Công chúa đời Trần
Nguồn:nghiencuulichsu.com
Trích tác phẩm LỐI XƯA XE NGỰA
Tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Nói tới công chúa đời Trần người ta thường liên tưởng ngay đến Huyền Trân công chúa do Thượng hoàng Nhân Tôn trong một chuyến đi thăm Chiêm Thành đã hứa gả cho quốc vương Chế Mân để kết mối giao hảo giữa hai nước; thứ nữa, người ta nghĩ đến An Tư công chúa gả cho Thoát Hoan để mong hoà giải với quân Nguyên; nàng công chúa thứ ba đời Trần còn được nhắc nhở tới là Thiên Ninh công chúa vì có dính liếu tới một vụ loạn dâm với em ruột.
Trong Việt Sử Tiêu Án, Ngô Thì Sĩ đã chê trách nhà Trần về hai điểm :
– Phải dùng “mỹ nhân kế” để giữ nước
– Loạn luân.
Nhưng công bình mà nhận xét thì ở nước ta “loạn luân” và dùng “mỹ nhân kế” để giữ nước không phải chỉ xảy ra ở đời Trần.
I.- “MỸ NHÂN KẾ”
Dù ở Âu hay Á, xưa hay nay, thì phụ nữ vẫn thường được dùng làm “vật hi sinh” trên bàn thờ tổ quốc. Riêng đời Trần không phải chỉ Huyền Trân hay An Tư công chúa mới được đem ra làm vật đổi chác. Theo thứ tự ta phải kể :
1) Năm 1228, gả Ngoạn Thiềm công chúa – em vua Thánh Tôn, con Thái Tôn – cho Nguyễn Nộn. Nộn là cư sĩ chùa Phù Đổng, vì bắt được vàng ngọc không dâng lên triều đình nên vua hạ chiếu bắt giam. Tự Khánh, anh thứ hai của Linh Từ quốc mẫu – mẹ Lý Chiêu Hoàng – xin cho Nộn được đánh giặc chuộc tội, vua sai đi đánh dẹp người Mán ở Quảng Oai. Nộn chiếm cứ vùng Bắc Giang, Đoàn Thượng chiếm vùng châu Hồng (Hải Dương). Nộn giết Đoàn Thượng, chiếm quân và cướp của châu Hồng, thanh thế lừng lẫy. Thủ Độ lo lắng, một mặt sắc phong cho Nộn làm Hoài đạo Hiếu vũ vương, một mặt gả Ngoạn Thiềm cho để ngầm dò la tin tức. Nộn biết ý, dọn cho công chúa ở riêng một nơi nên công chúa không làm gì được cả.
2) Năm 1286, tướng Nguyên là Ô Mã Nhi đánh rất gấp, quân ta tan vỡ, bọn Trần Kiện, Lê Tắc(1) đem cả nhà đầu hàng quân Nguyên. Triều đình phải sai người đưa công chúa An Tư – em gái út của Thánh Tôn – đến cho Thoát Hoan để xoa dịu.
3) Chế Mân, dựa vào lời hứa của Thượng hoàng Nhân Tôn, dâng kỳ hương cùng báu vật xin cưới Huyền Trân. Triều đình chỉ có hai người bàn nên gả là Trần Khắc Chung và Văn Đạo Tái, con Trần Quang Khải. Sau Chế Mân dâng thêm hai châu Ô, Lý, vua Anh Tôn mới quyết định. Tháng 6 năm 1306, vua Anh Tôn gả em gái là Huyền Trân cho Chế Mân. Tháng 5 năm 1307 Chế Mân chết, theo tục lệ Chiêm Thành thì Hoàng Hậu phải lên dàn hỏa thiêu chết theo. Tháng 10, vua sai Trần Khắc Chung sang điếu tang và tìm cách đem Huyền Trân cùng Thế tử Đa Gia, con Chế Mân, về. Sử chép trên đường về Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân tư thông với nhau loanh quanh mãi trên biển đến tận tháng 8 năm 1308 mới cập bến(2).
4) Năm 1363, Minh Tôn gả Nguyệt Sơn công chúa cho Ngô Dẫn vì Dẫn có viên ngọc rất lớn, bán được nhiều tiền, trở nên giầu có. Dẫn cậy giầu, tư thông với người khác, khinh khi công chúa. Công chúa tâu lên, Dẫn được miễn tội chết nhưng gia sản bị tịch thu.
Ngô Thì Sĩ viết :”Nhà Trần quen làm lối này, cốt được lợi trông thấy, đem má phấn đánh đổi lấy tràng thành, gả Ngoạm Thiềm cho Nguyễn Nộn, An Tư cho Thoát Hoan đều lối ấy cả”(3).
Ngô Sĩ Liên cũng chê trách : “Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi mệnh có khó gì mà đem gả cho người xa, không phải giống nòi, cho đúng lời hẹn trước rồi sau dùng mưu gian trá cướp lại thế thì tín ở đâu(4) ? “. Phê bình như thế e có hơi khe khắt. Trước hết, khi gả Huyền Trân, vua Anh Tôn không thể biết trước năm sau Chế Mân sẽ chết, việc dùng mưu đón Huyền Trân về để tránh cho công chúa khỏi bị hỏa thiêu không thể coi là ” gian trá” đánh lừa lấy được thành rồi thì cướp người về như một vài người đã trách cứ. Còn ” đổi mệnh ” không gả, theo lời bàn của Ngô Sĩ Liên, thì cũng không phải là thủ tín.
Chẳng qua các sử gia ghét nhà Trần về tội loạn luân nên thấy cái gì nhà Trần làm cũng đáng chê trách. Ở nước ta, dùng ” mỹ nhân kế ” nào phải chỉ nhà Trần ? Sử chép rõ ràng về nhà Lý :
- Năm 1029, gả Bình Dương công chúa cho châu mục lang là Thân Thiệu Thái.
- Năm 1036, Lý Thái Tôn, sợ khó khống chế các tù trưởng quản lĩnh các châu miền thượng du, kết mối giao hảo bằng hôn nhân, gả công chúa Kim Thành cho châu mục Phong Châu là Lê Tông Thuận, gả công chúa Trường Ninh cho châu mục Thượng Oai là Hà Thiên Lãm.
- Năm 1082, gả Khâm Thánh công chúa cho châu mục Vị Long là Hà Di Khánh.
- Năm 1126, đem Diên Bình công chúa gả cho Dương Tự Minh là thủ lĩnh phủ Phú Lương.
- Năm 1144, lại gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh lúc này cai quản các khe động dọc theo biên giới đường bộ và phong Minh làm Phò mã lang.
Thế là một mình Dương Tự Minh được cưới tới hai nàng công chúa và nhà Lý đã dùng tới 5 công chúa làm ” vật hi sinh “, nhà Trần 4. Sử nhà Lê tuy không ghi chép tỉ mỉ về các công chúa như nhà Trần, nhưng cũng cho biết năm 1706 đem người tông nữ, lấy danh nghĩa quận chúa gả cho tù trưởng Triều Phúc người Ai Lao. Ngô Thì Sĩ đã viết sử lẽ nào không biết những chuyện này ?
II.- LOẠN LUÂN
1) Trần Liễu, anh Thái Tôn, con Thượng hoàng Trần Thừa, lấy Thuận Thiên công chúa, con vua Lý Huệ Tôn và Thuận Trinh. Thuận Trinh là em ruột Trần Thừa, Trần Liễu và Thuận Thiên là con cô con cậu.Quả thật đời Trần người trong họ lấy lẫn nhau rất nhiều. Sử chép :
2) Năm 1225, Trần Cảnh, tức Thái Tôn, lấy Chiêu Hoàng, em Thuận Thiên.
3) Sau khi Lý Huệ Tôn chết, giáng Huệ hậu làm Thiên Cực công chúa, gả cho Thủ Độ tức là chị em họ lấy nhau. Hai người vốn đã có tư tình với nhau từ trước.
4) Năm 1237, vì Chiêu Hoàng không có con, Thủ Độ ép Thái Tôn lấy Thuận Thiên, lúc ấy đã có mang ba tháng với Trần Liễu. Trường hợp này vừa là con cô con cậu lấy nhau, vừa là em chồng lấy chị dâu.
5) Vua Thái Tôn hứa gả em gái là Trưởng công chúa Thiên Thành(5) cho Trung Thành vương(6) và đã cho Thiên Thành tới ở nhà Nhân Đạo vương, là cha đẻ ra Trung Thành vương, để chờ ngày cưới.
6) Năm 1251, Hưng Đạo vương muốn lấy Thiên Thành, đang đêm lẻn vào phòng Thiên Thành thông dâm. Thụy Bà Trưởng công chúa, chị Thái Tôn và Thiên Thành, mẹ nuôi Hưng Đạo vương, đang đêm gõ cửa cung nói dối là Hưng Đạo vương đã bị Nhân Đạo vương bắt giam, xin vua cứu giúp. Sự thật, khi vua sai người tới thì Hưng Đạo vương còn trong phòng Thiên Thành và lúc ấy Nhân Đạo vương mới biết. Hôm sau Thụy Bà phải dâng mười mâm vàng sống xin cưới Thiên Thành cho Hưng Đạo. Vua bất đắc dĩ phải gả và bồi thường cho Trung Thàng vương. Như vậy Thiên Thành có họ với Trung Thành vương, lại là cô ruột Hưng Đạo, vì Hưng Đạo là con Trần Liễu, anh ruột Thiên Thành.
7) Năm 1258, Thánh Tôn lấy Thiên Cảm là con Trần Liễu, tức là con chú con bác lấy nhau.
8) Thụy Bảo công chúa, con vua Thái Tôn, lấy Uy Văn vương Toại.
9) Gả công chúa tên Thúy, con Thái Tôn cho Thượng vị Văn Hưng hầu(7).
10) Thiên Thụy công chúa, con vua Thánh Tôn và Thiên Cảm, tức cháu nội Thái Tôn và cháu ngoại Trần Liễu, lấy Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn, là con Hưng Đạo, cháu nội Trần Liễu, vừa là con cô con cậu (Hưng Đạo và Thiên Cảm là con Trần Liễu) vừa là cháu chú cháu bác lấy nhau.
11) Thiên Thụy lại tư thông với Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư là tôn thất nhà Trần, nhờ có công đánh quân Nguyên được Thượng hoàng Thánh Tôn nhận làm con nuôi.
12 & 13) Năm 1274, Nhân Tôn, con Thánh Tôn, lấy Bảo Thánh, rồi Tuyên Từ, đều là con Hưng Đạo vương. Trường hợp này giống Thiên Thụy lấy Quốc Nghiễn.
14) Anh Tôn, con Nhân Tôn, cháu Thánh Tôn, chắt Thái Tôn, lấy Văn Đức phu nhân năm 1292, là con Hưng Ngượng vương Quốc Tảng, cháu nội Hưng Đạo, chắt Trần Liễu. Thế là cháu cô cháu cậu (Hưng Đạo và Thiên Cảm là con Trần Liễu) hay chắt chú chắt bác lấy nhau.
15) Sau Anh Tôn lại bỏ Văn Đức phu nhân mà lấy em ruột phu nhân là Thánh Tư.
16) Anh Tôn lấy Huy Tư là con Thụy Bảo công chúa và Trần Bình Trọng. Thụy Bảo là em Thánh Tôn, Anh Tôn là cháu nội Thánh Tôn, tức cháu lấy cô.
17) Năm 1301, Thiên Trân công chúa, con Anh Tôn, Anh Tôn là con Nhân Tôn, cháu Thánh Tôn, lấy Uy Túc công Văn Bích, cháu nội Trần Quang Khải. Quang Khải và Thánh Tôn là anh em, tức cháu chú cháu bác lấy nhau.
18) Thiên Trân chết, Uy Túc lại lấy Huy Thánh công chúa.
19) Thượng Trân công chúa, em Anh Tôn, chắt Thái Tôn lấy Văn Huệ công Quang Triều, con Quốc Tảng, cháu Hưng Đạo, chắt Trần Liễu, tức chắt chú chắt bác lấy nhau.
20) Minh Tôn, con Anh Tôn, cháu Nhân Tôn, lấy Huy Thánh tức Lệ Thánh, con gái lớn Huệ Vũ vương Quốc Chẩn / Trẩn. Trẩn là em Anh Tôn : Con chú con bác lấy nhau.
21) Minh Tôn gả Huy Chân, con Nhân Tôn, cho Uy Giản hầu năm 1317.
22) Mẹ Huy Chân là Trần Thị Thái Bình, cung tần của Thượng hoàng Anh Tôn.
23) Năm 1318 Minh Tôn gả Thiên Chân Trưởng công chúa cho Huệ Chính vương.
24) Năm 1337 Hiến Tôn, con Minh Tôn, lấy Hiển Trinh, con gái lớn Huệ Túc vương Đại Niên.
25) Năm 1342, Thiên Ninh công chúa, con Minh Tôn, lấy Hưng/Chính Túc vương Kham.
26) Năm 1349, Dụ Tôn, con Minh Tôn, lấy con gái thứ tư Huệ Túc vương là YÙ Từ Nghi Thánh.
27) Năm 1351, Dụ Tôn loạn dâm với Thiên Ninh là chị ruột. Nguyên năm 1339 Dụ Tôn bị chết đuối ở Hồ Tây, được thầy thuốc Tầu Trâu Canh dùng kim châm cứu khỏi nhưng đoán sau này lớn lên sẽ bị liệt dương. Sau quả nhiên sự việc xảy ra đúng như vậy, Trâu Canh được vời đến chữa, khuyên vua giết một đứa con trai nhỏ tuổi lấy mật hoà với thuốc dương khởi thạch mà uống rồi thông dâm với chị hay em ruột. Vua nghe theo, thông dâm với Thiên Ninh công chúa.
28) Huy Ninh công chúa, con Minh Tôn, lấy Tôn thất Nhân Vinh. Sau Nhân Vinh bị Nhật Lễ giết, Nghệ Tôn là anh, lại gả Huy Ninh cho Quý Ly.
29) Duệ Tôn, con Minh Tôn và Lê Đơn Từ, cô Quý Ly, lấy Hiền Trinh là em họ Quý Ly, tức anh em họ lấy nhau.
30) Duệ Tôn lấy Thái bảo Trần Liêu làm phi.
31) Năm 1375 Duệ Tôn gả con là Trang Huy công chúa cho Nguyên Dẫn, con Cung Chính vương. Cung Chính vương và Duệ Tôn đều là con Minh Tôn, tức con chú con bác lấy nhau.
32) Thiên Huy hay Thái Dương công chúa, con Nghệ Tôn, lấy Phế Đế là con Duệ Tôn. Nghệ Tôn và Duệ Tôn cùng là con Minh Tôn, mẹ Nghệ Tôn là Minh Từ, mẹ Duệ Tôn là Đơn Từ, là hai chị em ruột, cô của Quý Ly : vừa là con chú con bác, vừa là cháu dì cháu già lấy nhau.
33) Sau khi Phế Đế chết, Thái Dương tư thông với Nguyên Uyên, con Cung Tín vương Thiên Trạch, em Nghệ Tôn : con chú con bác lấy nhau.
34) Năm 1393, Nghệ Tôn giận đem gả Thái Dương cho Nguyên Hãng là em Nguyên Uyên để làm nhục.
35) Tuyên Huy công chúa, con Duệ Tôn, lấy Quan Phục Đại vương Húc, con Nghệ Tôn, giống trường hợp Thái Dương lấy Phế Đế.
36) Quý Ly gả Trang Huy công chúa, con Tôn thất Nhân Vinh (bị Nhật Lễ giết) cho Mộng Dữ, con Nguyên Đán, cháu bốn đời của Quang Khải.
37) Thuận Tôn, con út Nghệ Tôn, lấy Thánh Ngẫu là con gái lớn của Quý Ly và Huy Ninh công chúa. Huy Ninh là em Nghệ Tôn, tức là con cô con cậu lấy nhau. Thuận Tôn lại là cháu nội của Đơn Từ, cô của Quý Ly, lấy con gái Quý Ly, tức anh em họ lấy nhau.
38) Hồ Hán Thương, con của Huy Ninh và Quý Ly, lấy Trần thị.
Tóm lại, nếu không phân biệt nội ngoại thì ít nhất cũng có gần 40 vụ người trong họ Trần lấy nhau còn ghi trong sử sách.
Không riêng gì Ngô Sĩ Liên, và Ngô Thì Sĩ chê trách nhà Trần, ngay cả Lê Quý Đôn, đầu óc tương đối cởi mở, cũng hạ bút :”Họ Trần lập Hoàng hậu lấy chị em con chú con bác cùng họ làm vợ. Nhờn lễ loạn luân như thế mà vẫn điềm nhiên không coi là kỳ quái…Triều Lê ta gia pháp rất đúng, giáo dục luân thường rất rõ ràng, khi chọn phi tần tất lấy trong con em các dòng họ công thần và con nhà tử tế mà lễ trật phân biệt, tôn ti rạch ròi, không có cái tệ bất chính trong chốn buồng the của đời trước “(7).
Nhưng nếu ta tò mò lật sử ra sẽ thấy gì ?
1&2) Lê Thần Tôn, con Kính Tôn và Trịnh thị Ngọc Trinh, em Trịnh Tráng, lấy Trịnh thị Ngọc Trúc/Hành, con Trịnh Tráng, tức con cô con cậu lấy nhau. Trước đó Ngọc Trúc đã lấy chú họ vua là Cường quận công Lê Trụ, sinh được bốn con. Trụ bị bắt giam, Trịnh Tráng đem Trúc gả cho vua, thế là cháu lấy thím họ.
3) Lê Chân Tôn, con Thần Tôn, lấy Trịnh thị Phương Từ, em Ngọc Trúc.
4) 1663 Lê Huyền Tôn, con Thần Tôn, cháu ngoại Ngọc Trinh, lấy Ngọc Áng, con thứ Trịnh Tạc, cháu Trịnh Tráng, tức cháu cô cháu cậu lấy nhau (Tráng và Ngọc Trinh đều là con Trịnh Tùng).
5) Lê Dụ Tôn, con Hi Tôn, cháu Thần Tôn, chắt Ngọc Trinh, lấy Ngọc Trang là cháu 7 đời của Trịnh Tráng (Tráng sinh ra Tạc, Tạc sinh ra Căn, Căn sinh ra Vĩnh, Vĩnh sinh ra Bính, Bính sinh ra Cương, Cương sinh ra Ngọc Trang).
6) Duy Phường, con Dụ Tôn và Ngọc Trang, bị Trịnh Giang tố cáo tư thông với vợ Trịnh Cương, tức cha đẻ ra Ngọc Trang.
7) Duy Vĩ, con Hiển Tôn, cháu Thuận Tôn, chắt Dụ Tôn và Ngọc Trang, đính hôn với Tiên Dung quận chúa, con Trịnh Sâm, cháu Trịnh Doanh, Doanh và Ngọc Trang đều là con Trịnh Cương. Thế là cháu lấy cô họ.
Đấy là chưa kể trường hợp Lê Tương Dực loạn dâm với vợ lẽ của cha và những vụ chưa minh định được vì sử chép quá sơ sài như :
– Lê Thái Tổ lấy nguyên phi là Lê thị Ngọc Dao, con Thủ tướng Lê Sát. Sát người Lam Sơn, trên bảng 93 công thần được xếp hạng nhì.
– Huệ phi của Thái Tổ là Lê thị Nhật Lễ, con Thủ tướng Lê Ngân, cũng người Lam Sơn, và được xếp hạng tư trên bảng công thần.
– Lê Nhân Tôn gả em gái là Vệ Quốc Trưởng công chúa cho con Thái úy Lê Thụ, cũng có tên trên bảng công thần.
Xét rằng thời xưa những người nắm quyền cao phần nhiều đều trong hoàng tộc thì rất có thể Lê Thụ, Lê Ngân, Lê Sát, đều có họ với Thái Tổ, đặc biệt Sát và Ngân đều quê ở Lam Sơn. Mặt khác, 93 người có tên trên bảng công thần đều cùng họ Lê thì chắc một số vì có công lớn được ban quốc tính (được nhận họ của vua làm họ của mình) khó mà biết rõ sự thật, như Lê Lễ, cũng có tên trên bảng công thần, người ở Lam Sơn, được ban quốc tính, lại chính là cháu gọi Thái Tổ bằng cậu (8).
Triều Lý có vua Thần Tôn năm 1128 lấy con gái Điện Tiền Chỉ huy sứ Lý Sơn là Lệ Thiên hoàng hậu.
Có lẽ Lê Quý Đôn cũng như hai vị sử gia họ Ngô chỉ kể tội riêng nhà Trần vì theo thuyết ” nữ nhân ngoại tộc “, con chú con bác kể như là họ thân lấy nhau phạm tội, còn con cô con cậu họ sơ, kể như lấy người ngoài, không có tội gì cả. Thời xưa nội ngoại phân biệt rất kỹ cho nên Phạm Đình Hổ, trong Vũ Trung Tuỳ Bút, cho rằng người nào không có con trai cho con gái ăn thừa tự cũng phạm tội loạn luân(9).
Nhưng theo con mắt đời nay, trai gái cũng là con cả, cùng chung một huyết thống thì không thể cho con chú con bác lấy nhau là có tội mà con cô con cậu lấy nhau lại vô tội được. ” Nữ nhân ngoại tộc ” không phải là luật tự nhiên, chẳng qua là một đạo lý do người đặt ra nhưng không phải là một đạo lý được khắp mọi nước tôn thờ. Ngược lại, loạn luân là một hiện tượng tự nhiên, ở đâu cũng có. Việt Nam ta có câu :
Cháu cậu mà lấy cháu cô,
Thóc giống đầy bồ, lúa má nhà ta.
Thóc giống đầy bồ, lúa má nhà ta.
Ở Pháp, trên đài truyền hình thỉnh thoảng vẫn thấy người ta khuyến khích con cái mạnh dạn tố cáo phụ huynh đã cưỡng hiếp con em trong nhà. Tại Bretagne, hiện có một gia đình cha con ăn ở với nhau đã có mấy mặt con. Theo Gilbert Prouteau, thời Trung Cổ, Âu Châu có những buổi lễ của phù thủy, sau khi múa hát xong thì tha hồ cha mẹ loạn dâm với con, anh với em. Người Hi Lạp và Incas thời xưa chính thức cho phép con cùng cha lấy nhau và còn khuyến khích người trong hoàng tộc lấy nhau để giữ cho huyết thống hoàng gia không bị pha trộn với những dòng máu khác (10) vì họ cho rằng những cuộc hôn phối này không có hại gì cho đời sống, người cùng chung một huyết thống và giáo dục lấy nhau dễ hợp nhau hơn, như thế chỉ có lợi chứ không có hại. Cho nên ” Nữ nhân ngoại tộc ” không nhất thiết là luật chung của thiên hạ. Thuyết này do người đặt ra thì người cũng có thể đặt khác hoặc hủy bỏ, dựa vào nó kết tội nhà Trần là ” bất chính ” và cho nhà Lê là ” gia pháp rất nghiêm ” e không ổn, với cách suy luận ngày nay.
Để chứng minh nhà Trần có tội, Ngô Thì Sĩ viết : ” nhà Trần lấy vợ người cùng họ, âm dương không phải lứa đôi nên có tai biến (11) ” chỉ vì sử chép :
- Năm 1300 người đàn bà ở Hồng Lộ sinh con trai hai đầu.
- Năm 1304, người dàn bà ở kinh thành sinh con gái hai đầu, bốn chân, bốn tay.
- Năm 1350, làng Thiên Cương (Nghệ An) có người con gái hoá trai.
Theo Nho giáo thì vua là con Trời, vua hành sự không phải thì Trời ra tai để răn dậy. Đấy là một phương pháp để hạn chế uy quyền vua, không cho lộng hành, vua tuy có quyền sinh sát nhưng còn phải e dè sự kiểm soát của Trời. Ngô Thì Sĩ vì có thành kiến với nhà Trần nên chỉ vạch tội nhà Trần mà cố ý bỏ qua những tai dị xẩy ra không thiếu gì dưới thời Lê Trịnh, cũng như đời Lý.
Ngày nay tuy chúng ta không tin những tai dị xẩy ra vì Trời muốn vua phải sửa lỗi, nhưng y học công nhận người trong họ không nên lấy lẫn nhau dễ mắc bệnh máu loãng khó cầm. Có điều lạ là không thấy sử chép họ Trần mắc bệnh này, mặc dầu những bệnh kỳ lạ khác đều được ghi lại như :
– Lê Ngọa Triều vì hoang dâm không ngồi dậy được nên khi lâm triều phải nằm.
– Lý Huệ Tôn bị trúng gió sinh chứng cuồng dịch, khi thì xưng là Thiên tuớng giáng hạ, tay cầm giáo và mộc, trên búi tóc cắm lá cờ nhỏ, đùa giỡn múa may suốt ngày, khi thì toát mồ hôi, trong người ráo khát, uống rượu say ngủ li bì, hôm sau mới tỉnh, không làm được việc phải giao hết chính sự cho Trần Tự Khánh là anh vợ (12).
– Trần Dụ Tôn bị liệt dương.
– Vệ Quốc Trưởng công chúa bị câm.
– Lê Thần Tôn bị bệnh ung thư mà băng.
– Trịnh Giang dâm loạn, thông gian cả với vợ lẽ của bố là Đặng thị. Một lần bị sét đánh gần chết, từ đấy sợ hãi, đào hầm dưới đất trú ẩn không dám ra nữa, chính sự giao lại cho em là Trịnh Doanh (13).
Sử không ghi chép người trong họ Trần bị bệnh máu loãng có thể nào vì người xưa biết phép điểm huyệt cầm máu nên không nhận ra chứng bệnh máu loãng ?
III.- CÁI VẠ NGOẠI THÍCH
Người ta thường cho rằng người họ Trần lấy lẫn nhau để bảo vệ ngôi báu không để lọt ra ngoài vì chính nhà Trần đã cướp ngôi nhà Lý một cách êm thắm qua cuộc hôn nhân dàn xếp giữa Lý Chiêu Hoàng 8 tuổi, với Trần Cảnh 9 tuổi. Theo Văn Hòe thì Thủ Độ, người chủ mưu sang đoạt cơ nghiệp nhà Lý, đã ra lệnh : ” Con gái nhà Trần phải gả cho họ Trần ” (14). Tuy nhiên, mặc dầu Thủ Độ đã phòng xa nhưng nhà Trần vẫn mất vì lấy người họ khác, không phải một lần mà tới hai lần :
– Cung Túc vương Dục, con trưởng của Minh Tôn, vì bất tài không được lập làm Thái tử, say mê một người con hát đẹp hay đóng vai Tây vương mẫu, lấy làm vợ mặc dầu người này đã có mang với chồng, cũng là phường chèo, tên là Dương Khương. Sau đẻ ra Nhật Lễ được Dục nhận làm con. Các vua Hiến Tôn, Dụ Tôn và Dục đều mất, Thái hậu, mẹ Dục, lấy cớ Nhật Lễ được Dục chính thức nhận làm con thì có quyền lên ngôi. Năm 1369 Nhật Lễ lên ngôi rồi có ý muốn trở về họ Dương của cha đẻ nên bị Nghệ Tôn giết. Nhà Trần suýt mất lần thứ nhất.
– Minh Tôn lấy hai người cô của Quý Ly : Minh Từ sinh ra Nghệ Tôn, Đơn Từ sinh ra Duệ Tôn. Nghệ Tôn cướp lại ngôi trong tay Nhật Lễ ít lâu nhường ngôi cho Duệ Tôn. Duệ Tôn lấy em họ Quý Ly là Hiển Trinh sinh ra Phế Đế. Nghệ Tôn nghe Quý Ly giết Phế Đế lập con út mình là Thuận Tôn lên ngôi. Thuận Tôn lấy Thánh Ngẫu là con gái lớn của Quý Ly và Huy Ninh công chúa đẻ ra Thiếu Đế. Quý Ly ép Thuận Tôn nhường ngôi cho Thiếu Đế khi ấy mới hai tuổi, sau lại cướp ngôi của Thiếu Đế, tức cháu ngoại mình, mà lập ra nhà Hồ.
Nói rằng nhà Trần mất vì cái vạ ngoại thích cũng được, song sự thật làm gì có một dòng họ nào nắm được chính quyền mãi mãi ? Nhà Trần nếu không mất vì ” cái vạ ngoại thích ” ắt cũng mất vì một lí do khác.
Còn nói rằng người họ Trần lấy lẫn nhau để giữ ngôi báu cho họ Trần cũng chưa hẳn hoàn toàn đúng vì Thủ Độ đã tư thông với chị họ là mẹ Lý Chiêu Hoàng từ trước khi Trần Cảnh được Chiêu Hoàng nhường ngôi, khi ấy đã có ngôi báu đâu mà giữ ? Phải nói rằng họ Trần vẫn lấy lẫn nhau từ trước nhưng đặc biệt được Thủ Độ khuyến khích từ khi Trần Cảnh lên ngôi mở đầu cho nhà Trần.
Không rõ lấy tài liệu ở đâu, Ngô Thì Sĩ viết : ” Con nhà chài lưới chả biết lễ nghĩa, tập tục loạn luân như thế từ đời Kính, Hấp đã có ” (15).
Tổ tiên nhà Trần lập nghiệp ở hương Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, làm nghề đánh cá trở nên giầu có. Trong An Nam Chí Lược, Lê Tắc cho biết Trần Thừa nhờ có công đánh giặc được phong chức Thái úy, em là Kiến Quốc được làm Đại tướng quân. Tuy nhiên nhà Trần vốn không phải gốc Việt mà từ đất Mân (có nơi nói là Quế Lâm) ở Trung Quốc sang từ đời Trần Kính, Kính sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, Thừa sinh ra Cảnh. Nếu nhà Trần biết rõ gốc gác của mình như thế ắt có chép gia phả và không đến nỗi không hiểu lễ nghĩa như Ngô Thì Sĩ nói. Không giữ lễ là một chuyện, không biết lễ lại là một chuyện khác.
IV.- VÀI NÉT SINH HOẠT CỦA CÁC CÔNG CHÚA ĐỜI TRẦN
1) Phàm người nào lấy công chúa, nếu công chúa chết hay bỏ đều không được lấy người khác, có lấy cũng phải giấu. Có lẽ đây là luật lệ chỉ áp dụng với người ngoài, vì khi Thiên Trân công chúa, con Anh Tôn, mất thì Uy Túc công Văn Bích lại lấy Huy Thánh công chúa (16).Ngoài những cuộc hôn nhân với người trong họ, hoặc với người ngoài vì chính sự, sử nhà Trần còn ghi chép đôi nét về những sinh hoạt khác của các công chúa :
2) Bắt đầu từ 1266 các công chúa cũng như vương hầu, cung tần được phép chiêu tập những người xiêu tán không có sản nghiệp làm nô tì để khai khẩn ruộng hoang, đắp đê ngăn nước mặn ở ven biển độ hai, ba năm sau khai thành ruộng. Nhưng từ 1397, Quý Ly chỉ cho các Đại vương va Trưởng công chúa được có ruộng không hạn định.
3) Võ học. Nhà Trần chấn chỉnh văn học nhưng cũng rất trọng võ học, xét ra có phần còn trọng võ hơn văn, như năm 1281, khi Nhân Tôn mở nhà học ở phủ Thiên Trường (Xuân Trường) lại cấm người làng Tức Mặc, quê hương vua, không được vào học văn nghệ, cũng như không cho hiệu quân Thiên Thuộc (những binh sĩ ứng tuyển ở Tức Mặc) học văn sợ khí lực kém đi (17).
Khi các vương hầu, công chúa lập trang trại thì phải luyện binh lính trừ bị thành từng đội quân bản bộ. Thưở ấy trai tráng trong nước theo luật ” toàn quốc vi binh ” khắp nước từ trên xuống dưới đều tinh thông võ nghệ nên mới đẩy lui được cả quân Chiêm lẫn quân Nguyên mấy lần định xâm lăng. Do đó ta mới có câu khen ” đánh giặc đời Trần …”
Do truyền thống tinh thần thượng võ ấy, các công chúa cũng luyện tập võ nghệ đến trình độ có thể điều binh khiển tướng như khi quân Minh sang, công chúa Thiên Huy cùng với Thị Trung họ Hồ là Trần Nguyên Chi đem dân tránh loạn ra Đồ Sơn, trong khi công chúa Thiên Gia và Trung sư lệnh Trần Sư Hiền ngược sông Cái, đầu hàng quân Minh (18).
Đặc biệt năm 1369, khi Nhật Lễ lên ngôi dự tính trở về họ Dương của cha đẻ, nhà Trần suýt mất. Khi ấy người họ Trần tuy lo sợ nhưng không thấy ai nhúc nhích. Cung Định vương vốn đã không có chí làm vua, lại có con gả cho Nhật Lệ, càng e dè. Công chúa Thiên Ninh phải đứng ra khuyến khích : ” Thiên hạ này là của cha ông ta lẽ nào bỏ cho người khác ? Ông nên đi đi, tôi sẽ đem gia nô dẹp yên nó cho “. Cung Định vương nghe theo, cùng với Tuyên vương Chương Túc hầu Nguyên Đán hẹn với Thiên Ninh ở Đại La giang, thuộc Thanh Hoá, để khởi binh, giết được Nhật Lễ năm 1370. Cung Định vương lên ngôi năm 1371 và phong cho Thiên Ninh làm Lạng quốc Thái Trưởng công chúa, đổi tên là Quốc Hinh (19). Cung Định vương tức là vua Nghệ Tôn.
Ngày nay nhắc đến Thiên Ninh công chúa người ta chỉ nhớ tới tội loạn dâm với em, mà cũng không xét kỹ xem có thực là ” tội ” hay không ? ” Tội ” là khi công chúa ưng thuận vì bị kích thích, ham muốn một cuộc phối hợp với em ruột. Nhưng nếu Thiên Ninh ưng chịu chỉ vì thầy thuốc Trâu Canh phán như thế mới chữa cho Dụ Tôn khỏi chứng liệt dương thì đấy lại là chuyện khác. Trâu Canh đã từng cứu Dụ Tôn thoát chết một lần, lời nói ắt có giá trị. Nếu Thiên Ninh hi sinh để cứu Dụ Tôn thiết tưởng đấy là ” công ” chứ không còn là ” tội ” nữa, hay ít ra cũng ” tội ” nhỏ mà ” công ” lớn. Thêm vào đấy còn cái công đánh dẹp Nhật Lễ, giành lại ngội báu cho nhà Trần. Chỉ tiếc rằng Thiên Ninh lại dem cơ nghiệp nhà Trần giao vào tay Nghệ Tôn, trước đã không có chí làm vua, sau lại một mực tin dùng Quý Ly, nên nhà Trần lại mất về tay nhà Hồ.
Tuy sử không chép nhiều, nhưng ta cũng thấy rằng các công chúa đời Trần không phải chỉ thụ động tuân theo thượng lệnh, hoặc nằm trong lòng địch dò la tin tức như công chúa Ngoạn Thiềm, hay lấy mỹ sắc xoa dịu đối phương đê đem lại hoà bình cho đất nước như Huyền Trân hay An Tư, hoặc lấy người cùng họ để giữ ngôi báu nhà Trần khỏi lọt vào tay họ khác, mà còn có những hoạt động như lập trang trại, luyện tập quân sĩ, điều binh khiển tướng, ít nhất cũng tích cực đóng góp vào công việc mở mang đất nước và gìn giữ ngai vàng cho nhà Trần.
Châtenay-Malabry, tháng 2, 1993
(Văn Lang, số 5, tháng 6 – 1993)
Chú thích
1. Lê Tắc là tác giả An Nam Chí Lược.
2. Trong ” Chuyện nàng công chúa có ân sâu với Huế “, Nhớ Huế (30/8/92) tác giả viết rằng thuyền của Huyền Trân đi 7 ngày đã tới Cửa Thuận, chờ đợi 2 tháng tin bắt cóc hoàng tử Đa Gia không thấy nên công chúa lên kiệu về kinh, 20 ngày tới Thăng Long và chỉ ba tháng sau công chúa xuất gia, nhằm ngày Tết Nguyên Đán năm Kỷ Dậu (1309) nghĩa là 6 tháng sau khi dời Chiêm Thành. Thuyết này e không ổn vì Chế Mân mất tháng 5/1307, vua sai Trần Khắc Chung sang đón Huyền Trân từ tháng 10/1307, cho là hai tháng sau Trần Khắc Chung mới đến Chiêm Thành và đón được Huyền Trân về thì họ phải khởi hành vào khoảng đầu 1308, sáu tháng sau Huyền Trân đi tu, phải vào khoảng giữa 1308 chứ không thể vào Tết 1309, vì có một lỗ hỗng khoảng 6 tháng không biết họ đi đâu.
3. Việt Sử Tiêu Án, tr. 222
4. Toàn Thư, II, tr. 93.
5. ” Trưởng công chúa “, là chị em ruột của vua, con của Thượng hoàng, chứ không phải là ” công chúa lớn nhất ” (Cuơng Mục, VII, tr. 29).
6. ” Từ 1241, anh em vua phong vương, con trưởng các vương cũng phong vương, con thứ phong Thượng vị hầu. Làm chế độ vĩnh viễn. (Toàn Thư II, tr. 17 và Cương Mục V, 38).
7. Thông Sử, tr. 115-6.
8. Thông Sử, tr. 165, Toàn Thư III, tr. 69.
9. Vũ Trung Tuỳ Bút, tr. 69.
10. Les Miroirs de la Perversité, tr. 346.
11. Việt Sử Tiêu Án, tr. 221.
12. Cương Mục, IV, tr. 64.
13. Sử Ký Tục Biên, tr. 159.
Theo Vũ Trung Tuỳ Bút thì người bị sét đánh là Trịnh Sâm, con Trịnh Doanh, và Trịnh Giang, Trịnh Doanh đều là con Vũ Thị.
Theo Vũ Trung Tuỳ Bút thì người bị sét đánh là Trịnh Sâm, con Trịnh Doanh, và Trịnh Giang, Trịnh Doanh đều là con Vũ Thị.
14. ” Trần Thủ Độ “, Trung Bắc Chủ Nhật số 182.
15. Việt Sử Tiêu Án, tr. 170.
16. Toàn Thư II, tr. 97.
17. Toàn Thư II, tr. 47 và Cương Mục V, tr. 500. Tuy vậy, những tướng giỏi đời Trần như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật v.v…đều tài kiêm văn võ.
18. Toàn Thư II, tr. 17-8.
19. Toàn Thư II, tr. 137-8, Cương Mục VI, tr. 59-64.
Sách tham khảo :
- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tổ biên dịch Phạm Trọng Điềm, Hoa Bằng, Trần văn Giáp. Hà Nội : Văn Sử Địa, 1957.
- Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông Sử, Hà Nội : KHXH, 1978. Biên tập : Mai Ngọc Mai.
- Lê Tắc, An Nam Chí Lược, Viện Đại học Huế, Ủy Ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1961.
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hà Nội : KHXH, 1967-73. Cao Huy Giu dịch.
- ?, Đại Việt Sử Ký Tục Biên, Ngô Thế Long và Nguyễn Kim Hưng dịch, Hà Nội : KHXH, 1991.
- Ngô Thì Sĩ, Việt Sử Tiêu Án, bản dịch của Hội Việt Nam nghiên cứu liên lạc Văn hoá Á châu, Văn Sử tái bản ở Mỹ.
- Phạm Đình Hổ, Vũ Trung Tuỳ Bút, bản dịch của Nguyễn Hữu Tiến, Đông Nam Á tái bản ở Paris.
- Prouteau Gilbert, Les Miroirs de la Perversité, Paris : Albin Michel, 1984.
- Vân Hạc, ” Thanh Niên Đời Trần “, Trung Bắc Chủ Nhật, số 61, 18/5/1941.
- Văn Hòe, ” Trần Thủ Độ “, Trung Bắc Chủ Nhật, số 182, 7/11/1943.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.