Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 14)

CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 14)

bauxitevnTue 4:04 AM


Victor Sebestyen

 Dch gi:  Phan Trinh
CHƯƠNG 12
THANH KIẾM VÀ LÁ CHẮN – MẬT VỤ ĐÔNG ĐỨC
VI TÍNH HAY GIẤY? – 6.250 TẤN HỒ SƠ – TỐI MẬT: MÙI, MÙ-TẠT, CÔ-NHẮC – TRƯỜNG HỢP POPPE: PHÁ HOẠI GIA ĐÌNH – TRƯỜNG HỢP LENGSFELD: MẬT VỤ TRÊN GIƯỜNG – KHÔNG THỂ NÓI KHÔNG? – TRÙM MẬT VỤ MIELKE – BỨC TƯỜNG BERLIN – 12 NĂM: 3 TRIỆU NGƯỜI BỎ ĐI – XÂY “HÀNG RÀO CHỐNG PHÁT-XÍT” – HONECKER: KHÔNG ĐƯỢC QUÁ THÔNG MINH – KHÔNG ANH HÙNG – MẶT LẠNH ĐA TÌNH – PHỒN VINH GIẢ TẠO – KOKO, NGOẠI TỆ CHUI – DOANH NHÂN QUÁI KIỆT, THƯƠNG VỤ GIANG HỒ
***

Đông Berlin. Tháng 4, năm 1985
VI TÍNH HAY GIẤY?
1.
CỨ BA GIỜ CHIỀU THỨ BA, hai nhân vật quyền lực nhất Đông Đức lại gặp nhau. Họ có mặt trong một văn phòng trang trí lộng lẫy, nằm ở tầng hai trụ sở chính của Đảng tại Werderscher Markt, trung tâm Berlin.
Lãnh tụ Đảng Erich Honecker và trùm mật vụ Erich Mielke nói chuyện riêng khoảng một tiếng rưỡi. Đề tài duy nhất luôn là tình hình an ninh đất nước, đúng hơn là “tình hình an ninh của Đảng” như hai người Bolshevik này diễn dịch, và Đảng ở đây có tên chính thức là Đảng Thống nhất Xã hội Chủ nghĩa Đức (Sozialistische Einheitspartei Deutschlands, hay SED).
Mùa xuân năm 1985, Honecker thông qua một kế hoạch đầy tham vọng, có hơi hướng như trong tiểu thuyết George Orwell, là vi tính hóa các thông tin và báo cáo chỉ điểm về từng cá nhân trong tổng số gần 16,5 triệu dân cả nước.
Honecker khắc khổ, 73 tuổi, ngồi ghế lãnh tụ tối cao Đông Đức đã 14 năm. Ông kiên quyết vi tính hóa việc theo dõi người dân, nó hợp với tầm nhìn của ông là xây dựng Đông Đức thành một quốc gia tiên tiến, phát triển, có khoa học công nghệ cao bậc nhất. Nhưng, trùm mật vụ Mielke, 77 tuổi, một người béo lùn, cổ to và ngắn, gần như không biết cười, lại tỏ ra nghi ngờ.
Mielke không thích ý tưởng này, được đề xuất bởi đội ngũ nhân viên trẻ tại Ministerium fur Staatssicherheit, Bộ An ninh Quốc gia, gọi tắt là Stasi, nơi ông cai quản như lãnh địa riêng trong hơn một phần tư thế kỷ. Mielke thích dùng thẻ viết tay và hồ sơ giấy. Ông nói giấy hay hơn vi tính, ít nhất cũng an toàn hơn khi cúp điện, vốn là điều rất đáng quan tâm trong một nước theo “chủ nghĩa xã hội giữa đời thực”, cụm từ chính thức mà người Đông Đức dùng để mô tả cuộc sống và hiện trạng của mình.
*
6.250 TẤN HỒ SƠ
Dưới quyền cai quản của Mielke, mật vụ Stasi nắm giữ một số lượng khổng lổ hồ sơ cá nhân. Để dễ hình dung, có thể nói vào cuối thập niên 1980, số hồ sơ lưu trữ đã chiếm đến 200 km kệ tủ. Mỗi 1,6 km kệ tủ lại chứa đến 17.000.000 trang giấy, nặng đến 50 tấn.
Tất cả các nước trong đế quốc Xô-viết đều sở hữu một cơ quan mật vụ có quan hệ cộng sinh mật thiết với cơ quan tình báo Liên Xô KGB. Nhưng không cơ quan mật vụ nào trong các nước này lại được tổ chức chu đáo và nổi tiếng về hiệu quả như mật vụ Stasi.
Dân Đông Đức thường gọi mật vụ Stasi bằng cái tên mỹ miều là “Công ty”. Tiến sĩ Matthias Mueller, lớn lên ở Đông Berlin trong thập niên 1970, chia sẻ rằng: “Ngay khi mật vụ không theo dõi bạn, không nghe lén bạn, bạn vẫn nghĩ có thể mình đang bị theo dõi và nghe lén. Chúng ta tưởng tượng mật vụ biết hết mọi sự. Đó chính là bí ẩn của nó, quyền lực của nó và mức độ xâm nhập của nó vào đời sống”.[i]
Mật vụ tuy không thể biết hết mọi sự, nhưng cũng biết khá nhiều. Mật vụ Stasi là một trong những cơ quan đơn lẻ sử dụng nhiều người làm việc nhất nước, một đất nước chính thức không có nạn thất nghiệp và lượng nhân viên của một số xí nghiệp cao đến khủng khiếp.
Giữa năm 1975, Stasi có 59.478 nhân viên toàn thời. 10 năm sau, con số này tăng lên thành 105.000 người, chưa kể số cộng tác viên (người chỉ điểm) bán thời gian hoạt động ở nhiều mức độ khác nhau. Có khoảng 15.000 nhân viên làm việc toàn thời cho Stasi trong tổng hành dinh Normannenstrasse, gồm một cụm những tòa nhà xấu xí được canh gác rất cẩn mật, nằm trong quận Lichtenberg, Đông Berlin. Hơn 500.000 người được thuê làm “chỉ điểm viên tích cực” trong nhiều năm.
Vào thời hoàng kim của Đức Quốc xã, ước lượng có một nhân viên mật vụ Gestapo cho mỗi 2.000 người dân Đức [tỉ lệ 1/2.000]. Giữa thập niên 1980, lại có một nhân viên mật vụ Stasi hoặc chỉ điểm viên thường trực cho mỗi 63 người dân [tỉ lệ 1/63].
Từ thập niên 1970 về sau, việc mở cửa Đông Đức cho phương Tây đã được Honecker và đồng nghiệp đón chào nồng nhiệt, và được xem là chiến thắng ngoại giao của lãnh tụ tối cao Honecker. Trên chính trường quốc tế, nó giảm bớt nỗ sợ của Honecker về việc thế giới không công nhận Đông Đức là quốc gia hợp pháp. Nhưng, cùng lúc và về nhiều mặt, mở cửa có nghĩa chiến dịch theo dõi người dân trong nước sẽ càng được Đảng coi trọng.
***
TỐI MẬT: MÙI, MÙ-TẠT, CÔ-NHẮC
5.
Khi người dân rút về đời sống riêng, mật vụ Stasi vẫn không tha mà thường theo cả vào nhà. Ai vì bất cứ lý do nào đó bị mật vụ xem là đối tượng sẽ không bao giờ được yên. Stasi sẽ phá hỏng những quan hệ của họ và hủy hoại niềm tin của người thân trong gia đình về họ.
Một chỉ thị tối mật, đến từ cấp cao nhất thân cận với trùm mật vụ Mielke, chỉ đạo rất rõ bằng lời lẽ trắng trợn những việc mật vụ cần phải làm. Theo chỉ thị, các mật vụ “phải tìm cách phân tán những người chống đối bằng cách hạ bệ uy tín họ một cách có hệ thống … phải sắp xếp có hệ thống những thất bại trong lĩnh vực chuyên môn và về mặt xã hội để làm người chống đối mất dần tự tin … phải tạo hoài nghi … gieo rắc bất tín và sự ngờ vực lẫn nhau … phải khai thác bằng được những khuyến điểm cá nhân”.
Nhân viên mật vụ phải thực hiện đủ các kiểu điệp vụ, từ tầm phào đến lạnh tóc gáy. Họ phải tính toán gần như mọi sự. Ngay cả mùi của một người cũng được thu thập.
Tại mọi trạm cảnh sát, hay trong phòng thẩm vấn của Stasi trên cả nước, đâu cũng có ghế ngồi với lớp mốp đính trên mặt ghế. Lớp mốp này thu giữ lại mùi của người bị thẩm vấn. Mùi sẽ được giữ trong hũ để sau dùng giúp chó săn tìm ra người bị truy nã.
Chỉ vài người bị bắt theo cách này, nhưng không gì được xem là quá đáng nhân danh an ninh quốc gia. Công tác mật vụ được nhà nước chi cho bốn tỉ Đức-mã mỗi năm, gần 5% tổng ngân sách nhà nước.
Đến thập niên 1980, không còn những vụ bắt người tống giam lâu dài, hoặc tra tấn đánh đập, hoặc bỏ mặc tù nhân chết mòn trong trại tập trung, nhưng vẫn còn hàng ngàn người bị theo dõi 24 giờ mỗi ngày.
Hầu hết những thông tin cực kỳ chi tiết, tốn nhiều công sức thu thập trong hàng tấn hồ sơ Stasi, đều là những thông tin lặt vặt, chán ngắt và không dẫn đến đâu.
Một ví dụ là nhà văn Lutz Rathenow, khi đang làm cuốn sách hướng dẫn du lịch tại Berlin thì ông bị theo dõi trong vài tháng. Những chỉ điểm viên bí mật theo dõi ông không thu thập được gì có giá trị hơn những điều dưới đây, được ghi lại trong báo cáo:
“Sau đó Rathenow băng qua đường và mua xúc xích ở quày bán thức ăn. Cuộc trao đổi diễn ra như sau:
“RATHENOW: Cho tôi mua một xúc xích.
“NGƯỜI BÁN: Ăn với bánh mì hay không có bánh mì?
“RATHENOW: Có bánh, cảm ơn.
“NGƯỜI BÁN: Có mù-tạt không?
“RATHENOW: Vâng, có luôn mù-tạt.
“Sau đó không ai nói thêm gì nữa”.
Stasi thu thập 40.000 trang báo cáo về Wolf Biermann trước khi ông bị trục xuất qua Tây Đức, và hầu hết các báo cáo chẳng có ích gì trong việc bảo vệ đất nước khỏi bọn phá hoại.
Biermann là người nổi tiếng trăng hoa, nhưng ông không bao giờ nói điều gì có ý nghĩa chính trị khi ở nhà, vì biết mật vụ đã cài thiết bị nghe lén trong từng phòng. Một báo cáo lúc ông ở trong phòng viết như sau:
“W.B. quan hệ tình dục với một phụ nữ. Sau đó, ông hỏi cô có đói bụng không … cô bảo muốn uống một chút rượu cô-nhắc. Cô tên là Eva Hagen. Sau đó trong phòng im lặng”.[ii]
*
TRƯỜNG HỢP POPPE: PHÁ HOẠI GIA ĐÌNH
Ulrike Poppe là một trong số rất ít các nhà hoạt động liên quan đến chính trị tại Cộng hòa Dân chủ Đức, cô thuộc một nhóm vận động hòa bình và một nhóm bảo vệ môi trường muốn tìm hiểu tình hình ô nhiễm ở Berlin. Chồng cô, anh Gerd, là một nhà vật lý rất được trọng vọng. Cô Poppe kể:
“Trong căn hộ tôi ở có cài micro nghe lén. Micro không phải loại nhỏ mà là loại to, kết nối với dây cáp dẫn đến một căn hộ dưới tôi hai tầng, nơi người nghe lén chắc hẳn sẽ ngồi nghe. Một máy quay video được đặt trên tòa nhà đối diện, ống kính chĩa vào căn hộ của chúng tôi. Từng câu chữ chúng tôi nói, từng cuộc tranh cãi về việc ai rửa chén bát hôm nay, tất cả các cuộc bàn luận với con cái đều bị nghe lén và ghi chép. Bất cứ ai ra vào căn hộ đều được quay phim ghi hình”.[iii]
Họ bị quấy nhiễu và là mục tiêu của “Công ty”. Họ mất công ăn việc làm. Mật vụ Stasi làm mọi cách để phá vỡ cuộc hôn nhân của vợ chồng Poppe và tác động để cậu con Jonas chống lại bố mẹ. Một báo cáo của Stasi giải thích cách họ làm để đạt mục tiêu như sau:
“Để khuyến khích UP trong … ý định ly thân với chồng … chúng ta phải đề nghị rằng nếu cô bỏ hết mọi hoạt động công cộng và chấm dứt hợp tác với kẻ địch, cô sẽ được học một chương trình nâng cao … cô ấy phải được khích lệ để tin rằng nếu cô ly thân với chồng, cô sẽ được an toàn về tài chính … Việc cấm cô đi lại cũng sẽ được nới lỏng. 
“Để khủng hoảng hôn nhân càng xấu đi, phải giới thiệu để người trung gian “Harold” gặp cô Poppe và lần hồi tiến tới quan hệ tình cảm thân mật … Còn Gerd Poppe, phải ngăn ông ấy lại, không để uy tín của ông được nâng cao trong chuyên môn cũng như trong sinh hoạt xã hội. Thông qua chiến dịch “thư nặc danh” ông ta phải bị ghét bỏ ngay tại nơi làm việc … 
“Hiệu trưởng của Trường 15 tại Prenzlauer Berg phải tạo ảnh hưởng tích cực lên cậu con Jonas Poppe. Sự thành công của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa sẽ chứng minh cho họ thấy, ngay trong nhà mình, rằng chống đối nhà nước chỉ uổng công vô ích”.
Poppe, một thời là nhân vật hàng đầu tại một viện nghiên cứu khoa học, sau phải đi làm việc vặt ở hồ bơi.[iv]
*
TRƯỜNG HỢP LENGSFELD: MẬT VỤ TRÊN GIƯỜNG
Đáng sợ nhất có lẽ là trường hợp của Vera Lengsfeld. Bố cô từng là một sĩ quan Stasi vào lúc thành lập ngay sau thế chiến. Thời trẻ, cô là nàng tiểu thư con quan, trung thành và ngoan ngoãn, nhưng khi lớn lên, cô bắt đầu phản kháng. Cô trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng bị sa thải vào năm 1982 khi cô cải đạo theo Thiên Chúa giáo. Cô tham gia một nhóm vận động hòa bình có liên quan tới Giáo hội Luther, nhóm này biểu tình chống tên lửa hạt nhân cài đặt tại Châu Âu, chống cả tên lửa Liên Xô đặt tại Đông Đức.
Cô bị theo dõi liên tục, bị bắt một thời gian, và bị cho nghỉ việc dậy học tại một viện nghiên cứu xã hội ở Berlin. Sáu mật vụ Stasi được bổ nhiệm thường trực để theo dõi cô và báo cáo về từng việc cô làm. Trong sáu nhân viên, người tích cực nhất lại là chồng cô, nhà toán học Knud Wollenberger, cha của hai đứa con cô.
Dù công việc thật của Wollenberger là mật vụ nhưng ông đã tỏ ra rất tròn vai khi làm một người chồng biết yêu thương vợ và một người cha biết cưng chiều con. Khi báo cáo cho nhân viên Stasi phụ trách, ông lấy biệt danh “Daniel”. Ông báo cáo mọi chi tiết về đời cô, những khoảnh khắc tình tứ của hai người, những tâm sự trước khi ngủ, những lúc cô nhức đầu, đi mua sắm, những lúc cáu gắt, những yếu điểm tình cảm của cô và các cuộc điện thoại.
Wollenberger gặp, theo đuổi, và cưới cô theo lệnh của Stasi. Cô Vera sau này cho biết: “Cuộc hôn nhân của tôi là giả trá ngay từ đầu… Cuộc sống gia đình tôi, tất cả … đều là giả trá”. Cô nói “Thật không thể tưởng tượng được” một người đàn ông có thể lấy một phụ nữ làm vợ chỉ để theo dõi cô ta, và “còn khó hiểu hơn nữa là anh ta có thể làm cha của hai đứa con, cũng chỉ là để thi hành nhiệm vụ gián điệp”.[v]
Khi Vera biết sự thật, cô chia sẻ: “Tôi thấy tôi chết lặng một hồi lâu, trước khi dần tỉnh táo … điều đáng ngạc nhiên là những báo cáo đã được anh ta viết như viết về một người xa lạ, chứ không phải viết về vợ mình … Với anh, tôi là kẻ thù của nhà nước, và anh đã làm tất cả những gì có thể để chống lại tôi, kẻ thù của anh”.
Về phần mình, Wollenberger bảo anh chỉ là một công dân trung thành của Đông Đức và khi Stasi yêu cầu thì anh giúp, anh nói: “Tôi thấy tôi không thể nói không!” Anh nói khi rời nhà đi làm việc mật vụ, anh thấy “mình như đi xuyên qua một tấm gương và bước vào một thế giới hoàn toàn khác”.*[vi]
*
KHÔNG THỂ NÓI KHÔNG?
Có lẽ cũng như Wollenberger, hàng ngàn người Đông Đức cảm thấy họ không thể từ chối khi Stasi yêu cầu họ chỉ điểm.
Dĩ nhiên, những hồ sơ dầy nhất là về các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo và những ai kết hôn với người nước ngoài – nước ngoài gồm cả các nước trong khối Đông Âu. Họ rất chú ý đến “người biểu diễn” ở mọi thể loại – chẳng hạn các vận động viên ra nước ngoài thi đấu quốc tế, thành tích của họ rất quan trọng cho hình ảnh và uy tín lãnh tụ. Nhân viên Stasi cũng đặc biệt chú ý đến các thí sinh cuộc thi Hoa hậu Đông Đức (Miss GDR), mọi thí sinh đều bị thường xuyên theo dõi, có lẽ cũng vì hầu hết nhân viên Stasi đều là nam.
Mức độ người dân sẵn sàng tố giác hàng xóm mình thật đáng sợ. Có rất nhiều báo cáo của chỉ điểm viên về người hàng xóm có cô con gái một hôm đeo chuỗi thánh giá trên cổ, hoặc có cậu con trai một hôm cắt tóc theo kiểu lạ, “giống kiểu punk quậy phá”. Càng về sau nhà nước càng lo về giới trẻ nổi loạn, và giống như Tiệp Khắc láng giềng, họ mở chiến dịch chống nhạc rock. Người chỉ điểm cũng báo cáo về những đối tượng họ theo dõi, hoặc nghi ngờ, hoặc chỉ đơn giản là vừa nhận thư từ ‘Druben’ – ‘Phía bên kia’ (tức Tây Đức).
***
ÔNG TRÙM MẬT VỤ MIELKE
Trùm mật vụ Mielke làm việc trong ngành tình báo đã hơn 50 năm. Vào thập niên 1920, Mielke chỉ là một tay côn đồ chiến đấu cho phe cộng sản chống phát-xít Đức. Những người Xô-viết đã lẻn đưa ông rời Đức qua Moscow trong năm 1931, sau khi ông giết chết hai cảnh sát và huênh hoang khoe thành tích trong một quán rượu đêm tại Berlin.
Ông trở thành nhân viên mật vụ KGB toàn thời. Trong Cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, ông được gắn huy chương, theo lời một đồng nghiệp cũ, “không vì ông giết quân phát-xít, mà vì ông giết những người Trốt-kít và những người vô chính phủ”.
Ngay sau khi Hồng quân giải phóng Berlin năm 1945, ông được gửi đến đây để giúp thành lập “thanh gươm và lá chắn” cho Đảng tại Đông Đức. Mielke tin rằng ông điều hành tổ chức gián điệp hiệu quả nhất trong thế giới cộng sản và đưa ra được các ý tưởng nền tảng cho công tác tình báo. Ông cho rằng những gián điệp giỏi nhất là những người có quan hệ gần gũi nhất với công chúng. Vì vậy Stasi đã tận dụng những người lái xe điện, phụ nữ giặt ủi, bác sĩ và y tá. Thầy cô, chẳng hạn, là đối tượng rất tốt để phát hiện nhà học sinh nào xem truyền hình phương Tây – là đối tượng mà Mielke gọi là những người “di dân qua nước khác mỗi 8 giờ tối [qua TV]”.
Đến cuối thập niên 1970, người dân được phép xem các chương trình truyền hình phương Tây. Thực ra, chế độ chịu đựng việc này vì xem đó như một hình thức để dân chúng có thể giải trí và tạm quên chính trị trong chốc lát. Nhưng, méo mó nghề nghiệp, Stasi vẫn muốn theo dõi thói quen xem truyền hình này.
Người chỉ điểm không nhận được bao nhiêu tiền – chỉ khoảng 400 Đông-Đức-mã, khoảng 10% lương trung bình. Phần lớn họ không làm vì tiền, mà để được chấp nhận, để hy vọng có công việc tốt hơn, hoặc để cho con cái người thân được đi học ở đại học tốt hơn.
Khi Stasi trở thành một thế lực trong hệ thống quyền lực nhà nước thì gián điệp này bắt đầu theo dõi gián điệp khác. Mielke cũng giữ những bộ hồ sơ đồ sộ về tất cả các đầu lĩnh cộng sản Đông Đức, kể cả về người đồng nghiệp lâu năm Erich Honecker, người mà ông trùm Stasi biết có rất nhiều bí mật phải giấu.[vii]
***
BỨC TƯỜNG BERLIN
14.
Một nhà văn mô tả Stasi như một “não trạng”. Đó là cách diễn đạt khéo léo và mạnh mẽ để nói về đời sống trong một đất nước công an trị. Nhưng thực ra, người dân Berlin không cần cách biểu đạt hoặc biểu tượng gì hoa mỹ, vì họ đã có cả một Bức tường. Bức tường chính là biểu tượng bằng bê-tông, cho thấy người dân Đông Đức, và cả Đông Âu, đang bị cầm tù trong một vùng đất bị chia cắt ngoài ý họ muốn. Bức tường Berlin chia cắt gia đình, phá hủy những ước mơ, và gần như vắt kiệt mọi hy vọng. Bức tường khiến Berlin trở nên siêu thực, nơi rất nhiều đại lộ bỗng chốc hóa thành ngõ cụt, chỉ vì lý do chính trị.
Nếu bạn bỏ đi không đúng cách, bạn có thể chết – 119 người đã bị giết chết khi tìm cách nhảy qua, leo qua, đào hầm chui qua, hoặc bay qua Bức tường.
Chướng ngại đầu tiên là một bức tường bê-tông cao 3 mét, gọi là “hàng rào nội địa”. Rồi đến hàng rào kẽm gai và lưới thép cao 2 mét, gọi là “hàng rào tín hiệu”, nếu chạm vào sẽ kích hoạt báo động và, dọc theo một số đoạn, kích hoạt cả đèn pha chiếu sáng.
Bất cứ ai vượt qua hai chướng ngại này còn phải vượt qua một khoảng đất đầy những thiết bị giấu kín, những thanh chắn thép chôn dưới đất với tua tủa những mũi thép nhọn. Người chạy trốn đến lúc này có lẽ cũng đã bị lực lượng canh gác phát hiện từ các tháp canh, bố trí cách nhau khoảng 200 mét một tháp tại đoạn biên giới ngang Berlin.
Rào chắn kế tiếp được gọi là “dải tử thần”, một khoảng đất khoảng 6 mét phủ cát (để dấu chân dễ bị phát hiện) và canh gác bởi các chú chó săn được Stasi huấn luyện. Cuối cùng là bức tường cao 3,5 mét gọi là Greenzwall 76 (đặt theo năm nó được củng cố), phía trên tường là lưới kẽm gai bén như dao cạo và các ống thoát nước được thiết kế để không cho người leo bám tay vào.
Bức tường được dựng lên không theo logic, không phân chia quận này với quận khác, mà chủ yếu chia cắt những con đường. Logic nhất có lẽ là nó đánh dấu vị trí quân đội Liên Xô đặt chân đến trong ngày kết thúc giao tranh 6/5/1945.
Về đêm, một bên tường được thắp sáng bằng ánh đèn pha truy quét, nhìn rợn người. Có thể gọi Bức tường là biểu tượng vật lý cho nỗi sợ hãi và sự hoảng loạn đa nghi của chỉ vài lãnh tụ cầm quyền.
*
12 NĂM: 3 TRIỆU NGƯỜI BỎ ĐI
15.
Thực ra, sau khi nước Đức chia đôi vào tháng 10/1949 và Cộng hòa Dân chủ Đức ra đời, biên giới giữa hai nước Đức vẫn mở. Dân chúng ở Đông và Tây Berlin có thể qua lại tùy ý. Nhiều người sống bên đây nhưng làm việc bên kia, họ dùng hệ thống tàu điện ngầm U-Bahn và tàu điện nổi S-Bahn để di chuyển quanh thành phố. Họ phải đi qua một số trạm gác, tại đây nhân viên an ninh biên giới Đông Đức kiểm tra giấy tờ và họ được cho qua dễ dàng.
Càng về sau càng có nhiều người rời bỏ Đông Đức vì thấy những gì đang diễn ra. Chế độ ngày càng độc tài hơn, nhất là sau tháng 6/1953 khi cuộc đình công tại một ít nhà máy biến thành bạo động chống chính quyền và bị xe tăng Liên Xô đàn áp. Đông Đức ngày càng nghèo hơn, bị gò ép hơn, ảm đạm hơn, buồn tẻ hơn, mất tự do hơn so với Tây Đức.  Khi Chiến tranh Lạnh trở nên băng giá hơn, người dân đã bỏ phiếu bằng chân, cách duy nhất họ được phép bỏ phiếu.
Đến năm 1961, cuộc xuất hành của người Đông Đức đã lên cao đến mức báo động. Từ năm 1955, mỗi tháng có khoảng 20.000 người rời Đông Đức qua Tây Đức, nơi họ được cấp quốc tịch Tây Đức ngay lập tức, cũng vì Cộng hòa Liên bang Đức không công nhận sự tồn tại của Cộng hòa Dân chủ Đức. Đến năm 1961, cứ mỗi tuần đã có 30.000 người tìm cách di dân.
Trước tình hình này, Walter Ulbricht, một nhân vật khắc khổ theo xu hướng Stalin đang cầm đầu chế độ Đông Đức quyết định phải làm gì đó để ngăn chặn làn sóng di dân. Ban đầu các cố vấn Liên Xô kiên quyết chống lại ý tưởng đóng cửa biên giới, và đặc biệt chống kế hoạch xây dựng Bức tường. Họ lo không biết phương Tây sẽ phản ứng ra sao. Nhưng Ulbricht cuối cùng cũng thuyết phục được các ông chủ ở Moscow rằng Bức tường là thiết yếu cho chính sự tồn vong của Đông Đức – và ông gần như đúng hoàn toàn.
Đã có hơn 3.000.000 người thoát khỏi Cộng hòa Dân chủ Đức trong 12 năm trước đó [1949-1961], tức 1/6 dân số. Một nửa số này, tức 1,5 triệu, ở độ tuổi dưới 25, họ được học hành tử tế và trong số có những người sáng giá nhất, giỏi nhất Đông Đức.
*
XÂY “HÀNG RÀO CHỐNG PHÁT-XÍT”
16.
Khi Krushchev an tâm rằng Mỹ sẽ chỉ phản đối chiếu lệ chứ không làm gì hơn về việc xây Bức tường, ông đã miễn cưỡng chấp thuận kế hoạch. Ulbricht giao cho Erich Honecker, đồ đệ và cánh tay phải của mình, chịu trách nhiệm thực hiện “Kế hoạch Hoa hồng” tuyệt mật. Chính Honecker đã đặt tên “Hàng rào bảo vệ chống phát-xít” để mô tả Bức tường, và kể từ đó, ít nhất trong ngôn ngữ chính thức, ông không gọi Bức tường bằng tên gì khác.
Kế hoạch được đưa ra trong bí mật tuyệt đối – đến một nửa ban lãnh đạo Đông Đức không biết chi tiết kế hoạch là gì. Việc xây cất được tiến hành, ngay lập tức, ngày đêm, suốt hai ngày cuối tuần 12 và 13 tháng 8/1961, và được thực hiện rất hiệu quả. Ở trung tâm Berlin, một đoạn tường dài vài trăm mét gần Chốt chặn Charlie, tức rào chắn ngăn cách khu Liên Xô với khu Mỹ tại Berlin, công nhân làm việc bất kể giờ giấc và công việc hoàn thành chỉ trong ba ngày.
Cái lý của nền thống trị cộng sản đã được thiết lập với một biểu tượng vừa sấn sổ vừa xấu xí. Và sự nghiệp của Erich Honecker từ đó cũng dính chặt không thể gỡ với Bức tường bê-tông kiên cố kia.
***
HONECKER: KHÔNG ĐƯỢC QUÁ THÔNG MINH
17.
Wolfgang Leonhard, một thời là đồng chí và đồng nghiệp của Erich Honecker trong hàng ngũ lãnh đạo Đông Đức, nói về Honecker như sau:
“Erich Honecker có một đặc tính then chốt … bắt buộc phải có để thành công khi làm một cán bộ trẻ, đó là: trí thông minh tuyệt đối trung bình. 
“Trong một Đảng Cộng sản theo mô hình Stalin, bạn phải có trí nhớ tốt và khả năng tiêu hóa hàng trăm trang nghị quyết để biến nó thành chỉ thị hành động, vì vậy bạn phải có trí thông minh căn bản. Bạn không thể ngu độn, như bọn Đức Quốc xã mong muốn, vì ý thức hệ phức tạp hơn nhiều.
“Nhưng bạn không được quá thông minh, vì những người thông minh trên trung bình rất dễ có khuynh hướng lột trần bí mật để tìm ra khuyết điểm … điều đó dễ khiến họ bất tuân. 
“Khi hệ thống gặp khủng hoảng, những gương mặt sáng sẽ lộ diện và giữ vai trò then chốt, đó là những người như Kadar tại Hungary, Dubcek tại Tiệp Khắc, Gorbachev tại Liên Xô … Nhưng vào lúc bình thường, những nhân vật trung bình mới là người nắm quyền, họ là những Ulbricht, những Honecker. Hệ thống cần những kẻ trung bình như thế”.[viii]
*
KHÔNG ANH HÙNG
18.
Sự kiện chính trong đời Honecker là ông phải ở 10 năm trong nhà tù Đức Quốc xã. Tư duy ông được định hình trong thời ký đó, cũng như thời thơ ấu khó khăn đã tạo nên tính cách ông.
Thuở nhỏ ông ở Saarland, một vùng biên giới giáp ranh nước Pháp, là con thứ tư trong gia đình sáu con và lớn lên trong nghèo khó. Người cha thợ mỏ, Wilhelm, bản thân là dân quân cánh tả, thường thất nghiệp dài ngày và gia đình thường lâm vào cảnh gần chết đói.
Ông được cứu bởi tổ chức Những Chiến binh Sparta Trẻ, một tổ chức thanh niên của Đảng Cộng sản. Tổ chức kết nạp ông, cho ông một lý tưởng để tin theo, và đến năm 1930, khi Honecker 18 tuổi, đưa ông đến Moscow để học lên cao hơn tại Trường Lenin.
Năm năm sau, ông được lệnh kín đáo trở về Đức để thiết lập văn phòng ở Berlin và hoạt động như trợ lý cho Bruno Baum, người đứng đầu tổ chức Người Cộng sản Trẻ. Nhiệm vụ đầu tiên của ông thất bại thảm hại và cho thấy Honecker không có chút nào là anh hùng. Mặc dù sau này khi làm lãnh tụ Đảng, ông nói rằng đó là “những ngày chịu đựng kiên cường” và ông không hề chùn bước trước lý tưởng cộng sản, nhưng thực tế lại cho thấy một câu chuyện khác, có thể tóm tắt như sau:
Ông bị bắt một cách ngớ ngẩn đến khôi hài. Sau khi đến Berlin được ít lâu, ông dàn xếp gặp một nữ giao liên đến từ Moscow, cô giao liên đưa cho ông tiền và tài liệu mật. Nhưng gặp xong, khi biết mình bị theo dõi, ông đã hoảng hốt bỏ chạy, bỏ cả tài liệu và chứng cớ buộc tội sau lưng. Hôm sau ông bị cảnh sát bắt. Và khi bị thẩm vấn, ông đã tiết lộ thông tin chi tiết về đường dây hoạt động ngầm của cộng sản ở Berlin, kể cả tên những thủ lĩnh như Baum – Baum sau đó bị bắt, bị đưa đến trại tập trung Auschewitz, nhưng sống sót trở về và sau này giữ vai trò hàng đầu trong chế độ Ulbricht ở Đông Đức. Khác hẳn ông, cô giao liên Nga Sarah Fodorova dù bị tra tấn khủng khiếp vẫn không tiết lộ bất cứ điều gì.
*
MẶT LẠNH ĐA TÌNH
19.
Một thập niên trong Nhà tù Brandenburg đã biến Honecker từ cứng cỏi trở thành sắt đá. Sau chiến tranh, lý lịch yếu kém của ông được các cố vấn Liên Xô tha thứ – dù sao các nhà hoạt động khác còn làm nhiều điều tồi tệ hơn ông.
Ông phục vụ Ulbricht – khi đó được Stalin dựng lên như một “thái thú” để trông coi “thái ấp” Đông Đức của Stalin. Ulbricht thích sự năng nổ của Honecker và dọn đường cho Honecker trở thành người kế vị ông sau này. Honecker lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản đến khi trên 40 tuổi, sau đó thăng tiến dần trong guồng máy Đảng.
Khi Ulbricht bị loại – một phần do công của Honecker và những quan chức ‘đao phủ’ khác –  Honecker nhoài ngay lên ghế lãnh tụ, với sự đồng ý của Moscow.
20.
Nghiêm nghị, cứng cỏi, với phong cánh lạnh lùng, khó gần, nhưng Honecker lại thích phụ nữ. Về đường tình duyên và tình dục, Honecker không là đại diện cho sự liêm chính Bolshevik mà cấp dưới trông chờ ở một đảng viên cấp cao, đầy quyền lực như ông. Ông kết hôn ba lần, nhưng hồ sơ chính thức của ông lại viết mơ hồ một cách đáng ngờ về các bà vợ này.
Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông, với bà Lottie Grunel ngay sau Thế chiến II, không hề được nhắc tới trong sơ yếu lý lịch Đảng của ông – rất có thể vì người ta nghi ngờ lập trường chính trị của bà, vì bà là con một gia đình theo giáo phái Jehovah’s Witnesses (Nhân chứng của Jehovah). Bà suy sụp tinh thần và mất năm 1946.
Ông cũng giữ kẽ khi nói về thời gian lấy vợ lần hai, với bà Edith Bauman, cuộc hôn nhân mà ông có lần nói qua loa là diễn ra “khoảng 1948, như tôi còn nhớ” nhưng không cho biết ông ly dị bà lúc nào.
Vợ thứ ba của ông, Margot Feist, là một phụ nữ có tham vọng chính trị và giọng nói đanh đá, bà cũng trở thành một quan chức hàng đầu của Đảng bằng cách riêng của mình. Làm Bộ trưởng Giáo dục trong nhiều năm, bà cứng rắn không thua gì ông, và cả nước, cả những người làm việc cho bà nữa, đều biết hỗn danh của bà là “Mụ Phù thủy” hoặc “Con Rồng tím”.[ix]
21.
Vài lãnh tụ Đảng cao cấp biết tính trăng hoa của Honecker. Gunter Schabowski, nhiều năm làm Bí thư Đảng ủy Berlin, tiết lộ rằng: “Ông ấy rất thích những em tóc vàng mặc đồng phục xanh lơ”. Xanh lơ là mầu đồng phục của đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Đức.
Trùm gián điệp Markus Wolf, người điều hành phòng tình báo đối ngoại của Đông Đức, nói rằng không lâu sau khi Honecker trở thành lãnh tụ tối cao, “Có lần tôi nhận được báo cáo của một cấp dưới, anh này báo cáo nhưng rất hoang mang … hoang mang vì anh tận mắt thấy Erich Honecker … lén lút len lỏi vào một đường hẻm Berlin sau khi cho tài xế ra về lúc chập choạng tối. Với tôi, rõ ràng Honecker lúc ấy đang lẻn đi gặp cô bạn gái bí ẩn nào đó … Sau này, một lần tôi nói đùa với Erich Mielke [cấp trên của tôi] rằng ‘vậy ta khỏi ghi điều này trong hồ sơ phải không ạ’ và chuẩn bị vứt báo cáo đi, thì sếp Mielke lập tức cản ‘Đừng, đừng! Đưa nó cho tôi. Biết đâu đấy!’ Báo cáo ấy sau được gộp chung với những thông tin không mấy đẹp đẽ về cuộc đời Honecker trong chiếc ‘hộp đỏ’ của Mielke”.[x]
***
PHỒN VINH GIẢ TẠO
22.
Thoạt nhìn, Đông Đức có vẻ là mẫu mực của một đất nước thành công thuộc khối xã hội chủ nghĩa.
Vào giữa thập niên 1980, ở Đông Đức không thấy những hàng người chờ mua thức ăn và gần như không có nghèo đói trầm trọng. Xã hội Đông Đức là xã hội ngăn nắp trật tự của những công nhân đáng tin cậy, họ sống trong những căn hộ tuy chật như hộp nhưng tiện dụng. Các khoản trợ cấp an sinh xã hội trọn gói từ lúc nằm nôi đến khi qua đời cũng khiến thần dân khắp đế quốc Xô-viết phải ghen tị. Gần như không có sự phản kháng công khai nào. Mật vụ Stasi đã quét sạch cả. Từ nhỏ, người dân Đông Đức đã bị nhồi nhét rằng họ phải tuân phục và đừng nổi trội khiến người khác thắc mắc.
Đất nước Đông Đức có vẻ như tiến lên lừng lững, nhất là trong thể thao. Thực vậy, chế độ chi những khoản tiền khổng lồ nhằm đạt thành tích cao nhất trên đường chạy điền kinh, trên sân trượt băng, trên dốc trượt tuyết hoặc trong hồ bơi. Tại Thế Vận hội 1980, Cộng hòa Dân chủ Đức giành được 47 huy chương vàng, so với Anh Quốc chỉ có năm và Pháp chỉ được sáu. Tại Thế Vận hội Mùa Đông 1984, Đông Đức giành được chín huy chương vàng, nhiều hơn bất cứ nước nào khác, đánh bại cả Mỹ và Liên Xô. Honecker rất xem trọng những chiến thắng này. Chế độ hài lòng vì những vinh quanh thể thao này mang lại cho nhà nước cộng sản Đông Đức tính chính danh mà họ chưa hề có.
Bên cạnh đó cũng còn những thành tựu quan trọng khác. Tiêu chuẩn giáo dục ở Đông Đức cũng cao như những nơi khác tại Châu Âu. Lực lượng lao động Đông Đức có chất lượng cao hơn nhiều so với công việc vặt hầu hết họ được làm, hoặc phải làm. Báo cáo năm 1984 của Ngân hàng Thế giới cho biết Cộng hòa Dân chủ Đức là nền kinh tế thành công thứ 12 trên thế giới, và đến năm sau, ngay tình báo Mỹ CIA cũng tuyên bố trong một báo cáo tuyệt mật gửi Tổng thống Reagan là Tổng Sản lượng Quốc gia (GNP) của Đông Đức đang tiến gần đến mức của Cộng hòa Liên bang Đức.
23.
Nhưng, tất cả chỉ là ảo giác, dựa trên hàng loạt những dối trá cố ý. Đông Đức lúc đó đang lâm vào cơn khủng hoảng vô phương cứu chữa vì nợ nước ngoài. Honecker và một vài lãnh tụ chóp bu biết tình trạng này, nhưng cứ tiếp tục vay mượn và chi tiêu như không có gì xảy ra, và tuyệt đối bác bỏ mọi sự thật. Họ muốn tiếp tục giữ cho công chúng hài lòng khi có đủ hàng tiêu dùng và trợ cấp xã hội; họ chi nhiều gấp đôi các nước Đông Âu khác cho quốc phòng và “an ninh” – gồm cả chi tiêu cho Stasi – và dường như bất chấp mọi hậu quả.
Một trong những chuyên gia tài chính hàng đầu của Đảng, Gunter Ehrensperger, người theo dõi vấn đề nợ nần ngày càng tăng, đến gặp Honecker để báo động về một cuộc khủng hoảng có thể rất trầm trọng sẽ xảy ra. Thời điểm đó, nợ nước ngoài đã tăng 10 lần trong sáu năm. Ông kể: “Buổi tối cùng ngày, tôi được gọi đến gặp Honecker lần nữa. Honecker bảo tôi phải ngưng ngay lập tức mọi nghiên cứu, theo dõi hoặc đo đếm về vấn đề nợ nần này. Ông bảo tôi sẽ không được nhận thêm thông tin dữ liệu nghiên cứu gì nữa … và ông bảo tôi phải hủy bỏ toàn bộ những dữ liệu thống kê tôi có trong văn phòng”.
Manfred Uschner, cựu trợ lý cho Hermann Axen, thành viên nhóm lãnh đạo cao cấp nhất, cho biết số liệu thống kê được giữ bí mật đối đa, chỉ một ít nhân vật chóp bu biết. Vài số liệu khi phải tiết lộ thì “lại được cố tình trình bày một cách rối rắm, không thể đọc được”. Các tài liệu nhanh chóng bị thu gom và hủy bỏ. Uschner nói: “Chúng tôi phải căng mắt, gắng sức và vội vã nhìn cho ra tính chất nghiêm trọng của vấn đề nợ nần. Rồi mọi sự với chúng tôi cũng trở nên rõ ràng: Cộng hòa Dân chủ Đức đã hoàn toàn phá sản và không cách nào có thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn chí tử của nợ nần, của tái nợ, của vay mới, của gánh nặng trả lãi”.[xi]
24.
Năm 1983, Đông Đức lâm vào tình trạng gần như không thể trả nợ. May thay, Đông Đức thoát hiểm nhờ sự giúp đỡ tận tình của một nhân vật bất ngờ: Bộ trưởng kiêm Thống đốc Bang Bavaria [tức Bayern thuộc Tây Đức, bang lớn nhất, diện tích bằng 1/5 nước Đức], ông Franz Josef Strauss, từng là Bộ trưởng Quốc phòng xông xáo của Tây Đức khi Bức tường Berlin được xây dựng.
Trong nhiều thập niên, ông Strauss bị Đông Đức phỉ báng là kẻ hiếu chiến cực kỳ phản động và luôn tìm cách để Tây Đức sở hữu bom hạt nhân. Honecker từng đích thân mô tả Strauss như “một tên võ biền, kẻ không ngại đưa quân diễu hành qua Khải hoàn Môn Brandenburg để tái chiếm Berlin”.
Nhưng giờ đây, Strauss lại đứng làm trung gian thu xếp cho Đông Đức vay 1 tỉ đô-la Mỹ từ một nhóm các ngân hàng Tây Đức, giúp Đông Đức cân đối chi thu. Nhờ việc này, Honecker chấp nhận trả giá về chính trị lẫn tài chính. Một phần của thương vụ này, được Cộng hòa Liên bang Đức giữ bí mật, là thỏa thuận của Cộng hòa Dân chủ Đức cho phép 35.000 người Đông Đức di dân qua Tây Đức. Sau đó, Strauss được chào đón như một vị khách danh dự tại trang trại săn bắn yêu thích của Honecker ở vùng hồ Werbellinesee, Bang Brandenburg**.
***
KOKO, NGOẠI TỆ CHUI
25.
Trong thương vụ vừa kể, người thương lượng cho phía Đông Đức là một trong những nhân vật kỳ quái nhất mà chủ nghĩa cộng sản kiểu Xô-viết sản sinh ra được. Đó là Alenxander Schalck-Golodkowski, một “phe chợ đen” trên quy mô cực lớn, người thay mặt cho chế độ Đông Đức điều hành nền kinh tế “ngoài luồng” đầy bí ẩn, để chế độ khỏi trực tiếp chịu trách nhiệm.
Golodkowski sinh năm 1932 ở Berlin trong một gia đình Nga di dân. Khi tám tuổi, ông được một gia đình người Đức họ Schalck nhận làm con nuôi, vì vậy ông mang họ kép. Ông khởi nghiệp bằng một công việc cấp thấp trong Bộ Thương mại. Ở đây, ông được phát hiện là một nhân viên tài năng và sáng tạo trong việc tiền nong sổ sách, đồng thời là một thanh niên thận trọng, đáng tin cậy về lập trường chính trị và rất sành sỏi.
Ông là bộ não đàng sau Bereich Kommerzielle Koordinierung (Sở Điều phối Thương mại), gọi tắt là Ko-Ko. Ko-Ko được giao nhiệm vụ kiếm ngoại tệ ngoài luồng, và Schalck-Golodkowski được cho những quyền tự do rất lớn để có thể dễ dàng xoay xở. Ban đầu, phi vụ này chỉ để kiếm tiền cho giới tinh hoa chế độ duy trì lối sống xa hoa, và mua hàng hóa phương Tây đáp ứng nhu cầu của thiểu số quan chức cao cấp. Không lâu sau, việc này trở thành cách để Đông Đức lấp liếm những lỗ hổng của nền kinh tế đã quá thất bại.
Đến giữa thập niên 1980, Đông Đức hoàn toàn lệ thuộc vào ngoại tệ do Ko-Ko kiếm được để thanh toán nợ nần, từng tuần một. Manfred Seidel, một trong những người ký ngân phiếu thay mặt Ko-Ko, nói rằng nhiệm vụ của Ko-Ko là “dùng mọi phương tiện có thể có để kiếm ngoại tệ cho Cộng hòa Dân chủ Đức. Để đạt mục tiêu, không cần quan tâm đến bất cứ luật cấm nào, cả ở trong nước lẫn ngoài nước”.[xii]
*
DOANH NHÂN QUÁI KIỆT, THƯƠNG VỤ GIANG HỒ
26.
Về mặt tổ chức, Ko-Ko được đặt dưới quyền giám sát của Stasi, nơi Golodkowski được phong cấp tướng. Ngoài Golodkowski, chỉ có ba người khác biết các chi tiết quan trọng về những vụ làm ăn ngoài luồng của ông, đó là Honecker, Mielke và Gunter Mittag, lãnh đạo ngành công nghiệp và tài chính Đông Đức.
Thân thể to kềnh càng, tính tình vui vẻ, thích giao du, Golodkowski hoạt động như một doanh nhân “giang hồ” và đã thành công rất lớn. Ông dựng lên 2.000 tài khoản giả và hàng trăm công ty đứng tên giả ở Đông và Tây Âu để thực hiện những phi vụ trong lĩnh vực mua bán chứng khoán, trao đổi vàng, đá quý và đầu cơ mua bán các loại. Việc của Golodkowski là làm sao cho giới tinh hoa của chế độ luôn có đầy đủ ngoại tệ mạnh bằng tiền mặt để dùng.
Honecker có tài khoản số 0628 tại ngân hàng Deutsche Handelsbank ở Đông Berlin, trong tài khoản luôn có sẵn ít nhất 100 triệu Đức-mã. Honecker không phải lúc nào cũng dùng tiền cho riêng mình. Có một năm, ông gửi một lượng lúa mì trị giá 40 triệu Đức-mã để viện trợ cho kháng chiến quân Sadinista ở Nicaragua. Trong một năm khác, khi xảy ra khan hiếm táo và chuối ở Đông Đức khiến người tiêu dùng – vốn ngao ngán vì có quá ít thức ăn tươi để chọn – bất bình ra mặt trước các cửa hàng thực phẩm, Honecker đã phải ký một ngân phiếu cá nhân trị giá hai triệu Đức-mã để nhập khẩu trái cây.
27.
Một số cách kiếm tiền của Ko-Ko mang tính côn đồ cưỡng bức, hoặc tội phạm.
Chẳng hạn, Golodkowski “thuyết phục” giám tuyển một số viện bảo tàng và phòng trưng bày để họ phân loại lại một số tác phẩm nghệ thuật vô giá, xếp chúng vào loại “không cần lưu giữ”. Những báu vật xấu số này sau đó được bán qua phương Tây. Hơn 600 bức tranh từ bộ sưu tập tranh quý của thành phố Dresden đã biến mất vào thập niên 1980.
Mật vụ Stasi cũng tịch thu một số tác phẩm hội họa và gốm sứ thuộc sở hữu của một số cá nhân, rồi đem bán qua phương Tây. Chủ sở hữu của những tác phẩm quý giá này đã nhận được những hóa đơn thuế khống với những con số khủng khiếp mà họ không hề nợ, và được ra điều kiện là nếu giao nộp tranh và gốm quý cho mật vụ, họ sẽ được xóa thuế.
28.
Vào lúc này, quan hệ của Đông Đức với người trung gian Franz Josef Strauss vẫn tiếp tục diễn ra trong một thương vụ kỳ quái: Golodkowski gặp Strauss để thương lượng vụ mua bán với anh em nhà Marz, người điều hành đại công ty buôn thịt gia súc ở Bavaria, Tây Đức. Anh em nhà Marz mua một khối lượng rất lớn thịt heo và bò giá rẻ từ Đông Đức nhưng không ghi sổ sách, dù là sổ Đông hay Tây Đức. Bù lại, hai anh em triệu phú hàng thịt sẽ thanh toán bằng tiền mặt để người đứng đầu Ko-Ko cất trong vali cầm tay đích thân mang về nước.
Lương tâm Golodkowski thanh thản. Đông Đức không thể tiếp tục cách sống quen thuộc nếu không có ông, hoặc ai đó giống ông. Ông nói: “Đó chỉ là công việc thôi mà. Tôi phải mua cho Honecker độ đồ vía bảnh bao chứ”.
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.

[i] Nhân vật nói với tác giả, Berlin, tháng 11/2007
[ii] Hồ sơ về Wolf Biermann, và hàng triệu người khác, được lưu trữ tại BstU, Bundesbeauftragte fur die Unterlagen des Staatsssicherheitsdienstes der ehemaligen Deutschen Demokratischen Republik (Văn phòng Lưu trũ Hồ hơ An ninh Quốc gia Đông Đức), đặt tại Berlin
[iii] Phỏng vấn Ulrike Poppe, trong Cold War series, LHCMC (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College) box 15
[iv] Báo New York Times, số ra ngày 12/4/1992
[v] Cold War series, LHCMC, box 16
* Sau khi nước Đức thống nhất, bà Vera Lengsfeld trở thành chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo. Tính cách của bà vẫn không đổi. Khi là Nghị sĩ trong Quốc hội, bà thường xuyên nổi loạn và phê bình giới lãnh đạo Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo do nữ Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu. Về người chồng giả Knud Wollenberger, trong một thời gian ngắn, ông tạo được chút tên tuổi nhờ tham gia các chương trình trò chuyện trên truyền hình và xuất bản một thập thơ mỏng. Nhưng dường như số phận đã chơi khăm ông một vố đau: Ông nhiễm một dạng bệnh Parkinson hiếm thấy, khiến ông bị nửa mù nửa sáng và bại liệt cùng lúc.
[vi] Nhân vật nói với tác giả, 2006; và trích báo The times, ngày 6/1/2007
[vii] Xem Peter Siebenmorgen, Staatssicherheit der DDR (Bouvier Verlag, Bonn, 1993) và bộ hồ sơ Stasi, “Ich Liebe euch doche alle …”  Befehle und Lageberichte des MfS, Januar-November 1989, do Armin Mitter và Stefan Wolle hiệu đính (BasisDruck, Berlin, 1989)
[viii] Như trích trong Anne Mc Elvoy, The Saddled Cow (Faber & Faber, London, 1992), tr. 71
[ix] Thông tin về Honecker trích từ Nobert Potzl, Erich Honecker, Eine Deutsche Biographie (Deutsche VerlagsAnstalt, Stuttgart, 2002); Anne McElvoy, The Saddled Cow; Gunter Schabowski, Der Absturz (Rowholt, Berlin, 1991); và Ed Stuhler, Margot Honecker: Eine Biographie (Ueberreuter, Vienna, 2003).
[x] Markus Wolf và Enne Mc Elvoy, Man Without a Face (Times Books, London, 1997), tr. 167
[xi] Gabriel Partos, The World that Came in from the Cold (Royal  Institute of International Affairs, London, 1993) tr. 126
** Trong nguyên bản, tác giả viết là trại săn bắn “Webellinsee, ở Bang Thuringia”. Có lẽ có sự nhầm lẫn nhỏ, vì địa điểm Webellinsee nổi tiếng là nơi Honecker nghỉ dưỡng và tiếp khách Tây Đức – trong số có cả Thủ tướng Tây Đức Helmut Schmidt vào tháng 12/1981 – nằm ở Bang Brandenburg, phía đông bắc nước Đức. (ND)
[xii] Thông tin về cuộc gặp gỡ của Alexander Schalck-Golodkowski trích từ: David Pryce-Jones, The War that Never Was (Weidenfeld & Nicolson, London, 1995); Alexander Schalck-Golodkowski, Deutsch-deutsche Erinnerungen (Rowholt, Berlin, 2001); Frederick Taylor, The Berlin Wall(Bloomsbury, London, 2006)
Dịch giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.