Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2023

Vị giáo sư cây lúa hiến kế giải bài toán ‘được mùa rớt giá’

 

Vị giáo sư cây lúa hiến kế giải bài toán ‘được mùa rớt giá’

Phạm Sơn

TheLEADER- Nông dân thích làm ăn riêng lẻ, manh mún, tự theo ý mình, không chủ trọng hợp tác, liên kết chuỗi là một trong những nguyên nhân dẫn đến câu chuyện muôn thuở “được mùa rớt giá – được giá mất mùa”.

Đồng hành cùng bà con nông dân suốt nửa thế kỷ, GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường đại học Nam Cần Thơ, có lẽ đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần những câu chuyện nông sản được mùa nhưng giá tụt thảm hại, hoặc không bán nổi cho ai dẫn đến phải đi kêu gọi giải cứu.

Hiện nay, nông sản Việt đã được xuất khẩu đi khắp năm châu, một số mặt hàng bán được với giá cao, đem về lãi lớn cho bà con. Tuy nhiên, vị “giáo sư cây lúa” nhận xét, nhìn chung, vấn đề lớn của nông sản Việt vẫn là làm thế nào để “sống”, cạnh tranh được với nông sản ngoại ngay trên đất nước mình, sau đó là cạnh tranh với các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan.

Nguyên nhân được chỉ ra là bà con nông dân vẫn chủ yếu thích canh tác manh mún, riêng lẻ, tự làm theo ý mình. Một bộ phận nông dân tuy có vào hợp tác xã nhưng hợp tác xã hoạt động tốt vẫn chưa xuất hiện nhiều.

Cùng với đó, ông Xuân chỉ ra, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong nhiều trường hợp, nông dân ký kết với doanh nghiệp nhưng sẵn sàng lén bán ra ngoài khi được giá thay vì bán cho doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người” khi thấy đầu ra khó, bỏ mặc bà con với nông sản chất đống chờ giải cứu.

Thực tế, mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp hoàn toàn khả thi, có thể nhìn thấy ví dụ rõ nhất là câu chuyện ở ngành mía đường, có sự gắn bó mật thiết giữa nông dân trồng mía với nhà sản xuất đường. Tuy nhiên, mối liên kết này vẫn còn rất mờ nhạt và bất cập ở nhiều ngành nông sản khác, kể cả nông sản xuất khẩu chủ lực.

Từ phía thị trường quốc tế, nông sản Việt cũng không được đánh giá cao bởi chưa xây dựng được thương hiệu. Gần đây, thương hiệu “gạo ngon nhất thế giới” ST25 của TS. Hồ Quang Cua – người học trò của GS. Võ Tòng Xuân – đã bắt đầu tạo được tiếng vang, tuy nhiên lại rơi vào tình trạng thương hiệu dễ bị đánh cắp.

Mặt khác, một số doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu tốt ở thị trường nước ngoài, tuy nhiên lại chưa giữ vững được chất lượng sản phẩm, dẫn đến uy tín của thương hiệu bị giảm sút đáng kể.

Đi tìm lời giải

clip_image002

Vị giáo sư cây lúa Võ Tòng Xuân tại hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt". Ảnh: NLĐ

Theo Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, để nâng tầm thương hiệu nông sản Việt, từ đó ổn định đầu ra, đầu tiên cần phải nâng cao uy tín của nông sản Việt.

Để phát huy thế mạnh của nông sản cũng như sản phẩm truyền thống của từng địa phương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề ra chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, hầu như địa phương nào cũng có sản phẩm OCOP, tuy nhiên nhiều sản phẩm OCOP vẫn na ná nhau, không thực sự có tính độc đáo.

Do đó, ông Xuân đề nghị cần phải xem xét, tìm ra sản phẩm OCOP nào thực sự mang tính đại diện mỗi địa phương, từ đó đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới tiêu thụ cả ở thị trường quốc tế.

Ở cấp độ quốc gia, cần phải làm thương hiệu chung cho các loại nông sản, ví dụ như xây dựng thương hiệu vải thiều Việt Nam thay vì để cho các tỉnh trồng vải thiều “mệnh ai nấy chạy”. Bên cạnh đó, cần tìm kiếm thêm những loại nông sản chất lượng để xây dựng thành sản phẩm quốc gia, bởi có nhiều nông sản rất có tiềm năng nhưng chưa được chú trọng, tiêu biểu như khoai tây Thường Tín.

Về phía doanh nghiệp, ông Xuân nhấn mạnh cần phải quan tâm hơn đến bài toán xây dựng thương hiệu. Khi đã có thương hiệu, tất cả chuỗi sản xuất phải cùng nhau chăm sóc, giữ vững thương hiệu, làm sao để sản phẩm cho ra có chất lượng tương đồng với nhau.

Bên cạnh đó, để đồng nhất giá trị nông sản, không chỉ ngon mà còn phải sạch và thân thiện với môi trường, cần phải giải quyết bài toán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của bà con nông dân, cùng với việc kiện toàn khâu bảo quản, lưu trữ, vận chuyển và chế biến sau thu hoạch.

Giải pháp cuối cùng được “giáo sư cây lúa” đưa ra là hoạt động marketing. Theo đó, cần phải liên kết chặt chẽ, marketing với thông điệp rõ ràng, sao cho khách hàng dễ dàng nắm được ở Việt Nam có nông sản gì ngon, nông sản ở vùng nào, có thể xuất khẩu đi được những đâu.

P.S.

Nguồn: theleader.vn

https://theleader.vn/vi-giao-su-cay-lua-hien-ke-giai-bai-toan-duoc-mua-rot-gia-1682592159008.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.