Công bố “li hôn” AVG – chiêu trò gì?
13-3-2018
Tối qua, một số báo đã công bố thông tin, thậm chí cả biên bản làm việc về việc ông Phạm Nhật Vũ mua lại AVG từ Mobifone. Cuộc họp này diễn ra hôm 12/3 dưới sự chủ trì của Bộ TTTT.
Tin cho hay, ông Phạm Nhật Vũ, chủ cũ của AVG có thư xin mua lại AVG với giá đã bán cộng với lãi suất. Tóm lại là trả lại nguyên vẹn tiền của nhà nước đã bỏ ra để mua AVG để ông Vũ nhận lại “hàng” của mình, tức là trở về nguyên trạng.
Xin chưa bàn đến việc có phù hợp với quy định của pháp luật hay không, khi hai bên thống nhất huỷ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, vì thực chất, nay ông Vũ mua lại AVG là mua tài sản nhà nước, không phải mua rau ngoài chợ, mà chỉ bàn về việc nhanh chóng công bố thông tin này.
Nên nhớ thương vụ AVG, trước đây khi giao cho Mobifone mua AVG, ông Trương Minh Tuấn đã có văn bản chỉ đạo không tuyên truyền rộng rãi vụ mua bán này, đồng thời xin Bộ CA, để đưa vào danh mục bí mật, mức độ MẬT. Nay, vừa họp xong thì báo chí được cung cấp ngay thông tin.
Mục đích của việc này, theo tôi là chiêu trò, thứ nhất là để trấn an dư luận, rằng đã thu hồi tài sản. Thứ nhì là để khẳng định, việc trước đây định giá 8.900 tỷ đồng để mua 95% cổ phần của AVG là đúng. Và khi đã “thanh minh” với dư luận việc mua đúng, thì gián tiếp công bố với dư luận là thanh tra sai.
Tuy nhiên, công bố Phạm Nhật Vũ mua lại AVG từ tay Mobifone, thể hiện trước đây, thương vụ này vi phạm pháp luật.
Bằng cớ là, kết luận của Ban bí thư nói: Thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát. Và, việc thương thảo để Phạm Nhật Vũ mua lại chính là đang thu hồi tài sản nhà nước. Như vậy khẳng định, thương vụ Mobifone mua AVG là có thất thoát tài sản nhà nước. Mà làm thất thoát tài sản nhà nước là vi phạm pháp luật.
Đó là chưa kể trong Văn bản ngày 26/11/2014, ông Trương Minh Tuấn còn “vẽ” nên việc có cơ quan tình báo nước ngoài chỉ đạo doanh nghiệp nước ngoài mua AVG, mà theo tôi là không ngoài mục đích dùng ngân sách nhà nước (thông qua Doanh nghiệp nhà nước – Mobifone) để mua AVG.
AVG về với ông Vũ và tiền nhân dân về với nhà nước, là điều đáng mừng. Nhưng không vì thế mà quên mất tài sản nhà nước đã thất thoát, do vậy, những ai làm thất thoát tài sản nhà nước phải được xử lí nghiêm minh.
_____
13-3-2018
AVG và MobiFone đã thống nhất hủy hợp đồng chuyển nhượng, tức là AVG sẽ trả lại toàn bộ số tiền cho MobiFone. Hành động này chỉ được coi là một biện pháp “khắc phục hậu quả” cho các sai phạm của cả 2 bên, chứ không làm chấm dứt hoạt động điều tra và truy tố theo các tội danh hình sự.
Bởi lẽ, việc MobiFone bỏ ra hơn 8 ngàn tỷ đồng mua lại công ty AVG, trong khi giá trị thực của AVG chỉ khoản 600 tỷ đồng, nó là các sai phạm cố ý về thẩm định giá, về quản lý kinh tế thuộc sỡ hữu nhà nước, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.
Hành vi sai phạm và hậu quả ngân sách nhà nước bị thất thoát đã xảy ra, mục đích chiếm dụng tài sản nhà nước trong giao dịch này đã đạt được. Giờ đây giao dịch này không còn là sự thoả thuận, thương lượng theo bộ luật dân sự nữa, mà nó còn bị điều chỉnh bởi bộ luật hình sự.
Theo quy định pháp luật, cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục tiến hành các hoạt động điều tra và truy tố về các sai phạm hình sự trong vụ mua bán này. Việc 2 bên tự nguyện hủy hợp đồng, hoàn trả lại tiền chỉ là một biện pháp khắc phục hậu quả để toà án xem xét giảm nhẹ hình phạt khi xét xử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.