Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Lịch sử phở

Lịch sử phở


Báo Ngày Nay mấy chục năm về trước
Ở trang "Giòng nước ngược" mục thơ vui,
Đã có phen chàng "Tú Mỡ" rung đùi
Làm thơ tếu, hết lời ca-tụng Phở.

"Phở Đức-Tụng", món quà ai cũng nhớ,
Phở thơm, ngon, béo, bổ, lại bình-dân,
Phở rẻ tiền, ăn sẽ chóng lên cân,
Phở, Phở, Phở, xa gần ai cũng thích!

Phở buổi sáng của Hà-thành thanh-lịch,
Theo Nguyễn-Tuân, là vô-địch món ăn ngon...
Hơn hẳn cao-lương, chín, nạm, vè giòn,
Là quốc-túy, là quốc-hồn dân-tộc,
Dù đi xa, khắp biển, trời ngang, dọc

Vẫn nhớ hòai về món Phở quê-hương.
Một-chín-năm-tư, Phở lại lên đường
Vào miền Nam, vượt Trường-sơn, Bến-Hải,
Theo gót di-cư, hóa thành Phở Tái,

Chín, Nạm, Gầu, Gân, Sách, Sụn, thêm rau
Húng quế, ngò gai, giá sống, tương tàu,
Đã đánh bạt thật mau môn hủ-tiếu.
Riêng ở Sài-gòn, có rất nhiều bảng hiệu
Nào "Phở Hòa", "Công-Lý", "Phở Tương-Lai",

"Trần Cao Vân", cùng "Bảy-Chín", "Tàu Bay",
Rồi "Mụ Béo" đến "La-Cay", "Tầu Thủy".
Tô Xe lửa đầy, ăn no bí-tỉ,
Khiến Vũ-Bằng cũng tuý-lý, say-sưa,

Viết Miếng ngon Hà-Nội thật nên thơ,
Và Phở Gà được tôn thờ số một...

Tháng Tư, Bảy-lăm, người người hoảng-hốt,
Rời bỏ Sài-gòn, mong dzọt thật xa,
Sống kiếp lưu-vong, bốn biển không nhà,
Hương-vị cũ, sao mà tìm lại được?

Cho tới khi định-cư vào các nước,
Thong-dong rồi lại ao-ước Phở xưa,
Vì muốn ăn nên ai cũng nấu bừa
Cũng bánh, thịt mà sao chưa đạt lắm?

Ít lâu sau, kéo về miền nắng ấm
Tại quận Cam, người Việt mấy trăm ngàn,
Theo nhu-cầu, việc buôn-bán mở-mang,
Nên lại có biết bao hàng Phở mới,

Nhưng hầu hết dùng tên xưa để gọi
Lại "Phở Hòa", "Công-Lý", "Phở Tương-Lai",
"Trần Cao-Vân" cùng "Bảy-Chín", "Tầu Bay"
Thêm "Nguyễn-Huệ" với "Hiền-Vương", "Tầu Thủy",
Khác Sài-gòn, vì giờ trên đất Mỹ
Phở đã thành một kỹ-nghệ hẳn-hoi,
"Bảy-Chín", "Phở-Hòa", chi nhánh khắp nơi
Cùng bảng-hiệu, nhưng nhiều người khai-thác,
Khách hàng Việt, Nhật, Anh, Tàu, Mỹ, Pháp,
Ăn một lần rồi nhớ mãi, ăn luôn,
Phở Việt Nam ngon, bổ, sẽ trường-tồn
Giành địa-vị độc-tôn vùng tỵ-nạn...
Ở Tàu trước, Phở là ngưu-nhục-phấn,
Sang Việt-nam vẫn nấu với bò, gà
Nhưng nhờ tài chế-biến của dân ta,
Phở sẽ hóa thành "Tinh-hoa" đất Việt!

Sưu tầm

Các loại Phở

Phở tái bắp
Nguyên liệu: Chọn phần bắp rùa của con bò còn tươi, thái mỏng. Bánh phở đã được trần qua cho vào bát, tiếp đến trần thịt cho đủ độ tái vào bát, rắc ít hành thái nhỏ, cuối cùng là chan nước dùng. Yêu cầu: Khi ăn tuỳ từng khẩu vị của thực khách mà thêm lát chanh, dấm, tương ớt và hạt tiêu tạo độ cay, ngọt.

Phở tái lăn
Nguyên liệu: Thịt mông còn tươi, thái mỏng để riêng. Tiếp đến cho dầu ăn vào chảo phi hành, tỏi cho vàng đều, sau đó cho hành tây, tỏi tây, ít gia vị đảo qua. Cuối cùng cho thịt bò đã thái mỏng đảo đều tay cho tái là được. Yêu cầu: Thịt mềm, không dai mùi thơm đặc trưng

Phở tái gầu
Nguyên liệu: Chọn thịt ở phần ức của con bò, đem luộc kỹ, vớt ra để nguội, sau đó thái mỏng vừa ăn. Yêu cầu: Khi nhìn ta có cảm giác như mỡ nhưng ăn vào thì rất giòn, mềm nhưng không ngấy, có mùi vị thơm đặc trưng không thể lẫn với bát phở khác.


Phở tái nạm
Nguyên liệu: Chọn miếng thịt phần bụng của con bò cùng với thịt bò nạc, một ít gân (phần mềm còn dính chút mỡ) đem luộc kỹ để nguội. Tất cả đem thai mỏng. Lấy mỗi phần một ít theo tỷ lệ, xếp lên trên bát phở đã trần, cho một ít hành hoa thái nhỏ, tiếp đến là chan nước dùng.

Phở tái
Nguyên liệu: Phải chọn thịt bò mông, bảo đảm tươi nguyên. Sau đó thái mỏng, lấy sống dao băm nhuyễn. Khi bánh phở đã trần qua cho vào bát, ta xếp thịt lên trên, cho chút hành hoa thái nhỏ và chan nước phở đã ninh kỹ.Yêu cầu: Nước dùng phải thật nóng, chan nước ngập thịt phía trên. Mục đích để thịt có thể chín ngay khi chan nước dùng vào bát. Khi ăn có mùi thơm, mềm ngọt của thịt bò.

Phở chín
Nguyên liệu: Chọn thịt bò vai, ngâm vào nước khoảng 2 giờ để cho thịt mềm. Sau đó cho vào nồi luộc nhừ, vớt ra để nguội ráo nước. Cuối cùng thit thái lát mỏng vừa ăn. Cho bánh phở đã trần qua vào bát, xếp thịt bò chín đã thái lát mỏng để lên trên không quên thêm chút hành lá, hành củ bày phía trên vừa tạo mùi thơm vừa “ bắt mắt”. Khi ăn, tuỳ khẩu vị của khách mà cho hạt tiêu, lát chanh, tương ớt.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.