Vẫn còn đó vết thương và nỗi đau của dân tộc!
30-4-2023
Năm nay, để “kỷ niệm” 48 năm sự kiện 30/4/1975, dường như nhà nước Việt Nam ít ồn ào hơn với những màn ăn mừng, ca nhạc ầm ĩ, duyệt binh rầm rộ như trong quá khứ.
Nhưng không phải vì họ đã thay đổi thái độ và cách nhìn về cuộc chiến, về sự kiện bi thương của dân tộc. Đơn giản, đó chỉ là vấn đề tổ chức, năm chẵn, năm lẻ, con số tròn trịa mà thôi. Cứ chờ sự kiện vào năm 2025 thì sẽ rõ. Sẽ hoành tráng hơn thôi!
Dẫu ít náo nhiệt hơn nhưng trên thực tế, nhà cầm quyền lại tỏ ra hết sức tinh vi thông qua ban Tuyên giáo. Ngay từ tháng 2, tháng 3, trên hệ thống báo chí và nhất là truyền hình, đã có nhiều phim tài liệu, phóng sự, được cho là mang tính lịch sử, nhưng thật ra vẫn là những luận điệu tuyên truyền về ngày 30/4/1975. Vẫn là tội ác “Mỹ nguỵ”, vẫn là “tay sai cho đế quốc”, vẫn là tội ác của một chế độ VNCH thối nát và tồi tệ,…
Đã 48 năm trôi qua, dẫu chiến thắng, nhưng chế độ này vẫn còn “dành” cho phân nửa đất nước và một thể chế chính trị đã bị xoá bỏ, những lời nguyền rủa, chê bai thâm độc nhất và tiểu nhân nhất. Vẫn là những chiêu bài tẩy não người dân, bất chấp thời đại thông tin toàn cầu. Họ vẫn miệt mài, thông qua sự độc quyền về hệ thống truyền thông và cả bộ máy an ninh sẵn sàng đàn áp và khủng bổ những tiếng nói phản kháng, tiếp tục cho ra đời những thế hệ trẻ bị nhồi sọ, vô cảm về lịch sử, nhưng lại rất “tư bản” để hưởng thụ, làm giàu và làm giàu…
Sự tuyên truyền nặng nề, đậm mùi giáo điều vẫn còn đó, tất nhiên cũng tinh vi hơn. Tất cả đều nhắm vào một mục đích duy nhất: tính chính danh của chế độ, của đảng cầm quyền.
Nhà nước vẫn hô hào giải, hoà hợp dân tộc và cho rằng đó là một “chủ trương, chính sách nhất quán” của chế độ nhưng thực tế thì vẫn là những chia rẽ, hận thù mà họ đang duy trì và kiên định theo đuổi.
Chúng ta được quyền đưa ra những câu hỏi hết sức cơ bản: Giờ này mà còn “giải phóng” và “thống nhất” đất nước làm gì nữa?
Không chỉ riêng chế độ, ngay cả nhiều người được cho là “trí thức cấp tiến” của miền Bắc, kêu gọi dân chủ hoá đất nước nhưng vẫn hô hào “giải phóng là đúng” và “thống nhất là cần thiết” và qua đó đánh giá cao vai trò và sứ mệnh “lịch sử” của đảng cộng sản!
Đối với họ, sai lầm sau đó là do những kẻ kế thừa…
Họ vẫn tin tuyệt đối rằng, đó là một cuộc chiến vĩ đại và họ mang một sứ mạng lịch sử đối với dân tộc. Họ vẫn không nhìn thấy rằng, chính lòng yêu nước của họ đã bị lợi dụng một cách hoàn hảo bởi những người lãnh đạo cộng sản, chủ trương bằng mọi giá, “giải phóng miền Nam” và “thống nhất đất nước”.
Với những suy nghĩ và nhận thức vấn đề của “kẻ cả”, của kẻ thắng trận thì làm sao hy vọng những vết thương của cuộc chiến đẫm máu dần dần được hàn gắn?
Muốn xoá bỏ đau thương và cả hận thù thì chế độ này có quá nhiều giải pháp nhưng nỗi lo sợ bị “mất Đảng” đã khiến họ tiếp tục duy trì và dung dưỡng sự hận thù và vết thương chiến tranh ấy.
Người viết còn nhớ, cách đây 5 năm, một cậu học trò người Thuỵ Sĩ, đã hỏi tại sao người cộng sản “thống nhất đất nước” nhưng lại có hàng triệu người phải bỏ nước ra đi và đỉnh điểm là thảm hoạ thuyền nhân với hàng trăm ngàn người bị chết nơi biển sâu?
Một câu hỏi hết sức căn bản nhưng vẫn còn quá nhiều người Việt vẫn không chịu hiểu hay muốn hiểu!
Cách đây gần 10 năm, người viết có gởi bài về sự kiện 30/4 cho một tờ báo mạng nhưng ban biên tập từ chối không đăng với lý do chủ đề cũ, không mang tính… thời sự, vả lại nhà nước Việt Nam không còn ăn mừng, chào đón sự kiện ấy một cách thái quá nữa! Hơn nữa, vẫn theo ban biên tập, những bài học lịch sử về biến cố ấy đã được tỉa rút hết rồi, không còn gì đáng nói nữa…
10 năm sau, vẫn không có gì thay đổi!
48 năm qua, cuộc chiến tranh này với điểm mốc lịch sử đen tối là ngày 30/4/1975 vẫn còn mang trong lòng nhiều câu hỏi quan trọng và nhiều sự thật lịch sử chưa được giải mã một cách nghiêm túc và khách quan.
Vì lịch sử vẫn đang được viết và ca ngợi bởi bên chiến thắng!
Chừng nào lịch sử vẫn thuộc về kẻ mạnh với những mỹ từ giáo điều hay những màn ăn mừng kỷ niệm, bất chấp oan hồn của hàng triệu nạn nhân cả hai bên, thì ngày ấy vết thương chiến tranh và nỗi đau của dân tộc Việt Nam vẫn còn hiện hữu.
Tiếc thay, đó là một sự thật không thể nào chối bỏ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.