Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

CÁCH MẠNG 1989 (Kỳ 13)

CÁCH MẠNG 1989 (Kỳ 13)

bauxitevnMon 6:17 PM


Victor Sebestyen

 Dch gi:  Phan Trinh
CHƯƠNG 11
TÂN SA HOÀNG – MIKHAIL GORBACHEV
BA NĂM, BA TỔNG BÍ THƯ – CHỌN LỰA NHÂN SỰ DUY NHẤT – THỎA THUẬN GROMYKO VÀ GORBACHEV – GORBACHEV: NỤ CƯỜI MỀM, HÀM RĂNG SẮT – KHÔNG THỂ MÃI THẾ NÀY – MOSCOW VUI MỪNG – GORBACHEV LÀ AI? – TUỔI THƠ KHỐN KHỔ – BỂ DÂU THỜI STALIN – KHAO KHÁT TIẾN THÂN – THỜI Ở MOSCOW – TIẾN THÂN NHANH CHÓNG – THÂN VỚI NGƯỜI CAO TUỔI, NHIỀU QUYỀN – NỊNH HÓT, VỀ TRUNG ƯƠNG – GIỮ CÁI TÔI RIÊNG – TẠO THANH THẾ – TÍNH ĐẢNG – “LUỒNG GIÓ MỚI” HAY “NGƯỜI BÁN HÀNG KHÉO”? – GẶP LÃNH ĐẠO ĐÔNG ÂU

***
 Moscow. Chủ nhật, ngày 10 tháng 3 năm 1985
BA NĂM, BA TỔNG BÍ THƯ
1.
CHƯA ĐẦY BA NĂM nhưng các lãnh tụ quyền lực nhất Liên Xô đã phải gặp nhau đến ba lần để tấn phong cho tân ‘Hồng’ Sa hoàng. Hồn Konstantin Chernenko cuối cùng cũng lìa khỏi xác lúc 7 giờ 20 tối, ngày 10/3/1985, sau những cơn đau vật vã vì bệnh viêm phổi và khí thũng.
Hầu như không ai thấy ông trong vài tuần trước đó, ngoại trừ các bác sĩ của Điện Kremlin và những người thân cận nhất. Ông chết đi có lẽ là điều tốt lành cho chính ông, cho gia đình ông, và cho cả Liên Xô.
Ngay lập tức, các bô lão Đảng rời nhà nghĩ dưỡng nơi thôn dã của mình, rời những căn hộ ở Moscow của mình, và rời chính giường bệnh của mình để có mặt, đưa ra quyết định có tính lịch sử cho đế quốc Xô-viết, có tính lịch sử với cả chủ nghĩa cộng sản.
18 đầu lĩnh bắt đầu họp lúc 10 giờ tối ngày 10/3/1985. Một số trong họ đã ở vị trí quyền lực quá lâu rồi, từ ngày làm việc cho Stalin, cũng trong tòa nhà này. Hôm nay, trong phòng hội nghị ốp gỗ nâu hạt dẻ ờ tầng ba Cung Thượng viện trang hoàng đẹp đẽ, liền kề với văn phòng riêng của Tổng Bí thư Đảng, họ được chào đón bởi người trẻ nhất trong họ, mới 54 tuổi, ông Mikhail Sergeyevich Gorbachev.
*
CHỌN LỰA NHÂN SỰ DUY NHẤT
Cứ theo bản năng, các bô lão Đảng thường thích chọn một ứng viên giống mình hơn, đó là cú đặt cược an toàn vào người sẽ không đe dọa vị trí và đặc quyền đặc lợi của mình. Nhưng bản thân các bô lão cũng đã nghe những chuyện tiếu lâm râm ran trong thành phố làm họ đau đầu, chẳng hạn chuyện này: “Đại hội Đảng vừa bắt đầu. Mời các đại biểu đứng dậy. Chúng ta sẽ khai mạc Đại hội với một việc đã thành truyền thống, đó là rước tân Tổng Bí thư vào”. Nhưng quan trọng hơn nữa là không một lãnh tụ cao tuổi nào có thể làm tròn vai trò Tổng Bí thư.
Ustinov đã chết vài tháng trước, còn Gromyko thì cho biết ông không muốn giữ vị trí này. Gorbachev đã thay thế Chernenko một cách hiệu quả và năng động trong thời gian Chernenko nằm bệnh và có vẻ là ứng viên có chất lượng cao nhất. Nhưng ông chỉ là ứng viên tốt nhất hơn một năm trước, cho đến khi bị cản trở bởi một nhóm bảo thủ nặng ký vẫn còn thế lực để phá ngang nếu họ muốn.
Tuy nhiên, lần này, người đàn ông trẻ trung và tham vọng Gorbachev có một đồng minh cực mạnh, đó là Gromyko. Tuy Gormyko không muốn làm “vua”, nhưng lại muốn là “người lập vua”. Cả hai đã đạt được một thỏa thuận, dù không gặp nhau trực tiếp để bàn việc.
*
THỎA THUẬN GROMYKO VÀ GORBACHEV
3.
Cuộc thỏa thuận được hai người đại diện dàn xếp. Con trai Gromyko, ông Anatoli, một cán bộ Đảng đang lên, đại diện cho Bộ Ngoại giao. Đại diện cho Gorbachev là Alexander Yakovlev, bạn thân và những năm sau trở thành một trong những trợ lý then chốt của Gorbachev.
Chiều đó, khi mọi người biết Chernenko không sống được bao lâu nữa, Anatoli đã đến văn phòng Yakovlev. Ông nói thẳng: “Để khỏi vòng vo, tôi sẽ nói luôn những gì tôi nghĩ. Nếu không được thì cứ xem như đó là đề xuất của cá nhân tôi, là ý riêng của tôi. Bố tôi tin rằng chỉ có Gorbachev mới lãnh đạo được Đảng trong tình hình này. Ông cụ sẵn sàng ủng hộ việc này và làm những gì cần thiết … Cùng lúc, ông cụ cũng đã chán công việc ở Bộ Ngoại giao và muốn đổi việc. Ông ấy nghĩ đến công việc ở Xô-viết Tối cao”.
Ý đồ đã rõ. Gromyko sẽ đề bạt Gorbachev cho ngôi vị cao nhất nếu ông cụ được ngồi vào chiếc ghế, tuy nhiều tính lễ nghi nhưng nghe hoành tráng, là Chủ tịch Xô-viết Tối cao.
Trong phòng làm việc riêng, Gorbachev nghĩ nhanh về đề nghị này, rồi nói Yakovlev đáp lời ông trẻ Gromyko như sau: “Nói với Andrei Andreyevich rằng tôi luôn thích thú khi làm việc với ông ấy. Tôi sẽ rất vui lòng làm điều đó trong bất cứ cương vị nào tôi nắm giữ trong tương lai. Và nói với ông rằng tôi biết cách giữ lời hứa của mình”.[i]
4.
Ứng viên cạnh tranh chức Tổng Bí thư là một lão ông khác, Viktor Grishin, 71 tuổi, giữ chức Bí thư Thành ủy Moscov suốt 18 năm qua. Ông là gương mặt của những năm tụt hậu xưa, một đại diện chỉnh chu của tất cả những gì sai trái trong triều đại Brezhnev, đần độn, chậm chạp, lười biếng và dính vào nhiều vụ bê bối bẩn thỉu.
Nhiều người biết Chernenko muốn chọn Grishin kế vị mình, nhưng ý định này bị nhanh chóng gạt bỏ. Vài giờ trước, trùm KGB Viktor Chebrikov gọi điện cho một số đầu lĩnh để báo rằng trong phiên họp sắp tới KGB sẽ cung cấp một báo cáo dầy cộm nhiều chi tiết cho thấy Grishin dính líu đến các vụ đại tham nhũng ở Moscow trong nhiều thập niên vừa qua.
Các quan hệ gia đình của Grishin cũng có vấn đề, tuy không đủ làm ông bất xứng với chức vị lãnh tụ, nhưng đủ để gây nhiều phiền phức. Đó là các quan hệ với Lavrenti Beria, tên côn đồ đã cuồng nhiệt giết hại vô số người trong thời kỳ khủng bố thanh trừng của Stalin, bản thân Beira sau đó cũng thất sủng và bị giết chết năm 1954. Người con gái vô thừa nhận của Beria lấy con trai Grishin.[ii]
Trước khi các đầu lĩnh khác ngồi xuống bắt đầu bàn bạc, Gromyko và Gorbachev trao đổi ngắn:
“Gorbachev nói: Chúng ta phải thống nhất lực lượng. Đây là thời điểm quan trọng.
“Gromyko đáp: Với tôi, mọi sự đã rõ.
“Gorbachev trả lời: Tôi tin ông và tôi sẽ cùng nhau hợp tác”.
*
GORBACHEV: NỤ CƯỜI MỀM, HÀM RĂNG SẮT
5.
Gorbachev ngồi vào ghế chủ tọa phiên họp, như ông vẫn làm mỗi khi Chernenko vắng mặt trong những tháng trước.
Bác sĩ trưởng Điện Kremlin, vẫn là bác sĩ Chazov, công bố báo cáo chính thức về nguyên nhân cái chết của Chernenko và rời phòng họp.
Gorbachev bắt đầu nói: “Việc đầu tiên, chúng ta phải quyết định ai sẽ là Tổng Bí thư … Tôi xin mời các đồng chí bày tỏ quan điểm của mình về việc này”.
Cũng nên biết, có một nghi thức đã thành nếp trong tất cả mọi cuộc họp như thế của giới lãnh đạo Xô-viết, luôn diễn ra tại Điện Kremlin, và đã là nghi thức thì cần nghiêm túc tuân thủ. Nghi thức bất thành văn kể từ ngày Lenin mất đó là không ai bất đồng với ý kiến của người phát biểu đầu tiên khi người này đề xuất tên của tân Tổng Bí thư. Andrei Gromyko bắt đầu ngay. Ông chưa nói xong nửa lời mở đầu thì mọi người đã rõ ai sẽ là lãnh tụ kế tiếp. Ông nói:
“Tôi sẽ nói rất thành thực. Khi ta nghĩ về một ứng viên … dĩ nhiên, ta nghĩ ngay đến Mikhail Sergeyevich. Tôi cho rằng đó là một chọn lựa tuyệt đối chính xác … Khi ta nhìn vào tương lai – và tôi không giấu giếm là với nhiều người trong chúng ta, đó là việc khó làm – ta buộc phải có một tầm nhìn rõ ràng. Và tầm nhìn ấy bao gồm cả việc là chúng ta không được quyền gây tổn thương cho sự đoàn kết của chúng ta”.
6.
Gromyko ngưng. Không ai có dấu hiệu phản đối những gì ông nói. Ông tiếp tục:
“Đồng chí ấy [Gorbachev] đã từng làm phần lớn việc đó rồi, và đã hoàn thành xuất sắc. Đồng chí ấy có một trí tuệ sâu sắc, có khả năng phân biệt đâu là chính đâu là phụ. Một đầu óc biết phân tích … mẫu người của nguyên tắc và có xác tín cách mạng, biết cách giữ lập trường của mình khi gặp chống đối, không đắn đo khi phải nói suy nghĩ của mình vì Đảng, … và sẽ thẳng thắn với mọi người. 
“Nếu các đồng chí là người cộng sản chân chính, các đồng chí sẽ ra về và hài lòng, cho dù đồng chí ấy có thể nói những điều ta không thích nghe. Đồng chí ấy có thể làm việc với những người khác nhau khi cần thiết … 
“Đồng chí ấy không nhìn vấn đề theo kiểu phân biệt trắng đen, mà có thể thấy ngay những khoảng màu xám có thể giúp đạt được mục tiêu. Đối với Gorbachev, duy trì một nền quốc phòng đầy cảnh giác là một nhiệm vụ thiêng liêng. Và trong tình hình của ta hiện nay, đây là điều thiêng liêng nhất trong những điều thiêng liêng”.
Và Gromyko kết luận:
“Đồng chí ấy có một nụ cười dễ mến, nhưng thưa các đồng chí, Mikhail Sergeyevich cũng có hàm răng sắt”.[iii]
7.
Một nghi lễ thành nếp khác là sau diễn văn đề xuất, tất cả phải đồng ý tuyệt đối. Mọi người được quyền nói và một số lời đãi bôi trong dịp này làm Gorbachev thấy ngượng, ông ngồi, hơi cúi đầu, ghi chép vụn vặt, thỉnh thoảng ngước nhìn với nụ cười không thoải mái.
Thủ tướng Nikolai Tikhonov, không bầu bạn gì với Gorbachev và đã dùng thế lực để ngăn cản việc đề cử ông trong vòng cuối, nói rằng: “Ông là Tổng Bí thư đầu tiên am hiểu kinh tế,” đây cũng là lời nhận xét không dễ chịu gì về các vị tiền nhiệm của Gorbachev, những người mà Thủ tướng Tikhonov xem như kém cỏi.
Nikolai Ryzkhov, không lâu sau được bổ nhiệm làm Thủ tướng thay Tikhonov, bộc trực nói lên suy nghĩ của nhiều người: “Chúng ta biết nếu chọn một đồng chí cao tuổi nữa, ta sẽ lập lại tình trạng đã xảy ra liên tiếp ba năm nay, đó là ta cứ phải bắt tay lãnh tụ nước ngoài đến dự lễ tang lãnh tụ ta”.[iv]
*
KHÔNG THỂ MÃI THẾ NÀY
8.
Khoảng 3 giờ sáng, Grobachev trở về căn nhà ngoại ô cách Moscow 30 km. Vợ ông, Raisa, vẫn thức chờ ông.
Thói quen hàng đêm và hầu như không bỏ ngày nào là hai ông bà cùng ra ngoài dạo bộ một lát trước khi ngủ – để thư giãn, thả lỏng, và, như Gorbachev có lần tiết lộ, cũng vì đó là lúc duy nhất họ có thể nói chuyện riêng với nhau mà không bị KGB nghe lén từng câu chữ thông qua các thiết bị cài đặt trong nhà.
Ông cho bà biết ông được đề cử làm Tổng Bí thư và ông sẽ nắm lấy cơ hội này. Ông nói với bà: “Bao năm nay … thực không thể làm điều gì quan trọng với quy mô lớn, cứ như đụng đầu vào tường gạch. Nhưng cuộc sống đòi ta hành động. Chúng ta không thể sống mãi thế này”.[v]
*
MOSCOW VUI MỪNG
9.
Ngày hôm sau, Moscow thực sự phấn khích. Lúc 7 giờ sáng, Đài Phát thanh Xô-viết phát nhạc Chopin trên mọi tần số, dấu hiệu đầu tiên rằng điều trọng đại vừa diễn ra.
Không có thông báo chính thức, nhưng tin đồn lan nhanh khắp thành phố là Chernenko đã chết. Gần như chẳng ai ngạc nhiên. Cũng chưa có thông tin chắc chắn nào về người kế vị, ngay cả trong hàng ngũ cán bộ cao cấp của Đảng, cho đến giữa buổi chiều, khi thông báo chính thức được công bố trong căn phòng lát đá cẩm thạch tại trung tâm hội nghị đối diện Điện Kremlin, phía bên kia Quảng trường Đỏ.
Anatoli Chernyaev ngồi trong hàng cử tọa chiều hôm đó. Ông là một quan chức cao cấp của Đảng, người sau này giữ vai trò quan trọng trong chính quyền, một người khát khao thay đổi và cải tổ Liên Xô. Chernyaev viết trong nhật ký như sau: “Từ khi Andropov chết, ai cũng có tâm trạng ‘đợi chờ Gorbachev’. Brezhnev làm mọi người ngượng ngùng cho đất nước bao nhiêu thì dưới triều Chernenko, đất nước càng trở thành trò hề nhục nhã  bấy nhiêu”.
10.
Gần 1.000 người chen chúc nhau trong hội trường. Ngay trước 4 giờ chiều, các lãnh tụ cao cấp nhất xuất hiện trên bàn chủ tọa và ngồi xuống bên dưới một tấm khảm có hình Lenin cao 10 mét màu cam đỏ.
Andrei Gromyko bước lên bục phát biểu. Ông bày tỏ lòng thương tiếc đến “đồng chí quá cố Chernenko thân yêu” và ngập ngừng chút ít trước khi tuyên bố rằng ban lãnh đạo đã “hoàn toàn nhất trí tiến cử … Mikhail Sergeyevich Gorbachev”.
Hội trường vỡ òa tiếng vỗ tay. Hầu hết những ai dưới 70 tuổi đều tươi cười và chúc mừng với niềm phấn khích chân thực. Chernyaev kể lại: “Tiếng vỗ tay chúc tụng cứ diễn ra từng chặp và mãi không ngừng. Sự bất định đã hết … đây là lúc Nga có một lãnh tụ thực thụ”.[vi]
11.
Tại Washington, ông Jack Matlock, cố vấn trưởng của Ronald Reagan về Liên Xô, chia sẻ phần nào niềm phấn khích của người dân Moscow, ông nói: “Cả trong và ngoài nước, ai cũng mệt mỏi khi thấy đế quốc Liên Xô loạng choạng dưới quyền những kẻ vừa kém tài vừa nhiều bệnh tật. Gorbachev như một luồng gió mới. Gorbachev đi đứng, nói năng đâu ra đó, bộ áo vét của ông cũng vừa khéo … và cứ thế, ông làm hoa mắt thế giới”.[vii]
***
GORBACHEV LÀ AI?
12.
Việc Mikhail Gorbachev lên đến đỉnh cao quyền lực tại Liên Xô là điều thật phi thường. Nhìn chung, những người có trí tuệ và khả năng sáng tạo thường bị bứng rễ, vứt ra ngoài cái hệ thống vốn chỉ chuộng những kẻ bợ đỡ và xoàng xĩnh. Tuy nhiên, Gorbachev đã thăng quan tiến chức gần như trong êm ái nhẹ nhàng, và thành công lớn hơn nữa là ông vẫn giữ được tương đối nguyên vẹn phần tốt đẹp trong tư cách của mình.
13.
Ông sinh ngày 2/3/1931 ở Privolnoye, một làng nhỏ ở vùng thảo nguyên trù phú Kuban phía bắc rặng Caucasus.
Privolnoye có nghĩa là tự do (như trong cụm từ “tự do và thoải mái”). Từ xưa, người dân vùng Kuban nổi tiếng có tinh thần độc lập cao. Họ là những người Cossack [Cô-zắc], và khác với nông dân ở hầu hết mọi nơi trên nước Nga, họ chưa bao giờ là nông nô. Trong thời các Sa hoàng, họ được phép là những công dân tự do và đổi lại họ chịu trách nhiệm bảo vệ biên cương phía nam của đế quốc Nga chống lại những cuộc tấn công của thổ phỉ từ các nước Hồi giáo. Sau Cách mạng 1917, rất nhiều người Cossack không chấp nhận quyền cai trị của người Bolshevik và chiến đấu chống lại Hồng quân trong cuộc Nội chiến.
Làng của Gorbachev nghèo xơ xác, chỉ là một nhúm xộc xệch những căn chòi bằng đất bùn và nhà tạm xiêu vẹo giữa một vùng thảo nguyên mênh mông trống trải. Mẹ của Gorbachev, bà Maria Panteleyevna, là một phụ nữ quyết liệt, thẳng thắn và có vẻ lấn lướt người chồng hiền lành Sergei Andreyevich. Bà ngoại của cậu bé Gorbachev, bà Vasilisa, chính là người đòi cho cậu được rửa tội theo nghi thức Chính thống giáo, giữa lúc những người cộng sản đang đàn áp Giáo hội Chính thống giáo.
*
TUỔI THƠ KHỐN KHỔ
14.
Lúc Gorbachev sinh ra cũng là lúc Stalin đang tiến hành chiến dịch công hữu hóa đất đai một cách hung bạo, một chiến dịch nhằm thực hiện tầm nhìn của nhà đại độc tài là biến nước Nga nửa phong kiến và lạc hậu trở thành một Liên Xô công nghiệp và hiện đại.
Chiến dịch gây tang thương không kể xiết khắp đất nước, nhưng ít nơi nào phải chịu hậu quả tệ hại như vùng phía bắc Caucasus, nơi có khoảng 1.000.000 người chết đói trong thập niên 1930. Nạn đói, sau được gọi là “mùa gặt tang thương”, là một thảm họa hoàn toàn nhân tạo. Hàng ngàn tiểu nông, những người kulak sở hữu những thửa ruộng nhỏ bé, đã bị trục xuất khỏi mảnh đất của mình hoặc bị giết chết. Cái đói cướp mạng của những người còn lại.
Gorbachev sau này vẫn nhắc đến rất nhiều những căn nhà đổ nát trong làng của ông, nơi nhiều gia đình chết đói cả nhà. Trong vùng chung quanh Privolnoye, một nông trường tập thể đã được thành lập vào mùa hè 1931 và người đầu tiên giữ chức chủ tịch nông trường, một chức vị có ảnh hưởng với bà con trong làng, chính là ông ngoại của cậu bé Gorbachev sơ sinh, ông Panteley Yefimovich Gopkolo. Ông ủng hộ việc lập nông trường tập thể vì lý tưởng và cũng vì đây là cơ hội để tiến thân.
Ông ngoại là thế nhưng ông nội lại khác. Gorbachev kể, năm 1934, vừa lên ba, ông nội Andrei của ông bị tố cáo là “phá hoại kế hoạch gieo trồng vụ xuân” vì ông không chịu tham gia nông trường tập thể – được gọi là kolkhoz – và một “tòa án nhân dân” bôi bác đã quyết định đầy ông đi Siberia đốn cây. Ông đi, bỏ lại “một gia đình tan nát” và chẳng bao lâu sau lâm vào cảnh cùng quẫn. Vẫn theo lời Gorbachev: “Nửa gia đình đã chết đói”.
*
BỂ DÂU THỜI STALIN
15.
Ông may mắn sống sót chủ yếu nhờ vào chức vị của ông ngoại. Nhưng đến năm 1937, đỉnh điểm của chiến dịch Đại Thanh trừng theo lệnh Stalin, chiến dịch đã giết chết hoặc tống giam vào trại tù hàng triệu người, thì ông ngoại Panteley Gopkolo của Gorbachev cũng bị công an chìm NKVD xộc vào nhà bắt đi giữa đêm, và, theo ngôn ngữ thịnh hành bấy giờ, bị kết tội tham gia “tổ chức phản động ngầm theo phe Trốt-kít hữu khuynh”.
Gorbachev sau này kể ông ngoại ông đã bị giam “và bị tra vấn suốt 14 tháng … ông phải thú nhận những tội mình không hề phạm và những việc khác. Cảm ơn Chúa, ông còn sống mà trở về”. Nhưng căn nhà ông ở Privolnoye đã “trở thành ‘nhà hủi’ nơi không ai dám đến thăm vì sợ liên lụy với ‘kẻ thù của nhân dân’ … cả trẻ con hàng xóm cũng không chịu chơi với tôi. Điều này ám ảnh tôi suốt đời”.
Gopkolo sau đó được tha và đến năm 1941, khi Đức xâm lăng Nga, ông được phục chức. Ông tiếp tục làm chủ tịch nông trường tập thể ở địa phương thêm 20 năm nữa. Cho đến ngày cuối đời, ông vẫn đinh ninh rằng “Stalin không hề biết NKVD đã làm gì”. Gorbachev giữ kín những bí mật gia đình này mãi cho đến thập niên 1990 [sau khi Liên Xô sụp đổ] mới tiết lộ. Như những người khác cùng thế hệ ông, suốt bao nhiêu năm họ phải giữ kín chuyện gia đình nếu còn muốn có cơ hội tiến thân. Tiết lộ chẳng có lợi gì cho lý lịch Đảng của họ.
Cha của Gorbachev vào quân đội khi chiến tranh bắt đầu nổ ra ở mặt trận phía đông. Lúc đó Gorbachev 10 tuổi, và cậu bé không gặp được cha mình trong năm năm tiếp theo. Stavropol, thành phố lớn gần nhất, bị quân Đức chiếm đóng, nhưng chỉ trong năm tháng. Privolnoye may mắn không bị phá hủy hoặc chịu hậu quả trực tiếp của chiến tranh tàn khốc như nhiều nơi khác tại Nga suốt Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
*
KHAO KHÁT TIẾN THÂN
16.
Từ nhỏ, Gorbachev đã khát khao tiến thân. Khi chưa đầy 14 tuổi, Gorbachev đích thân xin được rời trường làng xập sệ đi học trung học ở trường lớn hơn tại Krasnogvardeiskoye (Thành phố Hồng vệ binh) cách đó 16 km.
Cậu Gorbachev đi bộ từ nhà đến nơi mỗi sáng thứ hai, ở đó suốt tuần, mướn phòng trọ trong nhà một cặp vợ chồng lớn tuổi, đến chiều thứ sáu lại đi bộ về nhà. Cuối tuần, cậu làm việc ngoài đồng với mẹ.
Ở trường, cậu tỏa sáng trong học hành lẫn trong các sinh hoạt chính trị, một việc ảnh hưởng lớn đến tương lai sau này. Đảng bộ địa phương phát hiện tài năng của cậu và kết nạp vào Đảng. Có thể nói Đảng đã tạo ra Gorbachev – Gorbachev thực lòng tin chủ nghĩa cộng sản, ngay cả sau khi Đảng Cộng sản Liên Xô đã giải tán.
Ngoài việc học và sinh hoạt chính trị, niềm vui của Gorbachev là sân khấu. Cậu rất thích diễn xuất và diễn giỏi. Đã có lúc cậu nghĩ mình sẽ theo nghiệp sân khấu.
Bạn cũ của Gorbachev nhớ rằng khi còn trẻ, cậu đã có năng khiếu lãnh đạo và rất được hâm mộ. Các bạn cũng nhớ rằng cậu quả quyết và tự tin vào bản thân một cách mãnh liệt. Ở tuổi vị thành niên, phong cách ứng xử của cậu rất dễ khiến người khác tin rằng cậu đúng.
Yulia Karagodina, bạn gái của Gorbachev thời trung học kể lại rằng: “Tôi nhớ hoài lần anh ấy sửa sai các thầy lớp sử … Có lần anh ấy quá bức xúc, đã nói với thầy rằng ‘Thầy có muốn giữ chứng chỉ sư phạm hay không?’ Anh ấy luôn cảm thấy mình đúng và có thể chứng tỏ mình đúng trước bất cứ ai”.
Không biết các thầy cô có thích thái độ khinh bạc và tự cao của cậu hay không, chỉ biết với sự hỗ trợ của Đảng, cậu được rời ngôi trường tỉnh xoàng xĩnh đến học luật tại Đại học Moscow, đại học trong mơ tại Liên Xô.
*
THỜI Ở MOSCOW
17.
Luận văn nhập học của Gorbachev viết về đề tài “Stalin là vinh quang chiến thắng của chúng ta, Stalin là lý tưởng của tuổi trẻ chúng ta”. Trước khi nhập học, anh thanh niên Gorbachev ra đồng làm việc trong những ngày nghỉ lễ, đến hè lại lao động nặng nhọc suốt hai tháng trên nông trường mùa thu hoạch. Nhờ việc này, anh được tặng huân chương cấp nhà nước là Huân chương Cờ đỏ Lao động.
Nhưng, khi đến Moscow vào năm 1950, Gorbachev chưa phải là ngôi sao. Ban đầu, anh bị đối xử như một gã nhà quê lên tỉnh. Hầu hết sinh viên đều là con ông cháu cha thuộc giới quan chức Xô-viết, sang cả và quan hệ rộng rãi hơn nhiều. Anh phải vất vả để thích ứng, bớt chất tỉnh lẻ trong cung cách ứng xử.
Sinh viên Gorbachev là một trong những đoàn viên tích cực nhất của Đoàn Thanh niên Cộng sản Komsomol, và theo lời người bạn thân nhất tại đại học là Zdenek Mlynar, một du học sinh viên Tiệp Khắc, quan điểm chính trị của Gorbachev lúc này là quan điểm thuần chính thống, “Anh ấy là một người Stalin-nít đúng nghĩa, như mọi người thời bấy giờ”.
18.
Năm 1953, đầu năm thứ ba đại học, tại một lớp khiêu vũ, Gorbachev gặp cô Raisa Maximova Titorenko, một sinh viên triết học tóc đen, xinh xắn, thon nhỏ, trẻ hơn mình một tuổi. Raisa thông minh, có học thức và thanh lịch, cô cũng là một người Mác-xít thành tín và tích cực trong sinh hoạt chính trị không kém Gorbachev.
Với chàng thanh niên Gorbachev, đó là mối tình sét đánh, dù cô nói với bạn bè rằng cô phải mất một thời gian lâu hơn để có cảm tình với anh. Họ cưới nhau một năm sau đó và sống với nhau tận tụy đến khi Raisa mất năm 1999. Ảnh hưởng của Raisa đối với Gorbachev, và đối với tương lai Liên Xô, rồi sẽ trở nên ngày càng quan trọng.
*
TIẾN THÂN NHANH CHÓNG
19.
Gorbachev được phái trở về tỉnh nhà Stavropol, nơi ông được Đảng sắp xếp đế có thể tiến thân nhanh chóng và  nắm những chức vụ cao trong tương lai.
Trong khi Raisa dậy môn chủ nghĩa Marx tại đại học bách khoa và viết luận án tiến sĩ về điều kiện sinh sống của nông dân trong các nông trại tập trung vùng Kuban, Gorbachev thăng tiến nhanh chóng trong hàng ngũ Đảng với tốc độ chưa từng thấy.
Một sự kiện ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp Gorbachev là bài “diễn văn bí mật” vào tháng 2/1956 của Nikita Khrushchev, người phơi bầy những tội ác tầy trời của Stalin. Diễn văn này làm chấn động cuộc đời của những người cộng sản như Gorbachev, là những người từng ngưỡng mộ Stalin như thần thánh, bất chấp hoàn cảnh gia đình và kinh nghiệm bản thân.
Khrushchev cố gắng đưa ra hàng loạt những cải cách nhằm cứu sống nền công nghiệp và nông nghiệp yếu kém của Liên Xô, nhưng bị chống đối quá mạnh ông đành bỏ cuộc.
Đôi vợ chồng Gorbachev và Raisa cũng học được rất nhiều nhân hai kỳ nghỉ dài ngày tại Tây Âu. Chuyến thứ nhất là chuyến du ngoạn bằng ô tô dài 4.800 km vòng quanh nước Pháp và chuyến thứ hai do Đảng tài trợ đến nước Ý. Ở Liên Xô thời kỳ này, việc một quan chức bậc trung và người vợ giảng viên đại học có được cơ hội du lịch tự do như thế cho thấy hai ông bà là người hoàn toàn trung thành với chế độ.
20.
Năm 1967, vừa 35 tuổi, Gorbachev đã được thăng chức bí thư Đảng bộ vùng Stravropol, trên thực tế là người cai trị gần 3.000.000 dân, với đường dây liên lạc dẫn thẳng đến các nhân vật chóp bu tại Điện Kremlin. Dĩ nhiên, vẫn còn cả ngàn cây số nữa mới đến được “Trung ương” – tức Moscow như các Đảng viên thường gọi – nhưng ở đây, Gorbachev cũng đã là vua một cõi.
Ngoài sức trẻ, sự năng động và hiệu quả, Gorbachev còn nổi tiếng là một cán bộ trong sạch trong hệ thống nhà nước vốn đồng nghĩa với ăn bẩn và hối lộ.
*
THÂN VỚI NGƯỜI CAO TUỔI, NHIỀU QUYỀN
21.
Có lẽ, ông chán ngán khi phải làm việc chung với những công chức hạng hai hạng ba tỉnh lẻ, nhưng dù sao cuộc sống ở Stavropol mang lại cho ông nhiều lợi lộc và cơ hội.
Vùng đất này thường xuyên được nhiều nhân vật cao cấp nhưng hay đau yếu từ Điện Kremlin đến chữa trị, nhờ nguồn nước khoáng có khả năng trị liệu bệnh tật. Những khu điều dưỡng và trị bệnh dành riêng cho lãnh đạo Đảng cao cấp nhất nằm trong vùng Gorbachev cai quản, và ông đã chủ động tiếp xúc, tạo quan hệ với các vị khách cấp cao khi họ đến đây.
Một biệt tài của ông là có thể thu hút và gây ấn tượng tốt với những lãnh tụ lớn tuổi đầy quyền lực. Hai vị khách thường xuyên đến Stravropol nghỉ dưỡng sau trở thành người đỡ đầu cho Gorbachev, đó là Yuri Andropov và Mikhail Suslov.
Tiếng lành đồn xa, ở Moscow, người ta bắt đầu kháo nhau về nhân vật Gorbachev trẻ trung, tài năng, đầy sức sống và đặc biệt là ông có “Partinost”(một từ tiếng Nga độc đáo không có tương đương trong tiếng Anh, có nghĩa là “tính Đảng”). Gorbachev cũng biết tận dụng cơ hội mình có. Sau này ông kể: “Những năm ấy, tất cả chúng tôi đều ‘liếm gót’ Breznhev, tất cả đều thế”.
*
NỊNH HÓT, VỀ TRUNG ƯƠNG
22.
Nịnh hót là nguyên liệu khó thiếu để thành công trong mọi hệ thống, nhưng chưa từng có lúc nào hay ở đâu nó lại quan trọng như trong những năm về sau tại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Liên bang Xô-viết. Có những ví dụ cho thấy sự lố bịch quá đáng của Gorbachev khi muốn lấy lòng cấp trên tại Điện Kremlin.
Năm 1978, ông viết bài điểm một cuốn sách rỗng tuếch, ký tên Breznhev do những các nhà văn cung đình viết hộ, cuốn sách hầu như không thể đọc nổi, chỉ những ai có trái tim sắt đọc mới không bật cười. Trong bài điểm cuốn“Đất nhỏ”, có tựa đề “L.I. Brezhnev chứng tỏ tài lãnh đạo theo phong cách Lenin”, Gorbachev nhả ngọc phun châu như sau về Brezhnev:
“Khối lượng công việc khổng lồ mà ông phải làm là nhằm củng cố sự hùng cường của đất nước, nâng cao đời sống công nhân, tăng cường hòa bình và an ninh giữa các nước … trên các trang giấy trong cuốn “Đất nhỏ” xuất sắc của đồng chí Brezhnev … những anh hùng huyền thoại của cuộc chiến phía Bắc Caucasus được mô tả bằng những con chữ mạ vàng … Về số trang, cuốn “Đất nhỏ” không dài lắm, nhưng về chiều sâu tư tưởng và về chiều rộng kiến văn của tác giả, cuốn sách đã trở thành hiện tượng trong dư luận. Nó đã tạo được tiếng vang nồng nhiệt trong trái tim nhân dân Xô-viết … Những người cộng sản và tất cả mọi công nhân tại Stavropol đều vô cùng biết ơn Leonid Ilyich Brezhnev vì tác phẩm văn học đầy tính Đảng này …”
23.
Việc của Andropov lẫn Suslov là đưa bài điểm sách đến tận tay Brezhnev và sắp xếp cho ông gặp tác giả. Chưa đầy sáu tháng sau, Gorbachev được triệu về Moscow để giữ một trong những công việc hàng đầu ở Kremlin. Ông được giao trông coi nền nông nghiệp Xô-viết, sau cái chết đột ngột của một đầu lĩnh quyền lực khác là Fyodor Kulakov, cũng là người đỡ đầu của Gorbachev.
Thế là Gorbachev giờ đây đã trở thành người thuộc tầng lớp lãnh đạo hàng đầu, ở ngay trung tâm quyền lực Moscow, và trẻ hơn gần 10 tuổi so với bất cứ đồng nghiệp nào khác. Raisa cũng nhẹ nhàng nắm giữ một công việc học thuật đầy uy tín, bà trở thành giảng viên cấp cao môn triết học tại trường mình từng học là Đại học Quốc gia Moscow.[viii]
*
GIỮ CÁI TÔI RIÊNG
24.
Những người đầy tham vọng chung quanh Gorbachev đều có thể thấy ông thông minh, sắc sảo và có tài, nhưng không ai biết ông nghĩ gì. Anatoli Sobchak, một quan chức đang lên cùng thời kỳ, kể lại như sau:
“Câu chuyện của Gorbachev có thể hé lộ cho thấy nhiều điều chúng ta ít biết về cảm xúc con người, khi mỗi ngày người ấy phải từ bỏ ý muốn riêng mình để chiều ý cấp trên, mỗi ngày phải tự hạ thấp mình để tiến thân trong sự nghiệp. 
“Với tôi, bí mật lớn nhất là làm thế nào Gorbachev giữ được cái tôi riêng, giữ được khả năng tư duy độc lập và đối lập với quan điểm của người khác. 
“Cũng dễ thấy là để bảo vệ mình, ông phải tạo ra một mặt nạ gần như không thể xuyên thấu. Ông học được cách giấu đi sự khinh bỉ của mình dành cho những người ông căm ghét, nhưng vẫn nói chuyện được với họ bằng ngôn ngữ của ông”.[ix]
*
TẠO THANH THẾ
25.
Andropov đã trau chuốt, chuẩn bị cho đồ đệ mình yêu thích vào ngôi vị cao nhất, dù ngại rằng Gorbachev còn quá trẻ, sẽ khó được chọn ngay để kế vị ông. Cũng vì vậy, Andropov đã trao thêm nhiều trách nhiệm, chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đảm bảo rằng một khi ghế Tổng Bí thư trống chỗ thì Gorbachev sẽ trở thành chọn lựa hợp lý.
Trong giai đoạn chuyển tiếp thời Chernenko, Gorbachev đã làm thay hầu hết những việc thường ngày để cai quản đất nước. Nhưng ông cần nâng cao tầm vóc của mình trên sân khấu chính trị quốc nội lẫn quốc tế để đóng dấu tất yếu cho việc lên ngôi của mình, điều ông nghĩ không bao lâu nữa sẽ xảy ra.
Gorbachev muốn tổ chức một chuyến công du nước ngoài đình đám để dư luận nói về ông, và cũng để trả lời những phê phán của các quan chức Xô-viết đang lo rằng vị “thái tử” sắp thừa kế ngai vàng kia không có nhiều kinh nghiệm đối ngoại. Ông muốn thăm Washington. Nhưng điều đó không thể diễn ra trong giai đoạn quan hệ Xô-Mỹ đang đóng băng, nên ông chuyển hướng đi thăm đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Anh Quốc, nhằm thu phục một “kẻ thù ý thức hệ” cũng nóng bỏng và hăng hái chẳng kém gì Ronald Reagan: Người Đàn bà Thép Margaret Thatcher.
26.
Bà Thatcher nóng lòng muốn gặp Gorbachev cũng như ông nóng lòng muốn gặp bà. Charles Powell, cố vấn đối ngoại của Thatcher cho biết: “Chúng tôi muốn biết thế hệ lãnh đạo Xô-viết kế tiếp có những người như thế nào, và đây là cơ hội rất tốt. Ngay lúc đó, chúng tôi không biết Gorbachev có đúng là người chúng tôi mong đợi hay không, nhưng rất có vẻ là như vậy. Chuyến viếng thăm thật khác thường. Có thể thấy ngay giây phút đầu, Thatcher và Gorbachev gặp nhau là họ bị thu hút vào nhau … họ có vẻ rất hợp nhau”.
Gorbachev sẵn lòng nói và nói nhiều, về bất cứ đề tài nào, và mặc dù ông không nói điều gì mới lạ hay thực sự quan trọng về tình hình thế giới, nhưng cái cách ông nói mới thực sự đáng chú ý. Thatcher đưa ra một nhận xét sau thành nổi tiếng: “Tôi thích Gorbachev. Chúng tôi có thể ‘làm ăn’ được với nhau”.
Chuyến thăm hai ngày đến London vào tháng 11/1984 cũng đánh dấu khởi đầu chiến dịch “quyến rũ” giới truyền thông phương Tây của Gorbachev. Rõ ràng, ông là lứa chính trị gia Xô-viết mới, điển trai, vui tính, dễ gần, chứ không phải một gương mặt đầy sát khí và sầu thảm như những lãnh tụ khác mà phương Tây đã quá quen thuộc.
Raisa vợ ông thì lịch lãm, ăn mặc đúng điệu và xuất hiện bên ông như người đồng đẳng, hoàn toàn trái ngược với những bà vợ đệ nhất Kremlin ăn mặc lôi thôi thường được giữ ở hậu cảnh trong những chuyến viếng thăm nước ngoài.[x]
27.
Vài tuần trước đó, khi Tổng thống Pháp Francois Mitterand đến Moscow, Gorbachev cũng có cơ hội gây ấn tượng tốt nhờ sự thông minh, nhanh nhạy, vui tính và hóm hỉnh rất ít thấy trong hàng ngũ quan chức Nga.
Hôm đó, Gorbachev đến hơi trễ khi dự một buổi họp lại Điện Kremlin có mặt Tổng thống Mitterand và Thượng Nghị sĩ Pháp Claude Estier tháp tùng. Estier kể lại: “Gorbachev đi vội vào phòng, đến bàn, ngồi xuống và xin lỗi vì đến trễ. Ông nói ông bận giải quyết một vấn đề của nền nông nghiệp Xô-viết. Tôi hỏi ông vấn đề phát sinh từ khi nào, ông ứng đáp nhanh như chớp và dí dỏm: Từ năm 1917!”[xi]
*
TÍNH ĐẢNG
28.
Dĩ nhiên, những người cầm quyền ở Kremlin đã không chọn tân lãnh tụ tối cao chỉ vì khả năng ứng đáp như chớp vừa nói. Họ chọn ông vì tin rằng Gorbachev là một “người của Đảng” và cho rằng với tuổi đời tương đối trẻ và năng lượng dồi dào, ông sẽ ra sức bảo vệ quyền lợi của đế quốc Xô-viết.
Đó cũng là điều ông cam kết thực hiện trong đáp từ nhậm chức: “Không cần thay đổi điều gì trong chính sách. Con đường hiện hữu là đúng đắn, là chính xác và theo đúng tinh thần Lenin … Điều quan trọng nhất là duy trì mối quan hệ chặt chẽ của chúng ta với phần còn lại của phe xã hội chủ nghĩa vĩ đại”.
Các đồng nghiệp của ông cũng sẵn sàng đón nhận một số cải cách khiêm tốn, nhưng không ai nghĩ những năm tiếp theo sẽ có những thay đổi cách mạng. Mikhail Gorbachev là một người cộng sản thuần thành. Lúc đó, ông không có vẻ là người sẽ làm gì khác hơn người khác để cuối cùng chủ nghĩa cộng sản bị tiêu diệt.
*
“LUỒNG GIÓ MỚI” HAY “NGƯỜI BÁN HÀNG KHÉO”?
29.
Bốn ngày sau khi nhậm chức, Gorbachev chủ tọa lễ tang người tiền nhiệm, một lễ tang có truyền thống phải hoành tráng diễn ra tại Quảng trường Đỏ, và chủ tọa một bữa tiệc linh đình trong đại sảnh đường cẩm thạch St George trong Điện Kremlin. Đó là lần đầu tiên hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới có dịp nhìn thấy vị Sa hoàng Xô-viết mới.
Ông gặp riêng một số vị khách quan trọng có mặt, trong đó có một phiên họp kéo dài một tiếng rưỡi với Phó Tổng thống Mỹ George Bush, và Ngoại trưởng Mỹ George Shultz. Thường thì ai gặp Gorbachev xong cũng đều nghĩ về ông theo cách mình muốn nghĩ. Chính trị gia nào làm được điều này là người có tài năng hiếm có. Một ví dụ tiêu biểu là những luồng thông tin trái ngược nhau mà Tổng thống Mỹ Reagan nhận được từ những người thay mặt ông đến dự tang lễ ở Moscow.
Ngoại trưởng Shultz phấn khích, hy vọng và không tiếc lời khen dành cho nhân vật mới tại Điện Kremlin. Ông viết: “Ở Gorbachev, chúng ta tìm thấy một tuýp lãnh tụ hoàn toàn mới của Liên Xô. Gorbachev nhanh nhạy, tươi tỉnh, thu hút và tầm hiểu biết rộng. Tôi gặp ông và thực sự ấn tượng về chất lượng suy tư của ông ấy, về sự thành khẩn và năng lượng trí tuệ của nhân vật mới bước lên sân khấu chính trị này”.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Bush thận trọng hơn. Bush mô tả Gorbachev như “một người bán ý tưởng cực kỳ khéo léo” nhưng lại hoài nghi việc sẽ có những thay đổi quan trọng tại Liên Xô. Ông viết:
“Ông ấy sẽ đóng gói đường lối Xô-viết khéo léo hơn cho  phương Tây dễ tiêu thụ, khéo hơn hẳn bất cứ vị tiền nhiệm nào. Ông có nụ cười dễ làm ta mất cảnh giác, có đôi mắt nhìn ấm áp, và rất thuyết phục khi nêu một vấn đề không hay … nhưng rồi ông ấy sẽ quay lại vấn đề và nói chuyện thẳng thắn với người đối thoại. Ông ấy cũng có thể rất cứng rắn. 
“Chẳng hạn, khi tôi hỏi ông về vấn đề nhân quyền … ông đáp bằng những lời thoái thác quá đáng chúng ta đã nghe trước đây, ông bảo tôi rằng: ‘Trong nước [Mỹ] của ông, cũng có chà đạp nhân quyền vậy’ (ý nhắc tới việc đối xử với người Mỹ da đen). Nhưng nói thế xong, ông lại nói những điều khác, đại loại như … ‘chúng tôi sẵn sàng suy nghĩ lại việc này … hãy cùng nhau bàn bạc’”.[xii]
*
GẶP LÃNH ĐẠO ĐÔNG ÂU
30.
Những ngày sau khi nhậm chức, Gorbachev gọi điện thoại đến từng lãnh tụ cộng sản tại Đông Âu. Họ đều đã gọi Moscow để bày tỏ lòng trung thành, như với ông chủ mới.
Giờ đây, ngay sau lễ tang Chernenko, ông gặp các lãnh tụ Đông Âu cùng một lúc, theo lời Gorbachev kể, ông bảo họ rằng ông muốn có “mối quan hệ bình đẳng với họ … độc lập và chủ quyền của họ sẽ được tôn trọng hơn. Tôi nói họ phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa với tình hình trong nước họ”.
Tuy vậy, Gorbachev cũng cho biết ông “có cảm tưởng họ nghe cho có, chứ không nghiêm túc tiếp thu bao nhiêu”. Thực ra, ông không nên ngạc nhiên mới phải. Vì như tướng Jaruzelski lãnh đạo Ba Lan có lần đã nói: “Brezhnev cũng từng nói y như vậy, mà có nghĩa gì đâu”.[xiii]

———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.

[i] Như trích trong Jack Matlock, Reagan and Gorbachev: How the Cold War Ended (Random House, New York, 2005), tr. 372
[ii] Robert Kaiser, Why Gorbachev Happened (Simon & Schuster, New York, 1991), tr. 66-70
[iii] Nhật ký Anotoli Chernyaev tại CWIHP (Cold War International History Project, Woodrow Wilson Center, Washington DC), tháng 3/1985, và Shest let s Gorbachevym (Progress, Moscow, 1993) (My Six Years with Gorbachev, Pennsylvania University Press, 2000), tr. 62
[iv] Nicolai Ryzhkov, Perestroika – Istoria Predatel’stv (Novosti, Moscow, 1992), tr. 88-90
[v] Raisa Gorbachevv, I Hope (Harper Collins, New York, 1991) tr. 93
[vi] Nhật ký Chernyaev, và nhân vật trò chuyện với tác giả, Moscow, 12/1993
[vii] Jack Matlock, sđd tr 72
[viii] Thông tin về Gorbachev trích từ sách của Gorbachev, Memoirs (Doubleday, New York, 1996); Zhores Medvedev, Gorbachev (WW Norton and Co, 1987); Dusko Doder và Louise Branson, Gorbachev: Heretic in the Kremlin (Viking, New York, 1990); Larisa Vasil’eva, Kremlin Wives (Arcade, New York, 1993); và Dmitri Volkogonov, The Rise and Fall of The Soviet Empire (Harper Collins, New York, 1998)
[ix] Anatoly Sobchak, For a New Russia (Free Press, New York, 1992), tr. 286-7
[x] Lord Powell nói với tác giả, trong một cuộc phỏng vấn thú vị về quan hệ giữa Thatcher và Gorbachev, tháng 5/2007
[xi] Andrei Grachev, Gorbachev’s Gamble (Polity Press, Cambridge, 2008), tr. 64-8
[xii] Vladislav Zubok, A Failed Empire(University of North California Press, 2007), tr. 336, và George H.W. Bush and Brent Scowcroft, A World Transformed (Knopf, New York, 1998), tr. 197
[xiii] Wojciech Jaruzelski, Les Chaines et le Refuge (Lattes, Paris, 1993), tr. 276
Dịch giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.