Tại sao NATO phải kết nạp Ukraine
Dmytro Kuleba*
Ngày 25 tháng 4 năm 2023
Định Tỵ dịch
KYIV CẦN LIÊN MINH VÀ LIÊN MINH CẦN KYIV
Ngày 4 tháng 4, tôi ngồi ở chiếc bàn tròn lớn bên trong đại bản doanh NATO (Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương) tại Brussels và hết sức hoan hỉ khi Phần Lan chính thức được kết nạp vào khối. Tôi rất vui sướng cho các bằng hữu Phần Lan, và tôi hoan nghênh bước chuyển dịch trong các mảng kiến tạo an ninh của Châu Âu. Nhưng quê hương Ukraine của tôi, chưa phải là một thành viên NATO, nhưng bước chuyển dịch này sẽ chưa toàn thành nếu thiếu vắng Ukraine. May mắn cho chúng tôi, bánh xe lịch sử đang quay tròn và không ai có thể cản được chúng.
Nga gây chiến và giết hại nhiều người Ukraine, cướp đất của chúng tôi. Tổng thống Vladimir Putin dùng đủ mọi gian kế nhằm hủy hoại cốt tủy trật tự an ninh Châu Âu vốn được tạo lập sau năm 1945. Đó là lý do tại sao mối nguy cơ này là quá lớn, không chỉ cho Ukraine mà cả toàn thể cộng đồng Châu Âu - Đại Tây Dương.
Ukraine không chọn chiến tranh. Hoa Kỳ và các đồng minh NATO của Hoa Kỳ cũng thế. Nga là kẻ khơi mào cuộc chiến. Nhưng Nga đổ vấy trách nhiệm cho người Ukraine và các đối tác NATO của Ukraine phải kết thúc cuộc xung đột, do đó giành thắng lợi không chỉ là một chiến thắng vẻ vang mà là sự bảo đảm cho hòa bình và ổn định Châu Âu cho các thế hệ sau.
Làm được như thế đòi hỏi phải chấp nhận sự thật hiển nhiên: rằng Ukraine sẽ trở thành một thành viên NATO, kết nạp sớm hơn tốt hơn kết nạp muộn. Đây là lúc liên minh thôi đưa ra các ngộ nhận đồng thời khởi động tiến trình kết nạp Ukraine, qua đó cho Putin ngộ ra mình là kẻ thất bại và buộc từ bỏ dã tâm. Suốt diễn biến cuộc chiến, chúng tôi đã thể hiện khao khát gia nhập liên minh như sao và rằng chúng tôi đã gửi nhiều thỉnh cầu cho liên minh. Những gì chúng tôi cần ở liên minh là một tuyên bố thành văn, vạch ra một lộ trình kết nạp cụ thể.
XẢO BIỆN, XẢO BIỆN
Với tư cách là liên minh phòng thủ thành công nhất trong lịch sử, NATO có vai trò là người canh giữ an ninh đồng thời là sự biểu hiện cho một tương lai chính trị được chia sẻ chung. Nhưng uy lực của liên minh xuất phát từ ý chí chính trị của mỗi thành viên, tuy nhiên ý chí đó đang thiếu vắng trầm trọng ở thời điểm liên minh cân nhắc kết nạp Ukraine.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest hồi năm 2008, toàn thể thành viên cùng đồng ý cân nhắc vị trí thành viên Ukraine, tuy nhiên liên minh đã dành nhiều thời gian bắn tín hiệu cho Nga rằng điều đó sẽ không xảy ra (chí ít là bất kỳ thời điểm nào trong tương lai có thể thấy được) thay vì thực hiện các bước thiết thực để biến ý tưởng thành thực tế. Nói cách khác, liên minh từng tỏ bày thiện chí mở rộng cửa chào đón thành viên mới, nhưng đi kèm với giả định là Ukraine sẽ không bước vào ngưỡng cửa NATO trong tương lai gần. Ba cuộc chiến sau đó, tại Georgia năm 2008, Ukraine 2014, và Ukraine hiện giờ – là sự thể hiện rõ rành rành rằng chính thái độ mập mờ là đồng minh ưa thích của Putin.
15 năm trôi qua kể từ ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh Bucharest, người Ukraine nghe lập luận lý do khước từ kết nạp nước này vào NATO đến nhàm tai. Các thành viên NATO lên tiếng xác quyết việc kết nạp thành viên mới có chung đường biên giới với Nga có thể gây kích động Matcova. Biện minh đó luôn sai lầm, nhưng lặp lại quá nhiều bây giờ khiến người ta phì cười. Vào thời điểm Nga chiếm đóng bán đảo Crimea năm 2014, Ukraine chính thức là một quốc gia phi liên kết chẳng có tham vọng gia nhập NATO. Năm 2022, khi Nga khai mào cuộc xâm lăng tàn bạo trên quy mô lớn, NATO vẫn không chịu mở cửa cho con đường thực thụ thu nhận Ukraine. Khi tôi đang viết những dòng này, hồi còi báo động vang rền khắp Kyiv và quân Nga ào ào tấn công thành phố Bakhmut hàng tháng trời qua. Matcova tìm mọi cách đẩy lùi các đợt phản công của Ukraine. Vì thế tôi có một biện giải đơn giản đến bất kỳ ai đưa ra bao biện rằng việc kết nạp Ukraine sẽ làm điên tiết Nga: Bạn có nghiêm túc không đó?
Kỳ dị thay, phe phản đối kết nạp Ukraine không ngừng đưa ra bao biện đó thậm chí khi cuộc chiến tàn khốc đã diễn ra hơn một năm trời. Tuy nhiên, việc kết nạp Phần Lan là sự thể hiện rõ ràng và dứt khoát tại sao các ý kiến đó không trụ vững. Phản ứng của Nga trước sự mở rộng mới nhất của NATO – kết nạp một thành viên có chung đường biên giới Nga – chẳng quát tháo Phần Lan đồng thời giảm nhẹ tầm quan trọng việc kết nạp thành viên mới, có lẽ nhằm tránh gây sự chú ý thất bại muối mặt của Nga khi không ngăn được Phần Lan gia nhập liên minh.
Phe phản đối Ukraine gia nhập NATO lập luận rằng bản thân người Ukraine còn chín người người ý thì trách cứ ai. Trước đây là không sai. Tuy nhiên kể từ khi Nga chiếm đóng trái phép bán đảo Crimea hồi năm 2014 và kích động một cuộc chiến tại vùng Donbas, người Ukraine ngày càng năng nổ mong mỏi gia nhập khối. Năm 2019, trong một động thái thể hiện sự tôn trọng cam kết gia nhập NATO, Ukraine đã chính thức chỉnh sửa Hiến pháp. Theo một cuộc thăm dò dư luận do Viện Cộng Hòa Quốc Tế thực hiện hồi tháng 2 năm 2023, thì đại đa số dân chúng Ukraine, khoảng 82% ủng hộ gia nhập khối. Và thái độ chia rẽ vùng miền không còn là vấn đề: tại mọi vùng miền đất nước khuynh hướng thân NATO chiếm áp đảo.
Đại chúng các nước NATO ngày càng xem người Ukraine là một bộ phận cộng đồng mở rộng của họ. Theo một cuộc khảo sát tại Châu Âu rộng rãi được thực hiện hồi tháng 2 năm 2023, thì 68% công dân thuộc khối EU xem việc tấn công Ukraine là hành vi chống lại toàn bộ khối. Ở Ba Lan và Tây Ban Nha tỷ lệ đồng 80%, Hà Lan 70%, Đức và Pháp đồng 65%. Cả giới lãnh đạo lẫn công luận của hầu hết các nước NATO có cùng đánh giá Ukraine là một bộ phận kiến trúc an ninh phương Tây, bộ phận không thể tách rời. Đây là lúc hành động nhằm hiện thức hóa các niềm tin ấy.
Biện luận mới nhất chống lại Ukraine gia nhập là, hồ sơ này gây chia rẽ liên minh. Nhưng tại Châu Âu, hồ sơ tương tự cũng được nêu lên bởi những người cố ngăn cản lộ trình Ukraine gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Chỉ hơn một năm trước đó, chúng tôi cũng đã từng nghe Châu Âu bất đồng, liệu có khôn ngoan khi trao Ukraine tư cách ứng viên hay không. Tuy nhiên, hồi tháng 6 năm 2022, tất cả 27 quốc gia thành viên thảy đều ủng hộ phương án này, tạo cho khối một cảm thức mới về tính hợp nhất, mục đích và sức mạnh. Vấn đề tương tự sẽ xảy ra với NATO khi một quyết định cho lộ trình thành viên cho Ukraine được diễn ra.
Nga hành động hung hăng chống Ukraine đã tiếp thêm liên minh nguồn sinh lực và trao cho nó một lẽ sống mới. Phần Lan được gia nhập khối sau khi giải quyết các bất đồng với các thành viên NATO. Thụy Điển đang xếp hàng chờ tới lượt và Ukraine cũng có thể thế. Đó chỉ là vấn đề ý chí chính trị. Nếu chúng ta quá chú trọng về bất đồng chúng ta sẽ bị chia rẽ. Nhưng nếu chúng ta tìm kiếm các giải pháp thực tiễn, NATO sẽ trở nên hùng mạnh hơn và đoàn kết hơn. Đây là lúc gạt bỏ ngộ nhận này, nếu mục tiêu của NATO là bảo đảm an ninh cho cộng đồng Châu Âu - Đại Tây Dương thì NATO buộc phải kết nạp Ukraine, không có con đường nào khác.
Tôi không luận bàn đến cam kết gần đây của NATO về Ukraine. Các thành viên liên minh đã yểm trợ hào phóng cho Kyiv kể từ lúc Nga nổ súng. Nhưng tôi đang bàn đến chiến lược của NATO khi khối cân nhắc cẩn trọng hồ sơ Ukraine và vấn đề an ninh lâu dài trong khu vực Châu Âu - Đại Tây Dương. Nỗi lo sợ đã phủ bóng sự đánh giá của liên minh, dẫn đến liên minh cho thông qua chiến lược thận trọng thái quá, gây nên những hệ lụy đau thương cho hàng ngàn người dân Ukraine, lớp bị bắt cóc, lớp bị cưỡng hiếp, tra tấn, lâm vào cảnh tứ cố vô thân hoặc bị giết hại. Chiến lược bất nhất của NATO tạo cơ hội cho Nga hủy hoại an ninh phương Tây qua việc tấn công mạng, do thám và can thiệp chính trị.
Các lãnh đạo gần đây của các nước NATO không có những quyết định lầm lạc gây tổn hại cho chúng tôi, tuy nhiên họ có thể thực hiện những quyết định táo bạo nhằm mở rộng liên minh và bằng cách ấy cho phép che chở an toàn khu vực Châu Âu - Đại Tây Dương. Phó mặc Ukraine sẽ chỉ đưa đến bất ổn và khiến Nga hung hãn hơn.
RŨ BỎ BÓNG MA QUÁ KHỨ BUCHAREST
Ukraine đang tìm kiếm tư cách thành viên NATO, mỗi thành viên được bảo vệ bởi Điều 5, vốn quy định các thành viên xem một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên tại Châu Âu hoặc Bắc Mỹ là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên, khi ấy NATO “sử dụng mọi hành động mà liên minh xem là cần thiết, kể cả sử dụng vũ lực, để bảo quản và duy trì an ninh khu vực Bắc Đại Tây Dương”. Ai trong chúng ta sẽ không tìm cách có được sự bảo vệ như thế? Nhưng chúng ta phải thực tế. Chúng tôi không cố lôi kéo Mỹ hoặc các thành viên NATO khác tham chiến. Đây là cuộc chiến của chúng tôi và chúng tôi đang chiến đấu thành công với sự yểm trợ hào phóng của các đối tác và đồng minh của chúng tôi.
Chúng tôi chưa bao giờ đòi hỏi ai đó phải xông pha trận tiền vì chúng tôi và chúng tôi chẳng có ý định đưa ra đề nghị nào như thế. Chúng tôi không tìm kiếm cây đũa thần sẽ giúp cuộc chiến này kết thúc một cách kỳ diệu và loại bỏ nhu cầu chiến thắng nó trên chiến trường. Những gì chúng tôi đang tìm kiếm là một thời gian biểu cụ thể cho sự kết nạp Ukraine vào NATO.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra sắp tới tại Vilnius, Lithuania, các thành viên NATO nên gửi một tín hiệu thành văn hẳn hoi đến Nga báo rằng trò chơi đã kết thúc: Ukraine là một phần của phương Tây, nước này đang ở ngưỡng cửa NATO và sẽ sớm bước qua ngưỡng cửa ấy. Để tránh bất kỳ ngộ nhận nào, người Ukraine chúng tôi không thảo luận về tư cách thành viên tức thì tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius mà bàn thảo về các đồng minh NATO thực hiện các bước đi lịch sử hướng tới sự kết nạp.
Để một nước thỏa mãn tư cách ứng viên kết nạp, nhất thiết phải thiết lập các quy chuẩn cụ thể, tuy nhiên Phần Lan và Thụy Điển cho thấy rằng các quy trình như thế là không cần thiết và Ukraine hoàn toàn đáp ứng mức chuẩn ấy. Đây là lúc đưa ra các tiêu chỉ rõ ràng cho việc kết nạp thay vì cứ mãi đưa các các tuyên bố chính sách để ngỏ tư cách thành viên và để mặc Putin lợi dụng chính sách mơ hồ ấy. NATO phải chống lại sự cám dỗ đòi hỏi Ukraine phải bổ sung thêm này thêm nọ vốn sẽ trì hoãn quá trình kết nạp Ukraine thêm nữa.
Thay vào đó, NATO nên đưa ra một quyết định chính trị, trình bày một thời gian biểu cụ thể cho việc kết nạp Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius hoặc hội nghị thượng đỉnh thời điểm cuối năm 2023. Việc kết nạp cần một tiến trình và để đạt được mục tiêu cuối cùng tư cách thành viên NATO trong liên minh sẽ phụ thuộc vào tình hình an ninh, tuy nhiên tiến trình này không thể trì hoãn mãi mà cần khởi động ngay.
Trong thời gian chờ đợi gia nhập, sẽ là hợp tình hợp lý khi các thành viên NATO quyết định liệu họ cần Ukraine đáp ứng các loại hình an ninh nào hiện giờ, và những bảo đảm này sẽ tiếp tục áp dụng sau khi Ukraine trở thành một thành viên NATO (ngoài những gì phải tôn trọng trong hiệp ước NATO). Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius nếu NATO không xoắn tay hành động, tổ chức này sẽ tiếp tục mang bộ mặt lem luốc như tại hội nghị Bucharest. Bây giờ lúc lúc hành động.
LÀ TÀI SẢN, CHỨ KHÔNG PHẢI TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ
Ukraine nặng nợ NATO, nhưng đổi lại cũng có nhiều lợi ích cho NATO. Ukraine hiện trấn thủ toàn bộ sườn phía Đông NATO và chia sẻ thông tin với các thành viên liên minh mình có. Chẳng hạn như, quân đội Ukraine đã cho thấy rằng, tuy nguyên tắc phi tập trung hóa của NATO – quy trình lập kế hoạch của cấp trên đối với thuộc cấp được phân phối hay ủy thác – được vận hành suôn sẻ với các đơn vị nhỏ binh sĩ chuyên nghiệp và các nhà thầu, sẽ chẳng phù hợp với chiến tranh quy mô lớn khi ấy số tân binh chiếm khoảng 70% lực lượng. Trái với các thông lệ của NATO, kinh nghiệm trận tiền của Ukraine cho thấy rằng, chỉ huy huấn luyện đơn vị nên kiêm luôn vị trí chỉ huy mặt trận của đơn vị đó. Các bài học khác mà Ukraine đã hướng dẫn cho NATO bao gồm giá trị phát kiến, sự khéo léo, tính sáng kiến cục bộ, trợ lực dân sự cho quân sự, và phòng thủ dân sự.
Trong diễn biến cuộc chiến, Ukraine đã giúp tăng cường các quy luật, các quy chuẩn, các thủ tục của NATO, giúp cải thiện năng lực chiến đấu của liên minh trong các cuộc chiến hiện đại, cường độ cao. Ukraine cũng sở hữu những kinh nghiệm quý báu khi đương đầu với các mối đe dọa lai, chiến tranh thông tin, duy trì năng lực phục hồi của các thể chế nhà nước và cơ sở hạ tầng thiết yếu. Hôm nay, hàng triệu người Ukraine đang rèn giũa kỹ năng trong trận chiến đẫm máu nhất của Châu Âu trong thế kỷ 21. Ngày mai, họ sẽ vận dụng các kỹ năng ấy để tăng cường sức mạnh an ninh chung Châu Âu.
Con đường hữu dụng nhất để đảm bảo an ninh Châu Âu - Đại Tây Dương là dang tay đón Ukraine vào NATO. Các chính khách, các nhà ngoại giao, và các nhà phân tích có thể luôn cân đong đo đếm sao sánh thiệt hơn, trưng ra các lập luận mới mẻ nhằm đẩy Ukraine ra khỏi liên minh, như họ đã từng làm vậy trong những năm qua. Tin tốt là các lập luận mới ngày càng kém thuyết phục. Tin xấu là mỗi lần bác bỏ lập luận ấy lãng phí đi thời gian quý báu, mạng sống dân chúng bị trả gía đắt. Ukraine cần NATO và NATO cần Ukraine.
D.K.
---
*DMYTRO KULEBA là đương kim ngoại trưởng Ukraine.
Nguồn bản gốc: https://www.foreignaffairs.com/ukraine/why-nato-must-admit-ukraine
Nguồn bản dịch: Nghiên cứu Lịch sử
https://nghiencuulichsu.com/2023/05/04/tai-sao-nato-phai-ket-nap-ukraine/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.