Ông Nguyễn Lân Thắng bị cáo buộc những gì
LS Lê Văn Luân
Theo Cáo trạng của vụ án ông Nguyễn Lân Thắng: ông Thắng bị cáo buộc với 12 đoạn phim phỏng vấn bởi đài BBC News tiếng Việt đăng trên Youtube, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2020. Trong các bài phỏng vấn bàn tròn trực tuyến này, không có nội dung nào liên quan tới xúc phạm lãnh tụ hay nhân vật chính trị lịch sử (cách mạng).
Các tài khoản Facebook (gồm tài khoản cá nhân và fanpage) có tên Nguyen Lan Thang đều không thể xác thực được là của ông Thắng quản lý hay sử dụng nên ông Thắng không bị cáo buộc về các loại hành vi liên quan tới các tài khoản này.
Duy nhất, trong một bài phỏng vấn trong số 12 đoạn phim, chỉ có một đoạn bình luận với nội dung đưa lại thông tin thứ cấp rằng “có nhiều người nói nhân vật Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu có vấn đề về thần kinh” là bị cáo buộc phạm tội tại Điều 117 BLHS.
Cáo trạng đã sử dụng các bằng chứng là các bài thảo luận (phát trực tiếp và nhiều người cùng tham gia) bàn tròn trên BBC News tiếng Việt, không dùng thêm các bằng chứng khác để buộc tội (mặc dù trong Cáo trạng có dẫn ra các nội dung vi phạm của các bài viết trên hai tài khoản cá nhân như đã nêu). Do đó, các bàn luận ngoài phạm vi của các nội dung trên đều là không đúng với phạm vi tội danh mà ông Nguyễn Lân Thắng bị buộc vào.
Như đã trao đổi với luật sư, ông Thắng đã nói rằng sẽ nói lời nói sau cùng (vào trước ngày phiên toà diễn ra): ông hành động và thực hành mọi việc là dựa trên lòng yêu nước, yêu dân tộc mình. Và sau tất cả, ông mong sẽ có một đất nước Việt Nam phát triển, tươi đẹp và cùng với đó là một nhà nước hùng mạnh để điều hành xã hội. Tinh thần của ông được cô đọng như vậy khi trao đổi với luật sư trước ngày bị xét xử trong một phiên toà kín.
———
DẪN LUẬN THÊM VÀ BÌNH LUẬN TRỞ LẠI VỀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN
Không ai nằm ngoài phạm vi của quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là nhân vật chính trị và người của công chúng – như đã trích ra các điều khoản của ICCPR về tính chất rộng rãi và gần như bất giới hạn của nó.
Trong mọi đánh giá và nghiên cứu, xem xét lại về lịch sử, chính trị, văn hoá, kinh tế hay tôn giáo… các hành vi phê phán hoặc chỉ trích, thậm chí phỉ báng đều không nên bị quy về một trách nhiệm hình sự.
Các sự chế nhạo, giễu nhại hay châm biếm các nhân vật chính trị, lịch sử, tôn giáo… cũng là một quyền cơ bản trong thực hành tự do ngôn luận (bao gồm tự do biểu đạt và tự do quan điểm).
Không ai cần phải bị trừng trị về hành vi phê phán hay phỉ báng này với: vua chúa, hoàng tộc, chính phủ, đảng phái, lãnh đạo tôn giáo, công chức, quân đội hoặc các chính khách. Nó cũng mở rộng ra cả trong lĩnh vực tư (như pháp nhân hoặc các thể nhân có ảnh hưởng tới việc thực thi quyền tự do ngôn luận).
Việc thực hành quyền tự do ngôn luận cũng bao hàm các bình luận có thể gây xúc phạm, mặc dù vậy không nên có ác ý.
Điều quan trọng hơn là một chính quyền phải đảm bảo việc thực thi chúng không bị hạn chế, bằng việc phải quy định thật nghiêm ngặt các phạm vi mà có tính cấm đoán (hạn chế trong phạm vi hẹp và phải cho thấy nó là đặc thù thay vì quy định mơ hồ mà không thể xác định được phạm vi).
———
Trong xu thế chung của sự hoà nhập quốc tế, việc cần phải sửa đổi luật để cho phù hợp với các quy định có tính phổ quát là một yêu cầu bắt buộc và cũng là tiến tới tính pháp quyền của một hệ thống đối với quốc gia thành viên.
Xin nhắc lại rằng, Hiến pháp của chúng ta cũng đã thay đổi 6 lần, và đạo luật hình sự cũng đã được thay đổi 3 lần (trong khi có các tội danh được bãi bỏ có tính ý thức hệ như (Điều 86) “Các tội chống các Nhà nước XHCN anh em” năm 1985).
Luật Biểu tình và Luật Lập hội chúng ta đang thảo luận và chưa đưa ra để thông qua (năm 1957, VNDCCH đã có Luật quy định quyền lập hội áp dụng trên địa giới của miền Bắc). Song, đây là các luật thiết yếu để làm cơ sở thực thi tính mạnh mẽ cũng đồng thời là tính chính đáng của các cưỡng chế, nếu có, đến từ thiết chế công.
Cần nhấn mạnh rằng, việc ban hành luật là một vấn đề quan trọng, nhưng việc đảm bảo thi hành chúng trên thực tế còn quan trọng hơn, vì chỉ điều này mới bảo đảm một luật có thực sự có hiệu quả hay đại diện cho ý chí (quyền năng) của người dân hay không – tức là chúng trở thành hành động thực chất hay chỉ là hình thức bề ngoài.
L.V.L.
Nguồn: FB Luân Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.