Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Sau Bức Màn Đỏ Hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975(1)

Sau Bức Màn Đỏ
Hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975  
Hoàng Dung    
(1)


LTS.- “Sau Bức Màn Ðỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau năm 1975” là một trong 3 tác phẩm của nhà văn Hoàng Dung vừa được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ấn hành. Ông dự định ra mắt tác phẩm tại Nam California. Sách của ông có nhiều điều khá mới mẻ được hệ thống hóa mạch lạc. Những dữ kiện và những biến chuyển trong đảng Cộng Sản Việt Nam từ sau 30-4-1975 là những điều đã từng được nói tới rất nhiều. Nhưng thực tế sau những điều mà mọi người từng biết là gì? Ðây là cốt lõi của “Sau Bức Màn Ðỏ”. Bằng óc phân tích, tổng hợp và những nguồn tin riêng chính xác, tác giả Hoàng Dung qua tác phẩm của mình sẽ cung cấp cho độc giả những yếu tốc chính xác để phán đoán tình hình Việt Nam. Ngoài ra những dữ kiện được đề cập tới trong tác phẩm củng cố một cách thực tế cho niềm tin rằng vận mạng dân tộc Việt Nam sẽ không mãi mãi tệ hại như hiện tại. Trên mục Diễn Ðàn này, với sự thỏa thuận của tác giả, chúng tôi sẽ trích đăng một số phần quan trọng nói về hậu trường chính trị Việt Nam từ sau Ðại Hội Ðảng CSVN lần thứ tư. Ðể hiểu được những phần tiếp theo, trước hết chúng tôi trích thuật phần tổ chức chính quyền CSVN.

Ðại Cương Về Tổ Chức Chính Quyền Của Ðảng CSVN
Tổ chức hành chánh của những quốc gia Cộng Sản có một số khác biệt, theo đó, đảng Cộng Sản là đảng độc tôn và duy nhất, nắm thực quyền lãnh đạo tất cả các cơ quan, các ngành, kể cả quân đội của quốc gia. Tất cả những nhân vật lãnh đạo chính quyền đều phải là đảng viên. Trong những cơ quan cấp thấp hơn, dù đôi khi vì khả năng mà không ở địa vị lãnh đạo, đảng viên vẫn là những người có quyền lực và dễ được thăng tiến nhất. Song song với những ban lãnh đạo đơn vị hành chánh hay quân đội từ cấp lớn đến cấp nhỏ, có những đơn vị đảng ủy cơ quan, chẳng hạn quận ủy, tỉnh ủy, chính ủy trung đoàn, sư đoàn...

Những diễn biến quan trọng nhất của các đảng Cộng Sản là những ngày “đại hội Ðảng”. Từ 1976, đảng Cộng Sản Việt Nam cứ mỗi năm năm lại họp đại hội một lần. Ðại hội này có khoảng hơn 1,000 đại biểu đi dự đại hội, thường là những đảng viên cao cấp. Tuy đại hội đảng được tuyên truyền và quảng cáo rầm rộ, những nghi thức được xếp đặt long trọng như lễ nghi tôn giáo, các đại biểu đi tham dự như đi hành hương, nhưng thật ra các đại biểu chỉ đến để nghe diễn văn, báo cáo, vỗ tay tán thưởng rồi dơ tay nhất trí chấp thuận những xếp đặt về nhân sự cũng như chính sách cai trị trong năm năm tới đã được Hội Nghị Trung Ương Ðảng và Bộ Chính Trị thông qua mấy ngày trước đại hội. Thí dụ nếu có bầu 100 người, các đại biểu cũng chỉ bầu những người trong danh sách khoảng 105 người đã được lựa chọn sẵn.

Ngoài ra, các đại biểu cũng không được sửa chữa danh sách của trung ương đảng. Chẳng hạn trong dịp Ðại Hội Ðảng Lần Thứ VIII, Nguyễn Ðình Tứ được Hội Nghị Trung Ương Ðảng mấy ngày trước chọn vào Bộ Chính Trị nhưng ngay sau đó bị bệnh rồi chết trước ngày đại hội, ông ta vẫn được những đại biểu dơ tay nhất trí tán thành, được bầu và có tên trong danh sách công bố.

Bộ Chính Trị của đảng là cơ quan có quyền lực nhất nước. Chính Bộ Chính Trị thành lập chính phủ, đề cử Chủ tịch Nhà nước để cho Quốc Hội chấp thuận. Bộ Chính Trị cũng đề ra chính sách để chính phủ thi hành. Nhiều khi, ủy viên Bộ Chính Trị còn phổ biến thông tư hay chỉ thị cho từng đơn vị, từng cơ quan để thi hành qua hệ thống đảng ủy mà không cần qua hệ thống hành chánh. Sự quan trọng của mỗi ủy viên Bộ Chính Trị sẽ tùy theo thứ tự cao thấp trong danh sách, cao nhất là Tổng Bí Thư. Tuy nhiên, do tệ nạn bè phái, đôi khi có những ủy viên Bộ Chính Trị dù ở thứ tự cao cũng không có thực quyền, chẳng hạn trong thời gian Lê Duẩn làm Tổng Bí Thư, Lê Ðức Thọ (thứ 6) là người có quyền hành nhiều hơn Trường Chinh (thứ 2) hay Phạm Văn Ðồng (thứ 3)...

Ngoài Bộ Chính Trị, đảng Cộng Sản còn có một Ban Bí Thư, lo việc điều hành nội bộ đảng. Chỉ trong trường hợp đặc biệt khi Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí Thư, do việc chia chác quyền lực của các phe phái và do sự chuyển đổi khuynh hướng sang học tập khuôn mẫu Trung Hoa, Ban Bí Thư được thay thế bằng Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị giống như Trung Hoa. Sau khi Lê Khả Phiêu mất chức hơn ba năm sau, Ban Bí Thư lại được tái lập.
Nếu đại hội đảng cứ mỗi năm năm lại họp một lần để bầu những ủy viên trung ương đảng và đề ra chính sách chung thì “Hội Nghị Trung Ương Ðảng”, gồm khoảng trên dưới 150 ủy viên mỗi năm lại họp hai hay ba lần để thích ứng với những biến chuyển mới của tình hình. Những ủy viên trung ương đảng là những đảng viên cao cấp nhiều quyền lực nhất, trong đó ngoài những ủy viên Bộ Chính Trị còn có những bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc xí nghiệp quốc doanh, những tỉnh ủy, tư lệnh hay chính ủy quân khu ... Những quyết định quan trọng của chính phủ thật ra không phải xuất phát từ những cuộc họp của hội đồng nội các mà là từ những Hội Nghị Trung Ương Ðảng. Các bộ trưởng, thứ trưởng chỉ là những người thừa hành những nghị quyết hoặc của Bộ Chính Trị, hoặc của Trung Ương Ðảng.

Vì đại hội đảng cứ năm năm lại họp một lần, cho nên giữa hai đại hội đảng, có khoảng hơn mười đại hội trung ương đảng, trong đó đại hội trung ương lần chót thường quan trọng nhất, vì đó là lúc chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi nhân sự hay chính sách của đại hội đảng kế tiếp. Thứ tự những Hội Nghị Trung Ương Ðảng được đánh dấu từ ngay sau mỗi đại hội đảng, thí dụ sau đại hội đảng lần thứ VI năm 1986 vài tháng, có hội nghị của các ủy viên trung ương đảng được gọi là hội nghị trung ương lần thứ nhất, khóa VI. Hội Nghị Trung Ương Ðảng tháng 4 năm 2006 được gọi là Hội Nghị Trung Ương Ðảng thứ 15, khóa IX. Chính hội nghị này đã quyết định nhân sự trong Bộ Chính Trị cũng như danh sách những ủy viên trung ương đảng mới để cho đại hội đảng lần thứ X biểu quyết chấp thuận.

Hội Nghị Trung Ương Ðảng bất cứ lúc nào cũng có thể bầu thêm hay loại bỏ một vài ủy viên Bộ Chính Trị. Thí dụ, năm 1994, trung ương đảng bầu thêm Lê khả Phiêu cùng 3 người nữa vào Bộ Chính Trị, và năm 2001, dù Bộ Chính Trị có đề nghị để Lê khả Phiêu làm Tổng Bí Thư thêm một nhiệm kỳ, nhưng đề nghị này bị Hội Nghị Trung Ương Ðảng trước ngày đại hội đảng loại bỏ.

Các đại biểu Quốc Hội cũng là những người có địa vị quan trọng trong các cơ quan, tuy danh sách những ứng cử viên là do ban tổ chức đảng hay một cơ quan trực thuộc là Mặt trận Tổ quốc lựa chọn mà đại đa số là những đảng viên cốt cán. Các ứng cử viên cũng không cần vận động tranh cử và cũng không nhất thiết phải sinh sống ở những nơi mình đại diện. Thường thì Quốc Hội chỉ họp để hợp thức hóa những đạo luật theo tinh thần những chỉ thị hay nghị quyết mà đảng đưa ra. Nguyên chánh văn phòng Quốc Hội Nguyễn Tấn Gi Trọng nhận xét “Bây giờ thậm chí bài phát biểu của đại biểu Quốc Hội còn phải trình cấp trên duyệt trước”. Tệ hơn nữa, chẳng hạn khi chính phủ thông báo là ngày 9-6-2000, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Hiệp ước Biên giới trên đất liền ký với Trung Hoa cuối năm 1999, thì thật ra hầu hết các đại biểu Quốc Hội không ai biết gì về chi tiết bản hiệp ước. Mấy năm gần đây, Quốc Hội tương đối được giao thêm chút quyền hành, chẳng hạn có thể triệu tập bộ trưởng ra công khai đối chất, nhưng cũng chỉ là hình thức vì Quốc Hội không có quyền hạn gì để đưa ra những biện pháp chế tài. Vì hầu hết đại biểu Quốc Hội đều là những đảng viên đã được đảng hay Mặt Trận Tổ Quốc thanh lọc nên tất cả đều bị sự chi phối của đảng. Mỗi nhiệm kỳ, thường thì Mặt Trận Tổ Quốc cũng cử thêm vài người không phải đảng viên nhưng ngoan ngoãn nghe lời vào Quốc Hội để tỏ ra là cũng có dân chủ.

Những người này muốn lập công lại càng bảo thủ hơn đảng viên, thí dụ trường hợp bà Ngô Bá Thành. Riêng về ngành tư pháp của những nước Cộng Sản thì hoàn toàn chỉ là hình thức, thi hành những quyết định của đảng, chẳng hạn khi Chu Minh Tuấn, một cán bộ cao cấp ở Hải Phòng gian lận bán đất của công, tỉnh ủy Nguyễn Văn Thuận can thiệp cho khỏi phải ra tòa hình sự để bị kết án tù, viên phó chánh án tỉnh đã thú nhận: “Trên đã nói mà mình không làm thì cũng khó”. Trong việc xử án, chánh án luôn đứng về phe công tố, ngăn cản người bị buộc tội không cho có ý kiến, nhiều khi còn mạt sát nạn nhân.

Do bản chất cực đoan và cuồng tín của chủ nghĩa Mác-xít và Lê-nin-nít,và vì dưới chế độ đảng trị, quyền lợi đi đôi với chức vụ cho nên những tranh chấp nội bộ của những lãnh tụ Cộng Sản diễn ra tương đối khốc liệt.
Trong đảng Cộng Sản Việt Nam, sự tranh giành quyền lực trong bóng tối tuy không dã man như thời Staline, tàn bạo như thời Mao Trạch Ðông, nhưng những thủ đoạn được dùng cũng rất tinh vi. Trong những năm gần đây, sự tranh giành quyền hành được coi như xảy ra giữa hai phe nhóm (hay bè phái) trong đảng, tạm gọi là bảo thủ và tiến bộ (đúng hơn là thực dụng). Hai từ ngữ bảo thủ và tiến bộ này đúng ra chỉ áp dụng được về phương diện kinh tế. Ông Ðặng Văn Việt, anh hùng quân đội Cộng Sản trong chiến tranh Ðông Dương I, năm 2006 đã phân biệt hai xu hướng chính trị ở Việt Nam đúng nghĩa hơn như sau “bảo thủ là những người có chức, có quyền, có thể bắt bớ và gán tội người khác, còn tiến bộ là những người không chức không quyền, chỉ có ngòi bút và cái mồm”.

Những người được coi như tiến bộ như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Minh Triết... sẽ không bao giờ được giao cho nắm quyền hành nếu về chính trị, họ không hết lòng tin vào chuyên chính vô sản. Bảo thủ hay giáo điều, tin tưởng vào chủ nghĩa Mác nhiều hơn, thường là những cán bộ nắm quyền điều hành các cấp của đảng, nhất là các ngành quân đội, công an, thông tin văn hóa... Trong khi đó, đầu óc “thoáng và mở” hơn phần lớn là các cán bộ và tỉnh ủy ở miền Nam, hay các viên chức chính phủ thuộc các ngành thương mại, ngoại giao... Tuy căn bản của kinh tế thị trường đi ngược với lý thuyết của Mác, nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải dựa vào kết quả hiển nhiên của chính sách kinh tế này để biện minh cho sự lãnh đạo độc tôn của đảng, nói là nhờ có đảng mà họ đã có được một đường lối kinh tế “đúng đắn”. Các cán bộ cao cấp của đảng dù bảo thủ đến đâu cũng biết đảng sẽ tan rã nếu kinh tế và đời sống nhân dân sa sút. Ðiều này chỉ có thể thực hiện được nhờ kinh tế thị trường và sự hội nhập vào kinh tế thế giới. Hơn nữa, nhân danh phương châm của Cộng sản là trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa “làm theo lao động, hưởng theo chức vụ”, các lãnh tụ Cộng đảng chức vụ càng cao càng tự cho mình phải có quyền lợi nhiều hơn.

Dù lương chính thức rất thấp, nhưng với chức vụ và quyền hành, họ làm “ô dù” để gia đình và họ hàng tham gia hay thiết lập những dịch vụ hay công ty béo bở. Do đó mà phe đổi mới trong mấy năm nay vẫn giữ được vị thế ngang ngửa trong đảng. Nhờ dân trí tương đối cao, vị trí địa dư thuận lợi, đất đai nhiều tài nguyên và bắt đầu từ một căn bản kinh tế thấp kém khiến cho Việt Nam có một số điều kiện ốt để thu hút tư bản ngoại quốc vào phát triển (giá nhân công rẻ mạt so với các nước lân cận, thị trường đông đảo 80 triệu dân, môi trường đầu tư chưa được khai thác...)

Trong hơn mười năm qua, Việt Nam đã đạt được một số thành quả kinh tế nhất định. Tuy nhiên, mức sống người dân vẫn thua xa những nước trong vùng như Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân...

Vì địa vị và quyền hành độc tôn (của định hướng xã hội chủ nghĩa) trên lý thuyết không đi đôi với tiền bạc (kiếm được do kinh tế thị trường). Hơn nữa, hệ thống quyền lực lại là một hệ thống bí mật của đảng ủy nên những nhũng lạm dễ dàng được bao che. Khi Ðào Ðình Bình, bộ trưởng Giao Thông Công Chánh, bị Quốc Hội tra vấn về vụ tham nhũng của vụ PMU 18, ông ta thản nhiên trả lời là ông thuộc diện “trung ương quản lý, đã trả lời cho trung ương đảng”, khiến cho Quốc Hội và ngay cả Thủ Tướng Phan Văn Khải cũng không thể làm gì ông ta được. Suốt 20 năm qua, những cán bộ lãnh đạo nào của đảng cũng nói đến đổi mới và nói đến bài trừ tham nhũng nhưng tệ nạn tham nhũng vẫn luôn luôn tràn lan.

Ðể duy trì sự hợp pháp của chế độ, chính quyền Cộng Sản hiện đang theo đuổi một chính sách kinh tế được gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ðó thật ra chỉ là hai mặt của những biện pháp bảo vệ chế độ. Kinh tế thị trường, dù đi ngược với chủ nghĩa Mác, đã giúp cho đời sống kinh tế của người dân thoải mái hơn, giống như một hình thức vuốt ve, mua chuộc, còn định hướng xã hội chủ nghĩa là nhân danh chuyên chính vô sản để răn đe dọa nạt người dân.

Trong tương lai gần, sẽ khó có những thay đổi nhanh chóng trong tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam. Tuy không còn ai tin vào những danh hiệu tự do, dân chủ, bình đẳng, thế giới đại đồng... của chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng nó vẫn là một đảng độc tôn và có nhiều đảng viên trung thành vì chỉ đảng viên, dù bảo thủ hay tiến bộ, mới có thể có những đặc quyền đặc lợi như quyền cao chức trọng, nhà cao cửa rộng, xe cộ, cơ hội ra nước ngoài, con cháu lý lịch tốt được du học, trở về làm việc ở những cấp lãnh đạo (như Nông Ðức Mạnh/ Nông Ðức Tuấn, Ðặng Xuân Khu/ Ðặng Xuân Kỳ, Trần Ðức Lương/ Trần Anh Tuấn, Lê Ðức Thọ/ Lê Nam Tiến, Ðào Duy Tùng/ Ðào Duy Quát, Nguyễn Cơ Thạch/Phạm Bình Minh, Ðặng Vũ Chính/ Vũ Quốc Dũng...) và rồi họ cũng vẫn muốn giữ nguyên tình trạng đặc ân như vậy. Một số cán bộ lãnh đạo đảng như Võ Văn Kiệt, Ðoàn Duy Thành, Trần Ðộ, Nguyễn Trung Thành, Lê Hồng Hà... chỉ bắt đầu chê trách những hành vi của đảng sau khi đã không còn nắm quyền hành. Ngoài ra, dù cho đảng có thay đổi hơn một nửa số ủy viên trung ương cũng như số ủy viên Bộ Chính Trị mỗi năm năm, những người mới này đều được những người cũ lựa chọn và dĩ nhiên, họ chỉ chọn những người có quan điểm chính trị tương tự để bảo vệ ưu quyền của họ.

Vì tất cả những thay đổi nhân sự hay thay đổi chính sách quan trọng đều bắt đầu từ những đại hội đảng, được họp mỗi năm năm. Những diễn biến chính trị của Việt Nam sẽ được trình bày theo những giai đoạn năm năm đó, bắt đầu từ Ðại Hội IV tổ chức ngày 14 đến ngày 20 tháng 12 năm 1976 tại Hà Nội.

Phần I

Chính Quyền Cộng Sản Việt Nam Sau Ðại Hội IV (1976-1982)

Vào tháng 8 năm 1976, tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia không liên kết ở Tích Lan, đến lượt một người da ngăm đen, miệng luôn mỉm cười bước lên diễn đàn đọc diễn văn. Ông ta được những lãnh tụ của khối trung lập vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt vì ông là thủ tướng của một nước Việt Nam vừa chiến thắng và thống nhất. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, những lời lẽ trong bài diễn văn của con người có bề ngoài hòa nhã này đã gây kinh ngạc và tức giận cho những nhà lãnh đạo các quốc gia trong vùng. Ông tuyên bố Việt Nam vẫn coi những quốc gia ASEAN lân bang như những công cụ đế quốc và sẽ không bao giờ quên là những quốc gia này đã giúp Hoa Kỳ trong những năm chiến tranh. Ông còn nói tiếp là Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ nhân dân những quốc gia này đạt được một nền “độc lập thật sự”(1).

Bài diễn văn hàm ý đe dọa và ngạo mạn của Phạm Văn Ðồng tại đại hội thượng đỉnh kể trên đã thể hiện cái khí thế đang lên của những nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam nói riêng và phong trào Cộng Sản nói chung lúc đó. Chiến thắng 1975 của Bắc Việt Nam đã được coi như một minh chứng cho sự ưu việt của chủ nghĩa Marx và sự suy yếu của phe tư bản. Vì thế, theo họ, đường lối xã hội chủ nghĩa là một đường lối sáng suốt, đúng đắn, tiên tiến và Việt Nam sẽ cương quyết đi theo con đường đó, về đối nội cũng như đối ngoại.

Trong những năm cuối của thập niên 70, quyền cai trị Việt Nam vẫn nằm trong tay những ủy viên Bộ Chính Trị già nua đã được bầu trong đại hội Ðảng lần thứ ba từ năm 1960. Những ủy viên được bầu năm đó gồm có: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Ðồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Lê Ðức Thọ và Lê Thanh Nghị. Trong số những người này, Hồ Chí Minh, Nguyễn Chí Thanh đã chết, Hoàng Văn Hoan bị cô lập vì chủ trương thân Trung Hoa quá lộ liễu. Võ Nguyên Giáp luôn bị Lê Duẩn chèn ép, nên sau cái chết của Hồ Chí Minh, dần dần bị mất uy thế. Trường Chinh tuy mất chức sau Cải Cách Ruộng Ðất, xuống vị trí thứ 2 nhưng nhẫn nhịn để yên phận. Thực quyền lãnh đạo đảng Cộng Sản nằm trong tay Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ.

Sự liên kết giữa Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ đã có từ nhiều năm. Lê Duẩn là một cán bộ kỳ cựu hoạt động tại miền Nam cùng thời với Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai... và đã bị Pháp bắt đày ra Côn đảo, nhưng trong năm 1945, khi phong trào kháng chiến nổi lên chiếm được chính quyền tại Sài gòn một thời gian ngắn, những người trong Ủy ban Hành Chính Kháng Chiến Nam Bộ đã không cho người ra đón Lê Duẩn ngay. Mấy tuần sau mới được đón về Sài gòn thì Lê Duẩn vẫn bị bỏ quên, không được trọng dụng cho đến khi Lê Ðức Thọ vào Nam. Sau hiệp định Genève, Lê Duẩn tập kết ra Hà Nội và khi Trường Chinh bị mất chức Tổng Bí Thư, Lê Duẩn được cất nhắc lên làm Bí thư thứ nhất. Tuy trong thời gian đó, nhờ chiến thắng Ðiện Biên Phủ, uy tín của Võ Nguyên Giáp rất cao, nhưng Hồ Chí Minh đã lựa chọn Lê Duẩn có lẽ vì đảng Cộng Sản đang mưu toan xâm nhập và khởi sự gây loạn ở miền Nam. Lê Duẩn tuy sinh đẻ tại miền Trung nhưng đã hoạt động lâu năm tại miền Nam. Ðề cử Lê Duẩn làm bí thư thứ nhất là một biện pháp lấy lòng nhân dân miền Nam, chứng tỏ họ vẫn coi nước Việt Nam là một. Một lý do khác là có thể Hồ Chí Minh cũng e ngại uy tín của Võ Nguyên Giáp sau trận Ðiện Biên Phủ. Ðồng thời với sự thăng tiến của Lê Duẩn năm 1956, Lê Ðức Thọ cũng được thay Lê Văn Lương giữ trọng trách trưởng ban tổ chức đảng.

Vì mới từ miền Nam ra, không có hậu thuẫn mạnh trong đảng cũng như uy tín đối với nhân dân miền Bắc, Lê Duẩn phải dựa vào Lê Ðức Thọ, để cho Lê Ðức Thọ mặc tình thao túng chính sách và nhân sự của đảng và nhà nước. Vì lý do chiến tranh, trong suốt hơn hai chục năm sau 1960, đã không có đại hội đảng nào được triệu tập, Lê Ðức Thọ với cương vị trưởng ban tổ chức đã có toàn quyền thay đổi, sắp xếp và thay đổi nhân sự trong đảng cũng như trong chính phủ. Dưới tay Lê Ðức Thọ, còn có Nguyễn Ðức Tâm, giữ ban chỉ đạo trung ương, Trần Quyết, trưởng ban kiểm tra, Hoàng Thao, trưởng ban nội chính, Nguyễn Ðình Hưởng, ban bảo vệ chính trị, Nguyễn Trung Thành, ban bảo vệ đảng. Trong quân đội, Lê Ðức Thọ dùng Nguyễn Chí Thanh rồi Song Hào và Ðại Tá Kính Chi (cục bảo vệ chính trị quân đội) để kiểm soát. Những người này cùng với Trần Quốc Hoàn, bộ trưởng Bộ Công An, tạo nên một bộ máy hữu hiệu kiểm soát tất cả những sinh hoạt của nhân dân cũng như cán bộ (2).

Người được coi như cái gai trước mắt của Lê Duẩn là Võ Nguyên Giáp. Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, uy tín của Võ Nguyên Giáp đối với thế giới bên ngoài rất lớn, ngang với Hồ Chí Minh cho nên giữa Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp đã có sự ghen ghét. Dù Lê Duẩn được cử làm bí thư thứ nhất, nhưng Hồ Chí Minh, để chia bớt quyền lực của Lê Duẩn, vẫn để cho Võ Nguyên Giáp làm bí thư quân ủy trong khi Lê Duẩn, dù là bí thư thứ nhất của đảng, chỉ được làm phó bí thư cho Võ Nguyên Giáp trong quân ủy. Vì thế, Lê Duẩn luôn luôn tìm cách nâng đỡ Nguyễn Chí Thanh (3) để cuối cùng, từ đầu thập niên 1960, Nguyễn Chí Thanh đã trở nên một đối thủ của Võ Nguyên Giáp. Trong thời gian Khrushchev cầm quyền ở Liên Xô và hạ bệ Staline, Lê Duẩn nghiêng về Trung Hoa và gán cho Võ Nguyên Giáp là có khuynh hướng xét lại. Tuy Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh che chở nên được yên thân nhưng một số những người thân tín dưới quyền đã bị bắt và Võ Nguyên Giáp cũng không dám lên tiếng bênh vực.

Càng những năm về sau, thế lực của nhóm Duẩn và Thọ càng mạnh, lấn lướt cả Hồ Chí Minh cho nên sau năm 1972, Võ Nguyên Giáp mất chức Tổng tham mưu trưởng quân đội. Sau khi Hồ Chí Minh chết, Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ đã dần dần hạ tầng công tác và cuối cùng, khai trừ luôn Võ Nguyên Giáp. Trong nhiều năm, Lê Duẩn vẫn thường công khai chê trách tài cầm quân của Võ Nguyên Giáp (4).

Năm 1975, sau khi đã chiếm được miền Nam, đảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức đại hội đảng lần thứ tư từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976 để thích ứng với tình hình mới. Vì mới thống nhất, số ủy viên trung ương đảng được tăng lên từ 77 lên 133 người, số ủy viên Bộ Chính Trị cũng được tăng từ 11 lên 14 người cùng với 3 ủy viên dự khuyết, xếp theo thứ tự gồm có:

1. Lê Duẩn, được cải danh từ bí thư thứ nhất lên Tổng Bí Thư.
2. Trường Chinh, kiêm nhiệm chủ tịch Quốc Hội.
3. Phạm Văn Ðồng, Thủ Tướng.
4. Phạm Hùng, Phó Thủ Tướng.
5. Lê Ðức Thọ, Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Ðảng.
6. Võ Nguyên Giáp, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng.
7. Nguyễn Duy Trinh, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao.
8. Lê Thanh Nghị, Chủ Tịch UƯy Ban Kế Hoạch Nhà Nước.
9. Trần Quốc Hoàn, Bộ Trưởng Bộ Công An.
10. Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội.
11. Lê Văn Lương, Bí Thư Thành UƯy Hà Nội.
12. Nguyễn Văn Linh, Bí Thư Thành UƯy Thành Phố Hồ Chí Minh.
13. Võ Chí Công, Kiêm Nhiệm Bộ Trưởng Bộ Hải Sản.
14. Chu Huy Mân, Chủ Nhiệm Tổng Cục Chính Trị Thay Song Hào.

Song Hào đã mất chức vì trong cuộc chiến 1972, quân Cộng Sản chết quá nhiều ở Quảng Trị và theo Nhật Ký Trần Quỳnh, Song Hào đã đổ lỗi lầm này cho Lê Duẩn. Người thay Song Hào là Chu Huy Mân, trước 1954 là một trung đoàn trưởng tham dự trận đánh Ðông Khê, sau vào Nam đóng ở mật khu An Lão, vùng Bình Ðịnh, từng tham dự trận đánh Ia Drang. Sự lên chức mau lẹ của Chu Huy Mân vượt qua khỏi những tướng lãnh có chức vụ cao và thâm niên hơn như Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thảo... cho thấy quyết tâm của Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ muốn loại trừ những người đã từng phục vụ lâu năm dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp.

Ba ủy viên dự khuyết trong Bộ Chính Trị lần này là Tố Hữu, Võ Văn Kiệt và Ðỗ Mười. Sau khi chiến thắng, không còn cần phải che giấu, đại hội đảng lần này cũng quyết định bỏ đi cái tên đảng Lao Ðộng mà lấy lại tên là đảng Cộng Sản Việt Nam. Ðể chứng tỏ quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa Cộng Sản, tên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được đổi thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tạp chí Học Tập, tạp chí chính thức của đảng cũng trở nên tạp chí Cộng Sản. Tôn Ðức Thắng được tiếp tục giữ chức chủ tịch nước (5). Hai phó chủ tịch là Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Hữu Thọ.

Trong thành phần Bộ Chính Trị được bầu lần này, Hoàng Văn Hoan đã bị loại sau đó trốn sang Trung Hoa, Võ Nguyên Giáp còn được giữ lại do uy tín trong quân đội nhưng bị đẩy xuống đứng sau Lê Ðức Thọ. Tuy Bộ Chính Trị có thêm vào những nhân vật mới từ miền Nam ra như Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công... nhưng thực quyền vẫn nằm trong tay của những ủy viên cao cấp đã từng nắm quyền suốt hơn hai chục năm qua, nhất là Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ. Vì thế, đường lối chính sách của đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn không có gì thay đổi.

Trong những ủy viên cao cấp Bộ Chính Trị lúc đó, Phạm Văn Ðồng luôn luôn yên phận để ngồi yên chức thủ tướng, Trường Chinh dù là một cán bộ lão thành nhưng uy tín đã bị suy giảm sau vụ Cải cách ruộng đất. Ông ta được yên thân vì sau khi bị mất chức Tổng Bí Thư năm 1956, đã không bao giờ tỏ ra bất mãn hay đối nghịch với Lê Duẩn và cũng là người miền Bắc duy nhất trong những lãnh tụ cao cấp của Bộ Chính Trị. (trong đảng, ba người thứ tự cao cấp nhất của Bộ Chính Trị thường là từ ba miền Bắc, Trung, Nam. Lê Duẩn người miền Trung, Phạm Hùng, miền Nam). Vì thế phe cánh của Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ trong Bộ Chính Trị sau đại hội đảng lần thứ tư được thêm vào Văn Tiến Dũng và Chu Huy Mân lại càng được củng cố...

Riêng những người thuộc Mặt Trận Giải Phóng chỉ có Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình được cho giữ những chức vụ không có quyền hành, còn những người khác như Trịnh Ðình Thảo, Lâm Văn Tết, Trương Như Tảng... bị gạt ra ngoài (6). Những nhân vật thân Cộng như Ngô Công Ðức, Lý Quí Chung (7), Lý Chánh Trung, Trần Thúc Linh, Nguyễn Hữu Hạnh, Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Cứ... phải học một lớp học chính trị mà người dạy là Vũ Khiêu, xuất thân là một giáo viên ở Lạng Sơn. Bài “thu hoạch” của họ, nội dung chỉ là phản tỉnh và cong lưng qui thuận được đăng lại trên báo Ðại Ðoàn Kết để làm công cụ tuyên truyền.

(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.