Nguyên nhân của đất nước nghèo nàn
Thực ra, việc làm thất thoát lãng phí một cách cố tình, triền miên, không có hồi kết ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản (đầu tư công) cũng là một loại hình tham nhũng vì nó có sự câu kết, liên kết chặt chẽ với nhau nhằm đội giá vật liệu, trang thiết bị, nhân công, công tác thẩm định, rút ruột công trình, v.v.
Đảng đã biết hết việc này, nhưng vì Đảng đứng trên pháp luật và chỉ có người của Đảng trong các cơ quan liên quan đến đầu tư công, vì lợi ích nhóm nên các cơ quan của Đảng, các tổ chức Đảng cùng với các đảng viên có chức quyền trong guồng máy nhà nước đã cố tình né tránh không dám đưa sự cố tình gây thất thoát lãng phí, thổi giá vào phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng chống tham nhũng ngay từ khi soạn thảo cũng như lúc sửa đổi để mà có các biện pháp ngăn ngừa xử lý một cách hiệu quả theo luật định.
Việc đội giá cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực trong đầu tư xây dựng cơ bản nói chung và xây dựng đường sá nói riêng, nhất là đường cao tốc đã từng được nhiều người đặt vấn đề. Có nhà báo đã từng phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về vấn đề này ngay sau khi đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài hoàn thành và đi vào sử dụng, nghĩa là việc đội giá trong xây dựng, đầu tư công đã được đề cập đến từ hơn 20 năm trước. Và nhà báo ấy đã nhận được một nụ cười ý nhị và một tiếng thở dài! Còn vấn đề nhà báo ấy đặt ra từ đó đến nay không biết có sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo hay không mà hơn hai mươi năm nay mới lại được đặt ra.
Nay không còn ai hỏi có hay không có chuyện đội giá. Đó là sự việc ai cũng biết xảy ra thường xuyên, như cơm bữa, hiển nhiên đến mức nó đã ăn sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Chuyện một đất nước còn rất nghèo như ở Việt Nam và sự làm giàu không phải bằng trí tuệ, chất xám của dân tộc, cũng như không phải làm giàu bằng cách nhà nước tự nguyện cho các chủ thể kinh tế được bình đẳng với nhau trong kinh doanh thì cơ chế ban phát xin cho từ những cán bộ có chức quyền là nguyên nhân chính của việc vì sao đường cao tốc quốc gia của một nước nghèo như ta lại đắt gấp ba bốn lần nước ngoài.
Cách gì để nhà nước lấy lại số tiền đã bị đội giá ở những công trình từ trước đến nay?
Chắc chắn vấn đề này sẽ không được bàn thảo thỏa đáng và cũng sẽ chẳng có cách gì để thu hồi số tiền đội giá này nếu như Đảng còn độc quyền lãnh đạo. Và như thế nhân dân và đất nước này sẽ còn phải làm trâu ngựa kéo cày để đóng góp sưu cao thuế nặng cho những ông trong “đội tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam” tha hồ mà vẽ duyệt, quyết toán những công trình có giá cao gấp ba bốn lần nhưng chất lượng lại kém cũng gấp chừng ấy lần so với nước khác.
Việc đầu tư công sẽ không chỉ bị đội giá lên gấp ba lần nước Mỹ như báo chí đã nêu mà sẽ còn bị đội giá nhiều hơn nữa nếu đem so sánh thu nhập, lương bổng của người lao động Việt Nam với thu nhập của người lao động Mỹ!
Làm sao để ngăn ngừa sự đội giá tại các công trình hiện tại và trong tương lai?
Để ngăn ngừa được sự đội giá này rất cần nhiều biện pháp và phải được sự vào cuộc của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt. Không phải “sự vào cuộc của toàn xã hội” dựa vào các đoàn thể do Đảng, nhà nước dựng ra, theo cách hiểu và giải thích của Đảng vì thực tế đó chỉ là những cánh tay nối dài của Đảng, do vậy sự giám sát đầu tư công từ trước đến nay chỉ là hình thức hời hợt và không lòe bịp được ai. Cần mạnh dạn giao cho các chủ thể kinh tế đủ mọi thành phần có kinh nghiệm tâm huyết, nhất là những chủ thể gắn liền và liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư đó, tiến hành thi công, giám sát.
Còn nhớ cách đây gần 10 năm chương trình người đương thời của nhà báo Tạ Bích Loan trên VTV3 đã đề cập đến một nông dân tên Tuấn ở Thái Nguyên đã đầu tư 34 triệu đồng để làm một con đường rộng 5,5m dài 3,5km trên đất đồi rừng có cả hệ thống cống rãnh thoát nước giúp cho kinh tế bản làng quê anh phát triển rõ rệt từ lợi ích của con đường này do anh đầu tư. Khi được hỏi động cơ nào đã thúc đẩy anh làm con đường đó anh đã trả lời do xuất phát từ sự ân hận của anh khi chứng kiến cảnh mẹ mình bị bệnh mà không được chạy chữa kịp thời vì không có đường sá giao thông thuận tiện. Chỉ với 34 triệu đồng và một người nông dân không có kiến thức chuyên ngành về xây dựng cầu đường nhưng với lòng quyết tâm của anh và được sự sẻ chia chung sức của bà con, những người có đất nơi con đường của anh đi qua đã tặng lại cho công trình mà không cần lấy một đồng tiền đền bù nào. Trng khi đó, tôi từng chứng kiến có những địa phương vùng sâu vùng xa trước đây được tổ chức NGO là “Quỹ Tầm nhìn thế giới” đến đặt vấn đề giúp đỡ xây dựng phòng học mẫu giáo cho những địa bàn bản làng xa xôi, thì cán bộ xã thẳng thắn nói rằng nếu cho phép xây lớp mầm non thì họ sẽ được bao nhiêu tiền đút túi?!
Sự câu kết chung hưởng những khoản đội giá từ các công trình đầu tư xây dựng cơ bản đã trở thành một sự câu kết chặt chẽ từ những người có quyền lực thì việc ngăn chặn việc đội giá công trình là rất khó. Nhưng không phải là khó tới mức mà việc đội giá không thể chấm dứt được vì chỉ cần thực hiện những đòi hỏi chính đáng của dân tộc về dân chủ pháp quyền một cách triệt để theo đúng mô hình các nhà nước phát triển đang thực hiện, thì tự nhiên Việt Nam chúng ta sẽ hết mọi chuyện phi lý như hiện nay không chỉ trong lĩnh vực đầu tư công mà còn nhiều lĩnh vực khác.
Chỉ có điều Đảng có dám làm không?!
Đức Thành
Theo Bauxite Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.