Bắc Kinh mở nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa
Tác giả: Laura Zhou
Cù Tuấn, biên dịch
3-5-2023
Trung Quốc đã mở một nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm, một phần của quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp ở Biển Đông.
Việc này đánh dấu nỗ lực mềm mới nhất từ Bắc Kinh nhằm củng cố các yêu sách của mình trên tuyến đường thủy bận rộn, có tầm quan trọng chiến lược này, mà hầu hết trong số đó được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền theo cái mà họ gọi là “đường chín đoạn” lịch sử.
Đảo Phú Lâm, được Trung Quốc gọi là 永兴 (Yongxing, Vĩnh Hưng), là đảo lớn nhất trong nhóm khoảng 30 đảo tạo nên quần đảo Hoàng Sa. Được gọi là Tây Sa trong tiếng Trung Quốc, quần đảo này do Bắc Kinh kiểm soát nhưng Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Nhà hàng lẩu Kuanzhai Xiangzi – có sức chứa 120 thực khách một lúc – đã mở cửa kinh doanh vào tuần trước, theo chính quyền thành phố Tam Sa. Cơ quan chính phủ này, có trụ sở chính trên đảo Phú Lâm, quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng đang trong trạng thái tranh chấp gay gắt, mà Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa.
Phó giám đốc của một công ty hậu cần ở Tam Sa đã hoan nghênh việc khai trương nhà hàng với một trong những truyền thống ẩm thực nổi tiếng nhất của Trung Quốc.
Việc này sẽ “làm phong phú thêm đời sống vật chất và văn hóa của quân đội, cảnh sát và người dân trên đảo”, Wang Panpan nói với đài truyền hình địa phương Hainan TV.
Đảo Phú Lâm có khoảng 1.000 cư dân dân sự khi Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa vào năm 2012 để khẳng định yêu sách của mình đối với vùng biển giàu tài nguyên này.
Kể từ đó, Trung Quốc đã nâng cấp cơ sở vật chất cho dân số ngày càng tăng của Tam Sa, mà đến năm 2020 đã mở rộng lên khoảng 2.300 người – không kể quân nhân.
Một sân bay dân sự – quân sự đã được khai trương trên đảo vào năm 2014, và năm sau, Trường Vĩnh Hưng đã mở cửa để cung cấp trường mẫu giáo, trường tiểu học và giáo dục nghề nghiệp cho con em ngư dân và binh lính địa phương.
Một tòa án, rạp chiếu phim, ngân hàng, bệnh viện, bưu điện, sân vận động và quán cà phê đã được thành lập ở Tam Sa.
Tháng trước, Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước cho biết việc xây dựng Sansha Plaza, một quảng trường công cộng rộng 18.500 m2, đã hoàn thành.
Sự gia tăng đều đặn diễn ra khi Bắc Kinh sử dụng cả cách tiếp cận cứng rắn và mềm mỏng để củng cố các yêu sách của mình ở Biển Đông, nơi nước này có tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng Đông Nam Á.
Điều này bao gồm các cuộc tuần tra thường xuyên trong vùng biển tranh chấp bằng các tàu hải giám hạng nặng và thường được trang bị vũ khí của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng đã bồi đắp nhân tạo và quân sự hóa mạnh mẽ các bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, nơi mà Philippines, Brunei và Malaysia cũng như Việt Nam và Đài Loan tranh chấp chủ quyền.
Ngoài việc bố trí các cơ sở quân sự như hệ thống tên lửa và đường băng trên các rạn san hô, Trung Quốc gần đây còn mở các siêu thị để phục vụ cho các binh sĩ thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, vốn trước đó phải chờ tàu tiếp tế hàng tháng.
Vào tháng 2 năm 2023, Trung Quốc cho biết họ đã khai trương một trung tâm khảo cổ học dưới nước ở tỉnh đảo Hải Nam phía nam, có thẩm quyền đối với thành phố Tam Sa.
Trung tâm này cũng được coi là một cách để thể hiện chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực bằng cách liên kết các di sản dưới nước ở Biển Đông – “một phần quan trọng của Con đường tơ lụa trên biển” – với di sản văn hóa Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.