Vì sao vẫn còn réo gọi ‘Ba Thi’, ‘Ba Toàn’, ‘Võ Văn Kiệt’…?
5-5-2023
Trên tờ VietnamNet hôm nay có bài “Vì sao phải sợ?” viết về câu chuyện bộ máy chính quyền trì trệ, sợ trách nhiệm ở TP.HCM hiện nay.
Một lần nữa câu chuyện “xé rào”, những năm 1980 lại được nhắc lại với những tên tuổi như Ba Thi, Ba Toàn, Võ Văn Kiệt…
Ta nói, nghe chán gì đâu.
Tác giả lại còn đòi cán bộ phải “không tính lợi ích riêng tư”, phải “đặt lợi ích nhân dân trên tất cả” nữa.
Ô thế cán bộ không có gia đình, không có vợ chồng con cái, không phải ăn cơm mặc áo hay sao?
Ô thế con cán bộ có được học miễn phí ở trường quốc tế không? Gia đình cán bộ có được ở chung cư cao cấp, ăn cơm nhà hàng, đi du lịch nước ngoài miễn phí cả đời hay không mà đòi hỏi chi gắt vậy?
Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải dứt khoát từ bỏ lối tư duy “không tưởng” và sặc mùi duy cảm này đi.
Chúng ta phải mở to mắt ra, nhìn thẳng vào thực tế đang phơi bày ngoài kia, và can đảm dùng lý trí của mình để mà xét đoán cho thật rạch ròi.
Thực tế, khoảng cách lớn về lương giữa khu vực tư nhân và nhà nước đang ngày càng lớn thêm. Một quản lý chuyên môn trong một công ty hạng vừa ở TP.HCM hiện nay cũng có thể nhận mức lương lên đến 200 triệu đồng một tháng, tức là gấp khoảng mười lần mức lương một ông lãnh đạo Sở của thành phố hiện nay.
Thực tế, trách nhiệm và khối lượng công việc của lãnh đạo một ban quản lý dự án, như ban quản lý phát triển nhà xã hội của TP.HCM chẳng hạn, tương đương (thậm chí còn nặng nề hơn) lãnh đạo một ban quản lý dự án nhà ở thương mại của Vingroup hay Novaland. Nhưng thử hỏi, liệu mức lương họ được nhận sẽ bằng mấy phần so với mức lương mà các công ty như Vingroup nay Novaland trả cho những người đồng cấp của họ trong khối tư nhân?
Thực tế, từ những năm 2000 đã có một làn sóng lớn cán bộ, công chức rời khỏi nhà nước để chuyển sang khối tư nhân. Khi đó, thảo luận về Luật Cán bộ, công chức, nhiều người đã phải giật mình trước con số hơn 1.000 cán bộ, công chức nghỉ việc mỗi năm ở TP.HCM, trong số đó có cả những người làm đến cấp Phó giám đốc Sở. (Sự yếu kém, trì trệ của bộ máy chính quyền TP.HCM hiện nay phải chăng là hậu quả của quá trình chảy máu chất xám lâu dài này?)
Đó là những thực tế mà chúng ta phải nhìn vào và sòng phẳng với nhau.
Bây giờ không còn là “thời của nhân dân khốn khó” để có thể đòi hỏi cán bộ, công chức “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” được nữa. Lương bổng không phải là tất cả, nhưng nó phải được xác định là động lực thiết yếu để cán bộ, công chức làm việc và tận tâm cống hiến.
Một công ty tư nhân muốn tuyển dụng được người người tài họ phải đưa ra được một mức đãi ngộ xứng đáng thì một cơ quan nhà nước cũng vậy.
Bây giờ mà đòi hỏi các ông bà cán bộ đặt “số phận của mình vào với số phận của nhân dân khốn khó” thì thật nực cười, bởi họ sẽ ngay tức khắc nghĩ đến những nhân dân khác “không hề khốn khó” quanh họ.
Muốn cán bộ, công chức làm việc tận tâm (không nhũng nhiễu), trước hết hãy cho họ một sự tưởng thưởng, đãi ngộ xứng đáng.
Vào những năm 1980, khi tiến hành cải cách chế độ lương bổng, Singapore đã xác định động cơ tham nhũng trong khối nhân viên nhà nước và quan chức có thể giảm bớt nếu lương và phụ cấp của họ “có tính cạnh tranh với khu vực tư nhân”. Thủ tướng Singapore khi đó, Lý Quang Diệu, đã nói: “Cách hay nhất chống tham nhũng là đi cùng thị trường, thay vì thói đạo đức giả đã tạo nên tham nhũng”.
Việt Nam bây giờ cũng vậy, phải tìm cách thay đổi hệ thống tiền lương, sao cho lương bổng khối nhân viên và quan chức nhà nước theo sát được thực tế thị trường, cạnh tranh được với khối tư nhân. Đó mới là điều chúng ta phải làm chứ không phải là réo gọi đòi cán bộ phải có “đức hy sinh”, phải “bất chấp tất cả”, “cống hiến hết mình” như những Ba Thi, Ba Toàn, Võ Văn Kiệt… ngày xưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.