Cuộc chiến lâu dài của Đặng Tiểu Bình: xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam, 1979-1991 (The New Cold War History). The University of North Carolina Press, 2015.
bauxitevn7:43 AM
pp. 67-89
Chương 3: Vạch kế hoạch và chuẩn bị xâm lược
Trương Hiểu Minh
(Zhamg Xiaoming 张晓明)
Phan Văn Song dịch
Ngày 9 tháng 12 năm 1978, hai Quân khu Quảng Châu và Côn Minh nhận được lệnh triển khai quân đội ở biên giới Việt Nam truớc ngày 10 tháng 1 chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh “hạn chế về thời gian và không gian” với “lực lượng áp đảo”. Nhiều binh sĩ Trung Quốc đồn đoán rằng Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam và không rõ họ sẽ đánh thắng hay không. Quân đội Trung Quốc (PLA) chưa từng đánh một cuộc chiến tranh lớn nào trong gần ba mươi năm. Vì vậy, không có sĩ quan nào từ cấp tiểu đoàn trở xuống có kinh nghiệm chiến đấu. Hơn nữa, cách mạng văn hóa đã làm cho tinh thần và tiếng tăm của PLA xuống mức thấp nhất từ truớc tới giờ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, kể cả chính Đặng Tiểu Bình, đều không biết chắc về khả năng chiến đấu của PLA. Trong mớ mơ hồ và không chắc chắn đó, Quân khu Quảng Châu và Côn Minh bắt tay vào việc vạch kế hoạch chi tiết và chuẩn bị cho cuộc xâm lược của Việt Nam.
[Chương này nghiên cứu việc PLA thực hiện các hoạt động xâm lược ở cấp chiến dịch và chiến thuật trong bối cảnh lịch sử thời Chiến tranh Lạnh]. Trung Quốc chưa từng lập kế hoạch đánh VN, và quân đội Trung Quốc chưa bao giờ chuẩn bị cho một hành động quân sự như vậy truớc đây. Lực luợng vũ trang Trung Quốc quân số thiếu, trang bị kém và huấn luyện tồi. Khó khăn nghiêm trọng nhất là sự thiếu nhiệt tình trong đội ngũ binh lính. Nhiều lính không hiểu tại sao họ lại đi tấn công một nuớc có vẻ giống như - và thường được so sánh với - nuớc “đàn em” của Trung Quốc.
PLA đã phát triển cách tiếp cận riêng về chiến tranh và kiểu cách độc đáo riêng về thể chế. Phần lớn sự kế tục tìm thấy trong học thuyết, chiến lược, và khái niệm hoạt động quân sự của PLA được dựa trên việc tuân thủ các nguyên tắc của chủ nghĩa Mao, ngay cả khi đánh nhau với một kẻ thù yếu như Việt Nam. Tư tưởng quân sự của Mao, “hệ thống công tác chính trị” của PLA và việc huy động xã hội phục vụ các hành động quân sự đều đóng vai trò quan trọng trong chỉ đạo lập kế hoạch và chuẩn bị cho cuộc xâm lược. Các đặc điểm về thuật dùng binh của PLA trong các chiến dịch quân sự trong cuộc xâm lược này cho thấy trước cả tính kế tục và những thay đổi trong nhiều năm tới. Chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống Việt Nam là một công cuộc tầm cỡ quốc gia phục vụ cho các mục tiêu chiến lược của lãnh đạo Trung Quốc.
Các di sản lý luận và thể chế của PLA
Năm 1979, các sĩ quan cấp cao của PLA vẫn là các tướng của Mao, có kinh nghiệm chiến đấu trong chiến tranh chống Nhật, nội chiến với Quốc Dân đảng, và chiến tranh Triều Tiên. Họ đã nằm lòng cách tiếp cận của Mao đối với xung đột. Trong lập kế hoạch và chuẩn bị xâm lược Việt Nam, họ theo đúng các nguyên tắc do lãnh tụ này đề ra hồi thập niên 1930 và 1940. Lệnh của Quân ủy Trung ương (CMC) có chứa một số những nguyên tắc này như yêu cầu hai Quân khu Quảng Châu và Côn Minh “tập trung lực lượng vượt trội”, dùng chiến thuật “bao vây và thọc suờn”, và đánh một “trận đánh hủy diệt” quyết định. Hiểu cách PLA áp dụng các di sản về lý luận và thể chế của Mao trong giai đoạn lập kế hoạch và chuẩn bị cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 đòi hỏi chúng ta phải xem xét chính di sản này.
Tư duy quân sự của Mao tập trung vào cách làm thế nào để một lực lượng kém về vũ khí, trang bị lẫn huấn luyện lại có thể đánh bại một đối thủ vượt trội. Thực chất của cách tiếp cận của ông là tạo ra một môi trường chính trị để huy động cả nước và tập hợp sự ủng hộ trong nhân dân cho một cuộc chiến tranh kéo dài. Một nguyên tắc cốt lõi về lý luận mà Mao vận dụng trong cách tiếp cận chiến tranh của ông là “phòng thủ tích cực” (jiji fangyu/积极防御 - tích cực phòng ngự) thông qua việc “kiên quyết đánh” bằng cách sử dụng ba nguyên tắc hoạt động chủ động, linh hoạt, và có kế hoạch. Thứ nhất, ông tin rằng nắm lấy và giữ đuợc thế chủ động là cốt yếu đối với một lực lượng yếu hơn trong cuộc chiến bất cân xứng. Thứ hai, ông khẳng định rằng sự linh hoạt là cốt yếu để đạt được sự chủ động hoạt động. Thứ ba, ông cho rằng việc lập kế hoạch rõ ràng và có những thay đổi cần thiết sau này trong cuộc chiến sẽ giúp vượt qua những nhầm lẫn, những chỗ tối tăm, và không chắc chắn riêng biệt của cuộc chiến.
Mao tin rằng việc áp dụng những nguyên tắc này đòi hỏi phải có các chỉ huy biết “sử dụng mọi phương pháp có được trong tiến hành trinh sát” và “lọc lựa thông tin” bằng cách “loại cái râu ria, chọn cái cốt yếu; bỏ cái giả, giữ cái thật” và sau đó “xử lý từ cái này đến cái khác và từ ngoài vào trong”. Bằng cách xem xét cẩn thận các mối tương quan giữa các điều kiện của quân đội của chính mình và của quân đội đối phương, một chỉ huy khôn ngoan có thể “đạt tới kết luận, quyết định, và đề ra kế hoạch của mình”.
Vào cuối những năm 1940, khi lực lượng cộng sản đang phát triển về quy mô và sức mạnh sau hơn mười năm chiến đấu chống lại thù trong giặc ngoài, Mao xác định lại chiến lược quân sự và lý luận hoạt động của Trung Quốc, rút ra bốn nguyên tắc bổ sung: (1) tiêu diệt sức mạnh thực tế của đối phương (yousheng liliang/有生力量: hữu sinh lực lượng) chứ không phải là chiếm giữ một thành phố hoặc một nơi; (2) Tập trung lực lượng vượt trội (jizhong youshi bingli/集中优势兵力: tập trung ưu thế binh lực) với các cuộc tấn công trực diện và bọc suờn đồng thời tránh bị sa lầy vào một cuộc chiến tiêu hao; (3) tạo ra các chuẩn bị đảm bảo chiến thắng trong bất kỳ tình huống nào; (4) chiến đấu anh dũng trong các trận đánh liên tục mà không sợ hy sinh hay mệt mỏi. PLA đã sử dụng những nguyên tắc quân sự này giành chiến thắng năm 1949 khi chống lại chế độ Quốc dân đảng, và các nguyên tác này đã trở thành đặc điểm lâu bền về kiểu cách chiến thuật và hoạt động của PLA.
Kể từ khi Hồng quân thành lập vào cuối những năm 1920, Mao đã đặt nặng tầm quan trọng quyền kiểm soát tuyệt đối của ĐCSTQ đối với quân đội. Ông cổ vũ việc lồng tổ chức đảng bên trong quân đội ở tất cả các cấp để đảm bảo rằng quân đội sẽ theo đúng đường lối của ĐCSTQ. Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò của đảng ở cấp đại đội. Bởi vì quân đội của ông rất yếu và đang gánh chịu vô vàn khó khăn, Mao tin rằng chỉ có một quân đội chính trị hoá mới có thể giữ vững đạo đức và duy trì tinh thần đoàn kết trong binh lính. ĐCSTQ phải đóng một vai trò tích cực và quyết định trong việc đưa ra các quy tắc, quy định và quyết định cho quân đội. Binh lính phải hành động theo lệnh của đảng thay vì lệnh của cá nhân nguời chỉ huy. Cách nghĩ này đã dẫn đến việc tạo ra một kiểu thể chế đặc biệt trong lực lượng vũ trang do cộng sản lãnh đạo (hệ thống công tác chính trị) để đảm bảo một trong những nguyên tắc quan trọng khác của Mao cho quân đội: súng phải đặt dưới sự kiểm soát của đảng chứ không phải của quân đội.
Các thành phần quan trọng nhất của hệ thống công tác chính trị là hệ thống đảng uỷ và hệ thống chính uỷ. Các đảng ủy được chỉ định làm nhiệm vụ lãnh đạo, hướng dẫn và đoàn kết trong binh lính, truyền đạt chỉ thị và mệnh lệnh tới các tổ chức đảng cấp dưới và đảm bảo rằng binh lính thực hiện các lệnh đó. Dưới sự lãnh đạo của các đảng uỷ, một cơ quan ra quyết định tập thể được thành lập trong đó các chỉ huy quân sự và chính ủy cùng chia sẻ trách nhiệm đối với công việc của đơn vị mình. Đảng uỷ thảo luận và đưa ra tất cả các quyết định quan trọng, trừ trường hợp trong tình huống chiến thuật và cấp bách.
Dưới sự lãnh đạo tập thể của đảng uỷ, một hệ thống chỉ huy kép cho các chỉ huy quân sự và chính ủy cấp bậc ngang nhau. Chỉ huy quân sự chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề quân sự, trong khi chính ủy thường là bí thư đảng ủy, phụ trách việc đề bạt, an ninh, tuyên truyền, dịch vụ công cộng, và làm công tác tư tưởng. Các nguyên tắc cơ bản của công tác chính trị (sự thống nhất giữa sĩ quan và chiến sĩ, sự thống nhất giữa quân đội và nhân dân, và (do đó) phân hoá lực lượng địch) làm thành cơ sở chính trị cho việc đoàn kết binh lính và đánh bại kẻ thù. Từ kinh nghiệm có được từ thập niên 1920, lãnh đạo ĐCSCS và quân đội Trung Quốc tin rằng hệ thống công tác chính trị đóng một vai trò có ý nghĩa trong việc đảm bảo cho binh sĩ trung thành với ĐCSTQ và trong việc trang bị cho binh lính đủ động lực cho việc nâng cao hiệu quả chiến đấu.
Các lực lượng do ĐCSTQ lãnh đạo gồm ba thành phần cơ bản: lực lượng chính quy, lực lượng địa phương, và dân quân tự vệ. Lực lượng chính quy không bị giới hạn về địa bàn hoạt động, trong khi lực lượng địa phương và dân quân bị giới hạn trong địa phương mình. Do đó, năm này qua năm khác, lực lượng địa phương và dân quân hình thành hệ thống quan hệ xã hội sâu rộng trong địa bàn mình và chuyển chúng thành những hiểu biết chi tiết về điều kiện địa phương và do đó về cách tiến hành các hoạt động ở đó như thế nào.
Vào cuối năm 1948, sau khi có sự phát triển đáng kể lực lượng cộng sản trong những năm cuối cùng của cuộc nội chiến. CMC tổ chức lại binh lính thành bốn quân đoàn (field army) . Vào lúc mà nước CHNDTH thành lập, quân đoàn 1 dưới quyền nguyên soái Bành Đức Hoài và nguyên soái Hạ Long, đã thiết lập một sự hiện diện mạnh mẽ ở vùng bắc và tây bắc Trung Quốc. Quân đoàn 2, dưới quyền nguyên soái Lưu Bá Thừa và Đặng Tiểu Bình, thống trị vùng trung tâm và tây nam Trung Quốc. Quân đoàn 3, dưới quyền nguyên soái Trần Nghị và đại tướng Túc Dụ, chiếm đóng vùng đông Trung Quốc. Cuối cùng, quân đoàn 4, dưới quyền Lâm Bưu, phụ trách vùng đông bắc đến nam Trung Quốc. Quân đoàn đã trở thành một tổ chức mà với nó cá nhân binh lính được xác định. Sự trực thuộc cá nhân này cũng như thâm niên công tác của binh lính trong một đơn vị cụ thể cũng đã đặt nền móng cho mối quan hệ ‘anh cả-đàn em’ quý giá giữa quan chức cấp cao và thuộc hạ tin cậy và cho việc nuôi dưỡng óc phe phái ít mong muốn trong chính sách về lãnh đạo. Những di sản và đặc điểm có tính thể chế này, ăn sâu trong PLA cho tới năm 1979, đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới quyết định của Trung Quốc đi đến chiến tranh chống Việt Nam.
Vạch kế hoạch xâm lược
Gerald Segal cho rằng động cơ chính của Trung Quốc trong tấn công Việt Nam là kiềm chế tham vọng và sự xâm lược của Việt Nam ở Đông Nam Á, ngăn chặn mối đe dọa Việt Nam đối với an ninh quốc gia Trung Quốc và phơi bày chỗ yếu của Liên Xô. Tuy nhiên, tính toán về chính trị tồi qua việc cố tạo ra một chiến lược để trừng phạt Việt Nam, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã thực sự đặt mình trong một vị thế không thể thắng được - đó là, một vị thế trong đó Trung Quốc không bao giờ có cơ hội thành công. Ý định Trung Quốc nêu công khai là “dạy cho Việt Nam một bài học” đã tạo ra một ấn tượng sai lệch rằng mục đích chính của cuộc chiến chỉ đơn giản là một “hành động trả thù. Ấn tượng này là không thích hợp vì cuộc tấn công hầu như không phải bất chợt hay chỉ đơn thuần để trả thù. Ngay từ đầu, Bắc Kinh đã hạn chế nghiêm ngặt các mục tiêu, thời gian và phạm vi, và tiến hành chiến tranh tránh vượt hơn một cuộc xung đột biên giới giữa hai nước. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam xâm lược Campuchia, CMC mở rộng mục tiêu gồm cà việc xâm lược vùng Tây Bắc Việt Nam.
Dù thực tế hay không, mưu đồ này đã tiết lộ rằng rất nhiều suy nghĩ đã dành cho việc thào ra kế hoạch cũng như cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang quyết ăn thua đủ, có vẻ chẳng màng cái giá phải trả giá là gì. Ngoài ra, kế hoạch này phản ánh tác dụng điều hòa của lãnh đạo ĐCSTQ đối với nỗi căm giận sôi sục của PLA. Sĩ quan PLA muốn sử dụng vũ lực để đánh mạnh vào Việt Nam, mà theo họ không khác gì hơn một cựu đồng minh phản bội phải bị trừng phạt. Thay vì đưa cho quân đội một khuôn khổ không gò bó để thực hiện sự trừng phạt mong muốn bên trong đó, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ giới hạn hoạt động của quân đội cả về thời gian lẫn không gian qua việc chỉ đạo các lãnh đạo quân sự tại Quảng Châu và Côn Minh lập ra một chiến lược hoạt động có thể đáp ứng các mục tiêu chiến lược của lãnh đạo ĐCSTQ. Các nhà hoạch định quân sự địa phương lo ngại về mức độ mà theo đó mục tiêu về giảng dạy Việt Nam một bài học thực sự có thể đạt được hoặc thậm chí được đo đếm được đến đâu.
Thoạt đầu, CMC yêu cầu Quân khu Quảng Châu cho hai đại đoàn [army] (41 và 42) và một sư đoàn (129 thuộc đại đoàn 43) tấn công lực lượng Việt Nam ở khu vực Cao Bằng, trong khi hai đại đoàn khác (43 và 55) sẽ tham gia trong các cuộc tấn công nghi binh nhắm vào Đồng Đăng và Lộc Bình trước cuộc tấn công cuối cùng vào Lạng Sơn. Quân khu Côn Minh được lệnh phải sử dụng hai đại đoàn (13 và 14) để tiêu diệt một sư đoàn Việt Nam tại Lào Cai cũng như các đơn vị địa phương khác gần biên giới Vân Nam. CMC có vẻ cho các chỉ huy khu vực quyền tự chủ hoạt động nhưng vẫn giữ quyền quyết định về thời gian và không gian của cuộc chiến dưới sự chỉ huy của lãnh đạo trung ương ở Bắc Kinh. Đặng Tiểu Bình kiên quyết né tránh tình trạng cuộc xâm lược xoay thành một vũng lầy cho Trung Quốc.
Theo tướng Chu Đức Lễ (Zhou Deli/周德礼) thì tướng Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou/许世友), tư lệnh Quân khu Quảng Châu và là chiến binh cũ của PLA, đã nhận nhiệm vụ lập kế hoạch ngày 9 tháng 12 năm 1978 và sau đó bắt đầu xem xét chiến lược quân sự chống Việt Nam. Ông nghĩ ngay đến một cuộc tấn công bất ngờ áp đảo vào quân đội Việt Nam, nắm thế chủ động và ngăn không cho Việt Nam khôi phục sức mạnh. Dựa trên kinh nghiệm chiến đấu của mình, Hứa Thế Hữu đề xuất kế hoạch được biết như là niudao shaji (牛刀杀鸡 [ngưu đao sát kê]: dùng dao mổ trâu giết gà), một mô tả gợi hình về bạo lực khổng lồ. Là một học trò của Mao về cách tiếp cận chiến tranh, Hữu tin rằng cách tiếp cận này áp dụng thích đáng học thuyết của Mao về tiến hành cuộc chiến tranh hủy diệt. Có ba thành phần: (1) tập trung đánh vào các bộ phận phòng thủ trọng yếu của địch nhưng không vào điểm mạnh của địch, (2) sử dụng lực lượng và hỏa lực áp đảo để đè bẹp sự phòng vệ của địch vào thời điểm mở trận và (3) đánh nhanh và sâu vào tim của địch. Bằng cách này, Hữu dự kiến rằng PLA sẽ cắt hàng phòng thủ của đối phương ra manh mún và sau đó tiêu diệt các lực lượng đã nhắm trước từng mảng một.
Ngày 11 tháng 12 năm 1979, Hữu triệu tập cuộc họp chiến tranh đầu tiên. Những người tham gia bao gồm các phó tư lệnh, phó chính trị ủy, tham mưu trưởng, giám đốc chính trị, giám đốc hậu cần, và các chỉ huy và chính ủy của đại đoàn 41, 42 và 55 thuộc Quân khu Quảng Châu. Tại cuộc họp, các đại đoàn 41 và 42 được chỉ định thực hiện một cuộc tấn công theo hai hướng vào Cao Bằng, trong khi đại đoàn 55 sẽ phát động các cuộc tấn công vào Lạng Sơn. Do Quân khu Quảng Châu không có đủ quân, CMC chuyển đại đoàn 43 từ Quân khu Vũ Hán thành quân dự bị của Hữu.
Sau khi tướng Lễ công bố nhiệm vụ, các đại biểu nêu ra nhiều câu hỏi vì binh sĩ của họ chưa từng tham gia vào các hoạt động lớn như vậy trong nhiều năm. Vấn đề chính là làm sao để vận chuyển binh lính - đặc biệt là hai đại đoàn và hai sư đoàn pháo binh ở khu vực Quảng Đông - từ doanh trại tới biên giới ở Quảng Tây vào cuối tháng 12. Rất ít người có kiến thức và kinh nghiệm sắp xếp một cuộc di chuyển quân đội có quy mô lớn như thế, đặc biệt là trong điều kiện phương tiện giao thông vận tải hạn chế. Một vấn đề bức xúc là tất cả các đơn vị tham gia vào cuộc xâm lược đều thiếu quân số và thiếu trang bị. Những người tham dự tại cuộc họp đồng ý rằng sẽ không để lại quá 5 % quân số ở phía sau và yêu cầu tất cả binh sĩ chuẩn bị để chiến đấu với trang bị có trong tay. Cuối cuộc họp, Hữu kêu gọi các sĩ quan cao cấp làm gương bằng cách thay đổi thói quen làm việc từ chế độ thời bình sang thời chiến - phải hành động nhanh chóng và đúng giờ và làm việc cật lực. Ông nói rõ rằng ông sẽ trừng phạt những ai không hoàn thành công việc của mình. Sau đó, Hũu yêu cầu các đại biểu đi tới binh sĩ và giúp họ chuẩn bị cho cuộc xâm lược.
Hữu đã từng là tư lệnh Quân khu Nam Kinh (quân đoàn 3) 18 năm trước khi nắm quyền chỉ huy Quân khu Quảng Châu vào năm 1973, khi Mao Trạch Đông ngày càng trở nên lo lắng về sự trung thành của các chỉ huy quân sự trong quân khu của ông. Do Hữu được bàn giao lại hầu hết các cấp phó và binh lính thuộc quân đoàn 4, nhiều người trong số họ không thấy thoải mái với phong cách lãnh đạo của ông. Sau cuộc họp, tham mưu trưởng Chu Đức Lễ cảm thấy cần phải tổ chức họp những người đứng đầu bộ phận của mình để thảo luận chi tiết về việc làm thế nào để triển khai quân tới khu vực biên giới. Vì lý do an ninh, Hữu yêu cầu tham mưu trưởng của ông thảo luận về phân công và mục tiêu nhiệm vụ với từng bộ phận một cách riêng biệt.
Đặng Tiểu Bình dường như không tin cậy ban lãnh đạo Quân khu Quảng Châu, vì lúc đó việc thanh lọc những người ủng hộ bè lũ bốn tên đang được tiến hành. Hầu hết các cán bộ cao cấp đều là thuộc cấp của nguyên soái Lâm Bưu vốn bị cáo buộc đảo chính Mao bất thành và sau đó chết trong một tai nạn máy bay tháng 9 năm 1971 ở sa mạc Mông Cổ, Lâm Bưu sau đó bị kết án phản quốc và bị gán là kẻ chủ mưu một loạt các cuộc thanh trừng chính trị đối với nhiều lãnh đạo ĐCSTQ và PLA— trong đó có Đặng— trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Đầu tháng 12, một trong những thuộc hạ lâu năm của Đặng Tiểu Bình thuộc quân đoàn 2, Lưu Xương Nghĩa (Liu Changyi/刘昌义), được bổ nhiệm làm cấp phó của Hữu để chỉ huy cuộc chiến, mặc dù ông đã có 5 phó tư lệnh rồi. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này không làm cho Hữu cảm thấy khó chịu, vì đã từng quen biết Nghĩa từ ngày họ ở trong Hồng quân. Tuy nhiên, việc thiếu các quan hệ cá nhân giữa binh lính và chỉ huy sẽ dẫn đến những than phiền về phong cách lãnh đạo của Hữu khi các hoạt động không theo đúng dự kiến.
Ngày 21 tháng 12, Quân khu Quảng Châu thành lập bộ chỉ huy tiền phương trong một hầm kho của không quân gần Nam Ninh, thủ phủ của khu tự trị Quảng Tây, vì các cuộc tấn công sẽ được phát ra từ ba hướng từ phía Quảng Tây. Bộ chỉ huy gồm bảy nhóm chức năng: tổng hành dinh (Nhóm 1), ban chính trị (nhóm 2), ban hậu cần (Nhóm 3), pháo binh (nhóm 4), công binh (nhóm 5), không quân (Nhóm 6), và hải quân (Nhóm 7). Sĩ quan được chia thành ba nhóm, mỗi nhóm trợ giúp các hoạt động của một hướng tấn công. Trong hồi ký của mình, tướng Lễ cho rằng cấu trúc chỉ huy này là hiệu quả cho việc chỉ đạo một nhóm quân, như vậy tránh được sự hỗn loạn trong suốt chiến dịch.
Ngày 5 tháng 1 năm 1979, các thành viên của bộ chỉ huy tiền phương Quảng Châu đã tổ chức cuộc họp chiến tranh thứ hai ở Nam Ninh. Ngoài những người tham dự cuộc họp lần đầu, tham dự bây giờ có thêm sĩ quan cao cấp của không quân và hải quân cũng như các nhà lãnh đạo ĐCS địa phương. Sau khi xem xét kế hoạch hoạt động sơ bộ, các đại biểu đề nghị một số thay đổi. Kế hoạch cuối cùng chia chiến dịch thành hai giai đoạn: đầu tiên, hai đại đoàn sẽ được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công vào Cao Bằng, và sau đó một đại đoàn đoàn sẽ chiếm lấy Lạng Sơn. Kế hoạch cũng đòi hỏi có hai sư đoàn tung vào hậu phương của địch, để bao vây Cao Bằng từ phía tây và phía nam. Tổng tham mưu PLA chấp nhận kế hoạch, khuyến nghị huấn luyện bổ sung, và chỉ thị cho các đơn vị được giao nhiệm vụ thâm nhập sâu càng mang nhiều đạn càng tốt, thậm chí bằng cách giảm bớt các thứ dự phòng khác còn không quá ba ngày. Ngày 5 tháng 2, những người tham dự cuộc họp thứ ba đề nghị rằng phải đồng thời mở các cuộc tấn công vào Đồng Đăng, cửa ngõ đi Lạng Sơn, một khi trận đánh chiếm Cao Bằng bắt đầu. Hữu chấp thuận sửa đổi cuối cùng này. Do PLA chỉ có kiến thức hạn chế về quân đội và điều kiện tự nhiên xã hội địa phương của Việt Nam, Chu Đức Lễ sau đó nhận ra rằng kế hoạch đã có kẽ hở ngay từ đầu. Nếu không thì chiến dịch quân sự tiếp theo sẽ bảo đảm nhiều chiến thắng hơn.
Không có hồi ức cá nhân tương tự như của Chu Đức Lễ cho biết các thông tin về cách Quân khu Côn Minh chuẩn bị cho hành động của họ. Hiện nay chúng ta mới biết rằng có một sự thay đổi về lãnh đạo xảy ra trên mặt trận Vân Nam, và kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ đã bị hủy bỏ. Ngày 7 tháng 1 năm 1979, Dương Đắc Chí (Yang Dezhi/杨得志) thay thế Vương Tất Thành (Wang Bicheng/王必成), vốn cũng từ quân đoàn 3 nhưng không có quan hệ tốt với chỉ huy tại Quảng Tây. Tuy nhiên, bốn ngày sau khi quân đội Trung Quốc từ Vân Nam xâm lược Việt Nam, Chí được đưa nhanh đến bệnh viện ở Bắc Kinh với bệnh chảy máu dạ dày nghiêm trọng. Như vậy, chiến dịch được Vương Tất Thành vạch kế hoạch lúc ban đầu nhưng lại do hai cấp phó của Chí thực hiện với sự trợ giúp của một đội ngũ sĩ quan của Bộ Tổng tham mưu PLA. Tuy nhiên, sẽ gây hiểu nhầm khi khẳng định rằng chọn Chí làm lãnh đạo quân sự tốt hơn chọn Hữu.
Từ ngày 8 tới ngày 10 tháng 1, Quân khu Côn Minh đã tổ chức các cuộc họp lập kế hoạch cho cuộc xâm lýợc. Các đại đoàn 13 và 14 sẽ tấn công một sư đoàn chính quy Việt Nam tại khu vực Lào Cai và Cam Ðường và sau đó tìm cách tấn công một sư đoàn Việt Nam ở khu vực Sa Pa. Đại đoàn 11 sẽ tiến hành hoạt động độc lập ở khu vực Phong Thổ. Một bộ chỉ huy tiền phương đã được thiết lập tại Khai Nguyên (Kaiyuan), một thị trấn quê giữa Côn Minh và thị trấn biên giới Hà Khẩu. Các hoạt động liên quan tới tổng cộng ba đại đoàn, cùng với các đơn vị pháo binh, xe tăng, công binh, và các đơn vị độc lập (150 000 quân). Một bộ chỉ huy phía tây được lập ra để chỉ đạo đại đoàn 50 và 54 khi họ tiến hành hoạt động thọc sườn tây bắc Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi các lực lượng vũ trang Việt Nam chiếm đóng hầu hết Campuchia vào giữa tháng 1, các lãnh đạo ĐCSTQ hủy bỏ chiến dịch này và tái triển khai hai đại đoàn này (ngoại trừ một sư đoàn thuộc đại đoàn 50) tới mặt trận Quảng Tây làm quân dự bị. Không có nguồn nào nói về sự phối hợp giữa hai quân khu: họ đã tiến hành các cuộc tấn công một cách độc lập.
Triển khai và chuẩn bị
Giữa tháng 12 năm 1978, các đại đoàn của Quân khu Quảng Châu và Côn Minh bắt đầu triển khai tới vị trí dọc theo biên giới với Việt Nam. Quân lính chuyển tới bằng đường bộ, trong khi thiết bị nặng và nguồn tiếp tế đến bằng đường sắt. Các đơn vị công binh xây dựng ba cầu phao trên hai con sông chính ở Quảng Đông. Tổng cộng có hơn 168 100 quân cùng với 7 087 tấn nguyên liệu được vận chuyển từ Quảng Đông đến mặt trận. Bốn đại đoàn từ quân khu khác đi xe lửa tới các điểm đến ở Quảng Tây và Vân Nam. Đại đoàn 13 - có tổng cộng 35 000 quân, cùng với 873 khẩu pháo, 1950 xe, và trang thiết bị khác - đi 100 km từ Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên, bằng 90 chuyến xe lửa.
Mặc dù PLQ di chuyển vào ban đêm, giao thông đường sắt và đường bộ nặng tải như thế đã phá vỡ lịch trình xe lửa bình thường và khơi gợi sự tò mò của nhiều người qua đường và khách du lịch. Tất cả các xe đều sử dụng biển số tỉnh Quảng Tây để che giấu nguồn gốc, và quân lính tắt sóng vô tuyến trong thời gian triển khai quân. Các hậu cứ vận hành các máy phát sóng của họ theo lịch thường xuyên để đánh lừa tình báo Việt Nam và các nước khác. Đến cuối tháng, tất cả các đại đoàn của Quân khu Quảng Châu, trong đó có đại đoàn 43 từ Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, thuộc quân khu Vũ Hán, đã vào vị trí của họ gần biên giới. Chu Đức Lễ sau này nhớ lại rằng các hoạt động chuyển quân đã được hoàn thành đúng tiến độ. Chỉ có một tai nạn xảy ra, làm một khẩu pháo bị hư hỏng và hai binh sĩ bị thương.
Theo tướng Lễ, lực lượng không quân và hải quân cũng đã triển khai quân cùng một lúc. Mười ba trung đoàn không quân cộng thêm 6 nhóm bay, cùng với các đơn vị phục dịch, đơn vị pháo phòng không (AAA) và tên lửa đất-đối-không (SAM), đã được đưa đến các sân bay ở Quảng Tây, gần biên giới. Hệ thống chỉ huy và kiểm soát không quân ở hai tỉnh này chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù chỉ huy thống nhất là trọng yếu để hoạt động quân sự có hiệu quả trong chiến lược quân sự, hai bộ chỉ huy không quân tiền phương lại được lập ra theo hệ thống quân khu hiện có: tư lệnh không quân quân khu Vương Hải (Wang Hai/王海) được giao phụ trách ở Quảng Tây, và Hầu Thư Quân (Hou Shujun/侯书军), giám đốc bộ chỉ huy không quân quân khu Côn Minh nắm quyền chỉ huy ở Vân Nam.
Để tránh leo thang xung đột, lãnh đạo ĐCSTQ giới hạn việc sử dụng không lực trong lãnh thổ Trung Quốc, ra lệnh cho các đơn vị không quân sẵn sàng yểm trợ cho các hoạt động trên bộ của PLA “nếu cần”. Tuy nhiên, lãnh đạo không đưa ra định nghĩa rõ ràng về tình thế “cần thiết” là gì hay nó có thể xảy ra khi nào; thay vào đó, các lãnh đạo bắt buộc rằng bất kỳ hoạt động nào ngoài không phận của Trung Quốc phải được CMC cho phép. Dựa trên nguyên tắc này, Không quân PLA (PLAAF) đề ra một chiến lược yêu cầu các đơn vị của mình sẵn sàng cung ứng cả phòng không lẫn yểm trợ mặt đất bất cứ lúc nào và thực hiện càng nhiều phi vụ càng tốt trên vùng trời biên giới để ngăn chặn lực lượng không quân Việt có hành động chống lại Trung Quốc. Các đội điều hành không quân đã được phái đến các bộ chỉ huy tiền phương của cả hai quân khu, và các nhóm hướng dẫn mục tiêu đã được gắn vào ban chỉ huy đại đoàn và sư đoàn trên bộ.
Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã triển khai một tổ công tác, có phiên hiệu là đội hình 217, gồm hai tàu khu trục tên lửa, một nhóm tàu tên lửa, một nhóm tàu phóng ngư lôi, và một nhóm tàu săn đuổi, đến quần đảo Hoàng Sa và các cảng ở Quảng Tây để chuẩn bị tấn công Hải quân Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Các đơn vị không quân của hải quân trên đảo Hải Nam đã được chỉ định canh chừng các hoạt động của hải quân Liên Xô ở Biển Đông. Trong trường hợp phải chiến đấu chống lại các tàu tuần dương của Liên Xô, PLAN đã thông qua một chiến lược phòng thủ sử dụng các đảo và bờ biển để che dấu tàu mang tên lửa, cho phép chúng phóng ra các cuộc tấn công bất ngờ từ vị trí ẩn nấp.
Do không có đụng độ trên biển thực sự xảy ra trong suốt cuộc xâm lược, rất khó để xác định xem chiến lược chống tàu Liên Xô này có kết quả hay không. Tuy nhiên, các báo cáo sau khi hành động của Tổng cục Chính trị Hạm đội Nam Hải đã thừa nhận rằng kỹ năng trên biển là không chuyên nghiệp vào thời điểm đó và chỉ có 20% quả đạn do các đội súng bắn ra là trúng mục tiêu khi huấn luyện. Một sự cố khác cũng cho thấy phối hợp của các tàu trong đội tàu rất tệ hại. Theo báo cáo, trong một cuộc tập trận, có một tín hiệu viên phát tín hiệu sai làm toàn bộ đội hình bị rối loạn.
Ban lãnh đạo quân khu ngày càng quan ngại về bí mật hành quân, đặc biệt là vấn đề rò rỉ thông tin việc chuyển quân về phía khu vực biên giới Quảng Tây. Tướng Hữu cảm thấy khó chịu khi biết rằng việc ông có mặt ở thủ phủ tỉnh Quảng Tây vốn phải giữ bí mật lại bị các nhà báo nước ngoài loan tin. Ông còn thấy đáng báo động hơn nữa khi biết rằng các tuyến đường sắt giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn hoạt động theo lịch trình bình thường, và giao thương xuyên biên giới giữa hai bên vẫn tiếp tục. Trong cả hai trường hợp này, tình báo Việt Nam có thể thu được thông tin về việc chuyển quân của Trung Quốc ở khu vực biên giới. Hữu yêu cầu chính quyền Quảng Tây lập tức dừng ngay tất cả các hoạt động thương mại biên giới và đóng cửa biên giới. Ông cũng yêu cầu Bắc Kinh đóng hoạt động đường sắt giữa hai nước và trục xuất các nhân viên đường sắt Việt Nam khỏi thị trấn biên giới Bằng Tường. Bắc Kinh chấp thuận yêu cầu này. Vào ngày 26 tháng 12 biên giới Quảng Tây-Việt Nam đã đóng cửa khi quân lính bắt đầu đến khu vực tập kết gần đó. Dù loạt sáng kiến này chắc chắn giải quyết vấn đề trước mắt của ông, nhưng những hành động đó tự nó cũng đã làm chính quyền Việt Nam cảnh giác với hiện tình hành động quân sự của Quảng Tây.
Lực lượng PLA đã không tham gia vào các hành động quân sự quy mô lớn như vậy trong hơn hai thập kỷ. Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu Quảng Châu ban hành một chỉ thị chi tiết yêu cầu binh lính phải thật chú ý đến 5 vấn đề khi họ chuẩn bị cho cuộc xâm lược. Thứ nhất, tất cả các binh sĩ cần phải làm các công trình phòng thủ và ngụy trang xe cộ, khí tài đề phòng khả năng bị Việt Nam tấn công bất ngờ từ trên không và trên bộ. Thứ hai, chỉ huy các cấp cần phải tự làm quen với kẻ thù và với điều kiện địa lý ở miền bắc Việt Nam dọc theo biên giới Trung Quốc và bắt đầu thu thập thông tin về mục tiêu cho pháo binh. Thứ ba, tất cả các lực lượng cần phải tăng sức mạnh tối đa của các đơn vị mình và duy trì vũ khí và trang bị trong tình trạng tốt. Thứ tư, tất cả các đơn vị cần phải thực hành bảo mật thông tin tốt, đặc biệt là các lệnh phân công phải đưa ra trực tiếp thay vì qua điện thoại hay vô tuyến. Cuối cùng, tất cả các đơn vị cần phải huấn luyện lính mới ném lựu đạn và bắn súng máy và lập kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu của họ.
Chỉ thị này phản ánh một số vấn đề nhức nhối mà PLA phải đối đầu ngay trước ngày xâm lược. Nghiêm trọng nhất, các lực lượng của họ còn xa mới sẵn sàng cho chiến dịch; thật sự là họ vẫn chưa hoàn toàn có đủ quân số và trang bị. Trong nhiều năm qua, lực lượng bộ binh của PLA đã duy trì một cơ cấu tổ chức theo thời bình: trong mỗi đại đoàn, chỉ có một sư đoàn loại A (jia zhong shi /甲种师 [giáp chủng sư] hoặc quan zhuang shi /全装师[toàn trang sư]) - được giữ đầy đủ biên chế, trong khi có hai sư đoàn loại B (yi zhong shi /乙种师 [ất chủng sư] hay jian bian shi /简编师 [giản biên sư]) - đều dưới mức biên chế. Chính quyền địa phương đã tiến hành làm hai bản dự thảo thời chiến. Với sự thiếu hụt lính cũ, bản dự thảo thứ hai đặc biệt gọi nhập ngũ các dân quân đã được huấn luyện tốt và các cựu binh. Chỉ riêng ở tỉnh Quảng Đông, gần 400 000 thanh niên đã đáp ứng lệnh gọi. Tổng cộng có 15 000 tân binh đã được dự kiến và 1512 binh sĩ xuất ngũ đã được huy động lại. PLA cũng nhanh chóng đề bạt cán bộ để lấp chỗ trống lãnh đạo ở mọi cấp. Cán bộ chuyên ngành từ quân khu khác cũng đã được chuyển giao các công việc kỹ thuật về pháo binh, công binh, thông tin liên lạc, xe tăng, và các đơn vị chống chiến tranh hóa học.
Đại đoàn 42 đã thăng cấp 11 sĩ quan lên thành cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn và 82 sĩ quan lên cấp trung đoàn, trong khi đại đoàn 55 tiến cử 15 cá nhân thành lãnh đạo sư đoàn và 76 làm lãnh đạo trung đoàn. Để lấp đầy vị trí lãnh đạo ở cấp trung đội, đại đoàn 42 phong 1045 người thành sĩ quan vào đêm trước của cuộc xâm lược. Đại đoàn 13 nhận được 15381 tân binh, trong đó 11874 là lính nghĩa vụ mới. Những số liệu thống kê này cho thấy các vấn đề về huấn luyện mà PLA phải đối mặt khi chuẩn bị cho chiến tranh.
Huấn luyện quân trước khi đánh nhau
Trong cuốn sách của mình, tướng Chu Đức Lễ sử dụng thành ngữ “lâm trận ma đao” (linzhen modao/临阵磨刀: ra trận mới mài gươm - chỉ bắt đầu chuẩn bị cho chiến tranh vào giờ chót), gợi ra rằng PLA đang ở trong tình trạng rất lúng túng vào thời điểm đó. Quả thật là vào năm 1978, chỉ có 42 % các đơn vị quân đội là có trải qua huấn luyện quân sự. Lực lượng không quân có khoảng 800 phi công là có thực tập bắn và đánh bom, nhưng chỉ 1 % đánh trúng mục tiêu.
Nhưng tình hình thực tế của PLA thậm chí còn bi đát hơn. Tướng Trương Chấn (Zhang Zhen/张震), chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiểm tra việc chuẩn bị chiến tranh trên mặt trận Quảng Tây vào giữa tháng 1 năm 1979, thấy lực lượng PLA có rất nhiều vấn đề, cho thấy một sự thiếu thốn nghiêm trọng trong chuẩn bị chiến đấu. Theo hồi ký của ông, đại đội 2 thuộc trung đoàn 367, đại đoàn 41 có 117 lính, trong đó 57 là tân binh. Trong hơn hai tuần huấn luyện, 44 lính đã có 3 buổi thực hành bắn, 41 có 2 buổi, và số còn lại chỉ có 1 buổi. Ba mươi ba lính được huấn luyện về chiến thuật tấn công theo đội hình, nhưng không được huấn luyện chiến thuật phòng thủ vì không có sĩ quan nào biết làm điều đó. Tướng Chấn khuyên mỗi sư đoàn nên thiết lập một bãi đất có thể được sử dụng để huấn luyện các đơn vị hoạt động ở cấp độ tiểu đội cũng như ở cấp đại đội và tiểu đoàn. Các học viên sẽ tập trung vào cách bộ binh cùng với các đơn vị pháo binh và xe tăng tấn công. Đặc biệt các đơn vị bộ binh cần được dạy cách gọi yểm trợ hoả lực. Tướng Chấn hứa rằng Tổng cực Hậu cần sẽ dành 10.000 nhân dân tệ để mỗi sư đoàn có thể xây dựng một bãi huấn luyện như thế.
Dựa trên những khuyến nghị này, binh lính đã bắt đầu tự huấn luyện bản thân theo như nhiệm vụ được giao. Sư đoàn 121, được chỉ định thực hiện nhiệm vụ thâm nhập sâu vào Việt Nam, tập trung vào việc làm cách nào để di chuyển qua các khu rừng và những đường mòn trên núi chống địch phục kích và sau đó làm cách nào để tấn công các vị trí địch trên đỉnh đồi. Ít nhất 3 lính thuộc mỗi đại đội được huấn luyện để đọc bản đồ. Sư đoàn tổ chức 3 cuộc tập trận trong điều kiện môi trường tương tự như ở miền bắc Việt Nam để dạy cho binh lính quen di động với rất ít nghỉ ngơi và thực phẩm. Sư đoàn 163 được giao thực hiện các cuộc tấn công trực diện vào các vị trí cố thủ của địch, tập trung vào việc huấn luyện từng cá nhân binh sĩ và tiểu đội về chiến thuật chiến đấu cũng như tiến hành các bài tập bắn đạn thật ở cấp trung đội, đại đội, và tiểu đoàn.Sư đoàn thực hiện các cuộc tập trận chung với một tiểu đoàn bộ binh cùngg với đơn vị pháo binh và xe tăng.
Nỗ lực huấn luyện tuyệt vọng vào phút chót như vậy, dù có ích phần nào, tiếc thay rất là không đầy đủ bởi vì có quá nhiều tân binh và quá nhiều người trong số họ là nông dân. Mặc dù mục tiêu là dạy kỹ năng quân sự, hầu hết các binh sĩ chỉ hoàn thành 1 hoặc 2 lần thực hành thật ở sân bắn và chỉ 1 lần thực hành ném lựu đạn thật. Rất ít đơn vị thực hiện các bài tập huấn luyện chiến thuật nghiêm túc ở cấp trung đoàn hoặc sư đoàn. Nhiều sĩ quan báo cáo rằng họ vẫn chưa chắc chắn về khả năng chiến đấu của binh lính khi trận chiến bắt đầu. Nói tóm lại, đội quân xâm lược của PLA thiếu huấn luyện và chuẩn bị chưa thoả đáng cho một cuộc chiến tranh hiện đại chống lại quân đội VN. Thành quả kém cỏi ở chiến trường tiếp sau đó của PLA đã được gán cho việc thiếu huấn luyện hơn là sức mạnh và kinh nghiệm chiến đấu 25 năm của Việt Nam.
Sửa chữa và bảo trì các loại vũ khí và trang thiết bị là vấn đề dai dẳng khác cho lực lượng vũ trang PLA. Từ năm 1975, Đặng Tiểu Bình đã kêu gọi cải thiện chất lượng thiết bị, vật tư của PLA, nhưng dường như không có thay đổi đáng kể nào đã được thực hiện. Các chuyên gia quân sự tin rằng việc phục vụ hậu cần bền vững sẽ bảo đảm thành công quân sự. Tướng Trương Chấn nhớ lại rằng vấn đề tồi tệ nhất ông gặp phải là đạn dược với số lượng thiếu thốn và chất lượng kém. Kiểm tra ban đầu cho thấy rằng một số đạn pháo không nổ, và một phần ba của toàn bộ số lựu đạn không nổ. Học viên từ trường quân khí đã được điều đến giúp các kho của đại đoàn kiểm tra toàn bộ hàng tồn kho. Tổng cục Hậu cần cũng khẩn trương ra lệnh cho các ngành công nghiệp quốc phòng tăng cường sản xuất — đặc biệt là đạn pháo cỡ lớn, tên lửa, đạn xuyên thép.
Nguồn cung cấp dầu cũng là một mối quan tâm của Tổng cục Hậu cần. Không những hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đều xa cơ sở công nghiệp dầu khí của Trung Quốc ở phía đông bắc và tây bắc mà nhu cầu về dầu mỏ sẽ tăng mạnh nếu Liên Xô trả đũa lại việc tấn công vào Việt Nam. Ngoài ra, miền nam Trung Quốc cũng đang thiếu thốn các cơ sở chứa dầu. Do các cơ sở dầu ngoài trời có thể bị tấn công dễ dàng, Tổng cục Hậu cần đề nghị sử dụng vô số hang karst ở Quảng Tây để chứa nhiên liệu. Hơn 428 km đường ống dẫn tạm thời đã được đặt để cung cấp nhiên liệu cho bốn sân bay ở Vân Nam. Mỗi đại đoàn nhận được sự trợ giúp từ một trung đoàn xe ô tô để đảm bảo rằng binh sĩ nhận được hàng tiếp tế, nhưng từ giữa tháng 1, hàng tấn hàng tiếp tế vẫn còn chất đống tại trụ sở sư đoàn, khiến Tổng cục Hậu cần phải vội vả điều thêm 3 trung đoàn ô tô từ quân khu Nam Kinh và Phúc Châu tới. Trong nỗ lực đầu tiên của mình vào lúc các hoạt động quân sự đang tiến hành với một số lượng đáng kể các thiết bị kỹ thuật, PLA đã phải tìm thêm các kỹ thuật viên dân sự để trợ giúp trong việc bảo trì ô tô, xe tăng, và máy móc khác. . Tuy nhiên, nhiều vấn đề hậu cần tiếp tục nổi lên, cản trở hoạt động của PLA một khi cuộc xâm lược bắt đầu.
Huy động về chính trị
Mặc dù nhu cầu về huấn luyện là cấp bách, PLA tiếp tục bài bản mà Mao đã chủ trương 40 năm trước— đó là ý tưởng cho rằng không thể thắng trong chiến tranh nếu không huy động về chính trị. Ngày 12 tháng 2 năm 1979, CMC đã ban hành lệnh nhấn mạnh tầm quan trọng của huy động về chính trị trong các hoạt động quân sự của PLA tại Việt Nam. Các nhà phân tích phương Tây phê phán quyết định này của PLA là dành “quá nhiều thời gian, năng lượng, và sự chú ý” cho công việc này trong khi lính Trung Quốc rất cần huấn luyện về kỹ thuật quân sự. Lời chỉ trích này bỏ qua tầm quan trọng lâu dài của việc huy động chính trị vốn đã trở thành thể chế và do đó được chấp nhận như nếp nghĩ trong chuẩn bị chiến tranh của PLA. Một đặc điểm đáng chú ý trong suốt lịch sử của PLA là số đông binh sĩ của họ là nông dân nghèo, mù chữ. Hệ thống tuyên truyền chính trị đã được lập ra để động viên họ cùng chiến đấu chống lại một kẻ thù mạnh mẽ, cho thấy nó tỏ ra có giá trị qua nhiều năm.
Tới năm 1979, PLA chỉ thay đổi chút ít; binh lính vẫn chủ yếu là dân quê, thất học, trang bị chưa đầy đủ và huấn luyện kém. Đồng thời, cuộc xâm lược Việt Nam của PLA đã không tương hợp với truyền thống văn hóa Trung Hoa vốn chỉ ủng hộ việc sử dụng vũ lực khi nào có thể biện minh được về mặt đạo đức. Ngay sau khi nhận được lệnh của Bắc Kinh, các lãnh đạo quân sự địa phương nhận thấy rằng quân đội Trung Quốc chưa được chuẩn bị tư tưởng tốt. Câu hỏi trước mắt là liệu Trung Quốc có nên tấn công một nước láng giềng nhỏ như Việt Nam. Theo Mạc Văn Hoa (Mo Wenhua/莫文骅), chính uỷ lực lượng xe bọc thép của PLA, lính Trung Quốc không có hiểu biết về tầm quan trọng của cuộc chiến tranh chống Việt Nam. Họ không những e ngại về sự can thiệp quân sự của Liên Xô và chính khả năng yếu kém có thể có của mình khó đánh bại Việt Nam mà còn lo lắng rằng chiến tranh sẽ gây bất lợi cho Bốn hiện đại hóa của Trung Quốc và các nước khác sẽ sử dụng nó để lên án Trung Quốc như một kẻ xâm lược.
Mặc dù Trung Quốc lấn áp về số lượng so với Việt Nam, lính Trung Quốc lo ngại rằng họ thiếu lợi thế về kỹ thuật đối với vũ khí do Nga chế tạo và thiết bị Mỹ mà Việt Nam thu được của chế độ Sài Gòn vào năm 1975. Phi công không quân của Trung Quốc đặc biệt quan ngại rằng J-6 của họ có thể không sánh được với MiG-21 của Việt Nam, nhiều chiếc lại do các phi công từng bay đánh trận với không quân và hải quân Mỹ lái. Ngoài ra, Việt Nam còn có tên lửa SAM rất mạnh đáng gờm, với đội điều khiển lành nghề từng thực hành tác chiến tốt trong phòng không. Khi chính phủ Trung Quốc ra lệnh xâm lược Việt Nam, có vẻ quân lính Trung Quốc rành rẽ về xây dựng và sản xuất nông nghiệp hơn là về điều khiển vũ khí.
Tin tưởng vào các quyết định của lãnh đạo trung ương và tuân theo các mệnh lệnh được coi là nền tảng cho chiến thắng. Ngày 12 tháng 12, Tổng cục Chính trị (GPD) ban hành hướng dẫn về động viên chính trị. Không giống quân đội phương Tây vốn phụ thuộc vào lương tâm nghề nghiệp và huấn luyện để đảm bảo binh lính làm đúng với nhiệm vụ của mình trong chiến tranh, quân đội Trung Quốc chọn cách tuyên truyền chính trị cho binh lính, cố gắng làm cho họ hiểu được tại sao phái chiến đấu và cuộc chiến có tầm quan trọng thế nào với họ. Dưới ảnh hưởng của triết lý Nho giáo, người Trung Quốc đã quen với việc tự xem mình như một người yêu chuộng hòa bình, không bạo lực hay bành trướng, và chỉ sử dụng vũ lực để tự vệ. Khái niệm về chiến tranh chính nghĩa, chính đáng đã thịnh hành trong xã hội Trung Quốc. Đối với lính Trung Quốc, truyền thống văn hóa này dường như dưng lên một rào cản cho việc nhận thấy một quốc gia láng giềng xã hội chủ nghĩa như là một kẻ thù nguy hiểm đang đe dọa an ninh quốc gia. Do đó, GPD kêu gọi tất cả mọi binh sĩ học tập các chỉ thị và các bài phát biểu của ban lãnh đạo ĐCSTQ cũng như các mệnh lệnh chiến tranh và chính trị của CMC, làm cho họ tin rằng quyết định tấn công Việt Nam là đúng đắn.
Theo đường hướng tuyên truyền của GPD, cuộc chiến tranh chống lại Việt Nam là chính đáng và cần thiết vì tham vọng bành trướng đã dẫn VN thoái hóa thành “Cuba của phương Đông”, “bọn côn đồ Châu Á”, và “đám chó săn của Liên Xô “. Việc hai nuớc có cùng ý thức hệ chính trị không ngăn trở PLA tung ra các hành động tự vệ chống lại một nước láng giềng nhỏ dám xâm phạm lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Quan trọng không kém, chỉ thị chỉ ra rằng VN đã xem Trung Quốc như là kẻ thù chính của mình và đã kêu gọi “làm tất cả mọi thứ để đánh bại Trung Quốc”.
Từ 10 tháng 12 năm 1978 đến ngày 15 tháng 1 năm 1979, bộ máy chính trị ở tất cả các cấp đã chạy trước hết công suất để chính trị hóa tinh thần binh lính, bằng cách sử dụng các bài giảng, các buổi họp tố cáo, và triển lãm hình ảnh để phục vụ mục đích này. Những chiến lược này bao gồm các kêu gọi cho thuyết “chiến tranh chính nghĩa”, trừng phạt “sự vô ơn,” bảo vệ Bốn hiện đại hóa, và đương đầu với việc tìm kiếm bá quyền khu vực Việt -Xô mới nổi lên. Ban chính trị đại đoàn 43 cố gắng thuyết phục binh lính rằng họ đang chiến đấu cho một cuộc chiến tranh chính nghĩa vì Việt Nam đã xâm luợc Trung Quốc và đã bắn phát súng đầu tiên; và như vậy phản công lại là điều chính đáng.
Một chiến thuật khác là tìm cách nhắc binh lính nhớ rằng Trung Quốc đã hy sinh to lớn để ủng hộ Việt Nam trong nhiều năm qua mà Việt Nam lại đáp trả lòng tốt đó bằng sự vô ơn. Lập luận nêu tiếp, Việt Nam nghĩ rằng Trung Quốc dễ bị bắt nạt và do đó, tiếp tục thách thức chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam là một mối đe dọa chính đối với Bốn hiện đại hóa của Trung Quốc và xứng đáng bị trừng phạt.
Cán bộ chính trị cũng liên kết chính sách chống Trung Quốc và ham muốn bá quyền của Việt Nam ở Đông Dương với chiến lược toàn cầu của đế quốc xã hội chủ nghĩa Xô Viết. Theo huớng lập luận này, việc Trung Quốc phản công lại Việt Nam sẽ làm hỏng những hy vọng của Liên Xô trong việc bao vây Trung Quốc. Cuộc xâm lược Campuchia cùng chủ truơng chống Trung Quốc của Việt Nam không được thế giới ưa thích, do đó, việc Trung Quốc trừng phạt Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ toàn cầu.
Chương trình huy động này chú trọng tới việc khơi dậy lòng thù hận của binh lính đối với kẻ thù. Người lính nông dân của PLA luôn luôn được khuyến khích trút căm giận của họ chống lại địa chủ áp bức tại các buổi họp tố cáo được vạch ra nhằm khuấy động ý thức giai cấp để cho họ có thể được huy động mà tin rằng họ chiến đấu vì lợi ích riêng của mình. Năm 1979, các ban chính trị tổ chức các cuộc họp tố cáo, mời binh lính từ các đơn vị biên phòng, dân làng các khu vực biên giới, và những người gốc Hoa từ Việt Nam về dùng các trải nghiệm cá nhân của họ để tố cáo tội “ghét Trung Quốc, chống Trung Quốc” của bọn xét lại Việt Nam. Bằng cách này, công tác tuyên truyền chính trị không những gieo mầm thù hận vào đầu óc binh lính mà còn củng cố niềm tin của họ trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình như những người lính PLA bảo vệ người dân và lợi ích của họ. Để khuyến khích binh lính (nếu cần) sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ trong chiến đấu, ban chính trị đại đoàn 13 tổ chức nhiều buổi tập hợp mà tại đó sĩ quan và binh lính cùng thề nguyền qua việc đưa súng lên trời và hô vang những khẩu hiệu. Trong khung cảnh mạnh mẽ, đầy xúc cảm làm nhiệt tình yêu nước bùng cháy, tất cả các binh sĩ đều thề nguyện sẽ đảm nhận những nhiệm vụ nguy hiểm và khó khăn.
Với thực tế binh lính PLA không phải là quân nhân chuyên nghiệp, công tác chính trị được dùng như là một phương tiện tâm lý để chuẩn bị cho họ đương đầu với bất trắc và bất định, và không sợ khó khăn hay chết chóc trên chiến trường. Nhiều buổi lễ biểu duơng các anh hùng trong lịch sử của đơn vị khuyến khích binh lính tiếp tục truyền thống vẻ vang đó. Đại đoàn 43 yêu cầu tất cả các đại đội cùng tuyên thệ tiếp nối truyền thống: “Học tập anh hùng, trở thành anh hùng, và viết thêm những dòng vinh quang mới vào các biểu ngữ chiến tranh anh hùng”. Cán bộ, đảng viên ĐCSTQ được khuyến khích cố gắng tự mình làm thành tấm guơng. Nhận thấy rằng binh lính trong một thời gian dài chưa từng chiến đấu, bộ chỉ huy tiền phuơng Quân khu Quảng Châu đã tiến hành một cuộc điều tra để tìm ra các sĩ quan đã từng tham gia vào các cuộc chiến tranh chống lại Nhật và phe Quốc dân Đảng, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam cũng như trong xung đột biên giới với Ấn Độ. Những cựu chiến binh này được yêu cầu trình bày các bài học về kinh nghiệm cá nhân của họ trong chiến đấu. Việc buộc sĩ quan chỉ huy có mặt ở tuyến đầu là một truyền thống của PLA, đảm bảo binh sĩ thấy rằng cấp trên của họ cùng chia sẻ rủi ro và khó khăn. Trong khi điều các cấp phó của mình tới mỗi đại đoàn dưới sự chỉ huy của ông, tướng Hữu cũng yêu cầu các sĩ quan chỉ huy cấp đại đoàn, sư đoàn, và trung đoàn cũng điều cấp phó của họ tới các đơn vị cấp dưới để trợ giúp việc chỉ huy.
Theo ghi nhận, công tác chính trị cũng đã đóng một vai trò trong việc xua tan những hoài nghi của các lính thuỷ và phi công về cơ may của họ khi chống lại đối thủ đuợc trang bị tốt hơn. Lính hải quân ban đầu nghĩ rằng họ có thể dễ dàng đánh bại hải quân Việt Nam. Tuy nhiên, khi biết được rằng họ có thể phải đối mặt với các tàu tuần dương tên lửa của Liên Xô, nhiều người trong số họ đã trở nên ít tự tin hơn vào khả năng của chính mình. Tàu của Liên Xô lớn hơn nhiều, hỏa lực mạnh mẽ hơn và công nghệ thông tin tốt hơn. Lính thuỷ Trung Quốc càu nhàu rằng các súng nhỏ của họ sẽ chỉ làm tróc lớp rỉ của tàu Liên Xô thôi. Đáp lại điều đó, cán bộ chính trị hải quân sử dụng việc truyền bá tư tưởng để kích thích tinh thần yêu nước của thủy thủ. Họ cũng nói về điểm yếu của hải quân Xô Viết, lưu ý rằng các tàu đó ở cách xa quê nhà và phụ thuộc rất lớn tuyến tiếp liệu trãi dài. Lính thuỷ Trung Quốc chỉ phần nào trở nên hài lòng sau khi chỉ huy của họ quyết định sử dụng một cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa chống tàu để chống các tàu tuần dương của Liên Xô.
Lực lượng không quân cũng đã tiến hành các cuộc họp để đối phó với thái độ hoài nghi trong các phi công bằng cách nhấn mạnh lời dạy của Mao rằng “vũ khí là một yếu tố quan trọng nhưng không quyết định trong chiến tranh, chính con người mới là yếu tố quyết định”. Theo một báo cáo của đảng ủy sư đoàn không quân 44, các cựu chiến binh Chiến tranh Triều Tiên đã được mời để kể chuyện họ bay đánh máy bay Mỹ F-86 Sabres để chứng minh những lời dạy của Mao là đúng. Cán bộ chính trị cũng sử dụng chuyện không quân Pakistan đánh bại MiG-21 của Ấn Độ do Liên Xô chế tạo với J-6 do Trung Quốc sản xuất, để xây dựng sự tự tin của phi công khi đối mặt với không quân Việt Nam. Họ đặc biệt lưu ý rằng các máy bay Trung Quốc có thể qua mặt các chiếc MiG-21 của địch ở độ cao trung bình nếu các phi công sử dụng đúng chiến thuật. Tuy nhiên, lãnh đạo không quân không thể xem thuờng những khả năng vượt trội của MiG-21 của Việt Nam và đã triển khai toàn bộ 73 chiếc J-7 của họ (loại MiG-21 do Trung Quốc sản xuất) đến Quảng Tây và Vân Nam. Một số J-6 đã được nâng cấp với tên lửa không-đối-không, cho không quân Trung Quốc có hoả lực mạnh hơn đối thủ Việt Nam.
Trong khi công tác chính trị đóng vai trò then chốt trong việc huy động tinh thần người lính, hệ thống chính trị cũng giúp đối phó với các vấn đề mà binh lính PLA có thể phải đối mặt trong chiến đấu. Mối quan tâm trước mắt là việc thiếu các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là ở cấp trung đội và đại đội. Giữa tháng 12 năm 1978, GDP chỉ đạo các đơn vị lắp đầy các chỗ trống lãnh đạo và phát triển một kế hoạch để tránh bị gián đoạn lãnh đạo trong hoạt động quân sự. CMC chuyển quyền thăng cấp cán bộ sư đoàn cho các đảng ủy quân khu và các cấp tác chiến vũ trang. Ban chính trị của các quân khu đã yêu cầu các đơn vị ở mọi cấp lập ra danh sách các ứng viên có thể nắm vị trí lãnh đạo giữa cuộc chiến. Mỗi tiểu đoàn và đại đội đã nhận lệnh thêm một cấp phó để đảm bảo hoạt động chỉ huy không bị gián đoạn. PLA có nề nếp tin vào các tổ chức ĐCSTQ trong vai trò quan trọng về duy trì hiệu quả chiến đấu. Các chi nhánh đảng trong đại đội kêu gọi đảng viên và đoàn viên thanh niên giữ vai trò tiên phong trong chiến đấu và đảm nhận vai trò lãnh đạo khi bị khuyết. Công tác chính trị cũng bao gồm việc chuẩn bị cho binh lính Trung Quốc phân biệt dân thường Việt Nam với nhân viên quân sự và sử dụng các chiến lược về chính trị và tâm lý (giành lấy trái tim và khối óc của người dân) để phân tán lực lượng địch. GPD ban hành một số quy định kỷ luật chiến đấu liên quan đến hoạt động tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng binh línhTrung Quốc phải cố gắng giành lấy sự ủng hộ của quần chúng Việt Nam. Trong giai đoạn chuẩn bị, binh lính Trung Quốc đã nghiên cứu phong tục và lối sống địa phương cũng như tầm quan trọng của việc cư xử với quần chúng Việt Nam trong vùng chiến sự. Cũng hệt như binh lính PLA từng làm trong khi chiến đấu bên trong đất Trung Quốc, binh lính sang Việt Nam được kỳ vọng phải tỏ ra quan tâm tới dân thường và tử tế với họ. GPD yêu cầu mỗi đơn vị phải tổ chức một tổ công tác tuyên truyền để cải thiện thái độ người dân địa phương Việt Nam đối với Trung Quốc và quân đội Trung Quốc và làm nhục ý chí và tinh thần chiến đấu của kẻ thù. Ngoài ra, GPD chỉ thị các lãnh đạo quân đội dạy tiếng Việt cho binh sĩ để họ có thể hô khẩu hiệu tuyên truyền trước quân địch. Họ còn huấn luyện binh sĩ tiến hành chiến tranh tâm lý bằng cách phân phát tờ rơi và phát thanh. Tránh ngược đãi tù binh Việt Nam là một quy tắc quan trọng trên chiến trường. GPD nhắc lại chính sách tù binh chiến tranh của PLA, chỉ rõ rằng sau khi bị bắt, các chiến sĩ dân quân Việt Nam sẽ được thả ngay sau khi được học tập chủ trương. Tuy nhiên, quy định này sớm cho thấy khó thực hiện trong một quốc gia thù địch. Điều kiện của cuộc xâm lược Việt Nam khác rất xa kinh nghiệm của PLA trong cuộc Nội chiến Trung Quốc và kinh nghiệm của họ tại Hàn Quốc từ 1950 đến 1953 về mặt này,
Huy động sự ủng hộ của xã hội
ĐCSTQ luôn thực hiện việc huy động xã hội Trung Quốc phục vụ cho chiến tranh, mặc dù chỉ có vài nghiên cứu khảo sát cách làm này. Học giả phương Tây nhận ra rằng công dân Trung Quốc có nhiều “ý kiến đa dạng” về cuộc xung đột năm 1979 và ở các thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Tây và Vân Nam có không nhiều “tình cảm nồng nhiệt trong công chúng” đối với cuộc chiến này. Lực lượng PLA hầu như không thể hoạt động ở nước ngoài mà không cần huy động sự ủng hộ trong nước cho cuộc chiến. Các hồ sơ mới truy cập được của Trung Quốc cho thấy chính phủ nỗ lực rất lớn trong việc huy động sự trợ giúp của người dân địa phương cho cuộc xâm lược của PLA. Từ khi CHNDTH thành lập, quân đội Trung Quốc luôn được coi là một mẫu mực về vai trò tích cực đối với xã hội Trung Quốc, nhưng tiếng tăm của nó đã bị tổn hại nghiêm trọng khi giới quân sự lạm dụng quyền lực trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Vì vậy, thái độ của công chúng đối với quân đội Trung Quốc phải được cải thiện. Thuyết phục công chúng trợ giúp cho cuộc xâm lược đòi hỏi phải làm cho mọi người cảm thấy tự hào về những người lính của PLA và yêu nước Trung Hoa.
Mặc dù không có sự trợ giúp rộng khắp Trung Quốc cho cuộc xâm lược Việt Nam, các lãnh đạo đảng ở cả hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đặc biệt quan tâm đến việc huy động sự trợ giúp trong cộng đồng địa phương mình. Công luận ở hai tỉnh này là bi quan về quyết định chiến tranh của Bắc Kinh. Các cộng đồng địa phương đã trải qua rất nhiều khó khăn gian khổ trong cuộc Cách mạng Văn hóa và đã hy sinh đáng kể cho nỗ lực chiến tranh Việt Nam. Hai tỉnh này chưa từng nằm trong danh sách ưu tiên đầu tư của chính phủ trung ương. Do đó, các khu vực này vẫn lạc hậu về xã hội và kinh tế. Tuy nhiên, công dân ở đây hy vọng rằng cải cách kinh tế— hiện nay được giành ưu tiên cao nhất đất nuớc— sẽ đem lại hòa bình, phát triển và nâng cao mức sống. Người dân và chính quyền địa phương ở hai tỉnh này có vẻ hững hờ với cuộc tấn công Việt Nam và sợ rằng các hành động quân sự sẽ mâu thuẫn với các chương trình phát triển kinh tế.
Với tâm thế đó, chính quyền hai tỉnh này phải viện đến bộ máy tuyên truyền của họ để thuyết phục người dân ủng hộ quyết định đi đến chiến tranh với Việt Nam của Bắc Kinh. Ban tuyên truyền của ĐCSTQ của cả hai tỉnh gửi tới các tổ chức đảng thành phố, huyện, quận, xã danh sách dài tội lỗi của Việt Nam đối với Trung Quốc, yêu cầu các thông tin đó phải được sử dụng để giáo dục dân chúng địa phương và khơi dậy lòng yêu nước của họ trong việc ủng hộ cho chiến tranh. Khu tự trị Quảng Tây đã tổ chức hơn 530 cuộc họp quần chúng với tổng số lượt tham dự là 263 400. Đảng ủy CS tỉnh Vân Nam ban hành một lệnh huy động gây khuấy động toàn tỉnh “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Chuẩn bị cho chiến tranh và cung ứng trợ giúp cho tiền tuyến là ưu tiên hàng đầu của công tác đảng và công việc của chính quyền trong cả hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Cả hai tỉnh lập Ủy ban giúp đỡ Tiền tuyến để giám sát và phối hợp việc chuẩn bị chiến tranh. Các văn phòng tương tự cũng đã được thiết lập trong các tổ chức chính quyền cấp thấp hơn. Hai mươi mốt trong số thành phố và quận của Quảng Tây và 14 của Vân Nam đã được huy động để ủng hộ cho tuyến trước.
Cách tiếp cận này không chỉ thể hiện quyết tâm của PLA tiếp tục theo thuyết “chiến tranh nhân dân” của Mao mà còn phản ánh những điểm yếu rõ ràng của PLA. Lãnh đạo PLA nhận ra rằng họ thiếu một hệ thống hậu cần hiện đại để duy trì nỗ lực chiến tranh, và giải pháp quen thuộc là huy động sự trợ giúp của dân chúng. Tháng 11 năm 1978, Trương Chấn viết rằng sự trợ giúp về thức ăn, chỗ ở, và các đồ tiếp tế khác là rất quan trọng trong chiến tranh toàn cục lẫn các hoạt động quy mô nhỏ. Cụ thể ông ghi nhận rằng trợ giúp của dân chúng chiếm gần 80% toàn bộ trợ giúp cho các hoạt động quân sự trong cuộc xung đột biên giới với Liên Xô năm 1969, và các tàu thuyền dân sự đã giúp chuyển 65% nguồn cung cấp dầu trong các trận ðánh trên biển với Hải quân Nam Việt Nam nãm 1974. Týớng Chấn kết luận rằng ngay cả trong chiến tranh hiện ðại ngày nay thì lực lượng vũ trang cũng sẽ tiếp tục phụ thuộc vào chính quyền địa phương trong việc cung ứng nhân sự và lương thực, và hậu cần quân đội sẽ được xác định bởi sức mạnh của nền kinh tế quốc gia.
Từ giữa tháng 12 năm 1978, các thành phố trực thuộc tỉnh và các quận/huyện ở Quảng Tây và Vân Nam đã vội vã thiết lập các trạm tiếp đón quân (jun ren jie dai zhan/军人接待站: quân nhân tiếp đãi trạm) dọc các tuyến đường sắt và các đường chính dẫn đến biên giới để quân lính có thể nghỉ ngơi, nhận các bữa ăn và nước nóng. Mỗi chính quyền huyện chịu trách nhiệm lo chỗ ở cho binh lính tại các khu vực tập hợp chỉ định gần biên giới. Do các huyện biên giới rất nhỏ và lạc hậu về kinh tế, nhiệm vụ trợ giúp tuyến đầu thường căng kéo quá khả năng của họ. Trong vòng vài tuần, hơn 100 000 quân và lực lượng dân quân đổ xô tới huyện Hà Khẩu đối diện với thành phố Lào Cai của Việt Nam, nơi chỉ có 50.000 dân vào năm 1978. Chính quyền địa phương đã phải dọn trống các văn phòng, nhà kho, và khu sinh hoạt riêng của họ để đáp ứng chỗ ở cho binh lính. Dân làng và cư dân thị trấn đã được khuyến khích “tình nguyện” cho sử dụng nhà họ vào việc quân sự. Một số chính quyền địa phương huy động nhân viên văn phòng, học sinh và giáo viên xây dựng các trại cột tre mái tranh làm các cơ sở trú quân.
Vào lúc đó, hệ thống tiếp tế của quân đội Trung Quốc vẫn còn hổ lốn đòi hỏi mỗi đơn vị phải tự túc trong “cung ứng hàng tiếp tế thông thường Sự gia tăng đột ngột trong nhu cầu về lương thực và hàng tiếp tế khác là một thách thức đáng kể cho các cơ quan dịch vụ kinh tế và thương mại địa phương, họ phải xoay xở cung cấp hàng hoá cho cư dân địa phương lẫn quân đội. Các nhà cung cấp địa phương được yêu cầu cung cấp thêm gia súc cho quân đội, trong khi các nhân viên được phái tới các tỉnh khác thu mua thêm để đảm bảo cho mỗi người lính nửa lạng thịt lợn mỗi ngày. Theo một yêu cầu khẩn cấp của quân đội, các nhà sản xuất thực phẩm ở hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đã vội vả cung cấp 1,25 triệu kilô bánh quy cho binh lính trước cuộc xâm lược.
Kể từ năm 1976, Vân Nam đã gánh chịu một sự sụt giảm về sản lượng ngũ cốc. Cung cấp lương thực là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Các khu vực tập trung quân nằm ở những vùng xa xôi nghèo nàn nhất, ở đó người dân địa phương thậm chí không thể sản xuất đủ lương thực cho mình. Chính quyền tỉnh khẩn trương kêu gọi Bắc Kinh cho phép sử dụng lương thực dự trữ để đáp ứng sự gia tăng đột ngột về nhu cầu và cắt giảm 40 % nguồn cung cấp lương thực cho cư dân đô thị để đảm bảo có đủ hàng cung ứng cho tuyến đầu. Để khắc phục vấn đề nấu cơm trong khi hoạt động quân sự, chính quyền địa phương nhập khẩu một dây chuyền sản xuất gạo ăn liền. Hồ sơ của hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam cho thấy việc huy động đã được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh và có sự can dự của hầu hết mọi cơ quan chính quyền và mọi lĩnh vực xã hội. Tổng cộng có khoảng nửa triệu dân thường phục vụ cho các hoạt động chiến đấu hoặc công tác trợ giúp tiền tuyến. Công việc đáng chú ý nhất là việc tổ chức hàng trăm và hàng ngàn dân quân phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của quân đội Trung Quốc bên ngoài biên giới.
Huy động các lực lượng dân quân tham gia chiến đấu và phục vụ cho tuyến đầu là thông lệ của lực lượng vũ trang do cộng sản lãnh đạo bắt nguồn từ thuyết “chiến tranh nhân dân” của Mao. Sự phụ thuộc của quân đội Trung Quốc vào các đơn vị dân quân phục vụ tiền tuyến cũng tiết lộ một tình huống tệ hại cho PLA, đó là PLA không có khả năng duy trì hoạt động chiến đấu xa nếu chỉ dựa vào chính mình. Tướng Chu Đức Lễ nhớ lại rằng lực lượng xâm lược PLA không cảm thấy an toàn khi tiến hành các hoạt động tại Việt Nam vì không có an ninh tuyến sau, và các lực lượng dân quân và người dân địa phương đóng một vai trò quan trọng trong an ninh tuyến sau. Cả hai tỉnh đã từng là tuyến đầu về quốc phòng trong thời Chiến tranh Lạnh. Hạ tầng giao thông không phù hợp cho các hoạt động chuyển quân quy mô lớn cần cho cuộc xâm lược. Trong tháng 10 năm 1978, tỉnh Vân Nam đã huy động hơn 100 000 dân quân từ thành phố thủ phủ và 7 huyện để làm hai đường lớn dẫn tới biên giới. Họ hoàn thành dự án trong ba tháng và qua đó đảm bảo việc triển khai quân tới khu vực biên giới theo đúng lịch trình.
Đầu tháng 1 năm 1979, toàn bộ lực lượng dân quân đã được huy động. Các đơn vị dân quân có tổ chức tốt hơn và được huấn luyện tốt hơn từ các vùng khác của hai tỉnh đã được triển khai tới khu vực biên giới để trực tiếp phục vụ cho các hoạt động quân sự. Huyện Khúc Tĩnh (Qujing), nằm ở phía đông bắc Vân Nam, đã triển khai khoảng 500 tới 600 dân quân trẻ từ mỗi huyện để phục vụ trong chiến tranh. Đàn ông trong độ tuổi từ 18 đến 55 ở tất cả các huyện biên giới đều gia nhập vào lực lượng dân quân. Theo báo cáo cuối cùng của chính quyền tỉnh Vân Nam ngày 6 tháng 9 năm 1979, hơn 87 000 dân quân (630 đại đội) cộng với 5 000 ngựa và la của dân đã được huy động phục vụ, chủ yếu trong vai trò tãi thương, bảo vệ, và khuân vác. Hơn 21 000 dân quân hoạt động sát cánh với các đơn vị chính quy trong chiến đấu. Việc sử dụng lực lượng dân quân không mặc quân phục trong một quốc gia thù địch cùng với các đơn vị quân đội Trung Quốc về sau gây ra nhầm lẫn trong lúc chạm trán với lực lượng phòng thủ của Việt Nam, vốn cũng mặc quần áo dân sự trên chiến trường. Trong một vài trường hợp, lính PLA thấy mình không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải giết bất cứ ai không mặc quân phục, thậm chí một số trong đó có thể là đồng chí của họ.
Tướng Lễ cũng nói rằng hơn 215.000 cư dân tỉnh Quảng Tây đã phục vụ trong chiến tranh, với 60.000 đã tham gia vào các hành động quân sự trong vai trò tãi thương, bảo vệ, và khuân vác, và hơn 26.000 tham gia vào các hoạt động chiến đấu. Lực lượng PLA đã chuyển vài ngàn súng trường tự động và các loại vũ khí hạng nặng cho các đơn vị dân quân địa phương. Vào lúc cuộc xâm lược bắt đầu, lực lượng dân quân ở các xã biên giới đã được trang bị tốt với súng máy, súng phòng không, súng cối, súng phóng lựu và súng không giật. Các lực lượng dân quân địa phương chịu trách nhiệm chủ yếu việc xây dựng công trình phòng thủ, vận chuyển đạn dược, hàng hoá lên tuyến trước, và chăm sóc thương binh. Các đơn vị phòng không dân quân cũng bảo vệ các thị trấn huyện biên giới và các cơ sở công nghiệp trọng điểm như các trạm thủy điện và hồ chứa.
Chiến lược “chiến tranh nhân dân” của Mao bị chất vấn vì một chiến lược chiến tranh toàn diện như thế không áp dụng được cho các cuộc xung đột địa phương hạn chế mà Trung Quốc từng can dự kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên. Đặc biệt King C. Chen chỉ ra rằng vào năm 1979 Trung Quốc đã không tiến hành được một cuộc chiến tranh nhân dân chống Việt Nam vì môi trường cần tới vốn bao gồm “một ý thức dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ cùng với sự tham gia của động đảo nhân dân”, không tồn tại. Huy động xã hội phục vụ chiến tranh là bài bản chiến lược then chốt của Trung Quốc, và cuộc chiến tranh 1979 đã chứng tỏ rằng PLA vẫn còn vận hành trong khuôn khổ tư tưởng chiến tranh nhân dân.
Lời kết
Chắc chắn không có việc phóng đại về cường độ mãnh liệt liên quan tới việc PLA lập kế hoạch và chuẩn bị cho các hoạt động quân sự đánh Việt Nam. Quá trình này phản ánh phong cách chiến lược và thể chế của PLA vốn chịu ảnh hưởng nặng nề lý thuyết quân sự của Mao. Các nguyên tắc quân sự trung tâm do Mao đề ra và kiểu cách tác chiến mà PLA phát triển thêm vẫn là chủ đạo trong cách PLA tiếp cận chiến dịch quân sự năm 1979. Kế hoạch chiến tranh do các chỉ huy khu vực lập ra thể hiện một ý hướng tác chiến nắm lấy và duy trì thế chủ động bằng cách triển khai lực lượng vượt trội cùng với các cuộc tấn công bất ngờ. Dù nhu cầu huấn luyện là cấp thiết, PLA vẫn tiếp tục thông lệ sử dụng tuyên truyền chính trị như một phương tiện chính để thúc đẩy tinh thần và nâng cao hiệu quả chiến đấu. Các hoạt động tuyên truyền chính trị có thể không có ý nghĩa đối với binh lính nhà nghề phương Tây. Tuy nhiên, theo quan điểm Trung Quốc, công tác chính trị như thế đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thuyết phục những người lính bình thường, thất học rằng Trung Quốc cần phát động cuộc tấn công quân sự vào Việt Nam vốn lâu nay được coi là nước anh em, thậm chí là đồng chí. Việc huy động xã hội trong việc phục vụ cho chiến tranh phản ánh điểu cốt lõi của “chiến tranh nhân dân” của Trung Quốc. PLA dường như không thể thực hiện bất kỳ hoạt động quân sự quy mô lớn mà không huy động chính quyền địa phương và người dân trợ giúp. (Thực tế, ngay cả bây giờ, sau hơn ba thập kỷ, đặc trưng quan trọng này vẫn tiếp tục là nét riêng trong cách tiếp cận chiến tranh của Trung Quốc và có khả năng cũng sẽ như vậy trong tương lai.) Mặc dù việc lập kế hoạch chi tiết do đội ngũ nhân viên quân sự thực hiện, nhiều sự kiện trên chiến trường vẫn chưa có trong dự kiến, một điều bất cập nhanh chóng cho thấy cuộc xâm lược Việt Nam rất tổn hao về xương máu và tiền của.
Chú thích của người dịch:
Do quân đội VN nhỏ không có những đơn vị quá lớn nên để bạn đọc dễ hình dung hơn xin tạm dịch:
- ‘army’: một đơn vị trên cấp sư đoàn, thành ‘đại đoàn’ (‘đại đoàn’ có thể cùng nghĩa với ‘sư đoàn’ nhưng ít dùng, cònTQ gọi là ‘tập đoàn quân’)
- ‘field army’, một đơn vị trên cấp đại đoàn, thành ‘quân đoàn’ (TQ gọi là ‘phương diện quân’)
P.V.S. dịch
Bản tiếng Anh:
Zhang, Xiaoming, 2015, Deng Xiaoping's Long War: The Military Conflict between China and Vietnam, 1979-1991 (The New Cold War History). The University of North Carolina Press.
BẢN PDF ĐỂ IN
pp. 67-89
Chapter 3: Planning and Preparation for the Invasion
On 9 December 1978, both the Guangzhou and Kunming Military Regions received orders to deploy troops on the Vietnamese border by 10 January and prepare to fight a war “in limited time and space” with “overwhelming force.” Many Chinese soldiers doubted whether China should attack Vietnam and whether they would be victorious. The PLA forces had not fought a major war in almost thirty years. Thus, no officers at or below the battalion level had any combat experience. Moreover, the Cultural Revolution had left the PLA’s morale and reputation at all-time lows. Chinese leaders, including Deng Xiaoping himself, were unsure about the PLA’s combat capability. In the midst of these doubts and uncertainties, the Guangzhou and Kunming Military Regions embarked on detailed planning and preparations for the invasion of Vietnam.
This chapter explores the PLA’s implementation of the invasion operations at the campaign and tactical levels in the context of Cold War history. The PRC never planned to engage in a fight with the SRV, and the PLA had never before prepared for such a military action. Chinese forces were undermanned, underequipped, and poorly trained. The most serious difficulty was the lack of enthusiasm among the rank and file. Many soldiers did not understand why they would attack a country that seemed like— and had often been compared to— China’s “little brother.”
The PLA had developed its own approach to war and its own unique institutional culture. Much of the continuity found in the PLA’s military doctrine, strategy, and operational concepts was based on adherence to Maoist principles, even when fighting a weaker enemy like Vietnam. Mao’s military thought, the PLA’s “political work system,” and the mobilization of society to support military actions all played vital roles in guiding the planning and preparations for invasion. The characteristics of the PLA’s operational art in military campaigns during the invasion foreshadowed both continuities and changes for years to come. Preparations for war against Vietnam were a national undertaking in support of the Chinese leadership’s strategic objectives.
The PLA’s Doctrinal and Institutional Traditions
In 1979, the PLA’s senior military officers were still Mao’s generals, with combat experience from the war against Japan, the civil wars against the Nationalists, and the Korean War. They were intimately familiar with Mao’s approach to conflict. In planning and preparing to invade Vietnam, they hewed to the principles developed by the late Chinese leader in the 1930s and 1940s. The CMC’s order included some of these principles, requiring both the Guangzhou and Kunming Military Regions to “concentrate a superior force,” to employ “encirclement and outflanking” tactics, and to engage in a decisive “battle of annihilation.” Understanding how the PLA applied Maoist doctrinal and institutional traditions in the planning and preparation phase of the 1979 invasion of Vietnam requires us to examine the traditions themselves.
Mao’s military thinking focused on how a force inferior in arms, equipment, and training could defeat a superior adversary. The essence of his approach was creating a political environment for mobilizing the whole country and rallying popular support for a protracted war. One key doctrinal principle Mao invoked in his approach to warfare was “active defense” (jiji fangyu) through “decisive engagements,” using the three operational principles of initiative, flexibility, and planning. First, he believed that gaining and retaining the initiative were essential for a weaker force in asymmetric warfare. Second, he asserted that flexibility was essential for achieving the operational initiative. Third, he contended that making clear plans and later necessary changes during the fight helped overcome the confusions, obscurities, and uncertainties peculiar to war.
Mao believed that applying these principles necessitated having commanders who “use all possible methods of conducting reconnaissance” and “ponder information” by “discarding the dross and selecting the essential, eliminating the false and retaining the true” and then “proceeding from one to the other and from the outside to the inside.” By carefully considering the interrelationships between conditions of his own army and those of the enemy’s army, a wise commander could “reach to his judgment, make up his mind, and work out his plan.”
In the late 1940s, as the communist forces were growing in size and strength after more than ten years of fighting against internal and external enemies, Mao redefined Chinese military strategy and operational doctrine, extracting four additional principles: (1) annihilate the enemy’s effective strength (yousheng liliang ) rather than seizing or holding a city or a place; (2) concentrate the superior force (jizhong youshi bingli) with concurrent frontal and flank attacks and avoid becoming bogged down in a battle of attrition; (3) make preparations that will ensure victory in any given situation; (4) fight courageously in continuous battles without fear of sacrifice or fatigue. The PLA employed these military principles in its 1949 victory against the Nationalist regime, and they became enduring features of the PLA’s tactical and operational style.
Since the founding of the Red Army in the later 1920s, Mao had attached great importance to the CCP’s absolute control over the military. He advocated embedding the party organization inside the army at all levels to guarantee that troops would comply with the CCP’s directions. He particularly stressed the importance of the party’s role at the company level. Because his army was very weak and experienced extreme hardship, Mao was convinced that only a politicized army could keep up morale and maintain solidarity among the rank and file. The CCP had to play an active and decisive role in making rules, regulations, and decisions for the military. Troops must act on orders from the party instead of orders from an individual commander. This advocacy gave rise to the creation of a distinctive institutional characteristic of the communist-led armed forces— the political work system— to ensure one of Mao’s other key principles for the military: the gun must be under the control of the party, not the military.
The most critical components of the political work system were the party committee system and the political commissar system. The party committees were designated to provide leadership, guidance, and unity for troops, conveying directives and orders to lower-level party organizations and making sure that troops carried out orders. Under the leadership of the party committees, a collective decision-making authority was established in which military commanders and political commissars jointly shared responsibility for the work of their units. Except in tactical and emergency situations, the party committees discussed and made all important decisions.
Under the collective leadership of the party committee, a dual commandership system gave the military commander and the political commissar equal ranks. The former was responsible for all military affairs, while the latter, who usually served as the secretary of the party committee, was in charge of promotion, security, propaganda, public service, and ideological indoctrination. The basic principles of political work— unity between officers and soldiers, unity between the army and the people, and (consequently) the disintegration of enemy forces— constituted the political basis for unifying the troops and defeating the enemy. The CCP leadership and the PLA were convinced by their shared experience from the 1920s that the political work system played a significant role in ensuring that the troops were loyal to the CCP and in providing the troops with motivation sufficient to enhance their combat effectiveness.
The CCP-led forces consisted of three basic components: main forces, regional forces, and militia. The main forces operated unconstrained by geographical concerns, whereas the regional and militia forces were restricted to their own localities. Consequently, over the years, regional and militia forces developed strong social networks in their areas that translated into detailed knowledge of local conditions and thus of how to conduct operations there.
In late 1948, following the significant expansion of communist forces in the final years of the civil war, the CMC reorganized its troops into four field armies. By the time that the People’s Republic was founded, the first field army, under Marshal Peng Dehuai and Marshal He Long, had established a strong presence in northern and northwestern China. The second field army, under Marshal Liu Bocheng and Deng Xiaoping, dominated central and southwestern China. The third field army, under Marshal Chen Yi and General Su Yu, occupied eastern China. Finally, the fourth field army, under Marshal Lin Biao, swept from northeastern to southern China. The field army became an institution with which the rank and file personally identified. This individual affiliation as well as the longtime service of soldiers in a particular unit also laid the foundation for valuable mentor-protégé relationships between senior officers and trusted subordinates and for fostering less desirable factionalism in leadership politics. These traditions and institutional characteristics, deeply embedded in the PLA by 1979, strongly influenced China’s decision to go to war against Vietnam.
Planning the Invasion
Gerald Segal has claimed that China’s prime motives for attacking Vietnam were checking Vietnamese ambition and aggression in Southeast Asia, halting a Vietnamese threat to Chinese national security, and exposing Soviet weakness. However, poor political calculation meant that by attempting to create a strategy to punish Vietnam, the PRC’s leaders had actually put themselves in an unwinnable position— that is, one in which China never stood a chance of success. China’s clearly stated desire to “teach Vietnam a lesson” created a misleading impression that its main war objective was simply an “act of revenge.” This impression was unfortunate, because the attack was hardly impulsive or merely vengeful. At the outset, Beijing had strictly limited the objectives and the duration, scope, and conduct of the war to avoid going beyond a bilateral border conflict. However, following Vietnam’s invasion of Cambodia, the CMC broadened its objectives to include invading northwestern Vietnam.
Practical or not, this scheme revealed both that considerable thought had gone into crafting the plan and that China’s leaders were willing to gamble, seemingly no matter what the cost. In addition, the plan reflected the moderating influence of the CCP leadership on the PLA’s seething anger. PLA officers wanted to use force to strike hard at Vietnam, which they perceived as nothing less than a traitorous former ally that must be punished. Instead of offering the military an unconstrained framework in which to inflict the desired punishment, CCP leaders limited their operations in both time and space by directing the military leadership at Guangzhou and Kunming to derive an operational strategy that could meet the CCP leadership’s strategic objectives. Local military planners were concerned about the extent to which their objective of teaching Vietnam a lesson could actually be achieved or even measured.
The CMC initially asked the Guangzhou Military Region for two armies (the 41st and 42nd) and one division (the 129th of the 43rd Army) to attack Vietnamese forces in the Cao Bang area, while two other armies (the 43rd and 55th) would engage in diversionary attacks against Dong Dang and Loc Binh prior to the final assault on Lang Son. The Kunming Military Region was ordered to employ two armies (the 13th and 14th) to destroy one Vietnamese division at Lao Cai as well as other local units near the Yunnan border. The CMC apparently granted operational autonomy to regional commanders but kept the duration and space of the fight under the command of the central leadership in Beijing. Deng Xiaoping was determined to avoid having the invasion turn into a quagmire for China.
According to General Zhou Deli, General Xu Shiyou, the commander of the Guangzhou Military Region and a veteran PLA warrior, received the planning task on 9 December 1978 and then began to consider his military strategy against Vietnam. He immediately thought of an overwhelming surprise attack on the Vietnamese army, seizing the initiative and preventing the Vietnamese from recovering their strength. Drawing on his own combat experience, Xu’s suggested plan was known as niudao shaji (using a butcher’s knife to kill a chick), a description suggestive of its massive violence. As a student of Mao’s approach to war, Xu believed that this approach fittingly applied Mao’s doctrine to fight wars of annihilation. There were three components: (1) concentrating strikes on the vital parts of the enemy’s defense but not on the enemy’s strong point, (2) employing overwhelming force and firepower to crush the enemy defense at the point of engagement, and (3) quickly and deeply striking at the enemy’s heart. In this way, Xu expected the PLA to cut the enemy defenses to pieces and then destroy the targeted forces one by one.
On 11 December 1979, Xu convened his first war meeting. Participants included the vice commanders, the deputy political commissars, the chief of staff, the political director, the logistical director, and the commanders and political commissars of the 41st, 42nd, and 55th Armies from the Guangzhou Military Region. At the meeting, the 41st and 42nd Armies were designated to conduct a two-pronged offensive against Cao Bang, while the 55th would launch attacks on Lang Son. Because the Guangzhou Military Region did not have enough troops, the CMC transferred the 43rd Army from the Wuhan Military Region as Xu’s reserve.
After General Zhou announced his assignments, the participants raised many questions because their troops had not engaged in such large operations for many years. The main problem was how to transport their troops— especially the two armies and two artillery divisions from the Guangdong area— from their home barracks to the border region in Guangxi by the end of December. Few people had the knowledge and experience to arrange in such a large-scale movement of troops, particularly in light of the limited means of transportation. Another pressing issue was that all units involved in the invasion were undermanned and underequipped. Those in attendance at the meeting agreed that no more than 5 percent of personnel would be left in the rear and required all troops to prepare to fight with the equipment they had on hand. At the end of the meeting, Xu urged senior officers to serve as exemplars by changing their work habits from the routine of a peacetime regimen to the total focus of wartime— to act swiftly and on time and to work hard. He made clear that he would punish those who failed to perform their jobs. Then Xu requested that his deputies go to the troops and help them prepare for the invasion.
Xu had been the commander of the Nanjing Military Region (the third field army) for eighteen years before taking up command in the Guangzhou Military Region in 1973, when Mao became increasingly apprehensive about the loyalty of his military regional commanders. Because Xu inherited most of his deputies and troops from the fourth field army, many of them were not comfortable with his leadership style. After the meeting, chief of staff Zhou Deli felt it necessary to bring his department heads together to discuss details about how to deploy troops to the border region. For security reasons, Xu asked his chief of staff to discuss assignments and mission objectives with each department separately.
Deng did not seem confident in the Guangzhou Military Region’s leadership, as the purge of the Gang of Four’s supporters was then under way. Most of the senior officers had been the subordinates of Marshal Lin Biao, who was killed in a September 1971 plane crash in in the Mongolian desert, allegedly after a failed coup against Mao. Lin was subsequently condemned as a traitor and labeled the chief designer of a series of political purges against many CCP and PLA leaders— including Deng— during the Cultural Revolution. In early December, one of Deng’s longtime subordinates from the second field army, Liu Changyi, was appointed Xu’s deputy to command the war, even though he already had five deputies. However, this appointment did not make Xu feel uneasy, since his personal connections with Liu extended back to their days in the Red Army.Nevertheless, the lack of personal connections between the rank and file and their commander would lead to complaints about Xu’s leadership style when operations did not go as expected.
On 21 December, the Guangzhou Military Region set up a forward command post in an air force cave depot near Nanning, capital city of Guangxi Autonomous Region, since the attack would be launched from three directions from the Guangxi side. The post comprised seven functional groups: the headquarters (Group 1), the political department (Group 2), the logistics department (Group 3), the artillery corps (Group 4), the engineering corps (Group 5), the air force (Group 6), and the navy (Group 7). Staff officers were divided into three teams, with each team supporting the operations of one direction of attack. In his memoirs, General Zhou claimed that this command structure was effective for directing one army group, thus avoiding chaos during the campaign.
On 5 January 1979, the members of the Guangzhou forward command held their second war meeting in Nanning. In addition to those who attended the first meeting, attendees now included senior officers from the air force and the navy as well as local CCP leaders. After reviewing the preliminary operational plan, the participants recommended several revisions. The final plan divided the campaign into two stages: first, two armies would be employed to mount attacks on Cao Bang, and then one army would take on Lang Son. The plan also called for two divisions to thrust into the enemy’s rear, to encircle Cao Bang from the west and south. The PLA General Staff endorsed the plan, recommended additional training, and instructed that units assigned to deep-penetration tasks carry as much ammunition as possible, even by reducing their other provisions to no more than three days’ worth. On 5 February, attendees at the third meeting proposed that a simultaneous attack should be launched on Dong Dang, the gateway to Lang Son, once the battle against Cao Bang began. Xu approved this final revision. Because the PLA possessed only limited knowledge about the SRV’s military and local social and natural conditions, Zhou Deli later acknowledged that the plan was flawed from the outset. Otherwise, the subsequent military campaign would have secured more victories.
No personal recollections similar to Zhou Deli’s are available to provide information about how the Kunming Military Region prepared for its actions. We now know that a change of leadership occurred on the Yunnan front, and the plan for attacking Dien Bien Phu was scrapped. On 7 January 1979, Yang Dezhi replaced Wang Bicheng, who was also from the third field army but had a bad relationship with the commander in Guangxi. However, four days after the Chinese forces invaded Vietnam from Yunnan, Yang was rushed to the hospital in Beijing with serious stomach bleeding. The campaign was thus originally planned by Wang Bicheng but executed by Yang’s two deputies, supported by a team of staff officers from the PLA General Staff. Nevertheless, it is misleading to assert that Yang would have been a better choice for military leader than Xu.
From 8 to 10 January, the Kunming Military Region held planning meetings for the invasion. The 13th and 14th Armies would attack one regular Vietnamese division in the Lao Cai and Cam Duong area and then seek to engage another Vietnamese division in the Sa Pa area. The 11th Army would undertake an independent operation in the Phong Tho area. A forward command post was to be set up at Kaiyuan, a county town between Kunming and a border town, Hekou. The operations would involve a total of three armies, along with artillery units, tank units, engineering units, and independent units (150,000 troops). A western command was created to direct the 50th and 54th Armies as they conducted an outflanking operation in northwestern Vietnam. After the Vietnamese military forces had seized most of Cambodia by mid-January, however, the CCP leadership aborted this campaign and redeployed these two armies (except for one division from the 50th) to the Guangxi front as reserves. No sources ever mention any coordination between the two military regions: they carried out their attacks independently.
Deployments and Preparations
In mid-December 1978, the armies of the Guangzhou and Kunming Military Regions began deploying to their positions along the border with Vietnam. Troops moved in by road, while their heavy equipment and supplies came by rail. Engineering units built three pontoon bridges on two main rivers in Guangdong. A total of more than 168,100 troops along with 7,087 tons of materials were transported from Guangdong to the front. Four armies from other military regions traveled to their destinations in Guangxi and Yunnan by rail. The 13th Army— a total of 35,000 troops, along with 873 pieces of artillery, 1,950 vehicles, and other equipment— traveled 1,700 kilometers from Chongqing, Sichuan Province, by ninety trains.
Although the PLA moved by night, such heavy rail and road traffic disrupted normal train schedules and piqued the curiosity of many passersby and travelers. All vehicles used Guangxi license plates to conceal their identification, and troops maintained radio silence during their deployment. The rear bases operated their transmitters on their routine schedule to deceive Vietnamese and other foreign intelligence collectors. By the end of the month, all armies of the Guangzhou Military Region, including the 43rd Army from Louyang, Henan Province, in the Wuhan Military Region, had taken up their positions near the border. Zhou Deli later recalled that the troop movements were completed on schedule. Only one accident had occurred, leaving an artillery piece damaged and two soldiers injured.
According to Zhou, the air force and navy deployed their troops at the same time. Thirteen air force aviation regiments plus another six flying groups, along with their support units, antiaircraft artillery (AAA) and surface-to-air missile (SAM) units, were brought to the airfields in Guangxi, near the border. The air force command and control systems were inadequate in these two provinces. Though unified command is essential for effective military performance in military strategy, two air force forward command posts were created under the existing military region system: regional air force commander Wang Hai was placed in charge in Guangxi, and Hou Shujun, the Kunming Military Region Air Force command post director, took command in Yunnan.
To avoid escalating the conflict, the CCP leadership confined the use of air power to Chinese territory, ordering the air force units to prepare to provide support for PLA ground operations “if necessary.” However, the leadership gave no clear definition of what a “necessary” situation might be or when it might occur; instead, leaders mandated that any operations outside China’s airspace must be authorized by the CMC. Based on this principle, the PLA Air Force (PLAAF) came out with a strategy that required its units to be prepared to provide both air defense and ground support at any time and to fly as many sorties as possible over the border airspace to deter the Vietnamese air force from taking action against China. Air force operational teams were sent to both military regions’ forward command posts, and target guiding groups were attached to ground force army and division headquarters.
The PLA Navy (PLAN) deployed a task group, designated the 217 formation, consisting of two missile frigates, one missile boat group, one torpedo boat group, and one subchaser group, to the Paracel Islands and ports in Guangxi to prepare to attack the Vietnamese navy in Tonkin Gulf. The naval aviation units on Hainan Island were assigned to keep watch on Soviet naval activities in the South China Sea. In case it had to fight against the Soviet cruisers, the PLAN adopted a defensive strategy of using the islands and shores to mask its missile boats, enabling them to launch surprise attacks from hidden positions.
Because no sea engagements actually occurred during the invasion, it is difficult to determine whether this strategy would have worked against the Soviet flotilla. However, the after-action report by the Political Department of the South Sea Fleet admitted that the seamanship was not professional at the time and that only 20 percent of the shells fired by the gun crews hit their targets in training. Another incident demonstrated that the ships worked badly in flotillas. In one exercise, a signalman reportedly sent the wrong signal, throwing the whole formation into confusion.
The regional military leadership was increasingly concerned about operational security, particularly leakage of information about troops’ movement toward the Guangxi border areas. General Xu was irritated to learn that his presence in the capital city of Guangxi, which was supposed to be secret, was broadcast by foreign journalists. He was further alarmed to learn that the rail line between China and Vietnam remained operational on a normal schedule, and cross-border trade continued between the two sides. In both situations, Vietnamese intelligence agents could obtain information about Chinese military movements in the border area. Xu asked the Guangxi government immediately to halt all border trade activities and close the border. He also requested that Beijing close rail operations between the two countries and expel Vietnamese railroad staffs from the border town of Pingxiang. Beijing approved this request. On 26 December, the Guangxi-Vietnamese border was closed as the troops started arriving in their assembly areas nearby. While this series of initiatives undoubtedly solved his immediate problem, these actions themselves may well have alerted Vietnamese authorities to the imminence of military action from Guangxi.
PLA forces had not engaged in such large-scale military action for more than two decades. The Guangzhou Military Region forward command promulgated a detailed directive requesting the troops to pay close attention to five issues when they were preparing for the invasion. First, all troops needed to construct defensive works and camouflage vehicles and equipment against the possibility of a surprise Vietnamese attack from the air and ground. Second, commanders at all levels needed to familiarize themselves with the enemy and with geographic conditions in northern Vietnam along the China border and start gathering target information for their artillery. Third, all forces needed to increase their units to full strength and maintain weapons and equipment in good condition. Fourth, all units needed to practice good communications security, especially assignment orders given in person instead of by wire and wireless communications. Finally, all units needed to train new recruits in grenade throwing and rifle marksmanship and draw up plans to accomplish their combat missions.
This directive reflected several critical problems the PLA confronted on the eve of the invasion. Most seriously, its forces were far from ready for operation; indeed, they were not yet fully manned and equipped. For years, the PLA’s ground forces had maintained a peacetime organizational structure: within each army, only one division— the Category A division (jiazhongshi or quanzhuangshi)— was kept at full strength, while the other two divisions— Category B division (yizhongshi or jianbianshi)— were below strength. Local authorities conducted two wartime drafts. Given the shortage of veteran soldiers, the second draft specially conscripted well-trained militiamen and ex-servicemen. In Guangdong Province alone, nearly 400,000 young men responded to the call. A total of 15,000 new recruits were drafted, and 1,512 demobilized soldiers were reactivated. The PLA also quickly promoted officers to fill leadership vacancies at all levels. Specialized personnel from other military regions were transferred to staff technical jobs in artillery, engineering, communications, armor, and anti-chemical-warfare anti-chemical-warfare units.
The 42nd Army promoted eleven officers to be commanding officers at division level and eighty-two officers at regiment level, while the 55th Army advanced fifteen individuals to be division leaders and seventy-six people to be regiment leaders. To fill leadership positions at the platoon level, the 42nd Army commissioned 1,045 enlisted men to be officers on the eve of the invasion. The 13th Army received 15,381 recruits, of which 11,874 were new conscripts. These statistics demonstrate the training problems faced by the PLA as it prepared for war.
Training Troops before Fight
In his book, General Zhou Deli’s use of an expression, “Sharpen one’s sword only before going into battle— start to prepare for war only at the last moment” (linzhen modao),suggested that the PLA was in an embarrassing condition at the time. Indeed, in 1978, only 42 percent of military units undertook military training. The air force had some 800 pilots who conducted firing and bombing practice, but only percent hit their targets.
But the actual situation of the PLA was even more shocking. General Zhang Zhen, director of the General Logistics Department, inspecting war preparations on the Guangxi front in mid-January 1979, found that the PLA forces had numerous problems that indicated a serious lack of combat preparation. According to his memoirs, the Company 2 of the 367th Regiment of the 41st Army had 117 men, of whom 57 were new recruits. In a little over two weeks of training, 44 soldiers had three firing practice sessions, 41 had two, and the rest had only one. Thirty-three soldiers received training in offensive tactics as a squad, but no defensive tactical training was offered because no military officers knew how to do it. General Zhang recommended that each division set up a field that could be used to train units to operate at the squad level as well at the company and battalion levels. Trainees would focus on infantry attacks along with artillery and tank units. The infantry units should especially be taught how to call fire support. The general promised that the GLD would allocate 10,000 yuan so that each division could construct such a training field.
Based on these recommendations, the troops began training themselves in accordance with their assigned missions. The 121st Division, which was designated to undertake a deep-penetration mission in Vietnam, focused on how to move through jungles and mountain trails against the enemy’s ambushes and then how to attack the enemy positions on hilltops. At least three soldiers from each company were trained to read maps. The division organized three exercises under environmental conditions similar to those in northern Vietnam to teach the troops to maneuver with little rest and food. The 163rd Division, which was assigned to conduct front attacks on the enemy’s strongholds, concentrated on training individual soldiers and squads in combat tactics as well as conducting live-ammunition exercises at the platoon, company, and battalion levels. The division carried out joint exercises with an infantry battalion plus artillery and tank units.
Such desperate last-minute training efforts, though somewhat helpful, were woefully insufficient because there were too many new recruits and too many of them were peasant farmers. Despite the goal of teaching military skills, most of the soldiers completed only one to two live practices on the shooting range and only one live grenade-throwing practice. Few units conducted serious tactical training exercises at the regiment or division level. Many officers reported that they were still uncertain about their troops’ fighting ability when battle began. In short, the PLA invasion troops were poorly trained and inadequately prepared for a modern war against the SRV’s forces. The PLA’s subsequent poor battlefield performance was ascribed to lack of training rather than the enemy’s strength and twenty-five years of combat experience.
Repairs and maintenance of weapons and equipment were other nagging problems for the PLA forces. Since 1975, Deng Xiaoping had called for improving the quality of the PLA’s equipment and supplies, but no significant changes seem to have been made. Military professionals believe that sustainable logistical support guarantees military success. General Zhang Zhen recalled that his worst problem was the insufficient amount and poor quality of ammunition. Initial inspections showed that some artillery shells misfired, and a third of all grenades failed to explode. Cadets from the armament school were sent to assist the army depots in thoroughly checking their stock. The GLD also urgently ordered defense industries to increase production— in particular, of large-caliber artillery shells, rockets, and armor-piercing rounds.
The supply of oil was another of the GLD’s concerns. Not only were both Guangxi and Yunnan Provinces far from China’s petroleum industries in the northeast and northwest, but demand for oil would rise sharply if the Soviet Union retaliated against the attack on Vietnam. In addition, southern China had a shortage of oil storage facilities. Because outdoor oil facilities could be easily attacked, the GLD suggested using Guangxi’s numerous karst caves to store fuel. More than 428 kilometers of temporary pipelines were laid to supply fuel to four airfields in Yunnan. Each army received assistance from a motor transport regiment to ensure that the troops received supplies, but as of mid-January, tons of supplies remained piled up at division headquarters, leading the GLD to rush in three additional motor transport regiments from the Nanjing and Fuzhou Military Regions. In its first attempt at conducting military operations with a significant amount of technical equipment, the PLA had to seek civilian technicians to assist in maintaining autos, tanks, and other machinery. . Nevertheless, the logistical problems continued to crop up, thwarting the PLA’s operations once the invasion began.
Political Mobilization
Despite the urgent need for training, the PLA continued the tradition that Mao had advocated forty years earlier— that is, the idea that the war could not be won without political mobilization. On 12 February 1979, the CMC issued an order emphasizing the importance of political mobilization in the PLA’s military operations in Vietnam. Western analysts have criticized the PLA’s decision to devote “so much time, energy, and attention” to this effort when Chinese soldiers badly needed training in military techniques. This criticism overlooked the long-standing significance of political mobilization, which had become institutionalized and thus culturally accepted in the reflexive framework of the PLA’s war preparations. One notable characteristic throughout the PLA’s history was that many of its soldiers were poor, illiterate peasants. The political indoctrination system had been instituted to mobilize them to fight against a strong enemy, proving its value repeatedly over the years.
By 1979, the PLA had changed only slightly; the members of the rank and file still came overwhelmingly from rural areas and were uneducated, inadequately equipped, and poorly trained. At the same time, the PLA’s invasion of Vietnam did not correspond with a Chinese cultural tradition that supported the use of force only if it could be morally justified. Shortly after receiving Beijing’s order, the local military leadership noticed that the Chinese forces were ideologically ill prepared. The immediate question was whether China should attack a small neighboring country such as Vietnam. According to Mo Wenhua, political commissar of the PLA’s armored forces, Chinese soldiers lacked an understanding of the significance of the war against Vietnam. They were not only apprehensive about Soviet military intervention and their own possible inability to defeat Vietnam but also worried that the war would be detrimental to China’s Four Modernizations and that other countries would use it to condemn China as an aggressor.
Despite China’s quantitative dominance over Vietnam, Chinese soldiers were concerned that they did not have a technological advantage over Vietnam’s Russian-made weapons and American equipment captured from the Saigon regime in 1975. China’s air force pilots were particularly concerned that their J-6s could not match the Vietnamese MiG-21s, many flown by pilots who had already flown— and scored against— the U.S. Air Force and U.S. Navy. 68 In addition, Vietnam possessed a robust SAM threat, with skilled crews who were highly practiced in air defense operations. When the Chinese government ordered the invasion of Vietnam, Chinese troops appeared more knowledgeable about construction and agricultural production than about operating their weapons.
Soldiers’ trust in the central leadership’s decisions and obedience to orders was deemed fundamental to victory. On 12 December, the General Political Department (GPD) issued guidelines for political mobilization. Unlike the Western military, which depends on professional ethics and training to ensure soldiers’ compliance with their duties in war, the PLA opted for political indoctrination of troops, attempting to make them understand why the war must be fought and how it would matter to them. Under the influence of Confucian philosophy, the Chinese were accustomed to viewing themselves as a peace-loving people, not violent or expansionist, and only using force in self-defense. The concept of the just or righteous war was prevalent throughout Chinese society. For Chinese soldiers, this cultural tradition seemed to pose a barrier to conceiving a socialist neighboring country as a dangerous enemy that threatened national security. The GPD therefore urged all troops to study the CCP leadership’s directives and speeches as well as the CMC’s war and political orders, making them believe that the decision to attack Vietnam was correct.
According to the GPD’s propaganda outlines, the war against Vietnam was just and necessary because the SRV’s expansionist ambitions had led it to degenerate into the “Cuba of the East,” the “hooligans of Asia,” and the “running dogs of the Soviet Union.” The two countries’ shared political ideology did not prevent the PLA from launching self-defense actions against a neighboring small state that had violated China’s national interests. Equally important, the directive pointed out that the SRV had already viewed the PRC as its primary enemy and called for “doing everything to defeat China.”
From 10 December 1978 to 15 January 1979, the political apparatuses at all levels ran full steam ahead to politicize the soldiers’ minds, using lectures, denunciation meetings, and visual exhibits to serve the purpose. These strategies included appeals to “just war” theory, punishing “ingratitude,” defending the Four Modernizations, and confronting an emerging Vietnamese-Soviet quest for regional hegemony. The 43rd Army’s political department attempted to convince troops that they were fighting a just war because Vietnam had invaded China and had fired the first shot; as a result, counterattacks were justified.
Another tactic involved reminding soldiers that China had made tremendous sacrifices to support Vietnam for many years, while Vietnam had returned kindness with ingratitude. Vietnam, the argument continued, thought that China was easy to bully and therefore, would further challenge China’s territorial sovereignty. Therefore, Vietnam was a main threat to China’s Four Modernizations and deserved to be punished.
Political officers also linked Vietnam’s policy against China and hegemonic desires in Indochina to the Soviet social-imperialist global strategy. According to this line of argument, China’s counterattack against Vietnam would frustrate Soviet hopes to encircle China. Vietnam’s invasion of Cambodia and policy against China had been unpopular in the world, so China’s punishment of Vietnam would receive global support.
The mobilization program emphasized arousing the troops’ animosity toward the enemy. The PLA’s peasant soldiers had always been encouraged to pour out their grievances against despotic landlords at denunciation meetings designed to stir up class consciousness so that they could be mobilized to believe that they were fighting for their own interests. In 1979, the political departments convened denunciation meetings, inviting the soldiers from the border guard units, the villagers from the border area, and the ethnic Chinese who had returned from Vietnam to use the facts of their personal experience to denounce the “hate-China, anti-China” crime committed by the Vietnamese revisionists. 74 In this way, the political propaganda not only sowed the seeds of hatred in soldiers’ minds but also strengthened their convictions about carrying out their obligations as PLA soldiers to protect the people and their interests. To encourage troops to (if necessary) willingly sacrifice their lives in combat, the 13th Army political department organized rallies at which officers and soldiers took an oath together by holding their guns in the air and shouting slogans. In powerful, emotional scenes that ignited patriotic fervor, all the soldiers pledged to take on dangerous and difficult tasks.
Given the fact that the PLA troops were not professional soldiers, political work served as a psychological means to prepare them to confront unpredictability and uncertainty and to fear neither hardship nor death on the battlefield. Ceremonies highlighting the heroes of the units’ history encouraged troops to continue that glorious tradition. The 43rd Army demanded that all companies take an oath to carry on the tradition: “Learn from heroes, become a hero, and add new glories to the heroic war banners.” Cadres and CCP members were urged to set themselves up as role models. Recognizing that its troops had not fought for a long time, the Guangzhou Military Region forward command conducted a survey identifying the officers who had participated in the wars against Japan and the Chinese Nationalists, the Korean War, and the Vietnam War as well as in the border conflicts with India. These veterans were asked to give lectures about their personal experience in combat. Having commanding officers show up on the front lines had been a PLA tradition, assuring troops that their superiors were sharing the risks and hardships. While sending his deputies to each army under his command, General Xu requested that the commanding officers at the army, division, and regiment levels send their deputies to lower-level units to assist with the command.
Political work also reportedly played a role in dispelling the skepticism of sailors and pilots about their chances against better-equipped opponents. The navy crews initially thought that they could easily defeat the Vietnamese navy. However, once they learned that they might have to confront Soviet missile cruisers, many of them became less confident in their own capabilities. Soviet ships were far bigger and had vastly more firepower and better communication technology. Chinese sailors grumbled that their small guns would only scratch the rust off the Soviet ships. In response, navy political officers used ideological indoctrination to stimulate sailors’ patriotism. They also talked about the Soviet
navy’s weakness, noting that the ships had traveled far from their homeland and were dependent on a greatly stretched supply line. The Chinese crews became somewhat satisfied only after their commanders decided to use a surprise antishipping missile blitz against the Soviet cruisers.
The air force also convened meetings to deal with skepticism among its pilots by emphasizing Mao’s teaching that “weapons are an important but not decisive factor in war, and man is the decisive factor.” According to a report by the party committee of the 44th Air Division, the Korean War veterans were invited to tell their stories of flying against American F-86 Sabres to prove Mao’s teaching right. Political officers also used the stories of the Pakistani air force, which had defeated India’s Soviet-made MiG-21s with Chinese-made J-6s, to build up pilots’ confidence against the Vietnamese air force. They particularly noted that the Chinese aircraft could outmaneuver the enemy’s MiG-21s at medium altitudes if the pilots used correct tactics. Nonetheless, the air force leadership could not overlook the superior capability of the Vietnamese MiG-21s and did deploy all 73 of its J-7s (Chinese made MiG-21s) to Guangxi and Yunnan. Some J-6s were upgraded with air-to-air missiles, giving the Chinese air force firing capability than its Vietnamese counterpart.
While political work played the pivotal role in mobilizing soldiers’ minds, the political system also helped the PLA deal with the problems its troops might face in fighting. One immediate concern was the leadership vacancies, especially at the platoon and company levels. In mid-December 1978, the GPD instructed participating units to fill all leadership vacancies and develop a plan to avoid leadership interruptions during military operations. 83 The CMC transferred authority to promote divisional officers to the CCP committees of military regions and armed services levels. The political departments in military regions requested units at all levels to generate lists of candidates who could take leadership positions in the midst of the fighting. Each battalion and company received an extra deputy billet to ensure uninterrupted command operations. The PLA tradition trusted the CCP organizations to play a vital role in maintaining combat effectiveness. The party branch in the company urged party and youth league members to play a vanguard role in combat and to assume leadership roles when vacancies occurred. Political work also included preparing Chinese soldiers to distinguish Vietnamese civilians from military personnel and to use political and psychological strategies (winning the hearts and minds of civilians) to dismantle the enemy’s forces. The GPD issued a number of combat disciplinary regulations regarding operations in Vietnam, emphasizing that Chinese troops must attempt to win support from the Vietnamese masses. During the preparation phase, Chinese troops studied local customs and lifestyle as well as the significance of working with the Vietnamese masses in the war zone. Just as PLA troops traditionally did while fighting inside China, those in Vietnam were expected to show concern for civilians and be kind to them. The GPD required every unit to organize a work team to use propaganda to improve local Vietnamese civilians’ attitude toward China and the PLA and to damage the enemy’s fighting will and morale. In addition, the GPD instructed troop leaders to teach soldiers the Vietnamese language so that they could shout propaganda slogans at enemy troops. They also trained soldiers to wage psychological warfare by distributing leaflets and broadcasting. Avoiding abuse of Vietnamese captives was another important battlefield rule. The GPD reiterated the PLA’s POW policy, specifying that after being captured, Vietnamese militia fighters should be released immediately after receiving indoctrination. However, this rule would soon prove difficult to implement in a hostile country. The circumstances of the Chinese invasion of Vietnam differed vastly from the PLA’s experience in the Chinese Civil War and, for that matter, from its experience in Korea from 1950 to 1953.86
Mobilizing Support from the Society
The CCP traditionally mobilized Chinese society in support of war, although few studies have examined this practice. 87 Western scholars recognize that Chinese citizens held “varying opinions” about the 1979 conflict and that little “public enthusiasm” for the war existed in the provincial capital cities of Guangxi and Yunnan. 88 It was almost impossible for the PLA forces to operate outside the country without mobilizing public support for the war at home. Newly available Chinese records demonstrate the government’s enormous effort to mobilize local populations to support the PLA’s invasion. Since the PRC’s founding, the PLA traditionally had been considered a positive role model for Chinese society, but its reputation had been severely damaged when the military abused its power during the Cultural Revolution. Therefore, the public’s attitude toward the PLA had to be improved. Persuading the public to support the invasion required making people feel proud of the PLA’s soldiers and patriotic toward China.
Despite the lack of widespread support for the invasion of Vietnam throughout China, CCP leaders in both Guangxi and Yunnan Provinces paid particular attention to the mobilization of support in their local communities. Public opinion in these two provinces was pessimistic about Beijing’s war decision. The local communities had undergone much hardship in the Cultural Revolution and had made considerable sacrifices for the Vietnamese war effort. These two provinces had not been on the priority list for investments from the central government. 90 Thus, these areas remained socially and economically backward. Nevertheless, citizens there hoped that economic reform— now the highest national priority—would bring peace, development, and better standards of living. The people and local governments in these two provinces seemed unenthusiastic about the Chinese attack on Vietnam and feared that the military action would conflict with the economic development agenda.
Given this mind-set, the two provincial governments resorted to their propaganda machines to persuade people to support Beijing’s decision to go to war with Vietnam. The CCP propaganda departments of both provinces sent city, district, county, and subdistrict party organizations long lists of Vietnam’s alleged crimes against China, requiring that the information be used to educate the local populace and arouse their patriotism in support of the war. Guangxi Autonomous Region held more than 530 mass meetings with a total attendance of 263,400. The CCP committee of Yunnan Province issued a mobilization order that stirred up the whole province to “do all for the front and do all for victory.” Preparing for war and providing support for the front were the top priorities of party work and government work in both Yunnan and Guangxi. Both provinces created Aid-the-Front Committees to supervise and coordinate war preparations. 93 Similar offices were also set up in lower-level government organizations. 94 Twenty-one of Guangxi’s cities and counties and fourteen in Yunnan were mobilized to support the front lines.
This approach not only demonstrated the PLA’s commitment to continue Mao’s “people’s war” doctrine but also reflected the PLA’s unequivocal weaknesses. PLA leaders realized that they lacked a modern logistics system to sustain the war effort, and their standard solution was the mobilization of popular backing. In November 1978, Zhang Zhen wrote that local support for food, lodging, and other supplies was critical in both total war and small-scale operations. He specifically noted that civilian support had accounted for almost 80 percent of the support for military operations during the 1969 border conflicts with Soviet forces, and civilian vessels had helped with the shipment of 65 percent of oil supplies during the 1974 sea battles against the South Vietnamese navy. Even in today’s modern warfare, Zhang concluded, the armed forces would continue to depend on local governments to provide personnel and food, and military logistics would be determined by the strength of the national economy.
Since mid-December 1978, prefectural cities and counties in Guangxi and Yunnan Provinces had rushed to set up military reception centers (junren jiedai zhan) along rail lines and highways leading to the border so that troops could rest and receive meals and hot water. Each county government was responsible for housing troops at designated assembly areas near the border. Because border counties were small and economically backward, the tasks of frontline support often stretched beyond their capacities. Within a few weeks, more than 100,000 military and militia soldiers swarmed into Hekou County, opposite the Vietnamese city of Lao Cai, which had a population of 50,000 in 1978. Local authorities had to vacate offices, warehouses, and their own living quarters to accommodate the troops. Villagers and township dwellers were encouraged to “volunteer” their houses for military usage. Some local authorities mobilized office workers, students, and teachers to construct sheds with bamboo poles and cogon grass as military lodging facilities.
At the time, the PLA still had a hodgepodge supply system that required every unit to be self-sufficient in “retail logistics.” The sudden surge in demand for food and other supplies presented a considerable challenge to local economic and commercial service authorities, which had to manage supplies for local residents as well as troops. Local vendors were required to provide more livestock to the troops, while purchasing agents were sent to other provinces to guarantee every soldier a half pound of pork per day. Following an emergency request from the military, food producers in both Guangxi and Yunnan rushed to furnish troops with 1.25 million kilos of crackers prior to the invasion.
Since 1976, Yunnan had suffered from decreasing grain production. Food supply was a particularly acute problem. The troop assembly areas were situated in the poorest remote regions where local residents could not even produce enough food for themselves. The provincial government urgently appealed to Beijing for permission to use food reserves to meet the abrupt increase in demand and cut 40 percent of food supplies to urban dwellers to guarantee adequate supplies for the front. To overcome the problem of cooking rice during military operations, the local government imported a food production line for instant rice. Records from Guangxi and Yunnan Provinces show that the mobilization was carried out throughout the whole province and involved almost every government bureaucracy and every sector of society. A total of about half a million civilians served in either combat operations or aid-the-front work. The most notable undertaking was the organization of hundreds and thousands of militias to provide direct support for the PLA’s operations beyond the border.
Mobilization of the militia forces to engage in combat and provide support for the front was a tradition of the communist-led armed forces stemming from Mao’s “people’s war” doctrine. The Chinese military’s dependence on the aid-the-front militia units also revealed an awkward situation for the PLA, which was incapable of sustaining any expeditionary operations on its own. General Zhou Deli recalled that the PLA invasion forces did not feel safe conducting operations in Vietnam without a secure rear, and the militias and the local populace played a critical role in rear-echelon security. Both provinces had been the first line of national defense during the Cold War. Transportation infrastructure was inadequate for the large-scale troop movements needed for the invasion. In October 1978, Yunnan Province mobilized more than 100,000 militiamen from the capital city and seven prefectures to build two highways leading to the border. They completed the project in three months and thereby ensured the deployment of troops to the border areas on schedule.
In early January 1979, the militia forces received full mobilization. The well-organized and better-trained militia units from other parts of the two provinces were deployed to the border areas to provide direct support for military operations. Qujing Prefecture, located in northeastern Yunnan, deployed between 500 and 600 young militiamen from each county to serve in the war. Men aged between eighteen and fifty-five in all border counties were conscripted into the militia. According to the Yunnan provincial government’s final report dated 6 September 1979, more than 87,000 militiamen (630 companies) plus 5,000 civilian horses and mules were called to serve, primarily as stretcher bearers, security guards, and porters. More than 21,000 militiamen operated side by side with the regular units in combat action. The employment of nonuniformed militia soldiers in a hostile country along with the PLA units later created confusion during encounters with Vietnamese defenders, who were also dressed in civilian clothes on the battlefield. On a few occasions, PLA soldiers found themselves with no choice but to kill anyone not in a uniform, even some of those men might be Chinese comrades.
General Zhou also asserts that more than 215,000 residents of Guangxi Province served in the war, with 60,000 were involved in military actions as stretcher bearers, security guards, and porters and more than 26,000 engaged in combat activities. The PLA forces transferred several thousand automatic assault rifles and various types of heavy weaponry to the local militia units. By the time the invasion commenced, the militia forces in border counties were well equipped with machine guns, antiaircraft guns, mortars, rocket-propelled grenade launchers, and recoilless guns. The local militias bore responsibility primarily for constructing defense works, transporting ammunition and supplies to the front, and looking after the wounded. The militias’ air defense units also protected border county towns and key industrial facilities such as hydroelectric stations and reservoirs.
Mao’s “people’s war” strategy was called into question since such a strategy of total war had not applied to the limited local conflicts in which China had engaged since Korea.King C. Chen in particular points out that China failed to engage in a people’s war against Vietnam in 1979 because the necessary environment, which included “a strong sense of nationalism and massive people’s participation,” never existed. Mobilization of society to support the war was the pivotal Chinese strategic tradition, and the 1979 war proved that the PLA still operated within the people’s war ideological framework.
Conclusion
There is no way to overstate the level of intensity involved in PLA planning and preparation for military operations against Vietnam. This process reflected the PLA’s strategic and institutional cultures, which were heavily influenced by Mao’s military theory. The central military principles worked out by Mao and the operational style the PLA had developed still essentially guided its approach to the 1979 military campaign. The war plan created by the regional commands demonstrated an operational preference for seizing and maintaining the initiative by deploying superior force coupled with surprise attacks. Despite the urgent need for training, the PLA continued its established traditions, using political indoctrination as a primary means of boosting morale and improving combat effectiveness. Political indoctrination activities probably made no sense to Western military professionals. However, from a Chinese perspective, such political work played a crucial role in persuading ordinary, undereducated Chinese soldiers that China should launch military attacks against Vietnam, long considered a brotherly, even comradely, country. The mobilization of society to provide support for the war reflected the essence of China’s “people’s war.” The PLA seemed unable to perform any large-scale military operations without mobilizing local governments and civilians for support. (Indeed, even now, more than three decades later, this critical characteristic continues to characterize China’s approach to warfare and will likely do so in the future.) Despite detailed planning by Chinese military staffs, many events on the battlefield would remain unanticipated, a failure that would rapidly prove how deadly and costly an invasion of Vietnam could be.
Dịch giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.