Một trận cầu!
1-4-2023
Với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1-2023 của TP.HCM chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói thành phố đã thua đậm trận đầu của vòng loại. Vì vậy, ông yêu cầu 3 trận còn lại (3 quý) đều coi như những trận chung kết để lấy lại những gì đã mất. Từ đó, ông gợi mở các sở, ban, ngành cần nói thẳng, nói thật những nguyên nhân, đặc biệt là nghiêm túc nhìn nhận về nguyên nhân chủ quan để đưa ra giải pháp cho quý 2 và những quý còn lại của năm, cũng như chuẩn bị cho những năm kế tiếp.
Ngoài kia, U23 thua trắng 3 trận dưới thời ông huấn luyện viên Pháp. Huống gì trên “sân cỏ” kinh tế…
Nhìn ra các đấu trường quốc tế, 2 đội U – Nga đá nửa sân, sân còn lại cứ “luân lưu” Mỹ – Âu và Tập – Pu, mấy món hàng U – Đài khiến thị trường tắc tị, Việt Nam làm gì không ảnh hưởng.
Trong nước, “cầu thủ” ra sân trong trạng thái các nguồn vốn – tài trợ bị cắt tức tưởi, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán tả tơi nên từ siêu thành suy dinh dưỡng trầm trọng. Đầu tư công là chìa khóa thì nhiều khâu phải bắc thang ra ngoải mà hỏi ông trời, đầu tư tư nhân thì mếu máo hỏi câu “đầu tiên – từ đâu” – tiền đâu đầu tư. Thua đậm.
Cũng lường hết cái khó nên đã có đấu pháp nhưng thể lực cầu thủ mới qua đợt Covid, miễn dịch yếu lại suy dinh dưỡng. Đặc biệt, mới khởi động, chào sân, chưa đá đã lo bị lãnh thẻ đỏ. Vừa chuyền banh vừa canh trọng tài. Trọng tài chính, trọng tài biên đủ cả nhưng khi thổi thì toàn quyết theo… VAR nên đúng sai mấy chả đổ hết cho máy móc, kỹ thuật, cơ chế!
Nên cầu thủ nhiều khi pressing ra vẻ nhiệt tình lắm nhưng chỉ là chiếu lệ, để mất bóng ngay giữa sân, tự tê liệt hai biên cánh và tuyến 2 nên tiền vệ thì nhát chân, tiền đạo rảnh chân, cuộc chơi chỉ còn… hậu vệ, chống cự mãi cũng đuối sức nên thả trống khung thành. Thua đậm.
Sân cỏ thì chẳng khác nào… Mỹ Đình dạo nọ, không có tiền trả lương để chăm, nên cỏ thì cháy, ghế thì gãy, đèn thì ngọn sáng ngọn lu, nên kết cuộc thua đậm là điều đã dự báo.
Chỉ có điều, dù thua nhưng đây lại là tuyển luôn thu về nguồn tiền khủng, tiền thay vì chăm lo cho cầu thủ, huấn luyện viên, tăng cường các đợt đấu giao hữu… thì lại chia năm xẻ bảy cho mấy chục đội bóng… nghiệp dư, chuyên sống bằng trợ cấp.
Giờ chơi sòng phẳng, sợ gì, thì cho 5 đội đầu bảng, cùng đấu cùng trích lập nguồn tiền “nộp về – giữ lại” như nhau thử, coi ai đầu bảng, chót bảng cho biết. Mấy ông nội liên đoàn, trọng tài ngon thì thử xuống sân, vô sân lần cho biết. Nói cho cùng, bày ra giải đấu chuyên nghiệp, sân đấu bài bản mà chất chồng cơ chế tréo ngoe, xài tiền đến đồng vốn lận lưng, lại còn kêu đòi siết chặt kỷ cương sân đấu; mà có khi dòm lại, nghi binh, bán độ từa lưa.
Tốt nhất, cứ trả giải đấu về lại sân chơi “đá phủi”, đá vì yêu thích, đá để giải phóng năng lượng, rèn sức khỏe, thi triển đấu pháp, kỹ năng, thu hút người xem cũng hồn nhiên, yêu thích và lành mạnh. Có khi, thế mà thắng, thắng bằng nội lực có sẵn, chịu nghĩ, chịu tìm tòi, chịu làm; thắng bằng tập tính chịu thương chịu khó, tay làm hàm nhai…
Hơn 300 năm nay, “đội tuyển” này đã như thế, là thế. Không nói nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.