Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Không chấp nhận ‘đa nguyên, đa đảng’ nhưng có thể đa… vương (Phần 1)

 

Không chấp nhận ‘đa nguyên, đa đảng’ nhưng có thể đa… vương (Phần 1)

Ở những quốc gia văn minh, không bao giờ xảy ra tình trạng, dẫu đã phát giác tội phạm nhưng hệ thống bảo vệ và thực thi pháp luật dân sự phải ngừng lại vì nghi can làm việc cho… Bộ Quốc phòng. Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Sắp tròn hai tuần kể từ ngày công an huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đối đầu với Biên phòng tỉnh Quảng Trị nhưng các viên chức hữu trách từ địa phương đến trung ương vẫn án binh, bất động.

Cuộc đối đầu vừa kể xảy ra hôm 22/4/2023 ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là bằng chứng mới nhất về tình trạng sau khi… thống nhất, Việt Nam có rất nhiều lãnh chúa chia nhau làm chủ các lãnh địa và nắm trong tay đủ loại kiêu binh…

***

Cách nay mươi ngày, gần như tất cả các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam cùng tường thuật về chuyện biên phòng vây công an ở Quảng Trị… Theo đó, khoảng 8 giờ 30 tối 22/4/2023, một tổ tuần tra của Công an huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã lập chốt, chặn những người đang di chuyển trên quốc lộ 49C đoạn chạy qua xã Triệu An để kiểm tra mức độ cồn trong máu của họ. Bởi một trong những người bị chặn lại từ chối thực hiện yêu cầu đo mức độ cồn trong máu nên công an quyết định tạm giữ phương tiện mà người này đang điều khiển với lý do… “không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ”.

Ngay sau đó một viên trung tá là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Triệu Vân dẫn một đoàn xe chở sĩ quan và lính trong đồn đến hiện trường. Lúc đầu nhóm sĩ quan và lính biên phòng yêu cầu công an trả lại phương tiện cho người từ chối “kiểm tra về nồng độ cồn” vì đó là sĩ quan đang làm việc tại đồn. Do công an không đáp ứng, nhóm sĩ quan và lính biên phòng đã vây nhóm công an rồi đòi các cá nhân trong nhóm công an… “xuất trình giấy tờ”. Hai nhóm – một đại diện cho… “công an nhân dân”, một đại diện cho… “quân đội nhân dân” – cùng thuộc… “lực lượng vũ trang nhân dân” đã tranh cãi kịch liệt về… “trách nhiệm, quyền hạn” của mỗi bên suốt từ 21 giờ 30 đến sau 23:00…

Nhiều người chứng kiến đã ghi lại cảnh các bên thuộc… “lực lượng vũ trang nhân dân” thóa mạ, hăm dọa nhau rồi đưa lên Internet. Các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam thông tin thêm: Cả Công an huyện Triệu Phong lẫn Đồn Biên phòng Triệu Vân đều đã gửi báo cáo cho các cơ quan hữu trách cấp trên. Công an huyện Triệu Phong tố giác biên phòng “cản trở công an thi hành nhiệm vụ”. Đồn Biên phòng Triệu Vân thì báo cáo, trên đường tuần tra đã phát giác sáu kẻ mặc cảnh phục đang hiện diện trong khu vực mà đồn có trách nhiệm bảo vệ nên đã kiểm tra giấy tờ của cả sáu nhưng các đương sự không chấp hành, do vậy biên phòng đã… lập biên bản (1)!

Nếu gạch bỏ các từ “công an” và “biên phòng” ra khỏi những tin, bài tường thuật về sự kiện vừa đề cập thì diễn biến của sự kiện đó chẳng khác gì tin, bài tường thuật về các nhóm du đãng đang tranh giành quyền kiểm soát khu vực nào đó! Tuy chiến tranh đã chấm dứt cách nay 48 năm song cung cách quản trị, điều hành xã hội Việt Nam vẫn như thời chiến, công an và quân đội – những thực thể cấu thành “lực lượng vũ trang nhân dân” vẫn là các lãnh địa riêng, hoạt động theo kiểu “nước sông không được phạm vào… nước giếng”, do vậy khi điều tra về tham nhũng trong quá trình thực hiện các chuyến bay “giải cứu”, Bộ Công an không thể đụng đến những cá nhân thuộc Bộ Quốc phòng (2).

Cần lưu ý, cho dù quân đội có sự khác biệt với dân sự nhưng chắc chắn không thể tìm thấy bất kỳ quốc gia văn minh nào chấp nhận quân đội là một thực thể độc lập trong điều tra và xử lý các vi phạm pháp luật, đặc biệt là những vi phạm pháp luật liên quan đến sinh hoạt dân sự như Việt Nam. Chẳng hạn hồi tháng 2 vừa qua, sau khi bị cảnh sát thành phố Shalimar, quận Okaloosa, tiểu bang Florida tạm giữ vì “lái xe khi đang say rượu”, Trung tá Collin Charlie Christopherson – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bảo trì phương tiện phục vụ hoạt động của Không đoàn 1 chuyên thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt thuộc Không quân Mỹ – đã bị cách chức ngay lập tức.

Vào thời điểm đó, đại diện Không đoàn 1 lặp lại điều mà quân đội Mỹ luôn luôn khẳng định: Không bao giờ dung thứ cho bất kỳ vi phạm pháp luật nào ở cả bên trong lẫn bên ngoài căn cứ quân sự và cấp bậc, chức vụ càng cao thì việc xử lý càng nghiêm khắcKhông đoàn 1 cam kết hỗ trợ cảnh sát địa phương điều tra và xử lý Trung tá Christopherson (3). Khác với Việt Nam, nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, buộc quân đội phải tôn trọng thẩm quyền của hệ thống bảo vệ và thực thi pháp luật dân sự. Nếu quân nhân vi phạm pháp luật trong sinh hoạt bên ngoài căn cứ quân sự, thẩm quyền điều tra – truy tố – xét xử sẽ thuộc về hệ thống bảo vệ và thực thi pháp luật dân sự.

Ở những quốc gia văn minh, không bao giờ xảy ra tình trạng, dẫu đã phát giác tội phạm nhưng hệ thống bảo vệ và thực thi pháp luật dân sự phải ngừng lại vì nghi can làm việc cho… Bộ Quốc phòng và ngoài việc… “đề nghị” Bộ Quốc phòng… điều tra, hệ thống bảo vệ và thực thi pháp luật dân sự không thể làm gì khác hơn. Còn tại Việt Nam, hoạt động điều tra những hành vi trái pháp luật liên quan đến việc tổ chức – thực hiện các chuyến bay “giải cứu” đã kết thúc, phía công tố đã hoàn tất cáo trạng nhưng chỉ có những cá nhân không khoác áo quân nhân bị truy tố, còn Bộ Quốc phòng có làm gì đối với những cá nhân là quân nhân đã nhận hối lộ hay không thì không ai có quyền được biết!

(Còn tiếp)

Chú thích

(1) https://vtc.vn/quang-tri-tranh-cai-khi-mot-can-bo-bien-phong-bi-csgt-bat-do-nong-do-con-ar769357.html

(2) https://thanhnien.vn/vu-chuyen-bay-giai-cuu-co-dau-hieu-nhan-hoi-lo-tai-bo-quoc-phong-185230404165154679.htm

(3) https://www.military.com/daily-news/2023/02/21/special-operations-commander-fired-after-being-arrested-alleged-drunk-driving-hit-and-run.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.