Công nhân là những người bị bỏ quên
31-3-2023
Thời gian vừa rồi tôi cứ nuôi mãi ý định sẽ xin vô khu công nghiệp để làm công nhân…
Tôi tiếp xúc và có cả những khoảng thời gian dài sống chung với họ, những công nhân nhiều ngành nghề, như cao sư, giày da, chế biến… Tôi chứng kiến cuộc sống của họ và nghe kể quá nhiều về những khổ nhọc và bất công mà họ phải chịu. Cũng may, công nhân đa số ít học, nên rồi họ quen, cái lớn nhất còn lại với họ là đồng lương và sức khỏe; còn những chuyện sỉ nhục, xúc phạm, dần cũng quen…
Tôi muốn đi làm công nhân để trực tiếp trải qua cái cuộc sống ngột ngạt, tăm tối ấy; để cảm, để hiểu bằng da thịt mình: người công nhân Việt Nam đang phải gánh chịu những gì. Nghe kể không thôi chưa đủ dù nhiều lúc nó đã vượt quá sức chịu đựng của bản thân.
Cuộc sống của công nhân cao su thì tôi đã mô tả trong nhiều bài viết, còn những ngành nghề khác cũng khắc nghiệt không kém. Một cô em họ tôi, mỗi lần đi làm về tới nhà thì không nhìn ngó gì tới chuyện ăn uống, mà phải “xả” một hơi đã rồi làm gì mới làm. Những người quản lý trực tiếp như đội trưởng – tổ trưởng – ca trưởng – chuyền trưởng…, họ chửi bới nhục mạ công nhân suốt ngày không ngớt. Bị phân biệt đối xử và khinh thường, chà đạp.
Một người bạn khác của tôi, sau khi bỏ việc trong nhà nước thì đi làm giày da, nhưng chỉ được 1 tháng, phải bỏ. Công việc vất vả chưa nói, nhưng không chịu đựng được việc những người quản lý đối xử với mình và những công nhân khác như đối với những con vật. Bạn kể, một cô đội trưởng mới chưa tới 30, thấy bà công nhân già (khoảng gần 50 tuổi) làm chậm, thì liên tục mày – tào: “Con kia, mày ra đây tao bảo, ngày mai tao cho mày nghỉ việc…”. Tôi hỏi lại, thế cô công nhân ấy có nói lại gì không? Không, cô ấy ấp úng trong miệng rồi lại cúi mặt làm thế thôi.
Bạn nói, đi làm công nhân thì phải xác định vứt bỏ lòng tự trọng, nhân phẩm và các thứ quyền này nọ trong sách vở. Con trâu cày xong còn được chủ vỗ lưng cho mấy cái rồi dắt ra bãi cỏ hay cho uống miếng nước; làm công nhân thì thua xa con vật. Ở đó không có tình người, không có tôn trọng, mỗi công nhân chỉ là một cỗ máy, làm, làm và làm nhanh hơn nữa. Ngoài tiếng máy thì chỉ có tiếng chửi rủa suốt ngày của các bà tổ trưởng, nhóm trưởng…
Những ông chủ nước ngoài, đặc biệt là chủ người Đài Loan, Trung Quốc, họ rất biết cách dùng “người Việt trị người Việt”. Họ sẽ chọn đứa nào xông xáo, năng nổ và vô học nhất, để cho lên làm “cán bộ”. Những nông dân đi ra từ làng, suốt đời cúi mặt xuống bùi hôi, ở nhà thì bị chồng và gia đình đè nén, đối xử bất công, giờ bỗng nhiên có quyền sinh quyền sát với mấy chục con người, họ trở nên dữ dằn và độc ác.
Công việc thì liên tục “tăng số”. Ví dụ, tháng này chỉ tiêu là 1000 đôi giày, nếu không hoàn thành thì không xong rồi, những hoàn thành thì tháng sau tăng lên 1100. Cứ như thế, người công nhân trở thành một thứ máy móc bị vít ga, tăng ca, mỗi lúc một gia tốc, chạy đến long óc, quá tải. Bạn bè và người quen tôi kể rằng, sợ nhất là đang làm mà đau bụng hay mắc tiểu, vì là cả dây chuyền nên không thể đứng dậy được. Chỉ cần vô nhà vệ sinh vài phút thôi là hàng tồn thành đống và bị quản lý chửi xơi xơi như chửi con vật.
Công nhân đi làm thì hiếm khi được tiếp xúc với chủ, vì họ ở “trên cao”. Nhưng những người Việt làm quản lý cấp thấp thì cũng chính là phiên bản, là cánh tay vươn dài của họ. Hãy nhìn những người quản lý ấy đối xử với đồng bào mình thì rõ ông chủ của họ. Hôm qua, một chủ người Trung Quốc đã sát hại dã man một cô kế toán người Việt, dù cô ấy đã quỳ xin tha. Kẻ ác đã bị bắt giữ, nhưng đó không bao giờ là dấu chấm cho sự bất công tàn nhẫn mà công nhân Việt Nam đang phải gánh chịu trên chính quê hương mình.
Tôi muốn đi vào nhà máy, làm một người công nhân để làm cùng, ăn cùng, sống cùng họ. Để cảm nhận hết được sự ngược đãi và sự vô luân trong môi trường ấy, tiếc thay đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Đất nước mình trù phú, “rừng vàng biển bạc”, “bờ xôi ruộng mật”, nhưng bây giờ hàng triệu người dân phải bán sức lao động rẻ mạt trên chính quê hương họ, đi làm cu li cho người như những lao động khổ sai thời chiếm hữu nô lệ. Một nền nông nghiệp lạc hậu không thể nuôi sống họ trong thời đại này, họ bỏ ruộng vào nhà máy, đó là một lựa chọn gần như không thể khác được. Bị chửi bới, bị đe dọa, bị nhục mạ, bị sa thải…, tất cả rồi cũng quen, khi mà sinh tồn đã trở thành điều hệ trọng hơn phẩm giá.
Trên chính quê hương mình, người Việt đang không chỉ bán sức lao đông giá rẻ mà còn phải bán cả lòng tự trọng, tự tôn và linh hồn mình. Cái quỳ của cô kế toán đã không cứu được cô. Nhưng có hàng triệu người khác cũng đang quỳ mà không ai thấy. Họ sống quỳ. Phải sống quỳ trên chính mảnh đất mà cha ông họ đã nghìn đời gìn giữ…
Công nhân là những người bị bỏ quên.
Tôi không biết “nhà nước” đang ở đâu trong đời sống và đời sống tinh thần của công nhân, tôi cũng không rõ báo chí đã làm gì trước nỗi khổ vô bờ của công nhân. Nhân viên y tế đã kêu lên, giáo viên đã kêu lên…, vì ít ra họ còn biết kêu; nhưng công nhân, công nhân là những người không còn tiếng nói, không có tiếng nói, họ không biết kêu và cũng không biết kêu ai…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.