Linh Nghiệm của cuộc đời (phần 3)
Phạm Đình Trọng
4-3-2023
6. Lặng lẽ bên nhau
Trần Huy Quang và tôi có nhiều cái cùng khá ngẫu nhiên. Cùng là lính trẻ hăm hở đến với văn chương. Cùng thấy báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam như cung đình văn chương xa vời, cao siêu quá. Cùng dành tình cảm cho tập tạp chí của lính, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội từ tên gọi đã vô cùng gần gũi, thân thiết với chúng tôi và truyện ngắn đầu tiên của Quang và tôi cùng được đăng năm 1967 ở tập tạp chí được phát về đến đại đội, được lính chuyền tay nhau.
Ngoài những tập truyện ngắn do các nhà xuất bản tuyển chọn, đôi lần tôi và Quang cùng có truyện được chọn, cùng có tên trong một tập truyện như tập Lời nguyền thời con gái, NXB Quân đội Nhân dân, phát hành năm 1988 với số lượng mười ngàn cuốn, Quang có truyện ngắn Lời nguyền thời con gái, tôi có truyện ngắn Đi tìm một tín hiệu.
Quang và tôi còn có hai cái cùng đáng nhớ. Cùng có giải thưởng trong cuộc thi bút kí năm 1986 – 1987. Quang được giải nhất với Câu chuyện về ông Vua Lốp. Tôi nhận giải nhì với Điểm cao trước mặt về những người lính giữ đất hương hoả của cha ông ở biên giới phía Bắc trong cuộc Chiến tranh Biên giới mười năm 1979 – 1989.
Hôm nhận giải thưởng ở hội trường Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà 58 phố Quán Sứ, Hà Nội, giữa ồn ào đông vui, rất đông các nhà báo ríu rít gặp nhau, tôi và Quang lặng lẽ ngồi bên nhau ở hàng ghế cuối. Thân thiết, quí mến nhau nhưng cùng không ham nhậu nhẹt, cùng ngại đến chỗ đông người, tôi và Quang ít khi có dịp gặp nhau nhưng khi gặp nhau, chỉ cần nhìn thấy nhau và lặng lẽ bên nhau là đủ.
Nhà thơ Trần Nhật Lam, trưởng Ban Văn Nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam đọc tên mười hai người trúng giải thưởng và mời lên nhận giải. Chỉ bảy người có mặt. Tôi lại đứng bên Quang và Quang đứng cạnh Thao Trường, tác giả Gặp lại anh hùng Núp, cũng được giải nhất. Sau này khi viết Mảnh đất lắm người nhiều ma, tiểu thuyết giành giải nhất của giải thưởng hàng năm Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, nhà văn lính Thao Trường lấy lại tên khai sinh là Nguyễn Khắc Trường.
Mỗi người trúng giải được nhận một phong bì nhỏ và mỏng. Trong phong bì có tờ giấy mỏng xám vàng, loại giấy pelure của nhà máy giấy nội Lửa Việt và món tiền giải thưởng. Chữ đánh máy trên tờ giấy mỏng xám vàng, ngôn từ và nội dung chỉ là văn thư hành chính nhà nước, một giấy mời chứ không phải tấm bằng công nhận một giải thưởng văn chương và người nhận giải thưởng văn chương được gọi là đồng chí chứ không phải nhà văn, nhà báo:
Ban Tổ chức cuộc thi bút kí. Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… Hà Nội ngày 23 tháng 6 năm 1987. Kính gửi đồng chí… Ban Tổ chức cuộc thi bút kí do tuần báo Văn Nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức từ 1-1-1986 đến 30-4-1987 xin trân trọng thông báo:
Bút kí… của đồng chí đã được Hội đồng Chung khảo quyết định: Tặng giải:… Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào hồi 9 giờ ngày 1-7-1987 tại Đài Tiếng nói Việt Nam, số 58 phố Quán Sứ, Hà Nội. Kính mời đồng chí tới dự.
Tiếp theo những câu chữ đúng khuôn mẫu văn thư hành chính là dấu son của báo Văn Nghệvà chữ kí của Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, nhà văn Đào Vũ.
Tiền giải thưởng cũng rất đạm bạc. Cuộc thi văn chương cấp quốc gia, giải nhất năm trăm ngàn đồng. Giải nhì ba trăm ngàn đồng… Lúc đó ở thị trường một chỉ vàng có giá ba trăm năm mươi ngàn đồng.
Ngày nay sau buổi lễ như vậy, ban tổ chức đều mời người tham dự đi nhà hàng nhưng lúc đó sau hồi vỗ tay trao nhận giải thưởng, ban tổ chức có lời cảm ơn và kết thúc. Phóng viên các báo đến đưa tin lại ríu rít rủ nhau ra bia hơi vỉa hè Cổ Tân. Quang kéo tôi về nhà 56 Bà Triệu.
Về Ban Xã hội báo Độc Lập, Quang được báo phân cho nửa gian nhà trên căn gác hai, nhà 56 phố Bà Triệu. Nửa gian kia là của nhà thơ Vân Long ở Ban Văn nghệ của báo. Từ 56 Bà Triệu sang cơ quan báo 59 Lý Thường Kiệt chỉ một đoạn ngắn. Hàng ngày Quang lững thững đi bộ đoạn đường ngắn đó. Đến 58 Quán Sứ cũng chỉ thêm mấy bước chân, Quang cũng đi bộ.
Quang pha trà Thái, mang kẹo cu đơ là đặc sản của mảnh đất Nghệ Tĩnh quê Quang ra mời tôi, còn Quang ngồi ngửa mặt thả khói thuốc lá lên trần nhà. Quang không nghiện thuốc lá nhưng đôi khi vẫn thả nghĩ ngợi theo khói thuốc vào mông lung. Không ham của ngọt, tôi nhấm nháp vị trà Thái và đọc thơ Trần Lê Văn trên trang Văn Nghệ tờ báo nơi Quang làm việc.
Quang và tôi cùng đồng tác giả trong tập sách Kim Đồng. Những truyện đồng thoại, cổ tích tôi viết và đã đăng ở chuyên mục “Mẹ kể con nghe“ trên báo Phụ Nữ Việt Nam theo đặt hàng của nhà báo Bằng Thương, tôi tập hợp thành tập truyện đồng thoại Sự tích những hòn đảo gửi cho NXB Kim Đồng. Chỉ ít ngày sau một phụ nữ trắng trẻo, mảnh mai đạp xe đến gặp tôi ở cơ quan tôi làm việc. Chị là biên tập viên NXB Kim Đồng, tên Lê Thị Dắt.
Chị Dắt nói rằng trình bản thảo Sự tích những hòn đảo, Tổng Biên tập cho ý kiến là bản thảo tốt, mở ra thế giới tâm hồn cho tuổi thơ. Những truyện thần thoại về biển lí giải rất thú vị về những hòn đảo ngoài Biển Đông là một phần máu thịt của đất Mẹ Việt Nam, gieo mầm lòng yêu nước vào tâm hồn tuổi thơ. Nhưng sách hơi mỏng. Tổng Biên tập mách rằng nhà văn Trần Huy Quang cũng có những truyện đồng thoại về núi rừng, về con người. Có thêm truyện đồng thoại thần tiên của Trần Huy Quang tập sách sẽ có hai phần hữu cơ, đầy đủ rừng và biển của đất nước Việt Nam. Tôi liền nhận với chị Dắt việc tập hợp thêm bản thảo của Quang.
Quang mau mắn đưa cho cho tôi bảy truyện đồng thoại và cổ tích. Tháng Sáu năm 1990, tập truyện cho tuổi thơ Núi chạy của tôi và Quang được NXB Kim Đồng phát hành tám ngàn cuốn. Tôi có hai truyện, mỗi truyện hơn hai ngàn chữ về biển đảo: Đảo chim trắng và Sự tích những hòn đảo ở Biển Đông. Quang có năm truyện, mỗi truyện trên dưới một ngàn chữ về rừng, núi, con người và sự vật: Núi chạy, Sự tích ngày và đêm, Người và Trời, Hổ và mèo là hai anh em, Thanh bảo kiếm.
Những truyện đồng thoại thần tiên của Trần Huy Quang và tôi lặng lẽ bên nhau trong tập sách mỏng dành cho tuổi thơ thần tiên như chúng tôi lặng lẽ bên nhau trong thế giới văn chương thần tiên và trong cuộc đời ngắn ngủi.
7. Không kịp rồi
Cuối năm 2015 Quang vào Sài Gòn, phôn báo cho tôi biết đang ở chỗ hoạ sĩ Nguyễn Hồng Hưng, quận Mười. Tôi liền phóng xe máy đến đón Quang về nhà tôi. Ngồi với Quang bên chiếc bàn đặt laptop làm việc của tôi trên lầu 25 toà nhà H.A. Goldhouse, tôi đã lập tài khoản facebook cho Quang khi biết Quang chưa có trang báo mạng cá nhân của mình. Tôi chỉ cho Quang việc làm chủ trang facebook và Quang đang thực hiện những thao tác post bài, like, comment, share và làm quen với những từ ngữ status, messenger… thì Nguyễn Hồng Hưng mặt vuông, tóc ngắn, mặc bộ đồ nâu dân dã như một tá điền đến đón Quang đi. Ít tuổi hơn Quang và tôi, Hồng Hưng gọi chúng tôi là huynh. Mộc mạc, dung dị mà tài hoa, Hồng Hưng đã vẽ cho Quang mấy bức chân dung màu tuyệt đẹp. Nét đẹp của thần thái. Nét đẹp của ánh sáng trí tuệ và tài năng.
Ông hoạ sĩ dân Hà Nội nhưng luôn mộc mạc quần nâu, áo vải quê mùa Nguyễn Hồng Hưng đưa ông bạn Trần Huy Quang của tôi đi nhưng ngay tối hôm đó vào FB, tôi nhận được tin nhắn của Quang hẹn sáng mai đến nhà Hồng Hưng đón Quang. Vậy là từ nay tôi và Quang có thêm phương tiện tin nhắn FB để đến với nhau.
Xin trích mấy mẩu tin nhắn vui vẻ thời kì đầu Quang có FB và tin nhắn quặn đau cuối cùng của Quang.
Ngày 10 tháng Bảy, 2016, Quang nhắn: Đọc mấy đoạn hồi kí Lời ai điếu của Lê Phú Khải trên mạng, Q rất muốn có cả tập để đọc một mạch. T gần gũi với Khải kiếm cho Q tập hồi kí của Khải.
Cần đọc liền mạch hồi kí của nhà báo, nhà văn Lê Phú Khải, Quang hỏi tôi vì có lần tôi đã dẫn Khải đến ngồi với Quang trên gác nhà 56 Bà Triệu, Hà Nội. Chuyện trò với tôi, Quang thường xưng “mình” nhưng nhắn tin điện thoại, nhắn tin FB, Quang đều xưng tên, Quang và Trọng, hoặc Q và T.
Tôi nhắn lại cho Quang: Nơi xuất bản hồi kí của Khải ở bên Mỹ chưa gửi sách cho Khải. Chỉ có sách in lậu ở Việt Nam từ bản thảo chưa biên tập, nhiều lỗi chính tả và lỗi đánh máy. Sách xuất bản ở Mỹ hơn 700 trang. Sách lậu, in nguyên văn bản thảo nhưng co chữ nhỏ, chỉ hơn 400 trang, chữ nhỏ dày đặc, khó đọc. Anh đọc được sách in lậu thì đợi có người ra Hà Nội, tôi sẽ gửi sách cho anh.
Quang nhắn lại ngay: Ăn xin không dám đòi xôi gấc. Thậm chí cho Q đọc trên email cũng được. T gửi cho Q tập sách in ở VN quá tốt rồi. Đa tạ Trọng.
Có khởi đầu thì có kết thúc. Không ngờ trang FB Trần Huy Quang lại kết thúc quá sớm, quá đột ngột và quá buồn.
Ngày 3 tháng Mười Hai, năm 2022, tôi nhắn tin xin Quang số điện thoại của một bạn văn. Đọc tin nhắn trả lời của Quang, tôi lặng người khi thấy sau số điện thoại Quang cung cấp cho tôi là dòng chữ: Q bị u phổi rồi, đang điều trị ở bệnh viện. He he đến lúc giã từ vũ khí rồi.
U phổi là bệnh nguy nan nhưng Quang mới bị, phát hiện sớm và sống tích cực, không ngã lòng thì còn chữa trị được. Tôi nhắn tin động viên Quang. Quang nhắn lại: Cảm ơn Trọng. Thọ rồi có tiếc gì đâu. Vẫn vui vẻ. Đáng lí đi du lịch chuyến cho sướng nhưng hiện phải chữa sao nuốt không vào.
Quang bảo vẫn vui vẻ nhưng lại nhắn cho tôi như một lời lưu luyến từ biệt: Quí mến Trọng lắm. Ít gặp nhưng Trọng là người Q âm thầm kính trọng.
Dốc lòng ra nói lời tốt đẹp cho nhau là lời li biệt đấy, là Quang buông xuôi rồi. Tôi liền nhớ đến thang thuốc đưa nhà thơ Phan Lữ vượt qua cái chết khi thầy thuốc đã buông xuôi. Có lần từ khá lâu rồi, Phan Lữ kể rằng ở tuổi gần bảy mươi, ông bị ung thư bàng quang. Bệnh viện chữa trị cho ông đã chịu thua, trả ông về nhà chờ chết. Nhờ có người mách cho ông thang thuốc Nam đơn giản mà ông hết bệnh. Nhờ vậy tôi đã được dự lễ mừng thượng thọ tuổi bảy mươi, rồi tuổi tám mươi của ông. Đến nay ở tuổi gần chín mươi, ông vẫn sống khoẻ, vẫn tung tăng Sài Gòn, Quảng Nam, Hà Nội. Tôi lại nhắn tin FB liên lạc với Phan Lữ và nhà thơ đã ghi cho tôi đơn thuốc giúp ông vượt qua bệnh hiểm ung thư.
Ngày 12 tháng Mười Hai năm 2022 tôi nhắn tin cho Quang: Nhà thơ Phan Lữ cháu Phan Khôi, sinh năm 1937. Năm 2003, ông bị ung thư bàng quang. Bệnh viện đã trả ông về nhà chờ chết. Ông không chết mà sống khoẻ đến nay, nhờ có người mách cho bài thuốc Nam chỉ có hai vị: Bạch hoa xà thiệt thảo 100 g và bán liên chỉ 50 g mua ở cửa hàng thuốc Bắc. Sắc hai lần trong siêu đất. Mỗi lần một lít nước sắc còn nửa lít. Hoà chung nước thuốc hai lần sắc, uống dần trong ngày. Ông Phan Lữ uống thuốc hơn hai tháng, hết bệnh. Ông bảo rằng thực tế cho thấy những người bị ung thư tiền liệt tuyến, đại tràng, gan, phổi, dạ dày đã được chữa lành bằng thang thuốc này.
Bốn ngày sau, ngày 16 tháng Mười Hai, 2022, tôi nhận được tin nhắn từ nickname Trần Huy Quang nhưng người nhắn tin không phải là Quang và chỉ vẻn vẹn có mấy chữ ngắn ngủi: Bố cháu không kịp uống thuốc rồi! Đúng hôm đó, các báo đồng loạt đưa tin nhà văn Trần Huy Quang qua đời hồi 17 giờ 40 chiều 15.12.2022 ở Hà Nội.
Bố cháu không kịp uống thuốc rồi và tôi không kịp được gặp Quang thêm một lần nào nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.