Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

CPI thấp không phải hoàn toàn nhờ chính sách đúng

CPI thấp không phải hoàn toàn nhờ chính sách đúng


16/03/2014
Tại buổi họp báo gần đây nhất của Bộ Công thương, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước đã khẳng định CPI tăng mức thấp nhất trong năm qua là nhờ các chính sách vĩ mô chứ không phải do sức mua giảm. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng quản lý năm 2013 trong một số lĩnh vực, sẽ thấy ngay rằng nguyên nhân CPI tăng ở mức thấp không phải hoàn toàn như lời nhận định trên. 
 
CPI thấp không phải hoàn toàn nhờ chính sách đúng
CPI tăng ở mức thấp không phải hoàn toàn nhờ chính sách vĩ mô.
Chính sách thiếu hiệu quả
Thứ nhất, về chính sách tài khóa, việc Nhà nước giảm đầu tư công là một trong các biện pháp hiệu quả để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc đầu tư công giảm mạnh “không phải do Chính phủ chủ động cắt giảm mà là do nguồn lực có vấn đề”.
Thực tế nguồn lực của ngân sách không còn đủ cho đầu tư công. “Cứ như vậy thì đến cả Quốc hội cũng không kiểm soát được” - chuyên gia tài chính TS. Vũ Đình Ánh từng cảnh báo. TS. Trần Du Lịch cũng đã nhiều lần nhận định rằng: “lâu nay các cơ quan dân cử không thể kiểm soát được đầu tư công”.
Hơn nữa, nếu so sánh tỉ lệ đầu tư công và nợ công sẽ thấy một nghịch lý đó là dù đầu tư công giảm nhưng nợ công lại tăng. Vậy số tiền đó chạy đi đâu? 
Bên cạnh đó, dù giúp kiềm chế mức tăng CPI nhưng chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt cũng kiềm chế luôn cả sức mua của thị trường. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Mai Xuân Hùng nhận định tăng trưởng và lạm phát tại Việt Nam luôn là bạn đồng hành của nhau. Nên lạm phát thấp cũng đồng nghĩa với việc không có tăng trưởng hoặc tăng trưởng thấp.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cũng đồng tình với ý kiến này và cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát sẽ khá thuận lợi nhưng để đảm bảo mức tăng trưởng lại khá khó khăn.
Thứ hai, về việc phân bổ nguồn lực và cân bằng cơ cấu các ngành kinh tế, thì nhà nước cũng không thể thực hiện tốt vai trò của mình khi không thể định hướng và đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Dẫn đến giá nông sản ở một số khu vực như Đức Trọng (Lâm Đồng) rớt giá thảm hại, từ 8.000 đồng/kg cà chua, 12.000-15.000 đồng/kg cà rốt giai đoạn trước Tết, xuống còn 500 đồng/kg cà chua loại đẹp nhất và 1.500-3.000 đồng/kg cà rốt ngay sau Tết. Đến nỗi người dân phải bỏ rục trên đồng hoặc cho người nuôi bò tự thu hoạch đưa về làm thức ăn cho bò vì không đủ tiền công thu hoạch.
Vào tháng 6.2013, trong khicác mặt hàng đều có xu hướng tăng thì các mặt hàng lương thực, thực phẩm lại giảm,khiến nông dân thua lỗ và phải thắt lưng buộc bụng với các nhu cầu thiết yếu. Dù vậy, giá nông sản và lúa gạo giảm đã giúp đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, cho CPI khả quan hơn và lạm phát giảm đi, tạo điều kiện để chính phủ điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô. Nên có thể nói rằng, chính những người nông dân đã hi sinh để bù đắp cho khó khăn của nền kinh tế, cho các doanh nghiệp. 
Thứ ba, khả năng kiểm soát giá của chính phủ chưa ổn định được giá cả của các mặt hàng thiết yếu, cũng như khó kiểm soát sự thống lĩnh làm lũng đoạn thị trường. Điển hình là sự tăng giá của điện và xăng trong thời gian qua khi hai tập đoàn liên tục báo lỗ và tăng giá. 
TSKH. Nguyễn Thị Hiền đánh giá, với xăng dầu, tình trạng không ăn khớp với biến động giá thế giới tại mỗi lần điều chỉnh giá vẫn diễn ra. Kịch bản giảm ít, tăng nhiều vẫn như trước đây.
Còn về điện, quản lý nhà nước cũng thể hiện sự thiếu hiệu quả khi liên tục đẩy giá điện tăng cao với lý do muôn thuở là lỗ.
Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: “Muốn lợi nhuận cao thì giá thành phải giảm. Còn nếu để giá thành vống lên, không chịu giảm thì không bao giờ có lãi”. PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ - Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng cũng lưu ý rằng hệ thống quản lý của ngành điện còn cồng kềnh, trong khi, EVN thường chỉ nói về doanh thu tăng mà ít nói về việc phải giảm chi phí để tăng lợi nhuận.
Thứ tư, việc phân bổ các nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp không thực sự hợp lý, đến nỗi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng đưa ra nhận định: “Không ít doanh nghiệp bất động sản được hỗ trợ thì lại không muốn cứu vì chờ Chính phủ, ngân hàng cho giãn nợ, khoanh nợ. Doanh nghiệp cần cứu thì lại không được cứu”. Điều này khiến hàng loạt doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tiếp tục phá sản.
Căn nguyên thực sự
Như vậy, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội – nhận định rằng lạm phát xuống thấp không phải do chúng ta giỏi trong điều hành. CPI không tăng là vì dân không có tiền để chi tiêu.
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Ngô Trí Long cũng nhận định CPI giảm là do sức mua cạn kiệt, hàng tồn kho lớn. Khi sức mua thấp, hàng tồn kho tăng cao, nhiều doanh nghiệp bán đại hạ giá để cắt lỗ, nhằm bảo toàn vốn, thậm chí nhiều doanh nghiệp giải thể.
Và theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm thì CPI giảm cũng không có ý nghĩa với người dân, vì có dám tiêu tiền đâu mà được hưởng lợi nhiều từ việc giảm giá. Nền kinh tế đã chìm sâu vào trong suy giảm, sản xuất hàng hóa không có đầu ra, tồn kho vẫn rất lớn, sản xuất đình đốn, doanh nghiệp phá sản tiếp tục gia tăng... Tình hình rất đáng báo động. Không nên tiếp tục ru mình trong ảo giác về thành tích kiềm chế lạm phát". 
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã khẳng định người dân thắt chặt chi tiêu, nông dân không bán được sản phẩm hoặc dưới giá thành, hàng lậu hàng giả tràn lan, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, giá cả vẫn đứng ở mức cao... là các nguyên nhân khiến cho sức cầu chậm lại.
Vì vậy, CPI giảm chủ yếu là do cầu yếu, còn vai trò điều hành chính sách của Nhà nước chỉ chiếm 20%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.