Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Mục đích và hệ quả chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng là gì?

Mục đích và hệ quả chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng là gì?

bauxitevnTue 4:15 AM


Thiện Ý

Sau nhiều lần đình hoãn, chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được thực hiện trong tuần lễ tiếp ngay sau ngày Quốc khánh Hoa Kỳ 4 Tháng 7.

Câu hỏi được nhiều người quan tâm đặt ra là: Mục đích và hệ quả của chuyến đi này là gì? Câu trả lời chính xác chỉ có thể là những người trong cuộc. Là người ngoại cuộc, chúng tôi cũng thử đưa ra một số nhận định về mục đích và hệ quả của chuyến đi này.
I/- Mục đích chuyến đi Mỹ
Theo chúng tôi, chuyến đi Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có mục đích chủ yếu là đưa mối quan hệ Việt-Mỹ đi vào thực chất, tạo bước ngoặc quan trọng trong quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ với một số hệ quả rõ nét hơn là các chuyến đi trước đây của Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước Nguyễn Tấn Sang.
Các chuyến đi Hoa Kỳ trước đây của những người đứng đầu bộ máy nhà nước chỉ có ý nghĩa ngoại giao, với mục đích nâng quan hệ Việt- Mỹ lên một bước trong chính sách đi giây giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng của đảng CSVN. Nhưng nay, mặc dầu đảng Cộng Sản Việt Nam đã hết sức nhún nhường, nhượng bộ đủ điều, Trung cộng vẫn lấn lướt, đẩy Hà Nội vào thế phải có sự chọn lựa dứt khoát khi có cơ hội.
Nhưng trước khi có sự chọn lựa dứt khoát, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình 3 tháng trước khi đi Hoa Kỳ và dường như trên đường đến Hoa Kỳ, ông Nguyễn Phú Trọng còn ghé qua Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình một lần nữa như để tái khẳng định rằng Hà Nội vẫn trung thành với Bắc Kinh nếu được Trung Quốc đối xử khác hơn trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Sự nhún nhường này được thể hiện trong Thông cáo Chung Việt-Trung sau chuyến đi Bắc Kinh của ông Trọng, theo đó Hà Nội vẫn trước sau như một bày tỏ lòng trung thành với Trung Quốc.
Theo chúng tôi, ai cũng hiểu sự trong chuyến đi này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chọn Hoa Kỳ để có đối trọng, không phải để đối đầu với Trung Quốc mà để được sức mạnh của Hoa Kỳ che chở, ngăn chặn, đẩy lùi tham vọng bành trướng, độc chiếm Biển Đông, xâm lăng các nước nhỏ yếu trong vùng của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Hành động thực tế thấy được là, Hoa Kỳ đã công khai lên án các hành vi xâm lấn biển đảo mới đây của Trung Quốc, điều động hải lục, không quân về Biển Đông, tăng cường các hoạt động quân sự liên kết với các đồng minh trong vùng, để chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ sẵn sàng ngăn chặn tham vọng của Trung Cộng. Đồng thời, nhiều nhân vật cao cấp chính trị, quân sự, ngoại giao của Hoa Kỳ đã liên tục đến Việt Nam trong thời gian gần đây, gần nhất là chuyến đi Việt Nam lần thứ 5 của cựu Tổng thống Bill Clinton vào những ngày đầu tháng 7 này, để sau đó cùng chung chuyến bay với phái đoàn Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trở về Mỹ. Chuyến đi này của ông Clinton, tuy bề ngoài nói là để tham dự lễ kỷ niệm 20 năm Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, song bề trong mang ý nghĩa đặc biệt, có tác dụng thúc đầy Hà Nội theo chiều hướng dứt khoát chọn Hoa Kỳ là đồng minh tốt bụng, xa lánh người “đồng chí” láng giềng Trung Quốc xấu bụng và đầy tham vọng xâm lăng, bá quyền.
Trước những lời nói và các hành động khả tín, có lợi cho Việt Nam của Hoa Kỳ, trong khi Trung Quốc tiếp tục có những hành đồng tiếp tục lấn lướt Việt Nam (tấn công táu đánh cá trong hải phận Việt Nam, kéo giàn khoan HD-981 vào gần sát hải phận Việt Nam…), dường như các nhà lãnh đạo của đảng CSVN đã tỉnh ngộ và có thêm can đảm trong việc dứt khoát chọn lựa trong chính sách đi dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã được theo đuổi bao lâu nay. Một số dấu hiệu trong nước trước chuyến đi Hoa kỳ của Tổng Bí thư đảng CSVN chứng tỏ sự giác ngộ theo dự đoán này. Báo chí chính dòng đã công khai gọi Trung Quốc là kẻ xâm lược, tố cáo đích danh tàu Trung Quốc tiếp tục tấn công tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam… mà trước đây chí dám nói là “tàu lạ” và không dám gọi Trung Quốc là xâm lược. Đồng thời có những dấu hiệu không thấy được, như những lời đồn đoán là nội bộ đảng CSVN đang có sự chuyển biến về nhận thức trong giới lãnh đạo có khuynh hướng thân Trung Quốc trước đây, khuynh hướng thân Mỹ đã thắng thế, sẽ hậu thuẫn cho sự chọn lựa một chính sách ngoại giao thực dụng và hữu hiệu hơn. Người ta hy vọng rằng, những điều này sẽ giúp ông Nguyễn Phú Trọng cùng tập đoàn lãnh đạo của Đảng CSVN “phản tỉnh tập thể”.
II/- Hệ quả của chuyến đi Mỹ
Người ta có thể tin rằng hệ quả tổng quát là Hà Nội sẽ chủ động khởi sự một tiến trình dân chủ hóa Việt Nam theo một tiến trình và tốc độ thích hợp. Nghĩa là một sự chuyển đổi hòa bình, ổn định, vừa có lợi cho đất nước, vừa có lợi cho chính đảng CSVN, theo kinh nghiệm chuyển đổi của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây, và gần nhất là kinh nghiệm chuyển đổi của Miến Điện đã và đang diễn ra đã có hiệu quả thực tiễn.
Hệ quả thực tiễn tại Việt Nam có thể là nội bộ đảng CSVN và chính quyền sẽ có nhiều thay đổi về nhân sự, với những người có khuynh hướng thân Mỹ chia nhau nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy đảng và nhà nước. Đồng thời về chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại cũng thay đổi cho phù hợp với chiều hướng mới.Tất cả những thay đổi nhân sự và chính sách sẽ diễn ra trước, trong và sau Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 sắp diễn ra vào đầu năm tới 2016 tới đây. Sẽ không có những cuộc thanh trừng khốc liệt theo kiểu Stalin hay Mao Trạch Đông. Một khi phe thân Mỹ thắng thế, do có thêm một số đông những đảng viên hàng đầu của đảng thân Trung Quốc nay “phản tỉnh” và sự hậu thuẫn của số đông đảng viên CS các cấp, thì sự sắp xếp lại nhân sự chỉ cần dùng các biện pháp loại trừ nhẹ nhàng đối với các đảng viên cấp cao thân Bắc Kinh còn “ngoan cố”. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ trường hợp phe thân Trung Quốc phản kháng quyết liệt, thì có thể phe thân Mỹ sẽ phải sử dụng các biện pháp loại trừ mạnh bạo, âm thầm và kín đáo, nhưng chắc sẽ không tàn bạo như kiểu thanh trừng của Stalin và Mao.
Tất nhiên, để thực hiện sự thay đổi toàn diện về nhân sự và chính sách cai trị theo chiều hướng trên, nội dung nghị trình và nghị quyết của Đại hội 12 sẽ phải thay đổi theo chiều hướng “chuyển đổi”. Căn cứ trên “Nghị quyết của Đại hội Chuyển đổi” này, Quốc hội và các cơ quan dân cử các cấp đương nhiệm sẽ tu chính Hiến pháp, điều chỉnh luật lệ cho phù hợp… Chính quyền các cấp sẽ làm nhiệm vụ chuyển đổi trên bình diện thực tế theo một tiến trình và tốc độ thích hợp. Theo dự kiến của chúng tôi, tiến trình “chuyển đổi” này có thể diễn ra và hoàn tất trong vòng 5 năm tới (2016- 2020).
III/- Kết luận
Trước hiểm họa xâm lăng trắng trợn lãnh thổ, lãnh hải và các hải đảo của Việt Nam của Trung Quốc, mặc dầu Hà Nội đã hết sức quỵ lụy, nhún nhường, nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước trông đợi chuyến đi Hoa Kỳ lần này của người đứng đầu đảng CS cầm quyền sẽ là cơ hội thuận lợi tạo bước ngoặt có tính đột phá trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, có lợi cho đất nước cũng như cho chính đảng CSVN, vì lợi ích chung cũng như riêng của nhân dân Hoa Kỳ và Việt Nam. Ước mong Tổng Bí thư đảng CSVN đừng đề mất cơ hội thuận lợi trong chuyên đi Hoa Kỳ lần này. 
T. Y.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.