Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Vĩnh biệt nhà báo Vũ Ánh!

Vĩnh biệt nhà báo Vũ Ánh!

Nhà báo Vũ Ánh ( 1941-2014)
Nhà báo Vũ Ánh vừa đột ngột qua đời tại tư gia ở quận Cam, California, vào chiều ngày Thứ Sáu, 14 tháng Ba, 2014, thọ 73 tuổi.

Nhà báo Vũ Ánh tên thật Vũ Văn Ánh  sinh ngày 5 tháng Năm, 1941 tại Hải Phòng. Ông là nhà báo kỳ cựu của làng báo Việt Nam trước 1975 cũng như tại Quận Cam từ khi ông sang Mỹ theo diện H.O. 


Nhà báo Huy Đức viết: "Ông làm báo năm 23 tuổi, từng là một phóng viên chiến trường, thời Việt Nam Cộng Hòa. Trong ngày 30-4-1975, tuy đang là Chánh Sở Thời Sự (Truyền thanh Quốc gia), từng chấp bút nhiều bài diễn văn cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nhưng ông vẫn ở lại để chứng kiến những giây phút cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa... Ông là nhà báo Vũ Ánh, sinh năm 1941 tại Hải Phòng. Sau khi đến Mỹ (1992), ông là chủ bút tờ báo Người Việt ở California trong nhiều năm. Nói chuyện với ông, không ai nghĩ, con người canh cánh nỗi nhớ Nước ấy lại có thể dùng những ngôn từ rất điềm đạm để nói về Chế độ đã từng “cải tạo” mình 13 năm, trong đó riêng thời gian biệt giam tổng cộng lên đến sáu năm. Trưa qua, thứ Sáu, 14-3-2014, sau khi viết bài báo cuối cùng, gửi đi, ông đã có một giấc ngủ dài, vĩnh viễn. Vĩnh biệt "Chú Ánh", một nhà báo mà tôi vô cùng kính mến."

Vâng, vĩnh biệt chú Ánh, cầu cho chú bình an nơi cõi Phật.

Dưới đây là bài báo cuối cùng của nhà báo Vũ Ánh, ông mất sau khi gửi bài báo đi chưa đầy 5 tiếng

Hà Nội vẫn chưa đủ niềm tin cởi trói báo chí 

Vũ Ánh
LTS. Nhà báo Vũ Ánh đã đột ngột từ trần vào trưa ngày thứ Sáu 14 tháng Ba, 2014 tại nhà riêng. Vào lúc 11 giờ 37 phút trưa hôm ấy, ông đã gửi qua email bài viết "Hà Nội vẫn chưa đủ niềm tin cởi trói báo chí" đến báo Người Việt để đi vào ngày hôm sau (thứ Bảy) như thường lệ.

Có thể coi đây là bài viết cuối cùng của nhà báo Vũ Ánh. Và cũng là một "tình cờ định mệnh", chủ đề của bài là tự do báo chí, một vấn đề ông quan tâm hầu như suốt cuộc đời làm truyền thông của ông. Chúng tôi xin đăng lại bài này như một nén hương kính viếng ông, đồng thời bày tỏ, qua ngòi bút của ông, niềm ao ước sớm có tự do báo chí trên đất nước Việt Nam. DĐTK
Nếu mà ngày nay có người nào có đủ kiên nhẫn ngồi điểm lại những tác phẩm và các giáo trình chính yếu về tự do báo chí tại những trường đại học báo chí ở nước Pháp và ở Mỹ không thôi và bắt đầu từ một giai đoạn nhất định, chẳng hạn như kể từ khi Tổng Thống Thomas Jefferson (1743-1826) viết một lá thư cho James Curie vào ngày 28 tháng 1 năm 1786 cho đến nay, tôi nghĩ rằng ông ta sẽ bị dẫn vào một mê hồn trận và sẽ có thể không tìm được lối ra. 

Từ hàng trăm năm tranh đấu của nhiều tác giả trên khắp thế giới cho đến ngày Tổng Thống Thomas Jefferson phải nhìn nhận “Nền tự do của chúng ta (Mỹ) tùy thuộc vào tự do báo chí và điều này không thể bị giới hạn mà không gây tổn thất,” con người đã phải đổ ra biết bao xương máu, chất xám, các cuộc vận động, phản đối, thậm chí phải trả những cái giá của tù đầy mới có được sự nhìn nhận tự do báo chí như một đệ tứ quyền sau tam quyền phân lập ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, người Mỹ cũng đã phải mất ít nhất gần 200 năm để tìm ra một định nghĩa thế nào là quyền tự do báo chí tương đối phù hợp với hoàn cảnh của Hoa Kỳ ngày nay. Có rất nhiều chuyện để nói về định nghĩa này, nhưng dù quyền tự do báo chí được nhìn dưới nhãn quan nào đi nữa thì cũng không thể vứt bỏ đi được nền móng của nó. Ðó là quyền được phổ biến ý kiến, tư tưởng bằng ấn bản mà không bị nhà nước kiểm duyệt. Riêng đối với dân chúng Hoa Kỳ, họ được hưởng quyền này dưới sự bảo vệ của Ðệ Nhất Tu Chính Hiến Pháp.
Còn tại Việt Nam, trước ngày 30 tháng 4, 1975 cũng như sau này, giới báo chí và truyền thông chưa được hưởng quyền tự do lẽ ra họ đã phải có từ lâu rồi. Trước thời điểm này, Việt Nam vẫn còn trong tình trạng bị chia đôi, miền Bắc theo khối Cộng Sản thì dĩ nhiên báo chí và truyền thông là độc quyền của nhà nước. Miền Nam Việt Nam theo chế độ Cộng Hòa và được Hoa Kỳ liệt vào vị trí là “tiền đồn của thế giới tự do.” Ở tiền đồn này, có cả báo tư nhân lẫn báo của chính phủ hoặc do chính phủ tài trợ, nhưng tư nhân không được phép có đài phát thanh hay đài truyền hình. Ngoài tình hình vừa kể, từ thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, cho tới giai đoạn chính phủ quân nhân rồi đến giai đoạn có một chính phủ do cuộc bầu cử năm 1967, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn duy trì một cơ quan kiểm duyệt báo chí và sách. Cơ quan kiểm duyệt báo chí và văn hóa phẩm sau đó được mang một cái tên trá hình là Sở Phối Hợp Nghệ Thuật thuộc Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi để bị chỉ trích từ nước ngoài. Dĩ nhiên là so với báo chí và truyền thông của miền Bắc lúc đó thì sinh hoạt của báo chí truyền thông tại miền Nam Việt Nam dễ thở hơn. Nhưng người Tây phương, nhất là giới báo chí truyền thông Mỹ hoạt động ở Saigon không chấp nhận lối giải thích cũng như so sánh này và cũng chẳng có một trường đại học báo chí nào trên thế giới gọi một nền báo chí truyền thông tại một nước có cơ quan kiểm duyệt sách báo là một nền báo chí tự do cả!
Tôi đưa ra một vài điển hình về sinh hoạt báo chí ở miền Nam Việt Nam trước 30 tháng 4, 1975 mà tôi đã có hơn 11 năm làm việc và sinh hoạt trong ngành để độc giả dễ dàng đối chiếu với sinh hoạt báo chí truyền thông hiện nay tại Việt Nam sau 39 năm cuộc chiến Việt Nam chấm dứt và Hà Nội đã điều hành toàn bộ đất nước. Ngày 10 tháng 3 vừa qua, bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam, ông Nguyễn Bắc Sơn đã cho biết theo thống kê, Việt Nam hiện đang có 838 cơ quan báo chí in với 1,111 ấn phẩm, trong đó có 89 ấn phẩm điện tử và 265 trang thông tin tổng hợp. Nhưng cho tới nay, ở Việt Nam tư nhân không được phép xuất bản và các tác giả có tác phẩm thuộc bất cứ thể loại nào cũng phải xin phép nhà nước, nếu không có phép thì không thể in tác phẩm của mình được. Trong số các cơ quan báo chí vừa kể, không có một tờ báo nào của tư nhân. Mới đây nhất là vào ngày 11 tháng 3, xuất hiện trong một cuộc hội thảo về tự do báo chí ở Hà Nội, Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Nguyễn Bắc Sơn loan báo quyết định của bộ là tạm ngưng cấp giấy phép thành lập cơ quan báo chí và nói thẳng là chính phủ sẽ giảm bớt số lượng báo đang hoạt động. Trang chủ của Bộ Thông Tin và Truyền Thông trích lời Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Sơn cho biết, quyết định trên được đưa ra để chính phủ có thời gian chuẩn bị báo cáo “Quy hoạch báo chí đến năm 2020” trình Bộ Chính Trị. Ông nhấn mạnh đây cũng là dịp để “rà soát, giảm bớt những tờ báo hoạt động không đúng tôn chỉ và mục đích.” Nói về bản quy hoạch báo chí đến năm 2020, Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Sơn nhấn mạnh đây sẽ là một cuộc cách mạng trong hoạt động báo chí và nếu được phê duyệt sẽ giúp hướng tới việc định “số lượng báo chí hợp lý, chất lượng cao hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu xã hội.”
Dĩ nhiên, giới làm báo, làm truyền thông kể cả những blogger không dễ gì tin vào những lời của ông Sơn. Sinh ra, lớn lên, học hành và vào nghề ở Việt Nam, những nhà báo thuộc thế hệ “bao cấp” hay thế hệ “mở cửa” ở Việt Nam ngày nay đều đã hiểu rất rõ thế nào là một tờ báo hoạt động không đúng tôn chỉ và mục đích. Từ bao lâu nhóm từ này đã được nhà cầm quyền sử dụng để nâng quan điểm, để chụp mũ cho những quan điểm ngược chiều với quan điểm của đảng, nhà nước và chính phủ. Bởi vì không lẽ các tờ báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ chỉ phục vụ và nói về thanh niên và tuổi trẻ chứ không đề cập đến vấn đề chống tham nhũng hay cửa quyền? Không lẽ tờ báo với cái tên chẳng hạn như Người Cao Tuổi thì lại chỉ nói tới những vấn đề của người già chứ không được thắc mắc về số tài sản kếch xù của những ông Phó Tổng Thanh Tra Nhà Nước như vừa rồi họ đã làm? Và câu hỏi được đặt ra: Liệu tờ Người Cao Tuổi có làm đúng mục đích và tôn chỉ của tờ báo không? Thực ra, ông Nguyễn Bắc Sơn đã có một kết luận rất rõ cho công tác mà ông gọi là công tác quản lý báo chí của bộ, đó là báo chí “cần tập trung tuyên truyền hiệu quả đường lối của đảng và nhà nước” và “vào cuộc tuyên truyền đấu tranh với các đối tượng sai trái và thù địch.” Ðấy, nói dông nói dài thì cuối cùng Hà Nội chỉ muốn nếu tờ báo nào có sai tôn chỉ mục đích nhưng cùng một lề phải với nhà nước và chính phủ thì cũng không bị rút giấy phép, ngược lại tờ báo nào dù có làm đúng tôn chỉ mục đích mà cứ lâu lại nhập bọn với bên lề trái thì cũng vẫn có thể bị trừng phạt như thường.
Tuy nhiên, Tiến Sĩ Huỳnh Văn Thông, khoa trưởng khoa Báo Chí thuộc Ðại Học Quốc Gia ở Saigon dường như không đồng ý lắm với nội dung những lời tuyên bố của Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Sơn khi ông cho rằng trên thực tế quốc gia nào cũng có những khó khăn về mặt an ninh và chính trị nên không có vấn đề tự do báo chí tuyệt đối và phải có những “vùng cấm thông tin” và “vùng nhạy cảm” phải định nghĩa rõ ràng và nhận diện được vùng cấm đó. Lên tiếng với đài BBC Việt ngữ vào ngày 11 tháng 3, ông Sơn nhấn mạnh rằng nếu các nội dung, chủ đề không được phân chia rõ ràng bằng một “ranh giới được định nghĩa về phương diện pháp lý thì chuyện nhạy cảm hay không nhạy cảm về thông tin là vấn đề khá khó xử trong nhiều trường hợp.” Chủ trương vùng cấm thông tin thực ra chỉ là một quan điểm đã xưa cũ về thiết quân luật và tuyên bố tình trạng khẩn trương trước Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Thế Chiến tại Âu Châu. Nhưng ngay cả khi có thiết quân luật và kiểm duyệt báo chí, nhà cầm quyền cũng không thể chi tiết hóa thế nào là những nguồn tin vi phạm an ninh quốc gia. Cho nên, khi truy tố một nhà báo ra trước tòa về tội xâm phạm an ninh quốc gia thì vấn đề giải thích luật pháp bằng những án lệ được ra. Chính việc giải thích luật pháp này đã khuyến khích những nhà lãnh đạo chủ trương độc tài đưa ra những cấm đoán khắt khe để bảo vệ quyền lực của mình. Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trong nhiều trường hợp bị giới hạn bởi luật hình sự qui định các tội danh như phỉ báng, vu khống, hành động tục tĩu, kích động nổi loạn, ghét người thiểu số, vi phạm bản quyền và tiết lộ những tin tức được xếp vào loại mật sẽ không được quyền tự do ngôn luận bảo vệ (ở Mỹ những tội danh này không được Ðệ Nhất Tu Chính Án Hiến Pháp về quyền tự do ngôn luận bảo vệ).
Vừa rồi, một nhà báo gốc Việt ở Luân Ðôn, ông Nguyễn Giang, trưởng Ban Việt Ngữ của đài BBC đã viết một bài báo khá súc tích đề cập tới tinh thần cởi mở, nghiệp vụ được đánh giá là cao của khối phóng viên Việt Nam khi săn tin về việc tìm kiếm chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích mà cho tới nay vẫn chưa tìm ra tung tích. Theo lời tác giả, chính giới báo chí Việt Nam là những nguồn tin đầu tiên cung cấp cho cả thế giới để họ ào ào kéo tới Việt Nam và Malaysia để săn tin. Họ khơi mào cho một công tác cứu hộ quốc tế mà Hà Nội giữ vai trò tiên phong và rất cởi mở trong việc giúp đỡ báo chí quốc tế tham dự vào việc tường thuật công tác này y như một đất nước mà báo giới không hề bị trói chân, bịt miệng. Tác giả cho rằng chính vụ cứu nạn này mà Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng khá tốt với dư luận quốc tế. Báo giới Việt Nam lần đầu tiên đã chứng tỏ cho thấy là họ xứng đáng được hưởng một nền tự do báo chí. Tác giả Nguyễn Giang đã viết như vậy và ông nhấn mạnh:
“Như tôi đã có lần viết, trong ngoại giao, gồm cả đối ngoại bằng truyền thông, hệ thống ở Việt Nam luôn có tiềm năng làm được nhiều điều tốt vì ra bên ngoài là có cạnh tranh và phải bám theo các chuẩn (định) quốc tế. Ở trong nước, như một số blogger đã nêu, nếu chính quyền cũng chú ý ở mức độ tương tự tới các vụ tai nạn của công dân Việt Nam thì sẽ được tiếng là không nhất bên trọng, nhất bên khinh bởi nạn nhân MH370 toàn người nước ngoài. Về quản lý báo chí, nếu sự cởi mở, nhạy bén và thẳng thắn như vậy được áp dụng đều đặn thì chắc chắn nhiều vấn đề khác, từ ngư dân gặp nạn trên biển tới các án chống tham nhũng hay nhân quyền... đều hoàn toàn có thể được dư luận trong và ngoài nước nghi nhận công bằng và chính xác. Vì về lâu dài, bản chất của dư luận là không thiên vị với bất cứ ai. Vấn đề trong quản lý báo chí là nhà chức trách có dám tin hẳn vào điều đó hay không.”
Nói tóm lại, từ những loan báo của Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Nguyễn Bắc Sơn và một số phản ứng của những giới chức đang làm công việc đào tạo người làm báo, truyền thông cho Việt Nam và của nhiều tác giả trên những mạng xã hội ở trong cũng như ngoài nước, người ta vẫn thấy sự giằng co giữa những người làm công tác quản lý báo chí và giới làm báo về quyền tự do báo chí trong đó một câu hỏi lớn được đặt ra. Liệu việc cởi trói cho báo chí và truyền thông Việt Nam có đe dọa vị trí của đảng CSVN, đảng đang độc quyền điều hành nhà nước và chính phủ không? Hay là chỉ bớt xen hoặc chặt đứt hẳn số lượng các tờ báo có thể tạo ra dư luận đe dọa đến thượng tầng lãnh đạo của Việt Nam rồi vạch ra một đường biên nhất định nào đó? Hoặc phải trở lại tình hình khắt khe như thời chưa mở cửa? Ðúng như lời tác giả Nguyễn Giang, về lâu về dài bản chất của dư luận là không thiên vị ai, nhưng vẫn còn một hoài nghi mà trong tiểu sử của mình, Joseph Pulitzer, một nhà báo đã được lấy tên cho giải thưởng báo chí cao quí nhất của Hoa Kỳ đã có lần viết ra: Liệu người ta định đến mức nào của trình độ hiểu biết và giáo dục trong khối quần chúng để dư luận có thể loại bỏ sự thiên vị? Nhưng không may, Hà Nội hiện nay vẫn giữ tập quán cũ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù của mình nên họ không thể hiểu được rằng tự do báo chí sẽ củng cố quyền lực của họ mạnh mẽ hơn. Nhìn vào tình trạng không có tự do báo chí của Việt Nam, nhìn lại mạng lưới báo chí, truyền thông Việt ngữ, các mạng xã hội ở hải ngoại, nhất là Hoa Kỳ, người ta không thể phủ nhận được rằng việc chấp nhận một luồng dư luận, hay tư duy hoặc những phương thức khác nhau để cùng tiến tới một mục tiêu chung vẫn còn là một thử thách lớn trong cộng đồng người Việt Nam chỉ vì một thiểu số không tin rằng việc chấp nhận thảo luận hòa bình hay một luồng dư luận đối nghịch để cân bằng (balance) sẽ giúp chúng ta xứng đáng được gọi là người tự do và từ đó cộng đồng có thể sẽ mạnh hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.