Nhà hoạt động Trương Văn Dũng bị kết án sáu năm tù giam, tố cáo bị nhục hình
RFA
2023.03.28
Ông Trương Văn Dũng cầm biểu ngữ ở Hà Nội năm 2016. FB Dũng Trương
Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 28/3 kết án nhà hoạt động Trương Văn Dũng (hay còn gọi là Trương Dũng) với bản án sáu năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 vì bị cáo buộc "trả lời phỏng vấn báo đài ngoại quốc và tàng trữ sách lậu."
Trong phiên toà kết thúc trong buổi sáng thứ ba, chỉ có vợ ông, bà Nghiêm Thị Hợp được vào dự với tư cách là người làm chứng. Nhiều nhà hoạt động ở thủ đô Hà Nội cho biết họ bị quản thúc tại gia hoặc bị lực lượng an ninh theo sát nhằm ngăn cản họ đến gần khu vực toà án.
Ngay sau khi phiên toà kết thúc, ông Ngô Anh Tuấn, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Dũng nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Quan điểm của ông Dũng và luật sư thì chúng tôi nói là ông Dũng không phạm tội và các luật sư đều đồng nhất quan điểm là trả tự do tại toà. Còn lại là nhận định và kết luận của phía đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử thì họ vẫn tuyên ông Dũng có tội và tuyên sáu năm tù.”
Bị kết án vì trả lời phỏng vấn và tàng trữ sách xuất bản không phép
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, ông bị cáo buộc trong thời gian từ ngày 24/10/2015 đến tháng 5/2022 đã trả lời phỏng vấn của chương trình “Từ cánh đồng mây” của Radio Sài Gòn Dallas ở Hoa Kỳ với nội dung bị cho là tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; tuyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý thông qua các bài phỏng vấn, video clip đăng tải trên mạng xã hội.
Cáo trạng cũng cáo buộc ông tàng trữ hai đầu sách mang tên “Những mảnh đời sau song sắt” của cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên và “Chính trị bình dân” của nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang. Theo đó, hai cuốn sách này bị cho là được in và phát hành bất hợp pháp với nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân và tuyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý.
Bà Nghiêm Thị Hợp, vợ ông Dũng thuật lại điều này:
“Cái bài phỏng vấn Cánh đồng mây thì Trương Văn Dũng không nhận của mình nhưng bên đó (công tố- PV) vẫn nói là bên gì (Sở Thông tin và Truyền thông- PV) kết luận đúng rồi. Thế là nó cứ dựa vào đấy để kết tội thôi. Hai luật sư nói đi nói lại nhiệt tình lắm nhưng họ vẫn kết luận như thế.”
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết toà đã không truy cứu những cáo buộc liên quan đến các bài viết trên trang Facebook Dũng Trương vì không đủ cơ sở kết luận trang này là của ông Trương Văn Dũng.
Ngoài ra, công an còn thu giữ ở nhà riêng của ông 31 băng rôn và biểu ngữ được in trên vải bạt và 14 tài liệu in trên giấy với nhiều kích thước khác nhau có nội dung bị cho là chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ông Dũng tố cáo bị công an dùng nhục hình
Bà Hợp cho biết trong phiên toà hôm nay, ông Dũng có tố cáo việc mình bị công an đánh đập trong lúc hỏi cung.
Cụ thể, vào ngày 15/9/2022, ông Dũng bị trích xuất từ Trại tạm giam số 1 của Công an thành phố Hà Nội và đưa đến Phòng an ninh điều tra ở 89 Trần Hưng Đạo của Công an thành phố Hà Nội để hỏi cung. Tại đây, ông bị cán bộ an ninh hành hung. Bà Hợp thuật lại:
“Trương Văn Dũng không hợp tác, đến tận trưa rồi mà không hợp tác thì người ta cho ăn một hộp cơm. Ăn xong là chúng nó cho hai thằng hai bên đánh bằng cùi chỏ. Sau một lúc nó chở về và giả về Hoả Lò.
Trương Văn Dũng bị chúng nó đánh đau. Đêm hôm ấy Trương Văn Dũng đau và được đưa đi cấp cứu. Cấp cứu suốt 15 ngày, có ngày cấp cứu hai lần.”
Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, trong suốt thời gian xử án, ông Dũng không đề cập đến việc bị công an Hà Nội đánh đập, mà đưa ra lời tố cáo này trong phần phát biểu cuối cùng trước khi toà nghị án. Do vậy, luật sư không thể khai thác hoặc thêm ý kiến về việc này.
Vị luật sư của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng cho biết trong những lần gặp trong trại tạm giam để chuẩn bị cho việc bào chữa, thân chủ của ông không đề cập đến việc bị đánh đập trong quá trình hỏi cung.
Tuy nhiên, một luật sư khác của ông Dũng là ông Lê Đình Việt viết trên Facebook cá nhân cho biết, trong cuộc thăm gặp vài ngày trước phiên xử, thân chủ của ông tố cáo bị dùng nhục hình thời điểm bị trích xuất từ trại giam đến cơ quan An ninh điều tra, sau đó ông Dũng phải thường xuyên nhờ đến sự hỗ trợ về y tế của Trại tạm giam để đối phó với sự hành hạ của những cơn đau.
Ông Dũng, 65 tuổi, một người bất đồng chính kiến được biết nhiều từ các hoạt động ôn hoà trên đường phố, bị bắt ngày 21/5/2022.
Ông tích cực tham gia các phong trào biểu tình ôn hoà phản đối đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, việc chặt hàng ngàn cây cổ thụ ở trung tâm thành phố Hà Nội, việc xả thải của Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung năm 2016, vi phạm nhân quyền, và đòi tự do cho nhiều tù nhân lương tâm.
Ông cũng tham gia nhiều hoạt động từ thiện trợ giúp dân oan và gia đình tù nhân lương tâm trong hai nhóm Bầu Bí Tương Thân và Quỹ 50K của nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, người cũng đang bị điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Trong ngày 27/3, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam phóng thích ông và huỷ bỏ mọi cáo buộc chống lại ông. Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) cũng thúc giục chính quyền các quốc gia dân chủ đang xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam lên tiếng một cách công khai và mạnh mẽ để ủng hộ ông, và kêu gọi Việt Nam phóng thích các tù nhân chính trị, đồng thời có các bước tiến thực sự hướng tới cải cách.
Hiện nay vẫn còn ít nhất 11 nhà hoạt động đang bị tạm giam để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và chưa có lịch xét xử sơ thẩm.
Nguồn: rfa.org/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.