng rồi, cũng như bao nhiêu chuyến đi trước của các lãnh đạo CS, sẽ không có gì thay đổi cả. Ngoài Biển Đông, máu của ngư dân Việt Nam đã đổ và sẽ tiếp tục đổ. Trong lòng biển, nguồn dầu khí Việt Nam ngày càng bị vét cạn. Trên đất liền, tài nguyên thiên nhiên bị Trung Cộng khai thác sẽ còn tiếp tục bị khai thác.
Chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng không tạo ra nên một thay đổi cấp bách và tức khắc nào trong bang giao Việt Mỹ và Việt Trung bởi vì thay đổi mang tính cách mạng không phải là mục đích của y.
Mục đích chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng
Một số nhà phân tích cho rằng sự kiện Trung Cộng vào ngày 1 tháng 5, 2014 đã đưa giàn khoan HD-981 đến cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa chỉ 17 hải lý và cách đảo Lý Sơn, thuộc tỉnh Quảng Ngãi 120 hải lý trong khi cách đảo Hải Nam đến 180 hải lý, là điểm vượt giới hạn (tipping point) mà CSVN có thể chấp nhận. Hành động bành trướng một cách lộ liễu của Trung Cộng ít nhiều đã làm cho khuynh hướng chống Tàu gia tăng trong nội bộ lãnh đạo CSVN. Trung Cộng khôn ngoan tạm thời dời giàn khoan để làm dịu tình hình.
Giả thiết Trung Cộng nhận ra và dừng lại tại điểm vượt giới hạn, rồi những gì xảy ra trước sự kiện HD-981, hàng trăm vi phạm trắng trợn luật quốc tế, nghiêm cấm đánh cá, húc đụng tàu bè và tàn sát ngư dân Việt Nam của CSTQ chẳng lẽ là trong giới hạn và được lãnh đạo CSVN chấp nhận hay sao?
Ngày 18 tháng 7, 2015 Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hà Nội “Về nước cũng nhận được nhiều đánh giá, gọi điện hỏi, chúc mừng, cho đây là thành công rất lớn, gọi đây là cuộc gặp gỡ lịch sử, xem ông cộng sản Việt Nam đi ra nước ngoài thế nào mà đến Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, đối thoại với Tổng thống Mỹ, là việc chưa từng có trong lịch sử, mà lại là hai ông cựu thù.”
Mục đích hàng đầu của Nguyễn Phú Trọng đúng là “đến Phòng Bầu dục Nhà Trắng, đối thoại với Tổng thống Mỹ.”
Rất đơn giản, không có gì phức tạp như nhiều người bàn tán. Nguyễn Phú Trọng muốn chứng tỏ cho thế giới và nhất là nhân dân Việt Nam thấy Mỹ đã thừa nhận tính chính danh của đảng CS. Lần đầu tiên một Tổng Bí Thư đảng CSVN đặt chân vô Tòa Bạch Ốc. Không lạ gì trước ngày đi, mấy trăm tờ báo và các hệ thống truyền hình, truyền thanh của đảng đều nhấn mạnh đến chuyện “thảm đỏ” theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Tập Cận Bình, tháng Tư năm nay, 2015, đã dành cho Nguyễn Phú Trọng một buổi tiếp đón trịnh trọng ngoài sức tưởng tượng của y mặc dù trước đó đã từ chối tiếp y. Hình thức tiếp đón dù màu sắc bao nhiêu cũng không gây tiếng vang quốc tế nào vì cả hai đều là lãnh đạo của hai đảng CS.
Như người viết đã trình bày trong bài trước, cách Hoa Kỳ tiếp đón Nguyễn Phú Trọng cho thấy Hoa Kỳ chỉ thừa nhận yếu tố CSVN trong xung đột Biển Đông chứ không phải thừa nhận tính chính danh lãnh đạo Việt Nam của đảng CS.
Đối với các đảng CS cầm quyền, tính chính danh vô cùng quan trọng. Tấm bình phong “giải phóng dân tộc” đã giúp cho các đảng CS ở châu Á tồn tại đến nay trong khi hầu hết các đảng CS châu Âu đều sụp đổ.
Sau biến cố Thiên An Môn, Đặng Tiểu Bình nhận ra rằng chỉ đề cao “tư tưởng Mác Lê” chẳng những không đủ mà còn là một đe dọa đối với chế độ. Để ngăn chặn các tư tưởng tự do dân chủ đang lan rộng trong giới trí thức trẻ, y chỉ thị phải chuyển hướng tuyên truyền từ chủ nghĩa Mác Lê sang chủ nghĩa dân tộc. Ngay cả đảng CSTQ cũng phải thay hình đổi dạng từ một đảng vô sản chuyên chính sang loại hình CS dân tộc. Các lãnh đạo CSVN đã và đang áp dụng gần như rập khuôn phương pháp tuyên truyền của CSTQ qua việc đưa vai trò của chính phủ nổi bật hơn vai trò của đảng và lừa gạt được khá nhiều người.
Trước ngày đi Mỹ, Nguyễn Phú Trọng đã vội vã sang Bắc Kinh triều kiến Tập Cận Bình và trấn an y. Bản tuyên bố chung giữa Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình ký ngày 8 tháng Tư năm 2015 mang nội dung đầu hàng, thần phục. Người đọc có cảm tưởng văn bản này ký năm 1955 khi CSVN thở nhờ bình dưỡng khí Trung Cộng chứ không phải 2015.
Đọc toàn văn bản tuyên bố giữa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng, một người có chút ít kiến thức và nhận thức chính trị căn bản không khỏi ngỡ ngàng.
Ngày nay, nhân loại đã bước đi một đoạn đường trên thiên niên kỷ thứ ba văn minh dân chủ mà Nguyễn Phú Trọng còn buông ra được những câu sặc mùi Diên An, Pác Bó như “tình hữu nghị truyền thống Việt – Trung do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước đích thân vun đắp là tài sản quý báu của hai Đảng.” Y cũng không quên những lời nịnh bợ Trung Cộng một cách lạc lõng khi nhắc lại thời kỳ Mao còn mỗi đêm nã vài ngàn viên đại pháo sang các đảo Kim Môn và Mã Tổ như “ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ Đài Loan độc lập dưới mọi hình thức.”
Chuyến đi Mỹ và nội dung những lời phát biểu Nguyễn Phú Trọng tại Mỹ nếu không phải toàn văn thì cũng đại ý đã được trình bày với Tập Cận Bình. Do đó, mặc dù rất nhạy cảm trước các biến cố ngoại giao gây bất lợi cho Trung Cộng, lãnh đạo Trung Cộng không bày tỏ một thái độ bất bình chính thức nào trước chuyến viếng thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng.
Biết thế nhưng tại sao Obama vẫn tiếp Nguyễn Phú Trọng?
Tại sao không? Các lãnh đạo Hoa Kỳ tiếp bất cứ chính trị gia, lãnh đạo đảng, nhà nước nào phục vụ cho chính sách đối ngoại, trong trường hợp này là bao vây Trung Cộng, của Mỹ. Augusto Pinochet của Chile, Manuel Noriega của Panama, Emílio G. Médici của Ba Tây, Mobutu Sese Seko của Congo, Hosni Mubarak của Ai Cập, Samuel Doe của Liberia và một danh sách dài của các lãnh đạo độc tài đã từng được các tổng thống Mỹ bắt tay hay chào đón tại Phòng Bầu Dục, tòa Bạch Ốc.
Chưa đầy hai năm trước ngày Muammar Gaddafi và con trai của y Mutassim Gadahfi bị giết, tháng Tư 2009, bà Hillary Clinton đã tiếp Mutassim Gadahfi tại Washington DC và ca ngợi việc tái lập quan hệ ngoại giao với kẻ đã từng bị TT Ronald Reagan gọi là “chó điên” nhưng cũng chính Hillary Clinton đã đùa giỡn với các phụ tá “Chúng ta Đến, Chúng ta Thấy, Hắn Chết!” (“We Came, We Saw, He Died!”) khi được báo tin Muammar Gaddafi bị quân cách mạng giết.
Mobutu Sese Seko, một trong những tên độc tài tàn ác nhất Phi Châu, có tài sản ước lượng 5 tỉ Mỹ kim do biển thủ suốt 32 năm cai trị Congo. Sau khi thăm viếng lãnh tụ CS Bắc Hàn Kim Nhật Thành về, Mobutu đã rập khuôn theo cách cai trị tàn ác của họ Kim. Y ra lịnh thay đổi tên đường, tên phố, quốc kỳ, quốc ca, và tháng 10, 1971 thay cả tên nước. Mobutu Sese Seko là một trong những nhà độc tài đã được đón tiếp trịnh trọng đến bốn lần (ba lần dưới thời Ronald Reagan, một lần dưới thời George H. W. Bush) tại Phòng Bầu Dục Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, cũng chính phủ Mỹ năm 1993 đã từ chối cấp thông hành cho Mobutu vào Mỹ khi con cờ chống Liên Xô tại Phi Châu đã không còn cần thiết.
Từ “Xoay trục Thái Bình Dương” (Pacific Pivot) đến “Tái cân bằng” (Rebalance) Á Châu của Mỹ
– Thời TT Bill Clinton. Các nhà chiến lược Mỹ đã thấy nhu cầu xoay trục sang Á Châu rất sớm. Sau Chiến tranh Lạnh, quyền lợi kinh tế thương mại đã được nâng lên ngang tầm với quyền lợi về an ninh quốc gia. Bộ trưởng Thương Mại Ron Brown dưới thời Bill Clinton đã tuyên bố “Quyền lợi thương mại hiện nay ngang mức với an ninh thế giới trong chính sách đối ngoại.” Thượng Đỉnh của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11, 1993 tại Seattle tất cả thành viên của ASEAN, ngoại trừ Mã Lai, đều tham dự. Quan hệ mậu dịch hai chiều giữa Mỹ và các nước ASEAN vào 1996 đã lên đến 109 tỉ Mỹ kim, 57% cao hơn so với Trung Cộng và cao hơn so với Nam Mỹ hay so với Phi Châu. Việc TT Clinton đồng ý tái lập quan hệ ngoại giao với CSVN vào tháng Bảy 1995 cũng là phần trong chiến lược xoay trục sang Á Châu của Mỹ. Tuy nhiên suốt thời kỳ của TT Bill Clinton, chính sách Mỹ đối với Trung Cộng đặt nặng trên các yếu tố kinh tế thương mại hơn là quân sự. Theo kết quả thăm dò của Gallup năm 1999, 47 phần trăm số người được hỏi cho rằng TT Clinton đã đi quá xa trong việc duy trì một quan hệ xây dựng với Trung Cộng.
– Thời TT George W. Bush. TT George W. Bush thuộc đảng Cộng Hòa và bộ tham mưu của ông là những Cộng Hòa bảo thủ. Chính sách đối ngoại của TT George W. Bush đượctóm tắt bằng ba chữ ABC (Anything But Clinton) nghĩa là bất cứ chính sách nào ngoại trừ các chính sách đã được TT Bill Clinton theo đuổi. Suốt thời gian vận động ứng cử George W. Bush nhấn mạnh Trung Cộng là một đe dọa chiến lược đối với Mỹ chứ không phải là hợp tác chiến lược như TT Clinton biện hộ. Condoleezza Rice, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia và sau đó là Ngoại Trưởng thời TT Bush tố cáo “Trung Cộng đang thay đổi cán cân quyền lực theo ý họ.” Chỉ 100 ngày sau khi nhậm chức, TT George W. Bush tuyên bố “sẽ làm tối đa những gì để có thể làm để giúp Đài Loan bảo vệ chính họ” trong trường hợp bị Trung Cộng tấn công. Các tổng thống tiền nhiệm dù Cộng Hòa hay Dân Chủ đều tránh trả lời một cách dứt khoát như TT George W. Bush.
– Trung Cộng “đục nước béo cò” sau biến cố 9/11. Biến cố ngày 11 tháng 9, 2001 đã buộc chính phủ Hoa Kỳ đặt trọng tâm vào Trung Đông hơn là Á Châu Thái Bình Dương. Mỹ cũng cần hòa dịu với Trung Cộng vì muốn Trung Cộng nếu không ủng hộ Mỹ công khai tại Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn quốc tế, ít ra cũng bằng lòng ngầm khi Mỹ phát động chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Chiến tranh Iraq là một cơ hội để Trung Cộng bành trướng Á Châu Thái Bình Dương. Yuan Peng, Giám đốc bộ phận Mỹ thuộc Viện Trung Quốc về Quan Hệ Quốc Tế Hiện Đại thừa nhận “Chúng tôi nắm lấy cơ hội để cải thiện kinh tế, cải thiện các mối quan hệ với láng giềng và cải thiện quan hệ với Mỹ.” Gọi là “cải thiện các mối quan hệ với láng giềng” nhưng thực chất là Trung Cộng gây sự với hầu hết các nước trong vùng như Nhật Bản qua vụ xung đột đảo Senkaku vào tháng Chín 2010, bắn vào tàu đánh cá Philippines và kiểm soát Việt Nam một cách chặt chẽ hơn. Chính phủ Mỹ nghĩ rằng dù sao Trung Cộng nên hành xử với tư cách một cường quốc có trách nhiệm và giữ đúng lời cam kết mà Hồ Cẩm Đào “không chủ trương độc quyền bá chủ” Á Châu Thái Bình Dương. Thực tế đã trái ngược. Từ năm 2006, chi tiêu dành cho quốc phòng của Trung Cộng cao thứ năm trên thế giới và có mức gia tăng hàng năm cao hơn bất cứ quốc gia Tây Phương nào.
– Thời TT Barack Obama. Các chính sách dưới thời TT Obama bao gồm thỏa hiệp tự do mậu dịch với Nam Hàn (FTA), tham gia đàm phán TTP là bước tiếp tục đã được thực hiện từ thời TT George W. Bush. Chủ trương hiện đại hóa quân sự một cách cấp bách của Trung Cộng đã đặt ra cho các nhà làm chính sách Mỹ một chọn lựa phải cứng rắn và cụ thể hơn trước sự bành trướng quân sự của Trung Cộng.
Năm 2010 tại Hà Nội, Hillary Clinton, lúc đó là Ngoại Trưởng, tuyên bố mạnh mẽ Hoa Kỳ sẽ “chống lại việc bất cứ một quốc gia tranh chấp nào sử dụng vũ lực.” Cùng vào thời gian đó, để đánh dấu 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Hoa Kỳ gởi hàng loạt chiến hạm viếng thăm Đà Nẵng hay trong khu vực biển Đà Nẵng như hàng không mẫu hạm USS George Washington, khu trục hạm USS John S. McCain. Năm trước đó, khu trục hạm USS Blue Ridge USS Lassen, tàu bệnh viện USNS Mercy, hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis và cả soái hạm của Đệ thất Hạm đội USS Blue Ridge cũng thăm viếng Việt Nam. Mùa thu 2011 đánh dấu thời điểm chính quyền Obama đặt ưu tiên sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Á Châu lên hàng đầu như đã khẳng định trong diễn văn trước Quốc Hội Úc tháng 11, 2011.
Mặc dù ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ trong tài khóa 2011, 2012 bị cắt giảm nhưng có ảnh hưởng đến Lục Quân và Thủy Quân Lục Chiến nhiều hơn là Hải Quân. Điều đó cho thấy Á Châu-Thái Bình Dương đã được đánh giá cao trong quan điểm của các nhà chiến lược quốc phòng Mỹ. Khái niệm Trận chiến Không Hải (Air-Sea Battle) gọi tắt là ASB là một khái niệm chiến tranh mới do các chiến lược gia quốc phòng Mỹ đặt ra. Khái niệm này được nhắc đến lần đầu vào năm 2010 và là một trong những điểm được các nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ quan tâm nhất. Chiến lược ASB nhắm vào hai đối tượng thù địch là Trung Cộng và Iran.
Sự kiện đưa máy bay thám thính tối tân nhất của Mỹ US P8-A Poseidon bay trên khu vực Trung Cộng đang xây đảo nhân tạo trên Biển Đông và khu trục hạm chiến đấu USS Forth Worth cũng tiến vào khu vực Trung Cộng cho rằng thuộc chủ quyền của họ là một thể hiện của phối hợp chiến lược ASB. Hôm 18 tháng Bảy, 2016 đích thân Đô đốc Scott Swift, Tân Tư Lịnh Đệ Thất Hạm Đội Mỹ đã bay trên phi cơ thám thính U.S. P-8A Poseidon suốt bảy giờ trong Biển Đông. Phát ngôn viên Trung Cộng phản ứng nhẹ và xem đó là một sự kiện quân sự hơn là một biến cố ngoại giao và kêu gọi Mỹ không nên chọn phe trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Cộng và các quốc gia khác trong vùng.
Chính sách bao vây, ngăn chận (containment) của Mỹ đối với Trung Cộng
Liên Xô từng rất mạnh ở trung tâm nhưng yếu ở các vòng ngoài và đã dẫn đến tan vỡ khi các quốc gia vùng Baltic và Trung Á ly khai đòi độc lập. Các lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc luôn bị ám ảnh với các những cuộc nổi dậy như Thiên An Môn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ tại đâu trên lãnh thổ mênh mông và dị biệt sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội. Và cũng giống như Liên Xô, lãnh đạo Trung Cộng buộc phải đáp ứng nhu cầu chuyển hóa tự nhiên của xã hội qua các đổi mới nhưng các lãnh đạo đảng cũng không thể biết trước giọt nước đổi mới nào sẽ làm tràn ly cách mạng dân chủ.
Các nhà chiến lược Mỹ dĩ nhiên chuẩn bị cho mọi khả năng sụp đổ của Trung Cộng nhưng dù khả năng nào, chính sách bao vây ngăn chận tham vọng bành trướng của Trung Cộng vẫn là chính sách được hầu hết các tổng thống Hoa Kỳ đã và đang theo đuổi. Trong thời gian tới, Mỹ sẽ gia tăng áp lực, kể cả áp lực quân sự, từ bên ngoài để Trung Cộng một ngày sẽ tan vỡ từ bên trong, giống như các TT Hoa Kỳ từ Harry Truman đến Ronald Reagan đã thực hiện và thành công đối với Liên Xô.
Mỹ, Trung Cộng và Việt Nam là tam giác?
Vào tháng 6, 2015, trong bài báo trên The Diplomat “A Tipping Point in the US-China-Vietnam Triangle,” tác giả Alexander L. Vuving cho rằng quan hệ giữa Mỹ, Trung Cộng và Việt Nam đang thay đổi sâu sắc và ở trong thế tam giác.
Đánh giá Việt Nam dưới chế độ CS như là một quốc gia có tư thế độc lập không phản ảnh thực tế kinh tế chính trị của Việt Nam trong bang giao quốc tế. CSVN không có được vị trí của một chân kiềng hay chân vạc gì cả. Trung Quốc và Mỹ đều muốn làm thầy, làm chủ để sai khiến giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam thuận theo chính sách của họ hơn là một đồng minh thân cận.
Trong buổi tiếp xúc với “cử tri Hà Nội” ngày 18 tháng 7, 2015 Nguyễn Phú Trọng tuyên bố một cách đắc chí “Rất hay là vừa đi Mỹ về, thì Phó thủ tướng Trung Quốc cũng sang đây.” Nói vậy mà không biết mắc cỡ. Chẳng có gì hay. Việc Barack Obama tiếp Nguyễn Phú Trọng là nằm trong chiến lược chống Trung Cộng bành trướng Á Châu cũng không khác gì khi Richard Nixon tiếp Sese Seko của Congo hay Ronald Reagan tiếp Samuel Doe của Liberia trong chiến lược chống Liên Xô bành trướng sang Phi Châu. Tất cả chỉ là những con cờ ngắn hạn của Mỹ.
Kết luận:
Việt Nam hiện trong vị trí của một quốc gia độn (buffer state). Bài học từ hai cuộc chiến Triều Tiên và Việt Nam cho thấy Trung Cộng bằng mọi cách sẽ giữ quốc gia độn Việt Nam trong vòng lệ thuộc hay ảnh hưởng. Mỹ cũng biết Trung Cộng không dễ dàng thả lỏng Việt Nam nhưng với chính sách bao vây, Mỹ tiếp tục gây áp lực kể cả áp lực quân sự để đẩy Trung Cộng đến một thời điểm chín muồi cho sự tan rã từ bên trong.
Đành rằng nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Cộng với 30% nhập cảng, 12% xuất cảng, 25% du khách viếng Việt Nam, nhưng Trung Cộng không phải là nước không phụ thuộc vào ai. Khoan nhắc đến các yếu tố tham nhũng có tính đảng, chủ nghĩa dân tộc tai họa, tình trạng nhân quyền tồi tệ, ô nhiễm hàng đầu thế giới, chỉ riêng nền kinh tế suy thoái do giảm đầu tư nước ngoài, mức xuất cảng các sản phẩm kỹ nghệ nặng xuống thấp, mất cân đối trong các ngành sản xuất là những vấn đề mà các lãnh đạo Trung Cộng phải điên đầu.
Giả thiết Việt Nam là một Nam Hàn, Singapore, Thái Lan, Mã Lai, Trung Cộng có thể vẫn tìm cách gây hấn, ăn hiếp nhưng không sai khiến các “lãnh đạo” như sai đầy tớ, muốn cho gặp thì gặp không muốn thì thôi như Tập Cận Bình đối xử với các lãnh đạo CSVN.
Ngoài Việt Nam, Trung Cộng chia sẻ biên giới với 13 quốc gia khác là Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Mongolia, Bhutan, Nepal, Miến Điện, Nga, Bắc Hàn và Lào. Phần lớn các quốc gia này nhỏ hơn Việt Nam nhiều nhưng không có một lãnh đạo quốc gia nào phải chầu chực, hầu hạ các lãnh đạo Trung Cộng như cách các lãnh đạo CSVN đã và đang làm.
Lý do Trung Cộng sai khiến lãnh đạo CSVN dễ dàng vì chúng biết rõ gan ruột của đàn em một lần phản trắc này xem quyền lợi của đảng lớn hơn, quan trọng hơn sự quyền lợi của đất nước. Duy trì quyền cai trị của đảng CS là mục tiêu tối thượng, chi phối toàn bộ chính sách đối nội và đối ngoại, ngắn hạn cũng như dài hạn của đảng CSVN.
Khi phân tích về quan hệ giữa Việt–Mỹ và Việt–Trung, nhiều nhà phân tích Tây phương bỏ sót một yếu tố có tính quyết định, đó là cơ chế chính trị. Nếu đi ngược dòng lịch sử Việt Nam cận đại, các nhà phân tích đó sẽ thấy cốt tủy của mọi xung đột chính là cơ chế chính trị CS.
Muốn đứng thế chân vạc, một quốc gia trước hết phải có vị trí độc lập trong tương quan về chính trị, kinh tế và quân sự quốc tế. CSVN không có được vị trí độc lập và sẽ không bao giờ có được vị trí độc lập khi nào đảng CS vẫn còn độc quyền cai trị Việt Nam. Để có một vị trí độc lập trong bang giao quốc tế và để tạo thế liên minh tin cậy chiến lược, Việt Nam trước hết phải là một quốc gia dân chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.