Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

Bà Nà Hills có đóng góp cho nền kinh tế? (Phần 2)

 

Bà Nà Hills có đóng góp cho nền kinh tế? (Phần 2)

Save Tam Đảo

15-5-2023

Tiếp theo Phần 1

Nếu bạn xây khách sạn với kiến trúc của làng bên cạnh để thoả mãn nhu cầu, thói quen của người trong làng mình thì khi đó người trong làng sẽ đến nhà bạn du lịch, bạn thu nhiều tiền và đóng thuế tích cực cho trưởng làng. Cùng thời điểm đó những gia đình khác trong làng bạn sang làng bên cạnh để làm thuê, họ lao động nhiều hơn để bán nông sản ra bên ngoài, chính họ mới là người đem ngoại tệ về làm tăng giá trị kinh tế cho làng, còn bạn thì không.

Tất nhiên Bà Nà Hills vẫn có lượng khách quốc tế nhất định, theo quan sát của nhóm chúng tôi trong dịp nghỉ lễ vừa qua lượng khách quốc tế chiếm khoảng 20-30% trong đó chủ yếu là du khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và các du khách thuộc các nước Trung Á, khách Châu Âu rất ít. Các bạn có nghĩ rằng khách Châu Âu đi Bà Nà để thăm thú chính ngôi làng của mình ở đây!

Có nhiều người đặt câu hỏi liệu Sun Group xây Làng Pháp, Cầu Vàng, khu vui chơi, ở dưới chân núi thì sẽ thu hút được khách du lịch tới không? Câu trả lời chắc chắn là không, vậy mấu chốt vẫn là vị trí đỉnh núi Bà Nà, nếu không có thiên nhiên, rừng cây và khí hậu nơi đây thì Sun Group cũng như những kẻ mộng mơ khác thôi.

Quay trở lại với chủ đề đóng góp cho kinh tế, câu chuyện ngôi làng ở phần đầu chắc cũng giúp các bạn hiểu ra được phần nào vai trò của Bà Nà Hills thực sự đối với nền kinh tế là như thế nào, đừng nhìn vào số tiền thuế họ đóng góp, mà hãy nhìn vào số tiền Việt phải quy đổi ra đô la để họ tri trả cho nước ngoài là bao nhiêu nhé.

Hiện tại Sun có hợp tác với 59 công ty/ tập đoàn thì trong số này có tới gần 50 là công ty/ tập đoàn nước ngoài. Trong đó phải kể đến tập đoàn Doppelmayr của Áo chuyên thi công các tuyến cáp treo, tàu điện, các tập đoàn vận hành khách sạn như Accor, Intercontinental, JW Marriott… Hay các tập đoàn thiết kế kiến trúc như WATG, AEDAS, CallisonRTKL, Arcadis và hàng chục công ty, tập đoàn tên tuổi khác.

Riêng tuyến cáp treo đầu tiên có mức phí lên đến 12 triệu đô la, tương đương với gần 300 tỷ đồng chưa kể các chi phí vận hành về sau, hiện tại Sun đã hoàn thiện 5 tuyến cáp treo lên Bà Nà như vậy riêng chi phí phải thanh toán bằng đô la cho các tuyến cáp treo cũng vào khoảng 50 triệu đô la. Tất nhiên số tiền họ kiến được cao gấp nhiều lần con số đó, nhưng đáng tiếc số tiền kiếm được lại chủ yếu là VNĐ.

Nếu đem so sánh số tiền đô la thu được từ khách du lịch quốc tế và số đô la phải chi trả cho các công ty đối tác nước ngoài, nhập khẩu vật liệu từ nước ngoài thì chắc chắn âm rất nhiều, trong kinh tế vĩ mô người ta gọi là nhập siêu, trong dài hạn là vô cùng bất lợi cho nền kinh tế quốc gia, những đối với tập đoàn Mặt Trời thì doanh thu của họ vẫn là số một.

Như vậy có thể thấy Sun Group không những không có đóng góp đáng kể nào cho tỉ trọng tăng trưởng kinh tế, không muốn nói là góp phần phát triển kinh tế cho nước ngoài nhiều hơn. Và trong mối quan hệ kinh tế này thì lợi nhuận của tập đoàn Mặt Trời vẫn là cao nhất, kinh tế đất nước hay môi trường không có quá nhiều nghĩa lý. Việc hi sinh Bà Nà Núi Chúa liệu có đáng không, xin mời các bạn đón đọc phần 3 vào ngày mai.

Ps: Khuôn khổ bài viết và tầm hiểu biết còn có hạn, nên rất mọng nhận thêm sự đóng góp của mọi người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.