Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2023

Nguyễn Thị Thanh Bình phỏng vấn GS Lê Xuân Khoa về ngày 30/4

 


Nguyễn Thị Thanh Bình phỏng vấn GS Lê Xuân Khoa về ngày 30/4

Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện năm 2021

TIỂU SỬ GS. LÊ XUÂN KHOA

Lê Xuân Khoa vào nghề dạy học năm 1950 tại trường trung học Nguyễn Huệ, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn khoa và Cao đẳng Sư phạm năm 1953, ông vào Saigon dạy tại trường công lập Petrus Ký. Năm 1958, ông được chuyển sang làm chuyên viên viết sách giáo khoa cho Sở Tu thư Bộ Quốc gia Giáo dục. Ông cũng  tham gia ban biên tập nguyệt san Văn Hóa của Bộ Giáo dục do Giáo sư Nguyễn Khắc Kham làm Chủ bút, hợp tác với tạp chí Bách Khoa, tập san Tư Tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh và các nhật báo Tự Do, Chính Luận.

Trước 1975, ngoài nghề nghiệp chính là giáo sư Đại học Văn Khoa và Đại học Đà Lạt, ông Lê Xuân Khoa đã đảm nhận các chức vụ sau đây: 

- 1958-1960: Tổng thư ký Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên lạc Văn hóa Á châu do Gíáo sư Nguyễn Đăng Thục làm Chủ tịch, xuất bản tạp chí Văn Hóa Á Châu và ấn bản Anh ngữ Asian Culture.

- 1962-1963: Chủ nhiệm tuần báo Xã Hội Mới, với Luật sư Vương Văn Bắc làm Chủ bút. 

- 1965: Đổng lý Văn phòng Bộ Văn hóa Giáo dục, thời BS Nguyễn Tiến Hỷ, Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục, Chính phủ Phan Huy Quát.  

- 1966: Bộ Giáo dục biệt phái một năm sang Đại học Vạn Hạnh giúp tổ chức và soạn thảo chương trình Khoa học Nhân văn.

- 1966-1967: Phó Giám đốc Tổ chức các Tổng trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO), Bangkok, Thái Lan.

- 1971-1975: Giám đốc Nhà xuất bản Hiện Đại do Hội Việt-Mỹ bảo trợ, thực hiện dự án dịch thuật và xuất bản các sách giáo khoa Đại học Mỹ cho sinh viên Đại học Việt Nam.

- 1973-1975: Chủ nhiệm tạp chí Phát Triển Xã Hội và ấn bản tiếng Anh Social Development với GS Luật khoa Tạ Văn Tài làm Chủ bút.

- Năm 1974-1975: Phó Viện trưởng Đại học Saigon đặc trách Nghiên cứu Phát triển, do GS Đại học Y khoa Saigon Nguyễn Ngọc Huy làm Viện trưởng.

Tháng Tư 1975, ngay sau khi tới Hoa Kỳ, GS Lê Xuân Khoa hoạt động liên tiếp 22 năm về tị nạn cho tới năm 1997.  Quan trọng nhất là những cuộc vận động các nhà làm chính sách của Hoa Kỳ và quốc tế về cứu trợ, bảo vệ và định cư tị nạn trong thời gian ông tham gia tổ chức Indochina Refugee Action Center từ 1979 (sau đổi tên là Southeast Asia Resource Action Center (SEARAC) và chính thức cầm đầu tổ chức này năm 1981.  Ông có quan hệ làm việc trực tiếp với nhiều nhà lãnh đạo Mỹ, UNHCR, chính phủ Hong Kong và các quốc gia Đông Nam Á cho tị nạn tạm trú. Đóng góp đặc biệt của ông và SEARAC là tổ chức hội nghị 15 nước liên quan đến tị nạn Việt Nam tại Washington, DC năm 1988 để chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế Geneva năm 1989, sau đó giúp chính phủ Hoa Kỳ thực hiện được giải pháp công bằng và nhân đạo cho thảm trạng thuyền nhân tị nạn Việt Nam năm 1995. Ông tham dự nhiều hội nghị quốc tế, không chỉ về tị nạn, đặc biệt là thành viên phái đoàn chính phù Hoa Kỳ tại hội nghị Warsaw năm 1993 do Hội đồng An ninh và Hợp tác Châu Âu (CSCE) tổ chức, được Bộ Ngoại giao và Quốc hội Hoa Kỳ ngợi khen về những sáng kiến của ông đóng góp cho hội nghị. Năm 1997, khi đang làm giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao Học Nghiên Cứu Quốc Tế (SAIS) và học giả ngoại trú của Học Viện Chính sách Đối ngoại (FPI), ông được Ditchley Foundation mời tham dự hội nghị về “Công bằng Xã hội và Giải quyết Nạn Nghèo Đói trên Thế giới” tại Oxfordshire, Anh quốc.  

Ở Việt Nam, ngoài những bài vở và công trình nghiên cứu văn hóa giáo dục, GS Lê Xuân Khoa là tác giả cuốn Thư tịch Phật học Việt Nam (Văn Hóa Á Châu, Saigon, 1962) và Nhập môn Triết học Ấn độ (Bộ Quốc gia Giáo dục, 1965, 1972). Tại Hoa Kỳ, ông là Chủ bút tờ báo The Bridge từ 1984 đến 1997, tác giả của nhiều bài báo, bài điều trần về chính sách tị nạn gồm cả hai bài tham luận cho tạp chí Đại học Oxford ở Anh và Đại học San Francisco, California. Tác phẩm chính của ông sau khi về hưu là cuốn Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử (Tiên Rồng, 2004, 2006; Người Việt, 2018). Ông đang tiếp tục hoàn tất cuốn Lịch sử Tị nạn và Cộng đồng, dự trù sẽ ra mắt cuối năm 2022.

- Nguyễn Thị Thanh Bình: Kính thưa GS Lê Xuân Khoa, hẳn nhiên GS cũng đã có những cuộc phỏng vấn về ngày 30/4. Dù vậy, cho đến bây giờ là chặng đường lê thê đã 46 năm, sau biến cố lịch sử của ngày đổi đời 30/4, liệu GS có điều gì còn băn khoăn khi nhìn về quê hương, nhìn lại những thế hệ con cháu và chính mình, để thấy rằng cách gọi Ngày Thống Nhất Đất Nước mà GS dường như đã đồng cảm nhất, cho đến hôm nay tại sao vẫn chưa thể thống nhất được lòng người? Và để có một ước mơ duy nhất cho quê nhà Việt Nam, thì điều đó là gì, khi GS phải để lại một lời di chúc cho cháu con mình, cho một đất nước có tới hơn 65% là ‘thanh niên rường cột nước nhà’ vẫn đang là một thế hệ cúi đầu, dửng dưng với câu nhắc nhở “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, tuyệt nhiên không giống như giới trẻ của Hồng Kông, Thái Lan, và Miến Điện?

Xin trân trọng cám ơn GS Lê Xuân Khoa!

- Lê Xuân Khoa: 

Tôi rất tiếc vì đang trong tình trạng phải chữa bệnh khá nặng nên không thể nào nhận lời phỏng vấn cho tập sách “Những Suy nghĩ về Ngày 30 tháng Tư” do nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình chủ biên gồm những bài phỏng vấn một số trí thức và nhà văn tên tuổi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, rốt cuộc chị Thanh Bình vẫn tạo điều kiện cho tôi tham gia bằng cách chỉ phỏng vấn tôi một câu gợi mở để bổ sung cho những phát biểu của tôi trong cuộc hội thảo cũng do chị đứng ra tổ chức tại trụ sở Hội Cao Niên ở Virginia vào mùa Thu 2018.

clip_image002

Tôi đồng ý với chị chủ biên rằng những nhận định của tôi vào thời điểm đó vẫn còn thích hợp với tình hình đất nước hiện nay, chỉ có giải pháp tất yếu nêu ra ở phần cuối – sự thành lập một đảng hay tổ chức chính trị đối lập – thì tôi thấy cần phải xem xét kỹ khả năng thực hiện trước tình trạng phức tạp hiện thời của Đảng lãnh đạo về đối nội và đối ngoại sau Đại hội 13:  tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm lãnh đạo Đảng, nỗi lo sợ bị các “thế lực thù địch” can thiệp hay lật đổ, hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của đảng viên, và đặc biệt là trước nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Cộng mà thực tế thì Trung Cộng đã tham chiến với Mỹ trong “vùng xám” mà chủ yếu là Biển Đông, như bài tường thuật vừa qua của Jamie Seidel, tổng hợp nhận định của các chiến lược gia cao cấp Mỹ*. Một dấu hiệu gần đây mà những người yêu nước cần theo dõi sát để hành động thích hợp là Hà Nội đã biểu lộ xu hướng hợp tác với Washington nhiều hơn trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền đất nước để tạo cân bằng trong chính sách đu dây với Bắc Kinh. Mặc dù vẫn phải bám chặt vào Trung Cộng để có thể duy trì quyền lực, lãnh đạo Hà Nội biết rất rõ thân phận “vắt chanh bỏ vỏ” của họ một khi Bắc Kinh đã hoàn toàn làm chủ được đất nước và dân tộc Việt Nam bằng cuộc chiến “sức mạnh mềm”. Khi đó, danh xưng Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đương nhiên bị xóa bỏ trên danh sách hội viên Liên Hiệp Quốc vì đã bị sáp nhập vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các nhân vật lãnh đạo trong bộ máy cầm quyền CSVN, từ trung ương tới địa phương, đều trở thành những “hàng thần lơ láo” sống lạc lõng như một loại công dân hạng hai khó có thể yên thân với tài sản đã vơ vét được trước cặp mắt cú vọ của những tên cán bộ Trung Cộng có đôi chút quyền lực. Hàng triệu tín đồ các tôn giáo lớn và những người Việt yêu nước sẽ bị dồn vào những trại tập trung cải tạo làm lao công sản xuất hàng hóa, thực phẩm xuất cảng cho tư bản đỏ như tình trạng dân Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ từ nhiều năm qua. Hàng chục triệu thường dân khác sẽ bị đối xử phân biệt và bóc lột dưới nhiều hình thức khác nhau. Dân tộc Việt Nam thời Bắc thuộc bị thống trị bởi các triều đại phong kiến ngày trước còn có cơ hội vùng lên giành lại độc lập và chủ quyền cho Tổ Quốc, nhưng dưới chế độ toàn trị tân kỳ của Tập Cận Bình ngày nay, với sức mạnh kinh tế, quân sự và khoa học công nghệ ngang ngửa với Hoa Kỳ, khả năng thoát khỏi ách đô hộ của Bắc Kinh có thể coi như vô vọng, trừ trường hợp có biến cố bất thường trong nội bộ Việt Nam hay từ bên Trung Cộng.     

Vấn đề đáng xem xét là mặc dù hiểu rõ dã tâm của “thiên triều” muốn chiếm đoạt đất nước và Hán hóa dân tộc Việt mà hậu quả là tương lai đen tối của bản thân và đảng CSVN, liệu lãnh đạo CSVN có thể làm được gì khác hơn là lặp lại nguyên văn những lời xác định nhàm chán về chủ quyền biển đảo và phản đối những bước lấn tới quá trắng trợn của Bắc Kinh, như vụ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong hải phận Việt Nam hồi tháng 5/2014, ép buộc VN phải hủy bỏ hợp đồng hợp tác thăm dò dầu khí với các công ty ngoại quốc khác, bắt giữ và sát hại ngư dân VN đánh cá trong trong vùng biển hợp pháp, v.v.  Liệu những việc tiếp nhận và mua thêm vũ khí phòng thủ, tham gia vài cuộc tập dượt với Mỹ và đồng minh trên Biển Đông, gia tăng quan hệ với Mỹ, Nhật và Ấn độ trong chiến lược phát triển hợp tác khu vực Thái Bình Dương - Ấn độ Dương có dẫn đến việc cải thiện quan hệ giữa chính quyền và nhân dân trong nước? Tôi không thể lạc quan khi chính quyền thay vì nới lỏng lại gia tăng kiềm chế hoạt động của xã hội dân sự và đàn áp các thành phần yêu nước.  Chưa có yếu tố cụ thể nào có thể tin tưởng đây là thời điểm thuận lợi cho xu hướng Thoát Trung trong nội bộ lãnh đạo CSVN. Dù sao, bất cứ một dấu hiệu tích cực nào cũng cần được tìm hiểu, khuyến khích và chuẩn bị tiến đến một đồng thuận nhằm xây dựng sức mạnh dân tộc và sự hỗ trợ của quốc tế chống bá quyền Trung Cộng. Lãnh đạo Đảng CSVN muốn bị nhân dân và lịch sử muôn đời kết án và nguyền rủa về tội ác bán nước và đồng lõa diệt chủng hay sẽ được ghi nhận những nỗ lực kết hợp sức mạnh toàn dân đánh bại dã tâm của kẻ thù phương Bắc, bảo toàn độc lập của Tổ Quốc và dòng giống Việt Nam? Đây là một chủ để quan trọng cần được thảo luận và giải quyết.

Dưới đây là nội dung bài phát biểu về hiện tình đất nước của tôi trong dịp trở lại vùng thủ đô thăm bà con và bạn hữu vào mùa Thu 2018. Sau đó sẽ là phần trả lời câu phỏng vấn bổ sung của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình. 

Hai mối quan tâm lớn nhất của người Việt ở trong và ngoài nước hiện nay là hiểm họa Trung Quốc và chế độ độc tài tham nhũng. Đây là một đại bất hạnh chưa từng có trong hơn 2.000 năm lịch sử của một dân tộc đã đánh bại mọi cuộc xâm lược và mưu toan đồng hóa của đế quốc khổng lồ phương Bắc, không chỉ bằng quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền của quê cha đất tổ mà còn nhờ tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, giữa các triều đại cầm quyền và toàn thể nhân dân. Ngày nay, dưới sự cai trị của một tập đoàn lãnh đạo cộng sản, để duy trì chế độ độc tài toàn trị và bảo vệ lợi ích của bộ máy cầm quyền tham nhũng, đám lãnh đạo này, thay vì cùng với nhân dân sử dụng sức mạnh của dân tộc chống lại dã tâm của kẻ thù phương Bắc, đã chấp nhận làm chư hầu của chúng và quay lại đàn áp mọi thành phần nhân dân yêu nước.

Vì nỗi bất hạnh lớn nhất trong lịch sử kể trên, giữa vô số vấn đề khó khăn về cả hai mặt đối nội và đối ngoại, toàn thể người Việt ở trong và ngoài nước phải tập trung mọi khả năng và điều kiện thuận lợi vào việc thực hiện hai mục tiêu ưu tiên là “thoát Trung” và “thoát Cộng”. Vấn đề đang được tranh cãi là thoát Trung trước hay thoát Cộng trước?

Một số nhà tranh đấu đã chủ trương muốn thoát Trung thì phải thoát Cộng trước, vì chính quyền cộng sản độc tài tham nhũng là trở ngại cận kề, sát nách, đang sử dụng mọi phương tiện thô bạo để ngăn chặn trí thức và xã hội dân sự chống lại sách lược của Trung Quốc dùng sức mạnh mềm (soft power) để từng bước chiếm đoạt đất nước và Hán hóa dân tộc Việt. Một khi đã loại trừ được chế độ độc tài cộng sản và thay thế bằng chế độ dân chủ thật sự thì chính quyền và nhân dân sẽ kết hợp thành sức mạnh vô địch và cuộc đấu tranh chống Trung Quốc xâm lược nhất định sẽ thành công.

Lý luận này rất lô-gích và phù hợp với truyền thống yêu nước của dân tộc Việt. Tuy nhiên, tình hình chính trị Việt Nam hiện nay sẽ không diễn ra đơn giản như vậy. Trí thức và nhân dân yêu nước đang đứng trước một số vấn đề và câu hỏi thực tế cần được giải đáp trước khi hành động thích hợp.

1. Muốn giải thể một chế độ độc tài cần phải có ít nhất là một tổ chức dân chủ đối lập và lãnh đạo có uy tín được sự ủng hộ của nhân dân và quốc tế. Cho đến nay, Việt Nam chưa có sự xuất hiện của một tổ chức và lãnh đạo đối lập nào, dù có đường lối ôn hòa, xây dựng. Không biết đến khi nào mới có đảng đối lập, rồi kể từ đó cho đến khi thoát Cộng và thành lập được một chính thể dân chủ tam quyền phân lập, đoạn đường có thể dài vô định trừ khi có biến cố bất thường. Giả thử Trung Quốc hoàn toàn thôn tính được Việt Nam trong khi các nỗ lực thoát Cộng chưa đạt được, liệu người Việt yêu nước có thể đồng thời thoát Trung và thoát Cộng được hay không?

2. Chế độ hiện hành, nếu tiếp tục chính sách lệ thuộc Trung Quốc, tham nhũng, ức hiếp dân oan và đàn áp người yêu nước thì một ngày nào đó sẽ bị nhân dân bất mãn và nổi dậy lật đổ bằng cách mạng ôn hòa hay bạo động. Giả thử có một cuộc cách mạng như vậy xảy ra, làm thế nào tránh được sự hỗn loạn của tình trạng vô chính phủ? Liệu sẽ có được một nhân vật dân sự hay quân sự nào đủ uy tín và khả năng đứng ra thành lập một chính quyền dân chủ, ổn định được mọi sự xáo trộn về chính trị, kinh tế và xã hội?

3. Có thể nào Trung Quốc chịu ngồi yên để cho chế độ cộng sản đàn em bị lật đổ và chấp nhận sự ra đời của một quốc gia Việt Nam độc lập, dân chủ, đòi lại toàn vẹn chủ quyền trên đất và trên biển đã bị Trung Quốc chiếm đoạt hay mưu toan chiếm đoạt (như ba đặc khu kinh tế đang được tạm hoãn thi hành)?

Trở lại với câu hỏi nên thoát Trung hay thoát Cộng trước, những người chủ trương thoát Trung là ưu tiên số một sẽ giải thích hợp lý rằng nếu dân tộc Việt Nam có thể thoát ra khỏi sự khống chế của Trung Quốc thì CSVN sẽ đương nhiên mất chỗ dựa để có thể duy trì chế độ độc tài tham nhũng và sẽ bị thay thế bởi một chế độ thật sự tự do dân chủ. Nhưng làm thế nào dân tộc Việt Nam có thể thoát Trung khi lãnh đạo không đồng hành với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược? Khi đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn nắm quyền thống trị, tiếp tục ngăn cấm và trừng phạt những người yêu nước?

Trước tình trạng lưỡng nan khó xử ấy, giải pháp thích hợp nhất là vừa thoát Trung vừa thoát Cộng bằng cách phát động những chiến dịch kêu gọi thoát Trung và thoát Cộng sâu rộng trong các giới nhân dân. Mục tiêu của chiến dịch thoát Trung là cung cấp những thông tin chính xác về những hành động của TQ xâm phạm chủ quyền và cướp đoạt tài nguyên trên đất và trên biển của VN, tố cáo dã tâm ác độc của lãnh đạo Trung Quốc nhằm làm suy nhược, đồng hóa hay hủy diệt dòng giống Việt qua những hành động đầu độc môi trường thực phẩm và gây ô nhiễm khí hậu, v.v. Mục tiêu của chiến dịch thoát Cộng là tố cáo tội phản quốc của một số lãnh đạo đảng, tội ác ức hiếp dân oan và lòng tham nhũng vô hạn của các quan chức chính quyền trung ương và địa phương.

Thức tỉnh lòng yêu nước của người dân và kêu gọi nhân dân đoàn kết chống tội ác của quân thù phương Bắc trong tình thế hiện nay dễ có hiệu quả hơn cả việc hô hào nhân dân tham gia tranh đấu cho nhân quyền dân chủ. Tố cáo những hành động bóc lột dân nghèo, kể cả những gia đình có công với cách mạng, phơi bày tài sản khổng lồ của các quan chức tham nhũng cũng sẽ làm gia tăng lòng bất mãn và căm giận của nhân dân đối với nhà nước cộng sản độc tài. Số đảng viên tự diễn biến, tự chuyển hóa mỗi ngày một đông. Họ đều chán ghét đảng và lãnh đạo nhưng chưa thể bỏ đảng, hầu hết chỉ vì cần giữ sổ lương hưu.

Đã đến lúc trí thức và nhân dân trong nước phải tìm cách cho ra đời một tổ chức chính trị đối lập với thành phần lãnh đạo có khả năng và uy tín trong xã hội. Đã có những tiếng nói sáng suốt và dũng cảm của những cá nhân yêu nước, nay cần phải kết hợp thành tiếng nói dũng cảm của tập thể. Nói cách khác, đã đến lúc sức mạnh của từng cây đũa cần phải được kết hợp thành sức mạnh của bó đũa. Nhân dân trong nước đang trông chờ sự ra đời và lãnh đạo của tổ chức chính trị này.

Cũng đã đến lúc cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt cần phải liên kết thành những tổ chức sinh hoạt theo lề lối dân chủ và thực hiện mục tiêu chung là hỗ trợ đắc lực cho những nỗ lực thoát Trung và thoát Cộng của người dân trong nước.

Trở lại với câu phỏng vấn mà nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình nêu ra liên quan đến tên gọi Ngày 30 Tháng Tư mà trong suốt 46 năm qua vẫn còn được tranh cãi, chưa đạt được sự đồng thuận tối cần thiết cho việc xây dựng một nước Việt Nam thật sự độc lập, dân chủ và phát triển. Nguyên văn câu hỏi của chị Thanh Bình là: “Kính thưa GS Lê Xuân Khoa, hẳn nhiên GS cũng đã có những cuộc phỏng vấn về Ngày 30/4. Dù vậy, cho đến bây giờ là chặng đường lê thê đã 46 năm, sau biến cố lịch sử của ngày đổi đời 30/4, liệu GS có điều gì còn băn khoăn khi nhìn về quê hương, nhìn lại những thế hệ con cháu và chính mình, để thấy rằng cách gọi Ngày Thống Nhất Đất Nước mà GS dường như đã đồng cảm nhất, cho đến hôm nay tại sao vẫn chưa thể thống nhất được lòng người? Và để có một ước mơ duy nhất cho quê nhà Việt Nam, thì điều đó là gì, khi GS phải để lại một lời di chúc cho cháu con mình, cho một đất nước có tới hơn 65% là ‘thanh niên rường cột nước nhà’ vẫn đang là một thế hệ cúi đầu, dửng dưng với câu nhắc nhở ‘quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách’, tuyệt nhiên không giống như giới trẻ của Hồng Kông, Thái Lan, và Miến Điện?”.

Khi đặt câu hỏi này, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình đã liên tưởng đến cuộc phỏng vấn tôi của phóng viên đài BBC tại California nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày 30.4.1975 ở hải ngoại. Chị Thanh Bình chú ý đến ý kiến của tôi về tên gọi “Ngày Thống nhất” và muốn tôi nói rõ hơn quan điểm của tôi về tên gọi này vì “cho đến hôm nay (46 năm sau) tại sao vẫn chưa thể thống nhất được lòng người?”. 

Câu phỏng vấn đầu tiên của BBC là: “Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu thì ngày 30/4 có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình lịch sử của dân tộc? Đó là Ngày Chiến Thắng, Ngày Quốc Hận, Ngày Thống Nhất hay ngày đánh dấu sự chia rẽ sâu sắc của dân tộc không thể nào hàn gắn được?”.

Theo câu trả lời của tôi thì việc gọi ngày 30/4 là Ngày Chiến Thắng hay Ngày Quốc Hận là tùy theo quan điểm của phe thắng trận hay phe bại trận. Thật ra, từ ngữ Chiến Thắng đã mau chóng mất dần ý nghĩa ngay từ trong nội bộ của phe thắng trận vì lãnh đạo cộng sản miền Bắc đã sớm bội ước với Mặt trận Giải phóng miền Nam và áp đặt chế độ thống trị độc tài hoàn toàn ngược lại nguyện vọng của nhân dân. Từ nhiều năm qua, ngày 30/4 chỉ còn là ngày được chính quyền kỷ niệm mừng chiến thắng và đã có xu hướng đổi tên thành Ngày Thống Nhất. Tên “Ngày Quốc Hận” hay “Tháng Tư Đen” phản ánh tâm trạng đau buồn của cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã phải bỏ lại quê hương, tài sản và liều chết ra đi tìm cuộc sống tự do ở một quốc gia không cộng sản.  Lý tưởng mà nói, hận thù cần phải xóa bỏ, cần phải quên đi. Là con người không ai muốn nuôi hận thù làm gì nhưng chữ Quốc Hận đến giờ không thể bỏ được. Người ta muốn quên nhưng không bỏ được cho đến chừng nào có sự thay đổi ở trong nước tức là khi chính quyền thật sự bảo vệ độc lập và toàn vẹn chủ quyền đối với Trung Quốc và thực hiện một chính thể thực sự của dân, do dân, vì dân. Như vậy sẽ hóa giải được hận thù. Từ chỗ hóa giải hận thù dẫn đến hòa giải và hòa hợp dân tộc. Lúc đó sẽ không còn ai nói đến Quốc Hận.

Tôi không phải là người đặt tên ngày 30/4 là Ngày Thống Nhất mà chỉ nhận xét rằng “Có lẽ vì tên ‘Chiến thắng’ đã bị mất ý nghĩa nên những năm sau này người ta dùng từ ‘Thống nhất’ nhiều hơn.” Dù sao chị Thanh Bình cũng có phần đúng khi thấy tôi “dường như đã đồng cảm với cách gọi này” khi tôi so sánh với cách gọi Ngày Chiến Thắng hay Ngày Quốc Hận. Lẽ ra, tôi cũng đã phải nói rõ là “thực tế chỉ có thống nhất về địa lý chứ không thống nhất được lòng người”. Và thực tế đơn giản là lòng người sẽ thống nhất, khi không còn lý do để thù hận. Như vậy, vấn đề chính vẫn là tạo điều kiện chính đáng cho Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc. Khi đó, vấn đề thống nhất đất nước và lòng người cũng không còn được đặt ra, vì mọi người đều chú trọng đến nhu cầu xây dựng và phát triển tương lai. Trong chiều hướng đó, tôi sẽ phải giải thích lý do tại sao và cần phải để lại một “lời di chúc” như thế nào, như lời hỏi của Chị Thanh Bình, “cho thế hệ con cháu của một đất nước có tới hơn 65% là ‘thanh niên rường cột nước nhà’ vẫn đang là một thế hệ cúi đầu, dửng dưng với câu nhắc nhở ‘quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách,’ tuyệt nhiên không giống như giới trẻ của Hồng Kông, Thái Lan, và Miến Điện?”. 

Tôi cũng từng băn khoăn về vấn đề này mỗi khi nghĩ đến mối quan tâm thường được nói đến là thái độ “vô cảm” của nhiều người dân Việt thuộc mọi thành phần xã hội trong một chế độ “công an trị” của cộng sản. Họ đã bị “thuần hóa” để trở thành những công dân ngoan ngoãn chỉ biết tuân theo mệnh lệnh của chính quyền vì “mọi việc đã có nhà nước lo”.  Nạn tham nhũng trầm trọng trong bộ máy cầm quyền từ cao xuống thấp, từ trung ương tới địa phương, tạo ra tình trạng chạy chọt và các mánh khóe gian lận để mưu sinh; các biện pháp răn đe, đàn áp và trả thù tàn bạo của cán bộ an ninh đã làm nhụt chí khí của một số người có lý tưởng. Tình trạng đạo đức suy đồi và trật tự xã hội bị đảo lộn ngay cả trong học đường khiến cho con người chỉ ham muốn hưởng thụ vật chất, nặng đầu óc vị kỷ và thiếu tình đồng loại. Tuổi trẻ Việt Nam dửng dưng trước trách nhiệm với quốc gia, xã hội, khác với giới trẻ của Hong Kong, Thái Lan, Miến Điện, vì họ không được nuôi dưỡng trong những môi trường tự do, dân chủ, có đảng đối lập ngay cả dưới chế độ độc tài quân phiệt như Miến Điện. Tuy nhiên, nhờ tiếp cận với thế giới bên ngoài qua những phương tiện thông tin điện tử, hoặc có điều kiện du lịch hay du học, nhiều thanh niên trong nước cũng thu thập được nhiều tư tưởng tiến bộ và có những khát vọng về tự do, phát triển con người và xã hội. Một số hăng say hoạt động dưới hình thức xã hội dân sự, gặp khó khăn, thậm chí bị bắt giữ, nhưng một số đông biết mình bất lực trước những biện pháp kiểm soát và đàn áp tàn bạo của chế độ vẫn có thể ảnh hưởng gián tiếp và gieo mầm phát triển tiềm năng qua nghề nghiệp chuyên môn. Tất cả những tiềm năng cũ hay mới này đều tiếp tục được vun trồng để sẵn sàng trở thành lực lượng đóng góp qui mô khi có biến chuyển thuận lợi từ bên trong hay bên ngoài Đảng lãnh đạo. “Lời di chúc” (tôi muốn thay bằng “Lời nhắn nhủ”) của tôi cho thế hệ trẻ ở Việt Nam là:

“Con người là sinh vật hoàn hảo nhất ở thế gian. Hãy sống cho xứng đáng với giá trị cao quý đó.  Ngoài việc hưởng thụ những lạc thú chính đáng cần phải thực hiện những nghĩa vụ hợp đạo làm người. Nghĩa vụ cao cả nhất của người dân Việt Nam trong tình thế hiện nay là quyết tâm bảo vệ Tổ Quốc và xây dựng đất nước được giàu mạnh và dân chủ. Hãy tiếp cận với những bạn trẻ đã và đang đóng góp khả năng thích hợp của mình cho lợi ích chung”.

Tôi muốn mượn đoạn kết của bài viết “Ôn lại đặc điểm lịch sử tị nạn Việt Nam” (VOA, 28.4.2020) nhân dịp kỷ niệm ngày 30.4 lần thứ 45, năm 2020) để kết thúc bài trả lời câu phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình nhân dịp kỷ niệm ngày 30.4 lần thứ 46 vì hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa bổ sung cho bài “Cảm nghĩ về hiện tình đất nước” phát biểu từ gần ba năm trước. Đoạn kết đó như sau:

Trong thời gian gần đây, khi có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam dường như muốn cưỡng lại những hành động lấn chiếm ngang ngược của Trung Cộng tại Biển Đông, một thử thách lớn lại hiện ra như một cơ hội không chỉ riêng cho lãnh đạo Đảng CSVN mà cũng cho tất cả mọi người Việt Nam yêu nước ở trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội thuận lợi nhất cho Việt Nam thoát Trung, gìn giữ được độc lập và toàn vẹn giang sơn của tổ tiên, đồng thời bảo vệ được dòng giống Việt trước nguy cơ Hán hóa. Đại dịch covid-19 xuất phát từ Vũ Hán đã thức tỉnh toàn thể thế giới về mưu đồ hiểm độc của Trung Cộng muốn giành ngôi bá chủ toàn cầu. Thế giới sẽ hợp lực đánh tan “Giấc Mơ Trung Quốc” và biến nó thành “Cơn Ác Mộng của Tâp Cận Bình”. Lãnh đạo Việt Nam sẽ phạm trọng tội nếu bỏ lỡ cơ hội lịch sử này. Những người viết sử cầu mong sẽ được chứng kiến những hành động có phối hợp, hoặc riêng biệt nhưng đồng quy, từ cả ba phía: chính quyền, trí thức và nhân dân trong nước, và cộng đồng gốc Việt ở nước ngoài. Không ai muốn sẽ phải luận tội hành động sai lầm của những người có trách nhiệm.

(*) Jamie Seidel, “China already engaging in irregular war with U.S. in the ‘grey area’.” NEWS.com.au, May 3, 2021. Bản dịch tiếng Việt trên báo mạng Tiếng Dân, 3/5/2021.

N.T.T.B. – L.X.K. 

Người phỏng vấn gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.