Trao đổi với “Lính già Việt Nam Cộng hòa” Chu Tất Tiến (Kỳ cuối)
Cù Huy Hà Vũ
30-4-2023
Tiếp theo kỳ 1
Chu Tất Tiến viết: “Thực tế, Hiệp Định Geneva 1954 là một sự thất bại chính trị nặng nề cho quốc tế, vì Miền Bắc không tôn trọng hiệp định này, trừ việc chấp nhận vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự. Lý do thứ hai: Hiệp ước này đã được soạn thảo quá nhanh, chưa đầy hai tháng sau trận Điện Biên Phủ và chưa được mọi bên đồng thuận. Miền Bắc, do Hồ Chí Minh lãnh đạo, mới đầu cũng ngần ngừ không ký vì không tin là có tổng tuyển cử sau 2 năm, nhưng sau vì áp lực của Bắc Kinh và điện Kremlin, đại diện Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ký vào biên bản. Ngay sau đó, Việt Minh đã chuẩn bị kế hoạch xâm lăng miền Nam bằng cách gài lại một số điệp viên, làm căn cước giả, hoặc tình nguyện vào các trường Quân Sự, hoặc làm việc với chính quyền miền Nam, “chui sâu, trèo cao”, có kẻ làm tới Phụ Tá của Tổng Thống! (Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Thành Trung…) Một số lợi dụng hệ thống chùa chiền lỏng lẻo, cạo đầu làm sư, biến chùa làm cứ điểm ém quân. Tinh vi hơn nữa, là tại một số làng xã xa xôi, trước khi di chuyển ra Bắc, du kích buộc các cô thôn nữ phải lấy du kích, ngay cả thương bệnh binh, cố tình gieo thai cho những cô thôn nữ này, để một mai quay lại, thì đã có sẵn vợ và con làm gián điệp. Đây là sự kiện chứng tỏ Cộng Sản Việt Nam, theo lệnh của Cộng Sản Bắc Kinh, đã chính thức phản bội hiệp định Geneva, nhằm thực hiện mưu đồ của Cộng Sản Quốc Tế là nhuộm đỏ toàn bộ Đông Nam Á Châu, dần tiến chỗ Quốc Tế Đại Đồng, tức là nhuộm đỏ cả Thế Giới.”
– Đảng cộng sản Việt Nam không hề giấu giếm rằng một trong những mục tiêu hàng đầu của Đảng là thống nhất đất nước bằng mọi giá. Do đó, Hiệp định Geneva 1954 mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với Pháp chỉ là bước đầu tiên trên con đường thống nhất hai miền Nam – Bắc. Việc Quân đội nhân dân Việt Nam và các tổ chức đảng cộng sản chôn dấu vũ khí, cài người ở lại miền Nam trước khi tập kết ra miền Bắc theo Hiệp đinh cho thấy họ đã tính tới khả năng Mỹ và chính quyền miền Nam do Mỹ gây dựng sẽ không tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất đất nước vào sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 1956 như Hiệp định quy định (mà Chu Tất Tiến có nhắc tới) và như vậy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các lực lượng cộng sản ở miền Nam phải tiến hành chiến tranh để thống nhất đất nước. Trên thực tế, dưới sự chỉ huy của Mỹ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm đã không thực hiện tổng tuyển cử để thống nhất đất nước đồng thời thực hiện chiến dịch “Tố cộng – Diệt cộng”. Wikipedia cung cấp nhiều nguồn tin về chiến dịch này. Trong khoảng thời gian 1955-1960, theo số liệu của Việt Nam Cộng hoà, đã có 48.250 người bị tống giam. Theo 1 nguồn khác từ Mỹ, đã có khoảng 24.000 người bị thương, 80.000 bị hành quyết hay bị ám sát, 275.000 người bị cầm tù, thẩm vấn hoặc với tra tấn hoặc không, và khoảng 500.000 bị đưa đi các trại tập trung.[22] Năm 2015, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng “Trong những năm 1954 – 1959, ở miền Nam đã có 466.000 đảng viên và những người yêu nước bị bắt giam, 400.000 người bị đưa đi đày và 68.000 người bị giết. Như vậy, việc Việt Nam Cộng hòa vi phạm Hiệp định Geneva 1954 đã dẫn đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các lực lượng cộng sản ở miền Nam vi phạm Hiệp định bằng tiến hành chiến tranh ở miền Nam để thống nhất đất nươc.
– Chu Tất Tiến nói “Cộng Sản Việt Nam, theo lệnh của Cộng Sản Bắc Kinh, đã chính thức phản bội hiệp định Geneva” là hoàn toàn sai sự thật. Ngược lại là đằng khác. Chính Trung Quốc không muốn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất đất nước vì một Việt Nam thống nhất sẽ tiệt tiêu tham vọng bành trướng lãnh thổ về phía Nam của họ. Đã có nhiều tài liệu cho thấy điều này mà mới nhất là “Bí mật lịch sử tháng 4 năm 1975: Trung Quốc định tung lính Dù nhảy xuống Biên Hòa chặn Bắc Việt?” đăng trên RFA ngày 26/4/2023. Theo tài liệu này, Trung Quốc đã cho người đến gặp ông Nguyễn Xuân Phong, nguyên Phó trưởng phái đoàn Việt Nam Cộng hòa tại Paris và đưa ra một kế hoạch can thiệp quân sự của Trung Quốc nhằm ngăn chặn Bắc Việt chiếm Miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước. Cụ thể là Trung Quốc sẽ thả dù hai sư đoàn dù này xuống Biên Hòa trong khuôn khổ một “lực lượng quốc tế” sẽ được thành lập nếu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh yêu cầu quốc tế giúp đỡ
Chu Tất Tiến viết: “Về vấn đề hai quốc gia hay một quốc gia, thực tế cho thấy Việt Nam, được quốc tế gọi là “The State of Vietnam” hoặc “L’Etat du Vietnam”, dịch là Quốc Gia Việt Nam, là dòng chính của Lịch Sử, truyền từ đời Vua Hùng qua các thời đại đến Nhà Nguyễn, và Quốc Trưởng Bảo Đại là hậu duệ chính thức của Triều Nguyễn. Chính Quốc Trưởng Bảo Đại đã mời Ngô Đình Diệm, nguyên Thượng Thư Bộ Lại làm Thủ Tướng. Những yếu tố lịch sử này chứng minh Việt Nam là một Quốc Gia chính thức và hợp pháp. Sau cuộc Trưng Cầu Dân Ý, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã trở thành Tổng Thống, ông đã đổi tên nước là “Việt Nam Cộng Hòa”, được quốc tế chính thức công nhận là “The Republic of Vietnam”, một quốc gia có quan hệ ngoại giao cấp Đại Sứ với 101 quốc gia, và cấp Lãnh sự với 4 quốc gia khác. Năm 1957, Hoa Kỳ bảo trợ Viêt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc được Đại Hội Đồng bỏ phiếu, 40 thuận và 8 chống, trong đó có Liên Sô, Trung Cộng. Cuối cùng, Liên Sô dùng quyền lực phủ quyết (Veto) không cho quốc gia Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc với tư cách là thành viên chính thức, vì thế, cho tới 1975, Việt Nam Cộng Hòa vẫn chỉ là tham dự viên.”
– “Truyền” là “trao lại”, tức có sự kế thừa tự nguyện. Ở Việt Nam, không kể thời các Vua Hùng, đã có 10 triều đại phong kiến (vua đứng đầu quốc gia) là: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Tây Sơn và Nguyễn. Như vậy, các triều đại phong kiến kế tiếp nhau thông qua đảo chính hay lật đổ dưới hình thức này hay hình thức khác. Bản thân triều đại Nguyễn đã kết thúc vào ngày 30/8/1945 khi Hoàng đế Bảo Đại – Nguyễn Phúc Vính Thụy đọc tuyên bố thoái vị và trao lại ấn và kiếm vàng tượng trưng quyền lực của Nhà Nguyễn cho đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Bộ trưởng Trần Huy Liệu và Bộ trưởng Cù Huy Cận (Bảo Đại có kể chuyện này trong hồi ký “Con Rồng Việt Nam” (Le Dragon d’Annam) của ông). Do đó, Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm quốc trưởng không phải là chính quyền được Nhà Nguyễn truyền lại, càng không phải chính quyền được các Vua Hùng truyền lại. Trên thực tế, Quốc gia Việt Nam là do Pháp dựng lên năm 1949 nhằm giúp Pháp chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi Pháp tái xâm lược Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Bản thân Việt Nam Cộng hòa ra đời trên cơ sở giải thể Quốc gia Việt Nam thông qua một cuộc “trưng cầu dân ý” do Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm tổ chức, đồng nghĩa Việt Nam Cộng hòa không phải là chính quyền kế thừa Quốc gia Việt Nam vì không có sự chuyển giao tự nguyện chức vụ quốc trưởng Quốc gia Việt Nam từ Bảo Đại sang Ngô Đình Diệm. Như vậy, Chu Tất Tiến nói Việt Nam Cộng hòa là “truyền nhân” theo nghĩa chính thể thừa kế từ các Vua Hùng truyền lại là sai hoàn toàn so với lịch sử. Cũng như vậy, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không phải là chính quyền được Nhà Nguyễn truyền cho, càng không phải chính quyền được các Vua Hùng truyền cho. Chỉ có Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “truyền nhân” của hai chính thể trước đó là Việt Nam Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam khi hai chính thể này cùng trao lại quyền lực cho nó vào ngày 2/7/1976.
– Theo Wikipedia, Việt Nam Cộng hòa được sự công nhận của 77 quốc gia, không phải 101 quốc gia như Chu Tất Tiến nói. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được sự công nhận của khoảng 20 quốc gia. Tuy nhiên, để trở thành “quốc gia” theo đúng nghĩa thì chính quyền phải thực hiện được quyền lực của mình đối với toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Với lý do này, Việt Nam Cộng hòa và ngay cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến trước ngày 30/4/1975 cho dù được sự công nhận của một số quốc gia khác không phải là “quốc gia” vì không thực hiện được chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ quốc gia gồm cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Chỉ sau khi thống nhất đất nước, đặt toàn bộ lãnh thổ Việt Nam dưới sự kiểm soát của mình thì Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa và tiếp đó Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới trở thành “quốc gia” theo đúng nghĩa. Việc Liên Hợp Quốc kết nạp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm thành viên vào ngày 20/9/1977 là sự xác nhận chính thức quy chế “quốc gia” của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chu Tất Tiến viết: “Trở lại việc xâm lăng hay nội chiến: Sự kiện chính quyền nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cho hàng chục Sư đoàn kéo theo đại pháo, xe tăng, đi dọc đường mòn Trường Sơn, (mà sau này là Đường Mòn Hồ Chí Minh) tiến vào miền Nam thuộc Việt Nam Cộng Hòa, thì đã là khởi đầu một cuộc xâm lăng không tuyên bố, không khác gì Pháp xâm lăng Viêt Nam lần thứ hai dựa vào Hiệp Ước Fontainebleau do chính Hồ Chí Minh ký với Pháp. Đến năm 1975, khi từng đoàn xe tăng mang cờ đỏ sao vàng băng qua cầu Hiền Lương, vượt qua khu Phi Quân Sự của miền Nam, tấn công các thành phố miền Nam, thì là cuộc Xâm Lăng chính thức của thế kỷ 21, cũng không khác gì cuộc xâm lăng mà Nga chủ động tấn công Ukraine hiện tại, nghĩa là cực kỳ vô lý, vô chính nghĩa, và vô luật pháp.”
– Như trên đã nói, vĩ tuyến 17 theo Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva 1954 không phải là biên giới giữa hai quốc gia. Còn nếu Chu Tất Tiến phủ nhận hai văn kiện quốc tế này để tự ý chia Việt Nam thành hai quốc gia, Việt Nam Cộng hòa nằm phía Nam vĩ tuyến 17, thì Chu Tất Tiến giải thích thế nào Lời mở đầu Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1956 ghi câu “Hiến pháp phải thực hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà Mâu đến Ải Nam Quan”? Không lẽ Ải Nam quan nằm dưới vĩ tuyến 17!? Còn nếu Chu Tất Tiến thừa nhận Ải Nam Quan giáp giới với Trung Quốc là cực Bắc của Việt Nam Cộng hòa thì rõ ràng không có chuyện Việt Nam bị chia thành hai quốc gia, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cộng sản và Việt Nam Cộng hòa chống cộng, ở vĩ tuyến 17. Do đó, chiến tranh giữa Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyệt nhiên không phải là một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia, mà là một cuộc chiến tranh giữa những người có chung một quốc gia là Việt Nam, còn gọi là “nội chiến” (civil war). Nói cách khác, không có chuyện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – miền Bắc “xâm lược” Việt Nam Cộng hòa – miền Nam vì thuật ngữ “xâm lược” chỉ áp dụng trong trường hợp quốc gia này tấn công quân sự quốc gia khác mà thôi!
Bên cạnh Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954, cùng ngày 21/7/1954, Chính phủ Mỹ còn ra một tuyên bố riêng, nhấn mạnh: “Chúng tôi chia sẻ hy vọng rằng các hiệp định sẽ cho phép Campuchia, Lào và Việt Nam đóng vai trò của mình với tư cách các quốc gia hoàn toàn độc lập, có đầy đủ chủ quyền, trong cộng đồng các quốc gia hòa bình, và sẽ cho phép người dân trong khu vực này quyết định định tương lai của chính mình.” Cùng trong Tuyên bố này, Chính phủ Mỹ khẳng định “Việt Nam là một quốc gia không thể bị chia cắt” khi tuyên bố: “Liên quan đến phát biểu trong tuyên bố liên quan đến bầu cử tự do ở Việt-Nam, Chính phủ Mỹ muốn làm rõ quan điểm của mình đã thể hiện trong tuyên bố tại Washington ngày 29 tháng 6 năm 1954, như sau: Trong trường hợp các quốc gia hiện bị chia cắt trái với ý muốn của họ, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách đạt được sự thống nhất thông qua các cuộc bầu cử tự do có sự giám sát của Liên Hiệp Quốc để đảm bảo rằng các cuộc bầu cử được tiến hành một cách công bằng.”
Điều 1 Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam cũng nhắc lại lập trường “Việt Nam là một quốc gia không thể bị chia cắt” của Mỹ và các nước khác khi quy định: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ-ne-vơ năm một nghìn chín trăm năm mươi tư về Việt Nam đã công nhận.”
Tóm lại, cả Hội nghị Genève 1954 lẫn Hội nghị Paris 1973 về Việt Nam nói chung, Chính phủ Mỹ nói riêng, đều khẳng định “Việt Nam là một quốc gia không thể bị chia cắt”. Từ đó toát lên một sự thật lịch sử là chiến tranh giữa Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một cuộc nội chiến (civil war) vì đây là một cuộc chiến tranh giữa những người có chung một quốc gia Việt Nam, Do đó, việc Chu Tất Tiến và những ai khác nói rằng từ năm 1954 đến 1975 ở Việt Nam có hai quốc gia có biên giới là vĩ tuyến 17 để từ đó nói Việt Nam Dân chủ Cộng đã “xâm lược” Việt Nam Cộng hòa rõ ràng là sai sự thật lịch sử.
Chu Tất Tiến viết: “Sau năm 1975, một số vị trí thức miền Nam cũ đã kêu gọi quốc tế mở lại Hiệp Định Geneva. Những vị này không hiểu tình thế, vì như đã nói trên, Việt Nam Cộng Hòa không ký tên vào hiệp định này! Đến gần đây, môt số dư luận cho rằng cuộc chiến 1954-1975 là cuộc nội chiến và không bên nào xâm lăng bên nào. Mong những vị đó nhìn vào thực tại của bán đảo Triều Tiên, hiện nay vẫn là 2 quốc gia đối nghịch nhau, hoặc nhìn vào Đài Loan và Trung cộng, để thấy cũng là hai quốc gia riêng biệt, dù cùng mầu da và tiếng nói, cho đến sang thế kỷ kế tiếp, không biết đã sát nhập nhau chưa.”
– HIệp định Geneva 1954 được ký ngày 21/7/1954 giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp. Đến tháng 10/1955, Việt Nam Cộng hòa mới ra đời thì lấy đâu ra Việt Nam Cộng hòa “không ký tên vào hiệp định này”!
– Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) và Hàn Quốc (Nam Triều Tiên) chỉ trở thành hai quốc gia độc lập từ khi gia nhập Liên Hợp Quốc vào tháng 9/1991. Do đó, chiến tranh Triều Tiên 1951-1953 giữa hai bên là chiến tranh giữa hai miền của cùng một quốc gia Triều Tiên và vì vậy là nội chiến.
– Đài Loan không phải là thành viên Liên Hợp Quốc. Năm 1979, Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và thừa nhận chính phủ nước này là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc. Do đó, Đài Loan không phải là một quốc gia độc lập.
Kết luận lại, sự thật lịch sử không thể là hệ quả của một sự áp đặt, nhất là sự áp đặt đó đến từ những người thắng trận, mà phải được xác định thông qua các cuộc tranh luận nghiêm túc và khoa học với các bằng chứng khả tín chứ không bằng cảm tính. Cũng cần nói ngay rằng các cuộc tranh luận nghiêm túc loại trừ mọi từ ngữ dung tục, tục tĩu, mang tính mạt sát, phỉ báng. Trên tinh thần này, tôi rất mong nhận được phản hồi từ “Lính già Việt Nam Cộng hòa” Chu Tất Tiến và những người khác, nhất là quý vị từng là quân, cán, chính Việt Nam Cộng hòa, hầu dựng lại một cách chính xác nhất có thể các cuộc nội chiến ở Việt Nam trong thế kỷ 20 nói chung, nội chiến trong Chiến tranh Việt Nam nói riêng.
Tôi cũng mong muốn và hy vọng rằng thông qua các cuộc tranh luận như thế này các bên trong cuộc chiến sẽ hiểu nhau hơn. Điều này là vô cùng cần thiết để xóa mọi hận thù, hướng tới đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam thành một khối nhằm xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ, Hùng mạnh và Thịnh vượng. Bởi chỉ có vậy Việt Nam ta mới đủ sức đánh bại mọi cuộc xâm lăng đến từ Trung Quốc bành trướng cũng như hóa giải mọi thách thức khác của thời đại!
Kỷ niệm 48 năm Ngày Thống nhất Đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023)
Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 29/4/2023
_______
Tác giả:Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, từng là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ.
Lưu ý của Tiếng Dân: Trong bài tranh luận này, một số nơi tác giả Cù Huy Hà Vũ sử dụng Wikipedia làm làm cơ sở để kiểm chứng thông tin. Tuy nhiên, Wikipedia không phải là nguồn tin đáng tin cậy. Chính Wikipedia có bài “Wikipedia is not a reliable source” (Wikipedia không phải là nguồn đáng tin cậy), vì nó có thể được bất kỳ ai đó chỉnh sửa vào bất cứ lúc nào, nhất là những thông tin về lịch sử, đôi khi được những người của “bên thắng cuộc” vào chỉnh sửa theo chủ ý của họ… Cho nên trang Wikipedia cảnh báo: Không nên coi Wikipedia là nguồn tham khảo dùng trong bài viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.