Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ: Nhân quyền có phải là chủ đề quan trọng?

 


Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ: Nhân quyền có phải là chủ đề quan trọng?

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London  
2023.04.15

Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ: Nhân quyền có phải là chủ đề quan trọng?Ngoại trưởng Mỹ gặp Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào chiều 15/4.  Reuters

Nhân quyền Việt Nam và việc đặt quan tâm thế nào với phía Mỹ trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ đang diễn ra tại Việt Nam (từ 14-16/4/2023) là một chủ đề được một số nhà quan sát và phân tích thời sự, chính trị Việt Nam bình luận vào thời điểm này.

Thế nhưng trước hết, hôm thứ Bảy, 15/4/2023, trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam kéo dài ba ngày của ông Antony Blinken theo lời mời của người đồng cấp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, theo truyền thông quốc tế, phái đoàn ngoại giao Mỹ đã có những động thái đề cập vấn đề này với phía Việt Nam:

“Ngoại trưởng Antony Blinken hôm thứ Bảy nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền sau khi gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến công du tới quốc gia Đông Nam Á này, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết,” hãng tin Anh Reuters cho biết.

Còn ngay trước thềm chuyến thăm của ông Blinken tới Hà Nội, vẫn theo Reuters, hôm thứ Năm, 13/4, Hoa Kỳ đã lên tiếng “lên án” việc Việt Nam tuyên án tù giam một nhà hoạt động, blogger được nhiều người biết, đó là kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, và phía Mỹ nói rõ rằng quan hệ song phương chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu Việt Nam đáp ứng có điều kiện.

Một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ được hãng tin Anh dẫn lời hôm 13/4, nói:

“Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và bãi bỏ mọi cáo buộc đối với Nguyễn Lân Thắng và những cá nhân khác đang bị giam giữ vì thực hiện ôn hòa và thúc đẩy nhân quyền.

“Trước chuyến thăm Hà Nội của ngài Ngoại trưởng, thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng – Việt Nam là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mối quan hệ đối tác đó chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu Chính phủ Việt Nam thực hiện các bước phối hợp để đáp ứng các nghĩa vụ và cam kết của mình theo các quy định luật pháp quốc tế và cải thiện thành tích nhân quyền của mình."

Trong một diễn biến liên quan, hôm thứ Bảy, 15/4, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã tới thăm một tu viện của Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tại Hà Nội, đi cùng ông còn có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Marc Knapper, khi đoàn đến thăm địa điểm được truyền thông đưa tin là Nhà thờ tu viện Sainte Marie tại số 37, phố Hai Bà Trưng, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo ý kiến từ trong cộng đồng giáo dân Công giáo tại Hà Nội và từ giới quan sát thời sự Việt Nam cũng như bang giao Mỹ - Việt thì “rõ ràng việc lựa chọn tu viện này để thăm viếng là một biểu tượng của tự do tôn giáo” và đây là “một thông điệp mạnh ủng hộ tự do tôn giáo” mà Ngoại trưởng Antony Blinken và phái đoàn Mỹ bày tỏ, trong mối liên hệ có thể hiểu rằng đây là một lĩnh vực quan trọng nằm trong và đồng hành với các quyền tự do của con người và các quyền công dân trong xã hội văn minh hiện đại.

2023-04-15T040940Z_289265863_RC2SE0AJIMSY_RTRMADP_3_VIETNAM-USA-BLINKEN.JPGÔng Blinken gặp sơ Bề trên Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Hà Nội – Nữ tu Saint-Jean de Marie Trần Thị Anh sáng 15/4

Mỹ có quan tâm tới hợp tác nhân quyền với Việt Nam hay không?

Có một câu hỏi được đặt ra vào thời điểm nhà lãnh đạo số một ngành ngoại giao Mỹ tới thăm Việt Nam và hai nước đang đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, mà một số nhà quan sát, phân tích chính trị - xã hội Việt Nam và bang giao Mỹ - Việt đã thảo luận, đó là liệu nhân quyền có là một quan tâm và ưu tiên trong hợp tác của Mỹ với Việt Nam hay không vào thời điểm hiện nay, khi có thể hai bên đang hướng tới xác nhận đúng thực chất một quan hệ đối tác đã có tính chiến lược trên thực tế quan hệ song phương.

Từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, nêu quan điểm:

“Như phần lớn người dân, một số giới cũng muốn Hoa Kỳ tác động nhiều hơn về vấn đề nhân quyền, tuy nhiên tôi nghĩ là trong bối cảnh hiện nay, khi mà trọng tâm của Hoa Kỳ đối với vấn đề an ninh khu vực là ưu tiên hàng đầu, Hoa Kỳ chắc chắn không coi vấn đề nhân quyền trở nên ưu tiên nữa, mặc dù trong thời gian qua cũng có một số đề nghị là ông Ngoại trưởng Blinken sẽ đề cập với Chính phủ Việt Nam, nhưng mà tôi nghĩ đây không phải là trọng tâm của chuyến đi.

“Và do đó ông Blinken sẽ qua để làm tốt mối quan hệ này bằng cách là sẽ bàn những vấn đề về an ninh khu vực nhiều hơn. 

“Và chúng ta thấy là trong hai năm vừa rồi, chính Hoa Kỳ cũng là nước giúp Việt Nam nhiều nhất trong vấn đề thuốc men, vắc-xin chống COVID-19, thì chúng ta thấy rằng Hoa Kỳ luôn luôn mở rộng khả năng để có thể giúp đỡ nhân dân Việt Nam một cách tối đa.

“Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là khi không đặt vấn đề nhân quyền, Hoa Kỳ không giúp gì cho người dân Việt Nam. 

“Tôi nghĩ mối quan hệ ngày càng sâu hơn của Hoa Kỳ với Việt Nam sẽ giúp rất nhiều nói chung cho tình hình phát triển của Việt Nam và đặc biệt trong bối cảnh là hiện giờ nền kinh tế Việt Nam cũng đang có những sự khó khăn nghiêm trọng, việc nâng cấp mối quan hệ này về mặt thực tế, tôi không nói về mặt danh nghĩa, cũng có thể mang lại những lợi ích nhiều hơn cho người dân Việt Nam.”

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cộng tác viên cao cấp của Viện nghiên cứu Iseas (của Singapore) nói:

Trước hết, tôi xin nói là người Mỹ sẽ không nói chuyện về dân chủ, nhưng chắc chắn là người ta nói chuyện về nhân quyền.

“Vừa rồi nhóm nghị sỹ Quốc hội Mỹ do ông Michael McCaul, Chủ tịch ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, vào Việt Nam, đã dành thời gian rất nhiều để nói về vấn đề nhân quyền. 

“Do vậy, chắc chắn ngày 15/4, ông Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng nói về vấn đề đó, những chủ đề cụ thể thì có thể chưa được biết, nhưng chắc chắn là có và ở đâu cũng thế thôi, mong muốn lớn nhất của người ở trong nước Việt Nam là được thực hiện những quyền ấy của mình.

“Trong khi những mong muốn ấy được thể hiện ra, thì cũng lại có những mong muốn khác rằng thực hiện những quyền của mình, thì người ta sẽ thực hiện trong một khung cảnh, thứ nhất là đúng với Hiến pháp và thứ hai là đúng với nền tảng pháp lý tự nhiên của vấn đề, chứ không phải là một nền tảng pháp lý đang có.

“Tôi chắc là ông Ngoại trưởng Mỹ nói một cách rất rõ ràng và cụ thể, nhưng hoàn toàn không có tính chất tác động gì cả, mà là mang tính chất đối thoại.

“Không nghe một cách cụ thể lắm, nhưng ở một mức độ phong thanh, tôi nghĩ ông Ngoại trưởng Mỹ nói về một số trường hợp rất cụ thể mà hiện nay đang bị giam cầm.

“Nói về một số trường hợp cụ thể liên quan đến thực hành tôn giáo, và có thể có thể một số khía cạnh về tương trợ tư pháp liên quan các quyền đó...

“Có ba thứ đó, tôi nghe phong thanh, nhưng tôi chưa được biết cụ thể lắm, nhất là từ phía Mỹ, thế còn từ phía Việt Nam cũng đã dự đoán như vậy. Và chắc chắn là việc này xảy ra trong buổi sáng ngày 15/04.”

2023-04-15T051452Z_1508075922_RC2TE0A8OD5C_RTRMADP_3_VIETNAM-USA-BLINKEN.JPGNgoại trưởng Blinken và người đồng cấp phía Việt Nam Bùi Thanh Sơn gặp nhau vào sáng 15/4. Ảnh: Reuters  

‘Thời điểm thuận lợi và nhân quyền là một chủ đề rất quan trọng’

Khi được hỏi liệu đây là những chủ đề được phía Mỹ đặc biệt lựa chọn ra để đối thoại, hợp tác với Việt Nam, hay là không, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói:

“Thực ra đây không phải là những lựa chọn gì đặc biệt lắm, nhưng trong tất cả những cuộc mà người ta đặt ra về vấn đề nhân quyền, thì chủ đề bao giờ cũng là như thế, nó không phải là ưu tiên chọn lọc trong lúc này.

“Thứ hai là về thời điểm, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Việt Nam là một thời điểm thuận lợi, mà trước hết là thuận lợi cho Mỹ, thứ hai mới đến là thuận lợi cho Việt Nam.

“Và nó càng thuận lợi hơn, khi mà ở Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã ngớt đi rồi, các hoạt động quay trở lại rất bình thường, thì đó là một thuận lợi cho ông Blinken đến thăm.

“Hơn nữa là các sự kiện quan trọng mà có vai trò của Mỹ, gần như là vai trò chủ trì, đều xảy ra ở khu vực này, thì trong thời điểm tháng Năm hay tháng Sáu 2023, ví dụ như là Hội nghị G7 ở bên Hiroshima, Nhật Bản, có sự đóng góp cực kỳ lớn của Mỹ.

“Và những hoạt động như thế này như chúng ta đã biết, Thủ tướng Nhật Bản đã có thư mời chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam dự cuộc họp G7 ở Hiroshima, và chắc là ông Thủ tướng Việt Nam đã nhận lời, và đó là một dịp rất là tốt để phía Việt Nam có thể tăng cường đối thoại không những đối với Mỹ, với Nhật, mà còn với năm nước khác, là những nước lớn ở trong khối G7 đó.

“Đó là một dịp rất là tốt, cho nên việc kết hợp mà ông Blinken đi Việt Nam lần này là một sự sắp xếp công việc rất khoa học và hợp lý, với một lịch trình như thế này, thì những ưu tiên lớn đặt ra là rất khác.

“Ưu tiên lớn là an ninh, là phát triển kinh tế, là hợp tác về thương mại, rồi giao lưu con người và chủ đề rất quan trọng chính là chủ đề về nhân quyền,” Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp chia sẻ trên quan điểm riêng từ Hà Nội.

Cũng từ thành phố này, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện xã hội (IDS đã tự giải thể), nhân dịp này đề nghị một tiếp cận mà có thể được hiểu là mang tính chủ động hơn từ nội bộ Việt Nam.

Ông nói: “Tôi nghĩ trong những chuyện mà muốn Việt Nam tôn trọng những vấn đề nhân quyền, hay những cam kết, điều ước quốc tế, mà đó chính là luật quốc tế, mà Việt Nam đã tham gia, thì người Việt Nam hay có thói quen là nhờ các nước ngoài gây sức ép.

“Cái đó cũng đúng, nhưng mà tôi nghĩ rằng nếu tất cả mọi người ở Việt Nam đều lên tiếng, và có thể không cần phải đòi gì to tát nhưng mà trong việc làm hàng ngày của mình, thực hiện các quyền của mình mà đã được Hiến pháp ghi một cách long trọng như thế, và chừng nào hàng chục người Việt Nam hiểu được quyền của họ và thực hiện những quyền ấy, thì nếu có những kẻ vi phạm chính những quyền ấy của người dân, thì người ta phải lên tiếng, và đấy là cách duy nhất… và đấy mới thực sự là áp lực đối với chính quyền…” ông Nguyễn Quang A nhấn mạnh trên quan điểm riêng từ Hà Nội.

Ngoại trưởng Blinken trong cuộc họp báo vào chiều 15/4 tại Hà Nội khẳng định: "Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập. Và chúng tôi tôn trọng quyền của Việt Nam trong việc định hình tương lai của đất nước dưới hệ thống chính trị của các bạn.

"Đồng thời, chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh những tiến bộ về nhân quyền trong tương lai là cần thiết để khơi mở tiềm năng của người dân Việt Nam. Đó cũng là trọng tâm của Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam," theo bản ghi và bản dịch tiếng Việt từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội gửi ra cho phóng viên.

Nhiều cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam trong cùng ngày loan tin rộng rãi về chuyến thăm và hoạt động của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong ngày thứ hai thăm chính thức Việt Nam.

Trong số đó, báo Quốc tế, cơ quan truyền thông trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đưa tin cho hay:

“Sáng 15/4, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đón và hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

“Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ duy trì đà phát triển tích cực nhờ nền tảng quan hệ đã được hai bên gây dựng, vun đắp trong 28 năm qua trên tất cả các lĩnh vực, trên cả bình diện song phương, khu vực và quốc tế…

“Chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken nhằm tiếp tục thúc đẩy, tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ theo tinh thần Đối tác toàn diện 2013 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ 2015, đồng thời triển khai kết quả cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (tháng 3/2023).

“Chuyến thăm của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thể hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Hai bên sẽ trao đổi về tình hình quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua, các biện pháp để duy trì đà và đưa quan hệ song phương phát triển thực chất, hiệu quả, toàn diện thời gian tới, nhất là các lĩnh vực mới,” vẫn theo bản tin của báo Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Nguồn: rfa.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.