Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2023

Chống tham nhũng “nhân văn, tình lý”: Liệu Phạm Minh Chính có thoát khỏi vòng vây?

 

Chống tham nhũng “nhân văn, tình lý”: Liệu Phạm Minh Chính có thoát khỏi vòng vây?

Blog RFA

Gió Bấc

16-5-2023

Năm 2022, Tổng Trọng bất ngờ đưa ra khái niệm chống tham nhũng “nhân văn, tình lý”; kết quả là Quốc Hội và Trung Ương Đảng họp bất thường hai lần để phế truất hai Phó Thủ Tướng và Chủ Tịch Nước. Tháng 5 này, trước kỳ họp Ban Chấp Hành Trung ương giữa nhiệm kỳ và kỳ họp Quốc Hội lần thứ VII, Tổng Trong lại hai lần nhắc đến khái niệm chống tham nhũng “nhân văn, tình lý”. Nhiều chỉ dấu cho thấy tầm ngắm “nhân văn” đang hướng vào Phạm Minh Chính.

Ngược lại với chỉ đạo rào đón của Tổng Trọng là chống tham nhũng để làm trong sạch đảng, không phải thanh trừng phe phái, đấu đá nội bộ, người dân dư hiểu rằng trong cuộc chơi chống tham nhũng “nhân văn” này sẽ nhằm vào một nhân vật cộm cán, có thế lực mạnh nào đó không cùng phe “người đốt lò vĩ đại”. Bản chất của chế độ độc tài, toàn trị là nhằm sản sinh và nuôi dưỡng tham nhũng thì làm sao có chuyện chống tham nhũng thật lòng.

Sâu chúa xử sâu con!

Chỉ riêng việc ngồi xổm trên điều lệ đảng, bám ghế Tổng Bí Thư suốt ba nhiệm kỳ, Tổng Trọng chính là sâu chúa trong bầy sâu tham nhũng, ăn vào lĩnh vực béo bở nhất là tham nhũng quyền bính. Tay chân bộ hạ thân tín nhất của Tổng Trọng trực tiếp gom củi đốt lò như cố Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Nguyễn Bá Thanh là sâu gộc với biệt phủ, đất đai, lăng mộ nguy nga đồ sộ. Trùm công an tay kiếm bạo tàn của đảng thì ăn bò dát vàng giá hàng ngàn đô. Mấy ngày trước đây, báo chí “lề phải” vô tình đưa hình ảnh Nguyễn Văn Yên, phó trưởng Ban Nội Chính Trung Ương, đeo đồng hồ Patek Philippe World Time Mecca, giá trị hàng trăm ngàn đô la, sau đó phải xóa đi. (1)

Không thể nào nhầm lẫn, hay ảo tưởng là Tổng Trọng đốt lò để chống tham nhũng. Trong chế độ toàn trị cộng sản, luật pháp, bầu cử, báo chí, quyền được nghe, được biết của người dân chỉ là công cụ, là món đồ chơi của các nhóm lợi ích mạnh nhất đang cầm quyền. Chống tham nhũng hay công cuộc “đốt lò” chỉ là công cụ để các nhóm lợi ích hay cá nhân cầm quyền nhân danh, sử dụng để thanh trừng đối thủ, cũng cố, duy trì lợi ích, vị thế độc tôn của nhóm hay cá nhân. Điều đó thể hiện rõ trong cùng một hành vi, một vụ án, những đồng phạm vai trò mức độ ngang nhau lại có mức án khác nhau rất xa, thậm chí có can phạm lại đóng vai người xét xử.

Điển hình là trong vụ án AVG 9000 tỉ đồng, mức án Phạm Nhật Vũ nhẹ như lông hồng, hành vi của Tô Lâm thẩm định giá ảo của AVG và quyết định đóng dấu mật cho hồ sơ mua bán AVG là những sai phạm nghiêm trọng được Thanh Tra Chính Phủ kết luận, nhưng hoàn toàn không bị xem xét….

Kích động dư luận trước khi dứt điểm

Mới đây, Tổng Trọng lại dồn dập kích động đốt lò. Ngày 10-5 vừa qua, Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng trung ương họp sơ kết và triển khai chỉ đạo mới. Theo đó, Thường trực Ban Chỉ đạo đưa ra yêu cầu rất xôm tụ là tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Tổng Trọng phát biểu kết luận cuộc họp này cùng giọng điệu long trọng đó nhưng lại hé thêm cánh cửa hẹp “Các vụ việc xử lý nghiêm nhưng thuyết phục, nhân văn,nhân ái, có tình, có lý, xem xét, cân nhắc nhiều mặt chứ không phải là “cua cậy càng, cá cậy vây” hay là chỉ nhìn phiến diện, một chiều”. (2)

Xử lý tham nhũng nghiêm nhưng “nhân văn, nhân ái, có tình có lý” là xử như thế nào? Ai sẽ được xử “nhân văn” như vậy khi dư luận cả nước đang phẫn uất bản án 5 năm tù cho cô giáo Lê Thị Dung về tội chi sai nguyên tắc 45 triệu đồng trong 5 năm? Thông thường trong nhiều trường hợp khác, như với các dự án nghìn tỷ trùm mền hay công trình đình đám xuyên thế kỷ đường sắt Cát Linh – Hà Đông đội vốn hàng chục ngàn tỉ, lỗ lả mỗi năm hàng trăm tỉ, chưa thấy ai bị xử lý hành chính, nói gì đến hình sự. “Nhân văn, nhân ái” chắc không dành cho dân đen, cán bộ cấp thấp. Chuyện đảng đập chuột không được vỡ bình, âm thầm nhẹ tay nâng niu quan chức tham nhũng cấp cao xưa nay không phải là chuyện hiếm.

Ngày 13-5, mượn diễn đàn cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Trọng đã đay nghiến sâu cay những kẻ tham nhũng nào đó cao cơ chạy làng mất biệt và kẻ có liên quan: “Cán bộ, nhất là khi có quyền, có chức dễ lợi dụng để chấm mút, đó là nói nhẹ, nói nặng là ăn cắp, ăn cướp của dân. Cấu kết với nhau nhằm tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, làm cho Đảng mất uy tín, làm cho Nhà nước mất uy tín“. Trọng đe nẹt “nhưng trốn cũng không được đâu. Ta sẽ xử vắng mặt và tòa đã xử vắng mặt rồi”. “Khi anh không còn là công dân mà đã trở thành tội phạm thì các nước không có quyền chứa chấp”.

Ấy vậy rồi Tổng Trọng xuống giọng hé ra tiền lệ: “Một điểm mới được thực hiện trong thời gian qua, là đã cho rất nhiều cán bộ, kể cả cấp cao thôi chức và khuyến khích xin thôi. Nói rõ toẹt là cho hạ cánh an toàn: ‘Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất xin thôi. Thực tế ta đã xử lý rồi. Đó là nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử nặng. Hiện nay việc này đã tạo sức răn đe, cảm hóa rất lớn, đi vào nề nếp ở các cấp, các ngành’.” (3)

Tức là bên cạnh những can phạm bị đưa ra tòa, sẽ có can phạm được xử theo tình, theo giá trị “nhân văn”. Thật ra xử dân theo luật, xử cán bộ theo tình không phải mới, mà đã là bản chất của nhà sản. Có điều, nó mới được công khai năm 2022 như là sản phẩm sáng tạo của cái “lò Tổng Trọng”.

Thông điệp cho hạ cánh an toàn!

Trung ương đảng và Quốc Hội phải hai lần họp bất thường để hợp pháp hóa cho hai Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam và Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc được thôi chức vụ mà lý do công bố rất mơ hồ và lúng túng. Dư luận lại bức xúc với câu hỏi, ai là trùm cuối của vụ án test kit Việt Á, ai chiếm 80% vốn cổ phần Việt Á, số tiền bôi trơn 800 tỉ đi về đâu khi số liệu tham nhũng của các can phạm là quan chức được công bố cộng dồn lại chưa quá 100 tỷ đồng?

Việc xử lý “nhân văn”, bí mật trong nội bộ đảng này đã dẫn đến hệ quả ,báo chí đồng loạt tường thuật Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố bản thân và gia đình trong sạch, sau đó lại đồng loạt xóa đi.

Như vậy, chính sách chống tham nhũng “nhân văn” này chỉ dành “ưu đãi” những cán bộ cấp cao nhất, cao hơn tầm UVBCT như Đinh La Thăng hay Ủy Viên Trung Ương như Bộ Trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, vẫn phải đi “chăn kiến” trong tù sau phiên họp bất thường của Trung Ương Đảng, Quốc Hội. Với tầm cao ấy, tín hiệu đầu tiên cho thấy viên đạn “nhân ái” đang hướng về Phạm Minh Chinh, nhân vật duy nhất còn lại trong tứ trụ không phải là tay chân của Tổng Trọng.

Tuyên bố nóng hổi dồn dập về “công cuộc đốt lò” nghiêm khắc mà “nhân văn, tình lý” của Tổng Trọng và ban bệ chống tham nhũng của đảng không chỉ bộc phát nhất thời, mà đã được chuẩn bị từ trước bằng nhiều bước đi tuần tự như một thế trận cờ vây, dồn đối thủ không cho nó thoát.

Thế trận bủa vây

Từ năm 2022, đại tá Đinh Văn Nơi được điều từ An Giang ra làm Giám đốc công an Quảng Ninh, vùng đất phát tích của Phạm Minh Chính. Nhiều vụ án tham nhũng, quan chức tay chân em út của Phạm Minh Chính từ chủ tịch TP Hạ Long, Phó Chủ Tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bị khởi tố, bắt giam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC, bị án đang bỏ trốn trong vụ vi phạm chế độ đấu thầu bệnh viện Đồng Nai tiếp tục bị điều tra về hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng“, xảy ra tại Công ty AIC và Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Trong vụ án này, ông Nguyễn Anh Dũng – giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Phúc Hưng – là anh trai của bà Nhàn cũng bị khởi tố. Bà Nhàn và AIC đã phát triển mạnh và trúng thầu nhiều công trình quan trọng trong thời gian ông Chính là bí thư Quảng Ninh.

Báo chí nước ngoài đưa tin, bà Nhàn là môi giới trong các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Việt Nam – Israel trị giá hàng tỉ đô la, thậm chí có thông tin cho rằng, bà Nhàn là vợ nhỏ ông Chính. Thông tin báo chí trong nước trước đó cho thấy bà Nhàn sát cánh ông Phạm Minh Chính trong nhiều sự kiện quan trọng. Vụ án bà Nhàn và các quan chức Quảng Ninh là đòn rút mây động rừng, đào đất dưới chân Thủ Tướng.

Lời đe nẹt của Tổng Trọng khi tiếp xúc với cử tri về việc bà Nhàn trốn đâu cho thoát và câu nhắn nhủ “tay đã nhúng chàm thì tốt nhất xin thôi” hẳn là thông điệp gửi đến ngài Thủ Tướng chứ không ai khác. Đồng thời những thông điệp được nhắc đi nhắc lại nhiều lần ngay trước hội nghị trung ương giữa nhiệm kỳ và kỳ họp thứ VII của Quốc Hội cũng là sự định hướng công khai cho các ủy viên trung ương và đại biểu Quốc Hội thi hành đòn quyết định cuối cùng là bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên BCT và BBT, các chức danh do Quốc Hội bầu trong kỳ họp lần này.

Bỏ phiếu tín nhiệm là chiêu thức được Tổng Trọng ấp mưu chuẩn bị từ nhiều năm trước để hạ bệ Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2012 và đã từng bị phản đòn đau điếng đến mức Tổng Trọng phải nghẹn ngào rơi nước mắt. Tình thế lúc ấy lực lượng của Thủ Tướng, BCH Trung ương còn quá đông. Lò vừa mới nhóm, uy thế Tổng Trọng chưa đủ mạnh để nhất hô bá ứng. Lần này, sau hai nhiệm kỳ rưỡi nắm ngôi thiên tử, với những đợt luân chuyển cán bộ, hai kỳ đại hội, Tổng Trọng vững tin đã nắm trong tay tuyệt đại đa số ủy viên trung ương.

Trong nhiệm kỳ trước chỉ việc xử lý kỷ luật Tất Thành Cang của thành Hồ, một con hạm ăn đất nhân dân oán ghét tận xương đã có đến gần 30% ủy viên không đồng thuận. Nhưng trong nhiệm kỳ này, ngay với kẻ đứng thứ nhì trong tứ trụ, ủy viên BCT nhiều khóa như Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Trọng quật ngã nhẹ nhàng như vặt cổ gà.

Về kỹ thuật, quy định bỏ phiếu tín nhiệm trước đây còn chung chung, không gắn liền mới mức xử lý. Lần này, từ tháng 2 năm 2023, Tổng Trọng đã giao Võ Văn Thưởng ký văn bản số 96, quy định mới đã chặt chẽ hơn về tổ chức thực hiện. “Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn. Xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở hai nơi thì việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi”.

Nếu số phiếu lọt vào khung nào, sẽ áp dụng ngay mức xử lý đó, khỏi bàn cãi, quanh co.

Khuyết điểm về trách nhiệm của Phạm Minh Chính trong vai trò điều hành chính phủ thì chất chồng như núi. Thủ tướng có đến 2 phó bị cách chức, hàng tá Bộ Trưởng, Chủ Tịch UBND tỉnh bị bắt giam, kỷ luật. Kinh tế đất nước bết bát, GDP giảm thê thảm, địa ốc đóng băng, có nguy cơ vỡ bóng, tài chính tín dụng bết bát… Cộng thêm những dính dấp cá nhân với Nguyễn Thanh Nhàn và các quan chức Quảng Ninh mà chứng cứ đang trong tay Tô Lâm, Hồ Chí Minh có sống dậy chắc cũng không cứu nổi Phạm Minh Chính.

Điều buồn cười là, nếu việc bỏ phiếu tín nhiệm nhằm làm trong sạch bộ máy vì nước vì dân thì rất cần công khai cho quốc dân được biết, nhưng rõ là không phải như vậy nên quy định 96 đóng khung ”Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư được công khai trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng” (4).

Nhạt hơn bóng đá Sea Games

Trận địa truất phế chức vụ Thủ Tướng còn chuẩn bị sẵn phiên xử thứ hai là kỳ họp Quốc Hội thứ 7. Quốc hội sẽ họp tập trung và tiến hành họp theo 2 đợt. Đợt 1 kéo dài 17 ngày, từ 22-5 đến 10-6. Đợt 2 diễn ra trong 5 ngày, từ 19-6 đến 23-6.

Chương trình nghị sự dự kiến ngay trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ họp riêng để quyết định công tác nhân sự (5).

Quốc Hội sẽ quyết định nhân sự nào khi Chủ Tịch Nước mới vừa bầu, các Phó thủ tướng mới vừa bổ nhiệm? Chắc hẳn không chức nào khác ngoài Thủ Tướng!

Rõ ràng hơn nữa đến mức sỗ sàng, dậu chưa đổ mà bìm đã leo. Nhà nước cộng sản vốn rất khệnh khạng tô vẽ hình ảnh của lãnh tụ. Sự có mặt, vị trí đứng trong hình ảnh trên báo chí qua các sự kiện quan trọng là sự thể hiện vai trò quyền lực được tuyên giáo kiểm soát nghiêm ngặt. Theo luật bất thành văn tất cả báo chỉ được sử dụng hình ảnh của TTXVN và Báo Nhân Dân. Trong hội nghị giữa nhiệm kỳ, Phạm Minh Chính vẫn được giao đọc một báo cáo nhưng trên trang tin TTXVN và tất cả các tờ báo không có hình ảnh cận cảnh của Phạm Minh Chính. Hầu hết các báo đăng long trọng hình tam trụ: Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ. Thậm chí có báo còn đăng cả hình ảnh tam trụ + 1 là Nguyễn Văn Nên như một dự báo!

Tam trụ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các lãnh đạo đảng dự Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ. Ảnh chụp ngày 15-5-2023. Nguồn: Báo TN

Điều đáng nói là dư luận mạng xã hội hoàn toàn thờ ơ với màn diễn cung đình này và dành thời gian, cảm xúc cho kết quả chung kết bóng đá SEA GAMES 32.

_______

1- https://www.nguoi-viet.com/nvtv-tin-tuc/tv-breaking-news/pho-ban-noi-chinh-duoc-truyen-thong-ho-bien-giau-dong-ho-patek-philippe/

2- https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-bi-thu-chu-tri-cuoc-hop-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-119230510100617339.htm

3- https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-can-bo-neu-da-vi-pham-thay-tay-nhung-cham-roi-tot-nhat-xin-thoi-20230513084347487.htm

4- https://tuoitre.vn/print/ban-chap-hanh-trung-uong-se-lay-phieu-tin-nhiem-cac-chuc-danh-nao-20230515102000119.htm

5- https://tuoitre.vn/quoc-hoi-hop-ky-5-truc-tiep-bao-dam-dieu-kien-hop-ve-nhan-su-20230513144706878.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.