Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Cảnh giác với yếu tố Trung Quốc ở biên giới Tây Nam

Cảnh giác với yếu tố Trung Quốc ở biên giới Tây Nam

bauxitevnFri 7:25 AM


HỒNG THỦY
 (GDVN) - Những hành động này không thể không có sự “chống lưng” của Trung Quốc, nằm trong một trong kịch bản do Trung Quốc dàn dựng để gây áp lực tối đa với Việt Nam.
Ngày 30/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng yêu cầu Campuchia có biện pháp xử lý thỏa đáng vụ việc ngày 28/6 khoảng 250 người Campuchia, trong đó có một số nghị sĩ đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập tiến sâu vào khu vực cột mốc 203 do Việt Nam quản lý thuộc địa phận tỉnh Long An.
Những người này đã tấn công người dân Việt Nam khiến 7 người bị thương. Ông Bình yêu cầu phía Campuchia không để tái diễn những hành động phá hoại hòa bình ổn định ở biên giới như trên để đảm bảo công tác phân giới cắm mốc được triển khai thuận lợi.


Việt Nam có quyền ngăn chặn các hoạt động xâm nhập biên giới bất hợp pháp
Theo đài VOA Hoa Kỳ ngày 1/7, Trưởng ban Biên giới Chính phủ Campuchia Var Kim Hong nói rằng cơ quan ông sẽ có cuộc họp với cơ quan chức năng đồng cấp Việt Nam từ ngày 6/7 đến ngày 9/7 tới.
  
Ông Var Kim Hong, Trưởng ban Biên giới Chính phủ Campuchia. Ảnh: KI Media.

Ông Var Kim Hong được VOA dẫn lời nói rằng: "Chúng tôi đang yêu cầu họ ngừng các hoạt động này bởi vì chúng tôi chưa phân giới xong hoàn toàn ở bất kỳ khu vực nào, tỉnh nào. Chúng ta không nên thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào, chúng ta phải giữ nguyên hiện trạng phù hợp với tuyên bố chung ngày 17/1/1995".
Ông Var Kim Hong cho biết, cuộc họp tuần tới không phải được tổ chức chỉ vì vụ va chạm ngoài biên giới hôm 28/6, nhưng nó sẽ được 2 bên trao đổi. Trưởng ban Biên giới Chính phủ Campuchia khẳng định, cả hai bên đều có quyền qua lại khu vực chồng lấn chưa phân giới.
"Vì vậy họ (Việt Nam) có quyền ngăn cản chúng ta (vượt mốc 203)", ông Var Kim Hong được VOA dẫn lời cho biết. Trưởng ban Biên giới Campuchia kêu gọi người dân nước này tránh những sự cố vô dụng và các cuộc va chạm vô ích.
Xung quanh luận điệu kích động bài Việt, chống phá quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia của CNRP kêu gọi đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền đưa cái gọi là "tranh chấp biên giới Việt Nam - Campuchia" ra Tòa án Công lý Quốc tế, ông Var Kim Hong khẳng định: Các giải pháp cho vấn đề biên giới đang được hai bên đàm phán giải quyết.
"Đầu tiên chúng ta phải đánh giá. Chúng ta không thể cứ ra tòa mà không biết chúng ta sẽ kiện gì và kiện như thế nào". Ông cũng bác bỏ tuyên bố của CNRP về cái gọi là bản đồ "chứng minh Việt Nam lấn đất". Trưởng ban Biên giới Chính phủ Campuchia bình luận: "Đó là một giấc mơ. (CNRP) Hãy để chính phủ làm việc và đàm phán".
Ông cũng bác bỏ kêu gọi của CNRP vô hiệu hóa các hiệp ước, hiệp định về biên giới đã chính thức ký kết với Việt Nam từ những năm 1985 và 2005. Ông Var Kim Hong khẳng định Campuchia đã đàm phán thành công với Việt Nam trong những hiệp định này và nó phát huy tác dụng trong việc củng cố đường biên giới chung giữa hai nước.

Phe đối lập Campuchia vẫn điên cuồng chống phá Việt Nam, lấp ló đằng sau là bóng dáng Trung Quốc
Ngày 29/6, hai nhà báo Campuchia Meas Sokhea và Shaun Turton nhắc lại trên tờ The Phnom Penh Post rằng, hơn 5 năm trước ông Sam Rainsy Chủ tịch đảng CNRP hiện nay đã bị nhà nước Campuchia phạt tù 2 năm và sau đó phải sống lưu vong vì tội đào và dịch cột mốc biên giới giữa Campuchia với Việt Nam.
  

Sam Rainsy, Chủ tịch đảng đối lập CNRP theo đuổi chủ trương bài Việt, chống phá quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Campuchia và chống phá biên giới giữa 2 nước làm thủ đoạn tìm kiếm sự ủng hộ trong nước.

Nửa thập kỷ sau Sam Rainsy về nước hợp tác với Kem Sokha thành lập đảng CNRP mưu đồ theo đuổi con đường chính trị nhưng không phải bằng sách lược gì tốt đẹp, mà vẫn ngựa quen đường cũ, tiếp tục mị dân lừa gạt bằng chiêu bài chống phá kịch liệt Việt Nam, bợ đỡ Trung Quốc - PV.
Năm ngoái Sam Rainsy đã công khai đường lối chính trị bài Việt và bám gót Trung Hoa khi khẳng định trên đài BBC tiếng Việt rằng: "Trung Quốc là tương lai" với mộng tưởng "Bắc Kinh sẽ giúp đỡ bảo vệ cái gọi là chủ quyền".
Sam Rainsy lập luận rằng ông ta học theo cố Quốc vương Norodom Sihanouk vì ông ấy là người xây dựng quan hệ rất tốt với Trung Quốc từ những năm 1950. Sam Rainsy tuyên bố: Coi Trung Quốc là nước thứ 3 để làm "đối trọng với ảnh hưởng" của 2 nước láng giềng, Thái Lan và Việt Nam?!
Theo The Cambodia Daily, ngày 4/3 năm nay cấp phó của ông Sam Rainsy, Kem Sokha với vai trò Phó Chủ tịch Quốc hội Campuchia đã gặp bà Bố Kiến Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh và tuyên bố, CNRP muốn hợp tác rộng lớn hơn với Trung Nam Hải.
The Cambodia Daily lưu ý, CNRP đã tìm cách lấy lòng Bắc Kinh trong cuộc bầu cử năm 2013 bằng tuyên bố ủng hộ yêu sách (vô lý, phi pháp) của họ ở Biển Đông.
Ngày 2/7 The Cambodia Daily dẫn lời Sam Rainsy tuyên bố: "Tình hình ở Campuchia đã thay đổi. Mọi thứ không còn giống như một vài năm trước đây." Sam Rainsy nói ông ta tin rằng những nỗ lực của Việt Nam tìm kiếm ủng hộ của Mỹ trong vấn đề Biển Đông với Trung Quốc đã tạo cho Campuchia cái gọi là "cơ hội duy nhất chống Việt Nam xâm lấn biên giới"?!
"Khi tôi nói chuyện với các quan chức Mỹ tại Washington DC, họ muốn Campuchia kết hợp với ASEAN chống Trung Quốc. Người Mỹ cho rằng họ cần sự gắn kết trong ASEAN, và do đó Mỹ có mối quan tâm rằng không nên có sự căng thẳng giữa Campuchia với Việt Nam.
Trong khi họ đang phải đối đầu với Trung Quốc, sẽ không phải lúc để Việt Nam tạo ra những căng thẳng với Campuchia hay gửi thông điệp sẽ có biện pháp cứng rắn với Campuchia, nước láng giềng yếu hơn", Sam Rainsy công khai bộc lộ tư tưởng bám gót Trung Quốc, chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia.

Những tuyên bố lạc loài ra mặt ủng hộ lập trường vô lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
The Phnom Penh Post ngày 5/3 vừa qua cho biết, chính phủ Campuchia đã được quan sát thấy có thái độ đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là năm 2012 khi Campuchia đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên ASEAN. Đổi lại Bắc Kinh đã "hào phóng khen thưởng" hàng tỉ USD đầu tư và cho vay!
Năm 2013 sau cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia, Tân Hoa Xã đã nhắc "vỗ mặt" Hun Sen rằng, nếu không "cải cách sâu sắc và nghiêm túc", CPP khó giành chiến thắng trong bầu cử quốc gia năm 2018.
Từ đó trở đi, những tiếng nói phụ họa, bao che ngụy biện cho tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh trên Biển Đông xuất hiện ngày càng nhiều tại Campuchia. Gần đây nhất là phát ngôn của Quốc vụ khanh Campuchia Soeung Rathchavy ngày 6/5 ủng hộ lập trường đàm phán tay đôi của Trung Quốc và gạt Mỹ khỏi Biển Đông.
Ngày 4/6 người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan lại cáo buộc Mỹ "gây rối Biển Đông" và đòi Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc, bất chấp các hành động leo thang của Trung Quốc.


Ông Norodom Sirivudh.
Ngày 27/6, đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh tổ chức hội thảo quan hệ đối ngoại quốc tế có sự tham gia của các ông Vương Nghị - Ngoại trưởng và Lý Nguyên Triều - Phó Chủ tịch nước Trung Quốc. Tại đây, Norodom Sirivuth, Cố vấn Cơ mật tối cao của Quốc vương Campuchia lại tiếp tục lên tiếng phụ họa với Trung Nam Hải đòi Mỹ, Nhật "rời khỏi Biển Đông".
Đó là lý do tại sao ngay cả 2 nhà báo Campuchia Meas Sokhea và Shaun Turton cũng phải lưu ý trên The Phnom Penh Post hôm 29/6 rằng: Trong tuần qua những "hùng biện công khai" của một số quan chức CPP cầm quyền về vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia theo xu hướng ủng hộ quan điểm của phe đối lập đã cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia Khieu Sopheak cũng phát biểu sai sự thật rằng Việt Nam "dùng vũ lực" với nhóm người Campuchia trong vụ xâm nhập bất hợp pháp. Những động thái này khiến người ta khó tin rằng không có sự đổi chác, giật dây từ Bắc Kinh.

Cảnh giác với trò dương Đông kích Tây của Bắc Kinh ở biên giới Tây Nam
Bình luận về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho chúng tôi biết:
"Những phát ngôn tuyên bố chính thức gần đây của Campuchia vừa qua đi ngược lại xu thế, nhận thức chung của khu vực và quốc tế về căng thẳng Biển Đông, đi ngược lại những thỏa thuận, thậm chí là hiệp định đã ký kết chính thức với Việt Nam phải chăng là hậu quả của những ngón đòn hiểm Trung Quốc dùng tiền, viện trợ vũ khí để thao túng?
Phải chăng các thế lực chính trị phản động Camphuchia cũng đang tính toán lợi dụng lúc Việt Nam đang tập trung đối phó với Trung Quốc trên hướng Biển Đông để kích động một bộ phận người dân Campuchia nhẹ dạ?
Hành động của bọn họ đang quấy phá vùng biên giới, thậm chí đòi hủy bỏ toàn bộ những thành quả của quá trình giải quyết vấn đề biên giới trong thời gian qua của 2 nước là điều không thể chấp nhận được. Tất nhiên, những hành động này không thể không có sự "chống lưng” của Trung Quốc, nằm trong một kịch bản do Trung Quốc dàn dựng để gây áp lực tối đa với Việt Nam.


Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Đã đến lúc Việt Nam cần cho những thế lực nói trên thấy rõ, người Việt Nam đã và sẽ có cách bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cơ đồ cha ông để lại như thế nào.
Tất nhiên, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, biện pháp đấu tranh ngoại giao, pháp lý vẫn là thích hợp nhất so với biện pháp quân sự. 
Bởi vì, hòa bình luôn luôn là nguyện vọng tha thiết nhất của nhân loại. Nhiều nhà bình luận quốc tế cũng đã từng cảnh báo rằng đã có lúc thế giới đang đứng bên miệng hố chiến tranh bởi những tranh chấp gay gắt giữa các thế lực mang đậm màu sắc chính trị, quân sự, sắc tộc và tôn giáo. 
Tại thời điểm hiện tại, thế giới vẫn đang ở trong tình trạng bất ổn đó. Các liên minh, các phe phái đối nghịch nhau trên phạm vi thế giới đã có mầm mống xuất hiện tại một số điểm nóng.
Có thể nói đây là thời khắc mà mọi ứng xử đều hết sức thận trọng, phải đặt lợi ích chung vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới lên trên hết. Cách ứng xử thích hợp nhất là phải thật sự bình tĩnh, cảnh giác phân biệt rõ đúng sai.
Bất kể là ai nếu hành xử không theo đúng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của mình thì kiên quyết phản đối đấu tranh đến cùng, không khoan nhượng"./.
Mời quý độc giả đón đọc phần 2: "Ts Trần Công Trục: Không ai có thể lật lại Hiệp ước biên giới Việt Nam-Campuchia".
H.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.