Nga tịch thu hộ chiếu quan chức cấp cao nhằm ngăn việc đào tẩu
Tác giả: Sinéad Baker
Cù Tuấn, dịch
2-4-2023
Tóm tắt: Điện Kremlin thắt chặt các hạn chế đi lại từ thời Liên Xô ở các khu vực ‘nhạy cảm’.
Các cơ quan an ninh của Nga đang tịch thu hộ chiếu của các quan chức cấp cao và giám đốc điều hành công ty nhà nước để ngăn chặn việc đi ra nước ngoài, vì hoang tưởng về rò rỉ và đào tẩu lan rộng trong chế độ của Tổng thống Vladimir Putin.
Với việc Nga vẫn tiếp tục xâm lược Ukraine, các quan chức an ninh đã thắt chặt các yêu cầu đi lại trong khu vực nhà nước, yêu cầu một số nhân vật nổi tiếng và cựu quan chức giao nộp giấy tờ đi lại, một số người quen thuộc với vấn đề này cho biết.
Áp lực gia tăng phản ánh sự nghi ngờ sâu sắc trong Điện Kremlin và FSB, cơ quan kế thừa của KGB, về lòng trung thành của giới tinh hoa dân sự Nga, nhiều người trong số họ phản đối cuộc chiến ở Ukraine một cách riêng tư và đang lo lắng về tác động của nó đối với lối sống của họ.
Dmitry Peskov, người phát ngôn của ông Putin, xác nhận Nga đã thắt chặt hạn chế đi lại nước ngoài đối với một số người làm việc trong các khu vực “nhạy cảm”. “Có những quy tắc chặt chẽ hơn cho việc này. Ở một số nơi chúng được chính thức hóa và ở một số nơi chúng phụ thuộc vào một quyết định cụ thể… về những nhân viên cụ thể”, ông nói với Financial Times. “Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, vấn đề này đã được chú ý nhiều hơn”.
Kể từ thời Xô Viết, các quan chức Nga có quyền tiếp cận các bí mật nhà nước cấp trung đã được yêu cầu để lại hộ chiếu của họ trong một nơi an toàn do “bộ phận đặc biệt” trực thuộc các bộ và công ty của họ điều hành. Nhưng các cơ quan an ninh của Nga hiếm khi thực thi các quy tắc, theo các cựu quan chức và giám đốc điều hành.
Điều này đã thay đổi sau cuộc xâm lược Crimea vào năm 2014, khi các cơ quan an ninh bắt đầu cảnh báo việc đi du lịch đến các quốc gia như Mỹ hoặc Anh. Người dân Nga cho biết, sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine năm ngoái, các hạn chế đã được áp dụng rộng rãi hơn nhiều và phụ thuộc nhiều vào ý muốn bất chợt của các sĩ quan an ninh cá nhân trong các cơ quan nhà nước.
Vì lý do này, các biện pháp an ninh khác nhau giữa các cơ quan nhà nước, với một số yêu cầu ngay cả những nhân vật cấp trung hạn không được ra nước ngoài và những cơ quan khác cho phép các quan chức cấp cao đi ra nước ngoài, nếu có lý do.
Các giám đốc điều hành tại một công ty công nghiệp lớn của nhà nước Nga bị cấm đi du lịch hơn hai giờ lái xe từ Matxcơva mà không có sự cho phép chính thức, một trong các giám đốc này nói.
Trong những trường hợp khác, các quan chức của FSB đã yêu cầu các cựu quan chức trước đây có quyền tiếp cận bí mật nhà nước giao nộp hộ chiếu của họ, và thậm chí hộ chiếu của một số người chưa bao giờ có quyền tiếp cận các bí mật này, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết.
Alexandra Prokopenko, cựu quan chức ngân hàng trung ương Nga, cho biết các hạn chế về hộ chiếu hiện đã mở rộng ra ngoài các cá nhân có giấy phép an ninh.
“Bây giờ họ đang đến gặp một số người và nói, ‘vui lòng giao hộ chiếu dân sự màu đỏ của bạn, vì bạn có quyền truy cập vào thông tin nhạy cảm quốc gia, vì vậy chúng tôi muốn kiểm soát các hoạt động của bạn‘”, bà nói.
Prokopenko cho biết, các cơ quan an ninh của Nga gần như được quyền tùy tiện giải thích các quy tắc theo các sửa đổi đối với luật về bí mật nhà nước, gián điệp và phản quốc. Bà đã rời ngân hàng trung ương sau cuộc xâm lược năm ngoái và hiện là thành viên khách mời tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức.
“Về cơ bản, bất kỳ thông tin nào cũng có thể được coi là bí mật, vì vậy các sĩ quan FSB ngầm bắt đầu nói với bạn rằng bạn có thông tin nhạy cảm. Nó là gì? Tại sao lại là bí mật và ai là người quyết định điều đó? Không ai biết”, Prokopenko nói.
Peskov cho biết, các quyết định “phụ thuộc vào lĩnh vực công việc cụ thể” của cả công ty và cá nhân. “Công việc có thể ít hay nhiều nhạy cảm,” ông nói.
Điện Kremlin cũng đã thực hiện một số nỗ lực để mở rộng lệnh cấm không chính thức này cho nhiều quan chức hơn. Sau một loạt vụ bê bối công khai về đoạn phim bị rò rỉ về các nghị sĩ đi nghỉ ở Dubai và Mexico, hạ viện Nga hồi tháng 1 đã yêu cầu các nhà lập pháp thông báo cho cấp trên về các chuyến công tác nước ngoài.
Tờ Kommersant của Nga đưa tin, ít nhất 7 khu vực đã đưa ra các khuyến cáo nghiêm ngặt về việc cấm các quan chức địa phương đi du lịch nước ngoài.
Vào tháng 2, Yevgeny Prigozhin, người sáng lập nhóm bán quân sự khét tiếng Wagner, đã kêu gọi cấm hoàn toàn việc đi nước ngoài đối với các quan chức, cũng như chịu trách nhiệm về “hành vi vô đạo đức, phô trương của cải và hàng xa xỉ” của họ.
Các động thái đã diễn ra khi sự bất mãn gia tăng trong giới thượng lưu Nga khi nỗ lực chiến tranh lan rộng và tác động của nó đối với lối sống của họ. Đã từng có thể chi tiêu sự giàu có của mình để mua biệt thự, du thuyền và trường nội trú cho con cái của họ ở phương Tây, các quan chức và đầu sỏ chính trị Nga hiện đang cảm thấy khó chịu khi bị giới hạn ở các quốc gia không bị coi là “không thân thiện”, một số thành viên của giới thượng lưu nói với Financial Times.
Sự bất mãn đó đã bộc lộ ra ngoài trong tuần này sau khi truyền thông Ukraine công bố một đoạn ghi âm được cho là cuộc trò chuyện giữa Farkhad Akhmedov, một nhà tài phiệt Nga-Azerbaijan bị trừng phạt, và Iosif Prigozhin, một nhà sản xuất âm nhạc có liên hệ với Điện Kremlin, có vợ là một ca sĩ nổi tiếng, đã biểu diễn tại một buổi hòa nhạc ủng hộ chiến tranh cùng với Putin năm ngoái.
Cuộc gọi này bao gồm những lời phàn nàn về việc Nga ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế và áp lực từ các cơ quan an ninh. Akhmedov không thể đưa ra bình luận nhưng một người thân cận với ông cho biết đoạn ghi âm này là thật. Prigozhin – người không có quan hệ họ hàng với nhà tài phiệt – cho biết đoạn ghi âm “đã bị bóp méo một phần hoặc toàn bộ” và tuyên bố sẽ có hành động pháp lý chống lại người đã ghi lại đoạn video đó.
“Bọn chúng đã lừa dối chúng tôi, con cái chúng tôi, tương lai và số phận của chúng. Bạn hiểu không?” Akhmedov nói trong cuộc gọi. “Tổ sư chúng nó. Chúng tôi đều hiểu chuyện gì đang xảy ra ở đó. Hãy đến Maldives, đến Dubai… Tôi không biết… đến Altai, Baikal, bất cứ nơi nào bạn muốn, nhưng hãy tránh xa Matxcơva”, ông nói thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.