Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

Phản hồi bài: Nghĩ từ vụ án ông Tuấn “tim”, đừng đổ lỗi cho cơ chế

 

Phản hồi bài: Nghĩ từ vụ án ông Tuấn “tim”, đừng đổ lỗi cho cơ chế

Thái Hạo

23-4-2023

Sáng nay, Vietnamnet đăng bài báo “Nghĩ từ vụ án ông Tuấn “tim”, đừng đổ lỗi cho cơ chế” của tác giả Nguyễn Duy Xuân. Bài mắc rất nhiều lỗi. Xin lần lượt chỉ ra vài lỗi trong số đó.

Thứ nhất. Ngay mở đầu tác giả viết: “Dính vòng lao lý, ông Tuấn “tim” có bị chi phối bởi lòng tham không? Câu hỏi này chỉ có ông mới trả lời chính xác”. Trời đất! Nhận định về một vụ án mà nói chỉ có phạm nhân mới trả lời chính xác được thì phiên tòa kia thành vô giá trị ư? Quá trình truy tố, điều tra, xét xử là để trả lời câu hỏi ấy, nhưng nay, sau khi xử xong thì tác giả bài báo lại nói tỉnh rụi “chỉ có ông [Tuấn] mới trả lời chính xác”! Hay tác giả Nguyễn Duy Xuân đang có ý đá đểu công an, Viện kiểm sát và tòa án nhỉ?

Thứ hai. Tác giả khẳng định: “Phải nói thẳng nguồn gốc sâu xa của tham nhũng, hối lộ chính là lòng tham”. Vậy xin hỏi ông, nguồn gốc sâu xa của phát triển có phải là lòng tham không? Không có lòng tham thì sẽ chẳng có khoa học, công nghệ, chẳng có kinh tế phát triển và nghệ thuật tiến bộ đâu, thưa ông. Tác giả lại khẳng định “Người ta khác nhau ở khả năng tiết chế của mỗi cá nhân tạo nên sự nghiêng lệch sang cực này hay cực kia của phạm trù đạo đức tốt/xấu”. Xin thưa, nhà nước/cơ chế sinh ra là để điều hướng, để kiểm soát lòng tham của con người; còn nếu khoán trắng trách nhiệm ấy cho cá nhân thì thử hỏi cái cơ chế ấy còn biết dùng vào việc gì nữa?! Chắc ít ai không biết câu nói của Hồ Chí Minh, “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó chính là “lòng tham” đấy, thưa tác giả Nguyễn Duy Xuân. Ông Phật đi tu cũng là vì “lòng tham” – tham sự giác ngộ, tham một đời sống không còn đau khổ. Nhân loại tiến bộ không ai chủ trương tiêu diệt lòng tham cả, người ta tạo ra “cơ chế” để “lòng tham xấu” bị khắc chế, còn “lòng tham tốt” thì được nở rộ. Đây là nhận thức tối thiểu về con người và nền tảng phát triển của xã hội mà một người cầm bút phải biết.

Thứ ba. Thật ngạc nhiên, sau khi biện luận rất dài dòng để đổi lỗi cho lòng tham cá nhân thì đến cuối bài tác giả lại hạ một câu kết thúc: “Và, quan trọng hơn, phải có cơ chế để người ta không muốn, không dám, không thể và không cần tham nhũng”. Xin lưu ý chữ “quan trọng hơn”. Đã coi cơ chế là “quan trọng hơn” (lòng tham) trong việc gây ra tham nhũng/tội ác, thì tại sao tác giả lại dành cả một bài dài để cố chứng minh việc phạm tội của các cán bộ trong hệ thống nhà nước là “do lòng tham”? Nói như thế há chẳng phải ý sau đá ý trước sao? Hay rốt cuộc dù tình cảm xui khiến ông đổ tội lỗi cho lòng tham nhưng lý trí thì luôn chống lại cái lý luận ấy, để đến cuối cùng tự bản chất và logic của vấn đề đã buộc nó phải đi đến kết luận không thể khác được, là “quan trọng hơn, phải có cơ chế để người ta không muốn, không dám, không thể và không cần tham nhũng”?

Cuối cùng xin kể một câu chuyện của cá nhân tôi. Lúc còn công tác trong ngành giáo dục, tôi có đảm nhiệm một cái chức quèn, là tổ trưởng chuyên môn. Cái chức này ở trường chuyên nơi địa phương ấy khá đặc biệt: gần như có quyền quyết định trong tuyển dụng giáo viên cho bộ môn mình. Chính vì thế, trước mỗi kỳ thi tuyển dụng, vẫn thường có người mang quà cáp tới hay liên hệ với tôi bằng những cách khác nhau, nhằm chạy chọt. Tôi từ chối tất cả (có thể vì còn “non” thôi, chứ chưa hẳn đã tốt đẹp gì!). Và có người sau này khi trở thành đồng nghiệp của tôi rồi thì thi thoảng vẫn nhắc lại, để nói rằng rất xấu hổ vì trước đây đã có ý nghĩ và hành động ấy. (Có thể mấy người đồng nghiệp đó bây giờ cũng đang đọc bài viết này của tôi đấy). Tác giả Nguyễn Duy Xuân thấy tôi đáng ca ngợi hay thấy cơ chế mới là cái đáng bị phê phán? Làm sao lại có thể trao tương lai của hàng ngàn học sinh và của ngành giáo dục vào sự may rủi của lòng tốt bấp bênh như thế cho được, thưa ông!

Chính vì hiểu điều này, nên dù tôi không tham nhũng, không “lợi dụng chức vụ quyền hạn” để trục lợi, tức là “trong sạch”, nhưng tôi vẫn không chĩa mũi nhọn phê phán vào cá nhân (không phải vì họ đáng thương hay cần được thông cảm, mà vì sự phê phán ấy không có mấy ý nghĩa cho việc thay đổi cả, ngoài việc giải tỏa tâm lý của bản thân); mà ngược lại, tôi luôn luôn đòi hỏi việc thay đổi cơ chế/thiết chế. Bởi nếu không làm như thế, thì tham nhũng và tội ác không bao giờ được trị tận gốc. Mang mỡ để miệng mèo rồi dạy đạo đức cho nó, và khi nó ăn miếng mỡ ấy thì chửi bới và bắt nhốt vào cũi, đó chẳng phải là cách làm rất ngớ ngẩn sao? Lúc này, chỉ có thể nói rằng ông chủ của con mèo mới là người đáng chê trách, vì đáng ra phải cho mèo ăn no đừng để nó đói và mang mỡ cất đi cho thật kỹ, rồi rủi gặp con mèo quá tham mà cố tình phá cũi thì đánh cho thật đau, nhưng ông ta lại để mỡ khơi khơi trên bàn rồi ngồi giảng đạo đức cho nó! Thật bi hài.

Một cái chức quèn như chức của tôi mà vẫn có cơ hội tham nhũng (để phá nát môi trường giáo dục), vậy thử hỏi những ông trưởng phòng, ông chủ tịch hay cao hơn nữa mà có đạo đức không tốt thì xã hội phải gánh hậu họa khủng khiếp đến thế nào? Chẳng lẽ đã thấy cái bức tranh và viễn cảnh đáng sợ này mà tác giả Nguyễn Duy Xuân vẫn muốn tiếp tục rao giảng đạo đức cho cán bộ ư?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.