Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Quyền qua lại vô hại dưới Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển

Quyền qua lại vô hại dưới Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển

bauxitevn7:09 AM


Ls Nguyễn Văn Thân
Ngày 30 tháng 1 vừa qua, hải quân Mỹ đã đưa tàu chiến USS Curtis Wilbur đi vào phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền tại Hoàng Sa.  Mục đích của hải quân Mỹ là thực thi quyền tự do hàng hải và thách thức những hạn chế quá mức gồm có các điều kiện thông báo hoặc xin phép trước mà Mỹ cho rằng Trung Quốc, Việt Nam và Đài loan đặt ra trái với tinh thần của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (Công ước). Trung Quốc đã lớn tiếng phản đối và phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân đã cáo buộc Mỹ “vi phạm luật Trung Quốc và đe dọa an ninh trên biển”. Ông Dương cũng cho biết là phía Trung Quốc đã “cảnh báo và xua đuổi tàu Mỹ đi ra một cách nhanh chóng”. Nhưng trước đó thì Bộ Quốc phòng Mỹ ra thông cáo báo chí xác nhận là hải trình của tàu chiến Mỹ tiến hành suôn sẻ không gặp trở ngại nào. Không biết giữa hai Bộ Quốc phòng Mỹ hay Trung Quốc thì nên tin bên nào?
Việt Nam cũng có lên tiếng về vấn đề này. ông Lê Hải Bình thuộc Bộ Ngoại giao Việt nam cho hay là Việt Nam tôn trọng “quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định liên quan tới luật quốc tế đặc biệt là Điều 17 của Công ước”. Bộ Trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne trước đó cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ.

Quyền đi qua lãnh hải vô hại được quy định trong Phần 2 Mục 3 từ điều 17 tới 32 của Công ước. Điều 17 quy định là tàu thuyền của tất cả quốc gia có quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải của một quốc gia ven biển. Điều 18 định nghĩa "đi qua" có nghĩa là đi ngang qua nhưng không đi vào nội thủy, hoặc đậu lại và việc đi qua phải liên tục và nhanh chóng trừ khi gặp trường hợp bất khả kháng ví dụ như khi tàu thuyền đang bị lâm nguy hay mắc cạn hoặc phải thi hành mục đích cứu giúp người hay tàu thuyền. Điều 19 quy định một số điều kiện là tàu thuyền thực hành quyền đi qua vô hại trong lãnh hải không được gây phương hại đến hòa bình, trật tự, an ninh của quốc gia ven biển ví dụ như đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền, lãnh thổ trái với luật pháp quốc tế, diễn tập trận với bất kỳ loại vũ khí nào, thu thập tình báo, tuyên truyền nhằm làm hại đến quốc gia ven biển, buôn lậu người hoặc hàng hóa, gây ô nhiễm môi trường, đánh bắt hải sản, nghiên cứu hay đo đạc, làm rối loạn hệ thống truyền tin hoặc có bất cứ hành động nào không trực tiếp liên quan đến việc đi qua lãnh hải. Tóm lại, mục đích của quyền đi qua vô hại là tạo điều kiện lưu thông dễ dàng và thuận tiện cho tàu thuyền trên biển với điều kiện là không ảnh hưởng đến an ninh của quốc gia ven biển theo đúng khái niệm tự do hàng hải và biển cả là tài sản chung của nhân loại.
Mặt khác, Công ước cũng nghĩ tới quyền lợi an ninh của quốc gia ven biển. Điều 21 của Công ước cho phép quốc gia ven biển ban hành luật hạn chế quyền đi qua vô hại phù hợp với Công ước và luật quốc tế về các vấn đề liên quan tới an toàn hàng hải, bảo vệ thiết bị và các hệ thống bảo đảm hàng hải, bảo vệ tài nguyên sinh vật biển, gìn giữ môi trường, ngăn ngừa buôn lậu. Tuy nhiên, quốc gia ven biển không được phân biệt đối xử hoặc cản trở quyền đi qua vô hại của tàu thuyền nước ngoài trừ những trường hợp cụ thể nêu trên mà Công ước quy định và không được thu lệ phí đối với tàu thuyền nước ngoài khi các tàu này đi qua lãnh hải của quốc gia ven biển.
Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều công nhân quyền đi qua lãnh hải vô hại của tàu buôn hoặc tàu dân sự nhưng đối với tàu chiến hoặc tàu quân sự thì vẫn còn là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Các quốc gia có sức mạnh hải quân thường  cổ xúy cho quyền đi qua vô hại áp dụng cho tàu dân sự lẫn quân sự và tận dụng khái niệm tự do hàng hải để thực hành chính sách an ninh và chiến lược của họ. Một số quốc gia khác thì muốn áp đặt điều kiện là tàu quân sự phải thông báo hoặc xin phép trước khi hành xử quyền đi qua vô hại. Điều kiện thông báo hoặc xin phép trước có phù hợp với quyên đi qua vô hại dưới Điều 17 của Công ước hay không thì chưa có câu trả lời rõ ràng. 
Điều 27(1) của Luật Biển Việt Nam 2012 quy định: “Tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài chỉ được đi vào nội thủy, neo đậu tại một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu trong nội thủy...theo lời mời của Chính phủ Việt Nam hoặc theo thỏa thuận giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với quốc gia mà tàu mang cờ”. Điều 27(2) quy định “Tàu quân sự và tàu thuyền công vụ của nước ngoài khi ở trong nội thủy, cảng, bến hay nơi trú đậu trong nội thủy...phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và phải hoạt động phù hợp với lời mời của Chính phủ Việt Nam”. Điều 28 quy định là khi tàu quân sự của nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật thì lực lượng tuần tra có quyền yêu cầu tàu đó rời khỏi lãnh hải Việt Nam ngay lập tức.
Tuy nhiên, nếu diễn giải một cách khắt khe thì Điều 27(1) này không áp dụng cho trường hợp đi qua vô hại vì theo định nghĩa dưới Điều 18 của Công ước, “đi qua” là đi ngang lãnh hải nhưng không “đi vào” nội thủy. Điều 27(2) bổ túc cho Điều 27(1), tức cũng không áp dụng trong trường hợp “đi qua”. 
Ngoài ra, quy chế pháp lý của tàu quân sự nước ngoài cũng được ghi nhận cụ thể trong một số Nghị định mà Chính phủ Việt Nam ban hành. Nghị định 55/CP ngày 1/10/1996 quy định về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm Việt Nam. Theo đó, tàu cần phải xin phép trước chậm nhất 30 ngày qua đường ngoại giao. Ngày 5/12/2012, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 104/2012/NDD-CP đặt ra một số quy định về hoạt động cùa tàu quân sự nước ngoài đến thăm Việt Nam và thủ tục xin và cấp giấy phép. Trong khi đó, Nghị định 30/CP ngày 29/1/1980 quy định tàu quân sự nước ngoài muốn vào vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam phải xin phép Chính phủ ít nhất là 30 ngày. Trước và sau khi được phép phải thông báo 48 giờ trước khi bắt đầu đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam. Theo nhận định của một số luật sư, điều kiện này trái với quy định của Công ước vì vùng tiếp giáp lãnh hải là một phần của vùng đặc quyền kinh tế mà các quốc gia khác có toàn quyền tự do hàng hải.   
Tương tự như vậy, Điều 6 của  Luật Biển Trung Quốc 1992 ghi nhận quyền đi qua vô hại của tàu dân sự nước ngoài nhưng yêu cầu tàu quân sự phải xin phép trước và tuân thủ các điều luật và quy định của Trung Quốc. 
Năm 1989, hai quốc gia có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới là Hoa Kỳ và Liên Xô ra một thông báo chung là “Tất cả mọi tàu thuyền gồm có tàu chiến, chuyên chở bất cứ hàng hóa nào và di chuyển dưới hình thức nào đều hưởng quyền đi qua vô hại theo đúng luật quốc tế mà không cần phải thông báo hoặc xin phép trước”. Thật ra, Công ước không phân biệt giữa tàu quân sự hoặc dân sự và tiêu đề của Điều 17 ghi rõ là các quy tắc liên quan tới quyền đi qua vô hại áp dụng cho tất cả các loại tàu thuyền (có nghĩa là gồm có tàu chiến). Ngoài ra, không có bất kỳ quy định nào trong Công ước đặt ra một quy chế pháp lý riêng biệt dành cho tàu quân sự.  Khi một số quốc gia như Trung Quốc yêu cầu là tàu quân sự phải thông báo hoặc xin phép trước khi thực thi quyền đi qua vô hại thì điều kiện này có thể được coi là một hình thức phân biệt đối xử trái với Công ước.
Tưởng cũng nên nhắc lại là hồi tháng 9 năm ngoái, 5 chiếc tàu chiến của Trung Quốc đã đi qua lãnh hải Mỹ tại biển Berring ở ngoài khơi Alaska theo quy tắc đi qua vô hại trong lúc diễn tập trận chung với Nga. Lúc đó, Bắc kinh không có thông báo hoặc xin phép Mỹ trước và Mỹ cũng không đòi hỏi điều kiện đó. Do đó, không có lý do gì Mỹ phải thông báo hoặc xin phép trước đối với Trung Quốc khi thực thi quyền đi qua vô hại quanh đảo Tri Tôn. Đó là chưa kể chủ quyền của đảo này cũng như quần đảo Hoàng Sa còn đang là đề tài tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc thì không chịu đàm phán và tin mới nhất cho biết là Trung Quốc đã đưa hỏa tiễn ra đảo Phú Lâm để thực hiện kế hoạch thâu tóm Biển Đông. Nhưng Việt Nam thì không dám sử dụng giải pháp pháp lý và khởi kiện như Phi Luật Tân mà chỉ tiếp tục đưa ra những lời tuyên bố phản đối chiếu lệ. Do đó, có thể kết luận rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hầu như đã quyết định bỏ rơi chủ quyền tại Hoàng Sa để đổi lấy "đại cục" đúng theo yêu cầu của Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản đàn anh Trung Quốc.
N.V.T.
clip_image001Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.