Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Sinh mệnh chính trị của Phùng Quang Thanh

Sinh mệnh chính trị của Phùng Quang Thanh.

(Người Buôn Gió) - Vào ngày 26 tháng 6 trên mạng xã hội Facebook rộ tin đồn đại tướng, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Uỷ viên bộ chính trị Phùng Quang Thanh bị ám sát tại Paris bởi hai phát đạn. Tin đồn chưa xác định ông Thanh còn sống hay không. Bản tin có nói ông Thanh phải vào viện ngay lập tức.

Tin đồn loan tải với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Đầu tiên thì nhiều người hoài nghi về tính xác thực của tin này. Sự im lặng của truyền thông báo chí cộng sản Việt Nam khiến người ta phải phân vân. Theo lẽ bình thường nếu tin đồn xấu như vậy rộ lên trong dư luận. Báo chí Việt Nam chỉ cần đưa một bản tin có hình ảnh ngày giờ ông Thanh hoạt động gì đó là phá tan ngay được tin đồn.

Đến ngày 1/7/2015 đại hội thi đua toàn quân diễn ra. Tất cả các tướng lãnh quan trọng của Việt Nam đều có mặt, duy nhất không có ông Phùng Quang Thanh. Ở đại hội này ông Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, ngồi cạnh ông là hai tướng Ngô Xuân Lịch và Đỗ Bá Tỵ. Trước đó ở một cuộc họp chính phủ, chỗ ngồi đề tên ông Phùng Quang Thanh là một vị tướng khác.

Báo chí Việt Nam thất thủ, để mặc tin đồn càng hoành hành ác liệt hơn trong dư luận vì sự thiếu vắng ông Thanh trong hai phiên họp nói trên.

Ngày 2/7/2015 báo Tuổi Trẻ đưa tin ông Phùng Quang Thanh đang chữa bệnh tại Pháp. Bản tin nói rằng ông đã phải phẫu thuật. Một cách úp mở, bản tin báo Tuổi trẻ không loại trừ ông Thanh bị bệnh ung thư.

'' Tối 30-6, ông Thanh đã được phẫu thuật, có thể là một khối u phổi.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, ông Thanh từng bị chấn thương vùng ngực từ thời chiến tranh, lâu dần chấn thương đó khiến một bộ phận phổi bị xơ.
Khoảng hai tháng trước, ông Thanh bắt đầu bị ho nặng, sinh thiết chưa phát hiện ung thư nhưng các dấu hiệu xơ hóa vùng phổi cộng với ho nặng là những dấu hiệu đáng ngại của căn bệnh này.''

Bản tin tiếp theo của báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phạm Gia Khải, trưởng ban bảo vệ sức khoẻ trung ương nói rằng ông Thanh bị u lành, sức khoẻ diễn biến tốt, chỉ hai hay ba tuần nữa là về nước. Nhưng phần tô đậm của bản tin này lại nói ông Thanh trước đó ho ra máu.

Cũng úp mở, ông Phạm Gia Khải bóng gió nhắc đến tình huống xấu là ông Thanh bị bệnh ung thư.

Cũng theo giáo sư Khải, ngay cả khi được xác định đúng là ung thư phổi thì với kỹ thuật mới như hiện nay, hoá trị, xạ trị, cũng không quá lo. Việc lựa chọn sang Pháp chẩn đoán, điều trị cho đại tướng Phùng Quang Thanh bởi các chuyên gia nhận thấy kỹ thuật sinh thiết tại Pháp có nhiều ưu việt, cho kết quả chính xác để đưa ra hướng phẫu thuật, điều trị tối ưu.

Tổng kết về tin đồn cũng như tin từ báo chí Việt Nam, chúng ta thấy dù ông bị bệnh hay bị ám sát thì đều có những điểm chung.

1- Ông Thanh đang phẫu thuật tại Pháp
2- Ông Thanh ho ra máu do liên quan đến phổi.
3- Tính mạng có thể tình trạng nguy hiểm.

Đến lúc này cũng không thể bác bỏ tin ông Thanh bị ám sát, vì nếu đạn bắn đúng phổi thì người bị bắn cũng trào máu miệng.

Điều cần bàn là tại sao tin đồn lại xuất hiện ngay lập tức và có những dấu hiệu chính xác. Loại trừ việc ông Thanh bị ám sát chưa thể khẳng định được. Thì việc ông Thanh đi Pháp, phải phẫu thuật, tính mạng nguy hiểm là những thứ đã được báo chí Việt Nam sau vài hôm buộc phải khẳng định.

Kịch bản thật sự có lẽ ông Thanh bị bệnh nặng về phổi, ông giấu kín và cuối cùng không thể giấu được khi ho ra máu và đột quỵ tại Pháp. Các đối thủ của ông trong chính trường Việt Nam đã ngầm đưa tin ông bị ám sát ra ngoài, tình tiết ông bị ám sát bằng hai phát đạn của một sát thủ giống y như phim hành động chắc chắn sẽ là tin giật gân, đánh đúng tâm lý tò mò của dư luận. Tạo thành một luồng đồn đoán rộng rãi, gây bất lợi việc che đậy ông Thanh bị bệnh. Tin đồn đó nếu không bị phản bác thì buộc thông tin ông Thanh phẫu thuật tại Pháp, phải được báo chí công nhân chính thức.

Thường thì thông tin về các lãnh đạo quan trọng của ĐCSVN được giữ kín như bí mật quốc gia. Trong trường hợp này, đối thủ của ông Thanh đã dùng một mánh khoé rất hiệu nghiệm để phơi bày sự thật bằng cách dùng tin đồn.

Bước tiếp theo là các đối thủ của ông nửa kín, nửa hở tiết lộ bệnh tình của ông Thanh rất trầm trọng như xơ phổi, ho ra máu, phải phẫu thuật , phải sinh thiết thử máu tại bệnh viện tối tân bên Pháp, có nghĩa mức độ bệnh đã không còn chữa được tại Việt Nam. Tin báo chí còn không loại trừ khả năng ông bị ung thư, và việc điều trị không phải lần này là thôi , mà còn có thể nhiều đợt điều trị khác.

Một uỷ viên BCT dự kiến vào chức TBT trước đây là Hồ Đức Việt đã phải rời khỏi BCT vì bệnh tình bị phát hiện trước ngày đại hội Đảng toàn quốc. Ông Phùng Quang Thanh cũng tương tự như ông Hồ Đức Việt, ông Thanh được dự tính sắp đặt là chủ tịch nước hay tổng bí thư trong đại hội tới đây. Tin tức về bệnh tình của ông Thanh như thế này, đồng nghĩa với việc dù ông có chữa được bệnh tại Pháp thì ông cũng không thể đảm nhận chức vụ quan trọng cho một nhiệm kỳ dài đến 5 năm. Một điều quy định của ĐCSVN là những ứng cử viên đảm nhận chức vụ từ uỷ viên trung ương trở lên phải đảm bảo sức khoẻ thực hiện cương vị hết nhiệm kỳ 5 năm.

Tin đồn ông Thanh bị ám sát chưa xác thực. Nhưng thông tin báo chí chính thức tiết lộ về bệnh tình ông Thanh ngang bằng những phát đạn ám sát sự nghiệp chính trị của ông Thanh. Với những phát đạn như thế từ báo chí Việt Nam, sự nghiệp chính trị của ông Phùng Quang Thanh đã bị kết liễu dứt điểm. Ông còn sống hay đã chết cũng đã bị loại khỏi chính trường Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa mới đây được quốc hội phân thêm quyền hạn bổ nhiệm bộ trưởng trong giai đoạn bộ trưởng cũ vì lý do nào đó vắng mặt. Với trường hợp bộ trưởng là uỷ viên BCT thì không rõ ông Dũng có bổ nhiệm được không. Nhưng chỉ cần ông Dũng chỉ định người tạm thời thay thế, chừng đó cũng đủ cho nhân vật thay thế trong vòng gần 1 năm nữa dành được sự ủng hộ trong quân đội. Thuận lợi cho nhiệm kỳ đại hội đảng tới tiếp tục giữ chức BTBQP.


Hiện nay trong quân đội có hai tướng khả năng đảm nhiệm vị trí bộ trưởng quốc phòng là Ngô Xuân Lịch và Đỗ Bá Ty. Ông Lịch là người trong Ban bí thư, là chủ nhiệm chính trị quân đội, ông Lịch có lợi thế hơn ông Đỗ Bá Tỵ về mặt đảng. Ngày 2.7 vừa qua, Ngô Xuân Lịch đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quân đội trong việc chống diễn biến tư tưởng, diễn biến hoà bình...Nâng cao tầm nguy hiểm của kẻ địch tức là nâng cao trách nhiệm của mình. Ý của ông Lịch là lúc này cần người nắm chắc tư tưởng quân đội , định hướng cho họ tuân theo chỉ đạo của Đảng, và trong tình hình như thế thì ông là người xứng đáng giữ vai trò Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam.

Ông Đỗ Bá Tỵ chưa có hành động gì để chứng tỏ mình lãnh nhiệm chức BQP. Nhưng về mặt quân sự, tác chiến chắc chắn là chuyên môn của ông Tỵ, và ông hơn đứt các đối thủ trong BQP về mặt này. Những diễn biến ở Cam Pốt và biển Đông ngày một căng thẳng là có lợi cho một người có chuyên môn như ông Tỵ.

Tất nhiên thì mọi người sẽ nói, với cộng sản ai lên thay cũng thế thôi.

Nhưng với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng người như Đỗ Bá Tỵ làm bộ trưởng QP có lẽ tốt hơn cho đất nước. Vì ông Lịch chú trọng đối phó với kẻ thù bên trong, ông Lịch muốn làm một thứ lá chắn, bảo kiếm để bảo vệ cho sự cai trị của Đảng cộng sản. Nếu chú trọng thế, ông sẽ không ngại gì hợp tác với bộ quốc phòng Trung Quốc để giữ tình hữu nghị, tương trợ lẫn nhau. Như người tiền nhiệm trước ông đã đang làm và có sẵn những bước đệm để ông triển khai tiếp.

Có lẽ ông Dũng không dại gì tạo điều kiện cho người như Ngô Xuân Lịch nắm tạm thời BQP.

Người Buôn Gió
Nguồn: http://www.ethongluan.org
[sinh-menh-chinh-tri-phung-quang-thanh].
Ngày đăng 04/07/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.