Chiến lược lâu dài của Nga ở châu Âu
Bằng cách kết hợp hỏa lực quân sự với sự rối loạn của Trái đất, nước Nga của Putin đã biến khí hậu thành vũ khí chiến tranh – chĩa về phía châu Âu. Kho vũ khí chiến lược và tác chiến mà nó triển khai, nét đặc thù của cái “ngưỡng cửa của chiến tranh” bên ngoài lãnh thổ Ukraine, lôi cuốn tất cả các bên liên quan trong một mối quan hệ chiến lược với thời gian.
Phạm Như Hồ dịch
© AP Photo/Felipe Dana
Châu Âu đang trở lại địa ngục của chiến tranh, khi sự rối loạn khí hậu thể hiện những tác động ngày càng mãnh liệt của nó. Bước ngoặt của những năm 2022 và 2023 chứng kiến sự chằng chịt, cả quốc tế và trên hành tinh, của cuộc chiến Ukraine và của sự phát triển không được kiểm soát của khí hậu. Thật vậy sự chằng chịt này cũng bị Điện Kremlin công cụ hóa như một vật liệu chiến lược. Các chiến lược được xây dựng dựa trên quá trình gần như là sự quân sự hóa “sức mạnh mềm”[1] của Nga, cụ thể là ảnh hưởng mà nước này được phong cho nhờ vị thế là một cường quốc nông nghiệp và năng lượng mạnh. Do đó, quyền lực mềm của Nga được chuyển hóa hoàn toàn thành một “vũ khí gây bất ổn trên diện rộng”, được thực hiện trên các đường đứt gãy của các xã hội châu Âu và Liên minh châu Âu.
Những tương tác giữa chiến lược của Nga và các tình huống địa chính trị và khí hậu của châu Âu áp đặt một thử thách lớn đối với châu Âu về sự gắn kết và khả năng phục hồi.
Trong bài viết này, chúng tôi khảo sát sự xuất hiện của những hình thức căng thẳng mới này và những vấn đề chiến lược mà chúng là cơ sở.
Châu Âu, một địa bàn tác chiến trên một hành tinh hỗn loạn
Kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, Chiến tranh Ukraine đã thống trị cục diện chiến lược. Chỉ trong một vài tuần, cuộc chiến này đã thay đổi quy mô và từ một cuộc xung đột khu vực giữa Nga và Ukraine, nó đã trở thành một cuộc xung đột Nga-Châu Âu, do sự hỗ trợ, đặc biệt là quân sự, của nhiều quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, cho Ukraine, nhưng cũng là một cuộc xung đột xuyên Đại Tây Dương, do sự huy động của NATO và Hoa Kỳ.
Lloyd Austin (1953-)
Mục tiêu chiến lược của Washington hơn nữa được xác định công khai bởi Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, người tuyên bố rằng ông muốn “đảm bảo rằng quân đội Nga bị suy yếu đến mức không còn ở trong tình trạng tham gia vào những việc như xâm lược Ukraine[2]”. Hơn nữa, chỉ trong vòng mười tháng, viện trợ của Mỹ cho Ukraine đã đạt gần 60 tỷ đô la viện trợ nhân đạo, kinh tế và quân sự.
Do đó, quân đội Ukraine được hưởng lợi từ sự hỗ trợ về hậu cần, không gian mạng và thông tin của quân đội Mỹ và, ở các cấp độ khác nhau và theo những cách khác nhau, từ Bộ Quốc phòng của các nước thành viên NATO. Sự hỗ trợ này cũng có hình thức sự cung cấp các hệ thống vũ khí, đặc biệt là các đại pháo chính xác, chẳng hạn như súng đại bác Cesar của Pháp và máy bay không người lái chiến đấu chống tăng.
Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan, Đức, Cộng hòa Séc, Bulgaria, Hy Lạp, Bỉ, cung cấp cho Ukraine những vũ khí hiện đại hoặc, đối với một số nước, vũ khí và đạn dược từ kho vũ khí và đạn dược có từ thời Liên Xô[3]. Ngoài ra, từ tháng 12 đến tháng 1 năm 2023, Pháp quyết định gửi xe tăng chiến đấu hạng nhẹ AMX, trong khi Anh thông báo chuyển xe tăng hạng nặng, Ba Lan chờ Đức phê duyệt cấp xe tăng Leopard cho quân đội Ukraine, trong khi chính phủ Đức do dự thực hiện điều này[4]. Tuy nhiên, vào ngày 25 tháng 1, dưới áp lực quốc tế và trong khi Hoa Kỳ cam kết gửi 31 xe tăng Abrams trong những tháng sau quyết định này, chính phủ Đức đã đồng ý gửi xe tăng Leopard và cho phép các quốc gia có một số xe tăng này gửi chúng - đây là trường hợp, ví dụ, của Ba Lan, Bồ Đào Nha hoặc Canada, gửi một chiếc.
Đồng thời, từ tháng 3/2022, Liên minh châu Âu, các nước thành viên và G7 gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt này nhằm gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế khiến Liên bang Nga không thể duy trì nỗ lực quân sự của mình. Chúng đi kèm với một chính sách năng lượng nhằm cho phép châu Âu không cần được tiếp liệu khí đốt hoặc dầu mỏ của Nga mà những mặt hàng xuất khẩu này rất cần thiết cho nền kinh tế Nga.
Nhưng chiến lược trừng phạt kinh tế chống lại Nga đã gặp phải những thất bại lớn do tình hình nông nghiệp của Nga và Ukraine. Ở Ukraine, tình trạng giao thông đường bộ xuống cấp do các cuộc bắn phá của Nga gây ra, sự tòng quân của hàng chục nghìn người và việc phong tỏa nhiều cảng đã làm giảm đáng kể năng lực xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Về phía Nga, các biện pháp trừng phạt kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, đã làm giảm đáng kể xuất khẩu bằng cách làm cho nhiều giao dịch ngũ cốc của Nga trở nên phức tạp.
Tình trạng này có những hậu quả toàn cầu và nhanh chóng vì, năm 2019, cặp Ukraine-Nga tương ứng với 10% và 20% xuất khẩu lúa mì, 19% lúa mạch, 18% ngô và 64% dầu hướng dương[6] của thế giới. Thế mà, kể từ mùa thu năm 2021 và trong suốt mùa xuân và mùa hè năm 2022, sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan đã gây áp lực lên các khu vực nông nghiệp quan trọng nhất trên thế giới.
Chẳng hạn, vào tháng tư 2022, Ấn Độ, quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, đã phải hứng chịu đợt nắng nóng lịch sử kéo dài hơn một tháng, với nhiệt độ dao động trong khoảng 45° đến 50°, giới hạn của sức chịu đựng của con người. Thêm vào thiệt hại của con người là căng thẳng của các thực vật, làm giảm 20% sản lượng thu hoạch ngũ cốc của Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ sau đó quyết định chặn xuất khẩu lúa mì.
Ở Trung Quốc, các đợt nắng nóng và hạn hán trong suốt mùa xuân và mùa hè năm 2022 gây ra những tác động tai hại cho vụ thu hoạch lúa. Điều này được cộng thêm vào sự thiệt hại 250.000 tấn gạo ở Pakistan do trận lũ lịch sử tàn phá nước này vào đầu tháng 9. Thêm vào những cú sốc nông nghiệp châu Á này là những tác động nông nghiệp của đợt hạn hán lớn lịch sử ảnh hưởng đến vùng Trung Tây và Tây Nam Hoa Kỳ[7]. Ở châu Âu, hạn hán và các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại dẫn đến sự sụt giảm của năng suất nông nghiệp, đặc biệt là ở Pháp, Đức, Romania, Hungary, Tây Ban Nha, Bulgaria và Ý[8].
Sự kết hợp của những thay đổi thất thường về khí hậu quốc gia, nay không thể tách rời khỏi sự phát triển không được kiểm soát của khí hậu hành tinh[9], và những xung đột địa chính trị với một sự bạo lực chưa từng có trong nhiều thập kỷ đã gây ra tình trạng lạm phát phổ cập của giá lương thực. Điều này dẫn đến bất ổn xã hội, thường mang tính bạo lực, ở nhiều nước nghèo, chẳng hạn như Ai Cập. Nhưng các nước châu Âu cũng đang phải chịu áp lực, đặc biệt là do tình trạng mất an toàn lương thực và tài chính ngày càng tăng của những người dân kém may mắn và tầng lớp trung lưu của các nước này[10].
Sự kết hợp của những thay đổi thất thường về khí hậu quốc gia ở Ấn Độ và Trung Quốc, nay không thể tách rời khỏi sự phát triển không được kiểm soát của khí hậu hành tinh, và những xung đột địa chính trị với một sự bạo lực chưa từng có trong nhiều thập kỷ đã gây ra tình trạng lạm phát phổ cập của giá lương thực.
JEAN-MICHEL VALANTIN
Ngược lại, vụ thu hoạch lúa mì của Nga rất tốt và tăng 6,5 triệu tấn lên 88 triệu tấn. Hơn nữa, sản lượng của Ukraine không sụp đổ do sự kiên cường của nông dân Ukraine. Tuy nhiên, sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn vào hạm đội Nga đóng tại Sébastopol, thỏa thuận đạt được vào ngày 22 tháng 7 tại Istanbul giữa Ukraine và Nga cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng ở Biển Đen đã bị Mát-xcơ-va bãi bỏ vào ngày 29 tháng 10. Do thị trường nhạy cảm cũng như phản ứng với những biến động, quyết định này làm hồi sinh những bất ổn và lạm phát toàn cầu về giá lương thực[11].
Nói cách khác, cuộc tấn công mà hạm đội Nga hứng chịu đã dẫn đến một cuộc phản công trong lĩnh vực không phải là quân sự, mà là nông nghiệp. Tuy nhiên, mục đích của bất kỳ chiến lược nào là gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định chính trị của đối thủ[12].
Do đó, hoàn toàn có thể phân tích quyết định của Mát-xcơ-va vừa là một phản ứng ngoại giao thông thường vừa là một phản công gián tiếp, trong một lĩnh vực không phải là quân sự mà là kinh tế[13], nơi Mát-xcơ-va có ảnh hưởng quan trọng, như trường hợp các thị trường nông nghiệp, thực phẩm và năng lượng. Chiến lược này có thể tạo ra một “môi trường” kinh tế xã hội gây bất ổn cho người châu Âu và châu Mỹ thông qua việc phóng chiếu sức mạnh mềm kinh tế của Nga, bằng cách làm cho châu Âu và châu Mỹ phải đối đầu với rủi ro tài chính về mất an ninh lương thực cho hàng chục triệu người thông qua những tác động của cuộc chơi đến các xu hướng kinh tế, xã hội và chính trị đang vận hành.
Châu Âu cũng phải gánh chịu hậu quả của sự suy giảm mạnh mẽ của các vụ xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu. Từ mùa hè năm 2022, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga giảm mạnh lượng khí đốt xuất khẩu sang các thành viên EU. Một số lượng lớn các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có Đức, mà 52% nguồn tiếp liệu khí đốt là do Nga cung cấp cho đến năm 2021. Từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2022, việc Gazprom giảm xuất khẩu khiến tỷ lệ này giảm xuống đến 22%[14].
Ngoài ra, sự phá hoại quy mô lớn kỳ lạ của các đường ống dẫn khí đốt dưới biển Nord Stream 2, vẫn chưa được sử dụng và Nord Stream 1, vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm, tức là một nửa lượng tiêu thụ của Đức, đồng thời cung cấp cho Hà Lan và Cộng hòa Séc, khiến khả năng tái lập “cầu khí đốt” giữa Đức và Nga trong tương lai là rất khó xảy ra[15].
Những sự cắt giảm trong xuất khẩu khí đốt của Nga được kết hợp với những sự suy giảm xuất khẩu dầu mỏ. Điều này củng cố xu hướng tăng giá dầu, vốn đã được thúc đẩy bởi sự phục hồi toàn cầu sau Covid, đồng thời đe dọa sự phục hồi này. Điều này cũng dẫn đến việc tăng giá đối với các sản phẩm năng lượng và các sản phẩm hóa dầu, bao gồm nhựa và phân bón hóa học, mà việc sản xuất đòi hỏi phải xử lý một lượng lớn khí tự nhiên. Do đó, toàn bộ năm 2022 được đánh dấu bởi sự dao động của giá dầu trong khoảng từ 80 đô la đến 122 đô la, và vẫn cao hơn nhiều so với giá được thiết lập từ cuối năm 2014 đến cuối năm 2021[16].
Như vậy, Điện Kremlin thành công trong việc gây ảnh hưởng trên các thị trường chiến lược năng lượng và nông sản để hỗ trợ và đẩy nhanh việc tăng giá của các nguyên liệu thô cơ bản nhất.
JEAN-MICHEL VALANTIN
Như vậy, Điện Kremlin đã thành công trong việc gây ảnh hưởng đủ đối với các thị trường chiến lược năng lượng và nông sản, vốn đã có khả năng có một sự tăng giá trước chiến tranh, để duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng giá của các nguyên liệu thô cơ bản nhất. Điều này dẫn đến sự củng cố lạm phát tác động mạnh mẽ đến quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, đặc biệt là ở Châu Âu và Bắc Mỹ[17].
Đại chiến lược của Nga chống lại châu Âu
Chiến lược của Nga để công cụ hóa các dòng nông sản, thực phẩm và năng lượng cũng như các tác động kinh tế xã hội của mùa đông cho thấy cách thức mà Điện Kremlin đang phục hồi trên một quy mô lớn các nguyên tắc cơ bản của văn hóa chiến lược Nga, được phát triển vào cuối cuộc cách mạng bôn-sê-vích.
Do đó, sự lý thuyết hóa cái gọi là chiến lược “tác chiến” của Nga và Liên Xô thiết lập rằng chiến thắng được định nghĩa là sự tiếp nối giữa sự rời rạc của quân đội đối lập và sự thất bại của bộ máy chính trị, kinh tế và công nghiệp mà nó xuất thân[18]. Sau đó, chiến lược nhằm mục đích tiến hành các trận chiến hiệu quả ở cả cấp độ chiến thuật và chiến lược, đồng thời phân mảnh các hệ thống khác nhau cấu tạo bộ máy công nghiệp của kẻ thù[19]. Do đó, chiến lược của Nga trên thực tế nhằm mục đích hoạt động trong chiều sâu kinh tế và quân sự của đối thủ, nhằm tước đoạt các phương tiện cần thiết để tiến hành chiến tranh của các chính trị gia[20].
Lý thuyết hóa cái gọi là chiến lược “tác chiến” của Nga va Liên Xô thiết lập rằng chiến thắng được định nghĩa là sự tiếp nối giữa sự rời rạc của quân đội đối lập và sự thất bại của bộ máy chính trị, kinh tế và công nghiệp mà nó xuất thân.
JEAN-MICHEL VALANTIN
Chiến lược gây bất ổn gián tiếp sâu sắc này của Nga cũng được đầu tư vào quá trình quân sự hóa vào mùa đông 2022-2023. Lịch sử chiến lược và quân sự của Nga được ghi khắc trong việc sử dụng mùa đông như một sự hỗ trợ phòng thủ, khiến kẻ thù có thể bị suy yếu khi tiếp xúc với nhiệt độ mà cả con người, trang thiết bị và có thể cả các động vật kéo quân đều không phù hợp[21].
Nhưng, vào năm 2022-2023, khả năng tiêu hao này của mùa đông hoàn toàn bị đảo ngược để được “phóng chiếu” cho Ukraine và Châu Âu[22]. Thật vậy, kể từ tháng 10 năm 2022, chiến lược này đã được thực hiện trực tiếp và tàn bạo ở Ukraine, thông qua việc Nga gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng và nước của Ukraine. Những cuộc tấn công này làm giảm khả năng tự sưởi ấm của các thành phố, đồng thời biến hàng nghìn công trình và nhà ở thành những “bẫy lạnh”.
Ở cấp độ châu Âu, việc công cụ hóa chiến lược của cái lạnh mùa đông được ghi nhận trong sự kết nối của các mạng lưới điện quốc gia khác nhau và sự nhạy cảm của châu Âu đối với giá khí đốt và dầu mỏ. Do đó, vào đầu tháng 12, việc đóng cửa gần 1/3 số lò phản ứng hạt nhân của Pháp để bảo trì hoặc sửa chữa tạo ra nguy cơ cắt điện và “mất điện”. Mặc dù được nỗ lực tập thể giảm thiểu, rủi ro này vẫn sẽ tồn tại trong suốt mùa đông năm 2023. Ngoài ra, việc EDF sản xuất không đủ điện buộc Pháp phải nhập khẩu điện từ Đức, được sản xuất bằng khí đốt hoặc than[23].
Đặc tính của mùa đông 2022-2023 là sự xen kẽ mạnh mẽ của các giai đoạn nóng và lạnh thất thường. Trên khắp châu Âu, các thời kỳ cực lạnh buộc các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính quyền phải thừa nhận sự thiếu tiện nghi, thậm chí là rủi ro y tế đối với các hộ nghèo, hoặc sử dụng hệ thống sưởi nhiều hơn khi giá năng lượng tăng mạnh, trong bối cảnh của một sự lạm phát chung. Nói cách khác, sự kết hợp chiến lược giữa sự giá lạnh mùa đông và sự tăng giá năng lượng có tác động tương đương với một cuộc tấn công về tài chính, năng lượng, khí hậu, y tế[24] và xã hội.
Chiến lược này được giảm thiểu một phần bởi các đợt nắng nóng kéo dài trong mùa đông, nhưng không có gì được đảm bảo từ đây cho đến cuối mùa đông. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu cũng có nguy cơ phải chuẩn bị cho nó vào năm 2023.
Châu Âu căng thẳng
Áp dụng cho châu Âu, chiến lược của Nga nhằm tạo ra sự căng thẳng và sự phân mảnh bộ máy kinh tế và chính trị hỗ trợ Ukraine được tiến hành thông qua sự bất ổn gia tăng của các hệ thống năng lượng và lương thực châu Âu cũng như các hoạt động kinh tế phụ thuộc vào chúng.
Như vậy, chính sự gắn kết của các quốc gia-dân tộc châu Âu và của Liên minh châu Âu phải chịu áp lực bởi phiên bản mới này của chiến lược tác chiến của Nga. Do đó, và trong số những thứ khác, việc tiếp cận khí đốt và dầu mỏ của Nga đã gây ra xung đột chính trị dữ dội giữa Hungary và Ủy ban châu Âu, trong khi Cộng hòa Séc và Anh[25] phải đối mặt với những tranh chấp xã hội rất nghiêm trọng về giá năng lượng.
Thế mà, chiến lược nhằm chia cắt châu Âu này chỉ được bù đắp bằng ngân sách Nhà nước và nỗ lực gắn kết do NATO áp đặt đối với người châu Âu khi đối mặt với đối thủ Nga. Do đó, những căng thẳng làm suy yếu sự gắn kết của châu Âu và các sự gắn kết quốc gia trở thành bấy nhiêu vụ xích mích được chuyển dịch lên cấp độ NATO[26]. Liên minh Đại Tây Dương sau đó buộc phải tiến hành những hoạt động chính trị bổ sung để vượt qua hoặc vượt lên trên các căng thẳng.
Những căng thẳng làm suy yếu sự gắn kết của châu Âu và các sự gắn kết của các quốc gia do đó trở thành bấy nhiêu vụ xích mích được chuyển dịch lên cấp độ NATO.
JEAN-MICHEL VALANTIN
Hơn nữa, bản chất gián tiếp và mang tính hệ thống của chiến lược Nga khiến cho khó có thể nhận thức chiến lược này một cách tổng thể. Khó khăn này là đặc trưng của việc Nga đã áp dụng, từ gần 30 năm nay, các khái niệm và cách tiếp cận chiến lược và cách tiến hành đặc thù của một “cuộc chiến tranh ở ngưỡng cửa”[27], có nghĩa là một “cuộc chiến ở giới hạn của nhận thức”[28]. Trong trường hợp này, bản chất “hiển nhiên” vì hoàn toàn có thể nhận thấy được của các hoạt động quân sự trên địa bàn tác chiến ở Ukraine chuyển sự chú ý về chính trị, quân sự, an ninh và truyền thông sang địa bàn này, trong khi chiến lược “ở ngưỡng cửa” nhằm gây bất ổn kéo dài và có chiều sâu được triển khai trên phạm vi châu Âu và Hoa Kỳ.
Thế mà, nhiều quốc gia châu Âu khác phải đối phó với sự gia tăng của các “mặt trận nội bộ” thường là bạo lực này, chẳng hạn như ở Cộng hòa Séc, Anh hoặc Pháp, những nguyên nhân nội sinh của chúng càng trở nên trầm trọng hơn do tác động gián tiếp của cuộc chiến ở Ukraine và của cuộc tấn công gián tiếp của Nga. Điều này càng hiệu quả hơn và khó nhận thấy hơn vì nó đan xen với những căng thẳng kinh tế xã hội quan trọng diễn ra trong các xã hội này. Điều này gây ra một loạt xung đột chính trị và thể chế, trong bối cảnh tổng quát của sự tăng trưởng đang chậm lại của nền kinh tế.
Do đó, có vẻ như thông qua các tác động gây sự bất ổn định về mặt gắn kết xã hội và chính trị, chiến lược ở ngưỡng cửa của Nga tự bộc lộ như một hình thức “chiến tranh thông qua chính trị”[29] trên quy mô lục địa châu Âu. Thật vậy, bằng cách củng cố các xung đột chính trị nội bộ của các quốc gia-dân tộc châu Âu, các chiến lược gia của Kremlin buộc các chính phủ phải phân tán sự chú ý và nỗ lực của mình giữa các xung đột chính trị nội bộ và sự ủng hộ dành cho Ukraine, do đó phải duy trì tính chính danh và khả năng hành động của mình trên nhiều “mặt trận chính trị” cùng một lúc.
Thông qua các tác động gây sự bất ổn định về mặt gắn kết xã hội và chính trị, chiến lược ở ngưỡng cửa của Nga tự bộc lộ như một hình thức “chiến tranh thông qua chính trị” trên quy mô lục địa châu Âu.
JEAN-MICHEL VALANTIN
Trong bối cảnh tấn công gián tiếp này, trường hợp của Đức đặc biệt nổi bật. Đất nước này phải trực tiếp gánh chịu những hậu quả của các cuộc tấn công gián tiếp, ở ngưỡng cửa và có tác dụng phân mãnh của Nga. Do đó, Thủ tướng Scholz phải duy trì liên minh cầm quyền của mình, trong khi Đức, đầu tàu kinh tế và chính trị của châu Âu, phải hấp thụ cú sốc năng lượng do mất khí đốt của Nga.
Để làm được điều này, Đức, bằng cách tăng nhập khẩu khí đốt của Na Uy, trong khi quyết định khởi động lại việc khai thác than cho các nhà máy nhiệt điện, hoàn toàn trái ngược với các cam kết về khí hậu của mình[30], phải đồng thời huy động các tác nhân kinh tế và các Bang để ngăn ngừa sự chạy trốn của các xí nghiệp Đức muốn chuyển đến Hoa Kỳ để hưởng lợi từ giá năng lượng thuận lợi hơn[31]. Đức cũng phải kiềm chế nguy cơ phá sản của một chuỗi các công ty do các hóa đơn năng lượng tăng cao, sự đảo ngược các kết quả ngoại thương, lần đầu tiên thâm hụt kể từ khi nước Đức thống nhất năm 1991, trong khi vẫn triển khai các cuộc đàm phán thương mại phức tạp với Trung Quốc. Chính trong bối cảnh đó, chính phủ liên bang Đức phải quyết định chuyển giao xe tăng Leopard cho Ukraine, đồng thời định vị mình trong mối quan hệ với NATO và Mỹ[32].
Boris Pistorius (1960-)
Christine Lambrecht (1965-)
Thêm vào các mặt trận chính trị nội bộ khác nhau này, cuộc khủng hoảng quân sự gây ra những mặt trận khác. Trong tuần trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Ramstein vào ngày 20 tháng 1 năm 2023, nơi thảo luận về sự phát triển của viện trợ quân sự cấp cho Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz phải thay thế nữ Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht, người bị mất uy tín sâu sắc do cách quản lý thảm hại việc hiện đại hóa quân đội Đức và do cách quản lý cuộc chiến ở Ukraine, bằng Boris Pistorius, trong khi Chính phủ Đức công bố một ngân sách 100 tỷ euro để khởi động lại sức mạnh quân sự quốc gia[33].
Tuy nhiên, trong khi các cuộc đàm phán căng thẳng đang diễn ra với Hoa Kỳ và NATO, Berlin muốn đưa ra điều kiện đồng ý gửi xe tăng Leopard với việc gởi xe tăng Abrams của Mỹ, thì đã xảy ra vụ bắt giữ Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường trẻ Thụy Điển nổi tiếng thế giới, được các phương tiên truyền thông lan tỏa rộng rãi. Greta Thunberg bị bắt trong một cuộc biểu tình ở Lutzerath. Thị trấn nhỏ này sẽ bị phá hủy để cho phép mở rộng một mỏ than, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của Đức do xuất khẩu khí đốt của Nga giảm mạnh.
Greta Thunberg (2003-)
Olaf Scholz (1958-)
Nhân dịp này, Greta Thunberg đã lên án mạnh mẽ Đảng Xanh của Đức vì hành vi đạo đức giả của nó, vì “các thành phần xanh” đã chấp nhận quyết định này, mặc dù họ được cho là người bảo đảm cho những lời hứa của Chính phủ về việc giảm thiểu sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính[34]. Trong khi, than là nhiên liệu hóa thạch có lượng khí thải đặc biệt thảm khốc đối với khí hậu[35]. Đồng thời, Đảng Xanh phản đối việc bổ nhiệm Boris Pistorius bởi vì, với tư cách là một người đàn ông, việc bổ nhiệm ông đã phá vỡ sự bình đẳng của Chính phủ mà Olaf Scholz đã hứa sẽ duy trì[36].
Cuộc khủng hoảng của Chính phủ Đức này bao gồm “các cuộc khủng hoảng chính trị chồng chất lên nhau” minh họa cách mà các chiến lược gián tiếp của Nga đối với thị trường nông sản và năng lượng có tác động kinh tế và xã hội như thế nào, đi kèm với sự gia tăng của “các mặt trận chính trị đối nội và quốc tế” bằng cách “tiếp thêm sinh lực” cho các căng thẳng đã có trước đó. Những “mặt trận nội bộ” của châu Âu này tạo nên những hiệu ứng va chạm của các vụ xích mích, và do đó gây hao mòn đối với hành động và các quá trình ra quyết định của các chính phủ, bởi vì các chính phủ này phải đối mặt với một chuỗi các cuộc khủng hoảng nội bộ. Các mặt trận nội bộ được hợp nhất với các quá trình ra quyết định chiến lược và địa chính trị do các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine gây ra, gần như được “các hoạt động ở ngưỡng cửa” bổ sung.
Cuộc khủng hoảng của Chính phủ Đức này bao gồm “các cuộc khủng hoảng chính trị chồng chất lên nhau” minh họa cách mà các chiến lược gián tiếp của Nga đối với thị trường nông sản và năng lượng có tác động kinh tế và xã hội như thế nào.
JEAN-MICHEL VALANTIN
Do đó, có vẻ như xung đột giữa Ukraine, châu Âu, NATO và Nga từ nay được ghi nhận trong một quan hệ chiến lược đối với thời gian. Điện Kremlin xây dựng và triển khai các chiến lược dài hạn trực tiếp và gián tiếp, đồng thời tạo cho mình phương tiện để tiến hành một cuộc chiến lâu dài và đau đớn ở Ukraine, bằng cách tự trang bị cho mình một năng lực chiến lược để làm trầm trọng thêm các tác động chồng chéo và kết hợp của các căng thẳng kinh tế và xã hội cũng như của sự rối loạn khắp thế giới[37].
Do đó, thách thức đối với người châu Âu và người Mỹ sẽ là duy trì sự gắn kết của họ, trong bối cảnh địa chính trị, kinh tế, năng lượng và khí hậu ngày càng căng thẳng, và có thể làm như vậy trong khi vẫn duy trì nỗ lực chiến tranh và chịu đựng sự gia tăng của “các mặt trận chính trị nội bộ” trong cùng một khoảng thời gian.
J.M.V.
Chú thích:
[1] Anne de Tinguy, Le Géant empêtré, La Russie et le monde, de la fin de l’URSS à l’invasion de l’Ukraine, Perrin, 2022.
[2] “Ukraine war: US wants to see a weakened Russia”, BBC, 25 April 2022.
[3] Ukraine War Tracker, Kiel institute for world economy.
[4] Laurent Lagneau, “La Pologne pourrait se passer de l’autorisation de Berlin pour livrer des chars Leopard 2 PL à l’Ukraine”, OPEX 360, 21 janvier 2023.
[5] Jean-Michel Valantin, “War in Ukraine, The U.S Mega drought and the Coming Global Food Crisis”, The Red Team Analysis Society, May 1, 2022
[6] “Effets de l’agression russe contre l’Ukraine sur les marchés agricoles et conséquences pour l’action publique”, OCDE, 8 aout 2022.
[7] Jean-Michel Valantin, “An Excluded Russia? Not for Asia – Anthropocene wars (6)”, The Red Team Analysis Society, October 3, 2022.
[8] Camille Pauvarel, “Sécheresse en Europe: selon Bruxelles, elle pourrait être la pire en 500 ans”, Euronews, 24/08/2022 et “Drought in Europe”, European Commission – GDO, 23/08/2022.
[9] Carbone 4, Rapport du Groupe 2 du GIEC: Les points clés
[10] Michael Lind, The New Class War, Saving democracy from the metropolitan elite, Atlantic Books, 2020.
[11] Christian de Perthuis, “Impacts de la guerre en Ukraine sur les marchés agricoles et la sécurité alimentaire”, Futuribles, 14 Avril 2022.
[12] Edward Luttwak, Le Paradoxe de la Stratégie, Paris, Odile Jacob, 1989, rééd. 2002.
[13] Robert D. Blackwill, Jennifer M. Harris, War by Other Means, Geoeconomics and Statecraft, A Council on Foreign relations Books, Belknap Harvard, 2016.
[14] “En manque de gaz russe, l’Allemagne se tourne vers le Golfe”, Boursorama avec Media Services, 19/09/2022.
[15] Thane Gustafsson, The Bridge – Natural gas in a redevided Europe, Harvard, 2020.
[16] Prix du baril – le cours officiel du pétrole
[17] Janel Simplenski Lefort, “Ukraine economic shock”, Europe Investment Bank, 14 june 2022.
[18] “Transformation in Russian and Soviet military History, Proceedings of the Twelfth military Symposium”, USAF Academy, 1986 and David Glantz, Soviet Military operational Art: in pursuit of deep battle – Military theory and practice, 2012.
[19] Michael Kofman et al., Russian military strategy: core tenets and operational concepts, CNA, 2021.
[20] Stephen Covington, The culture of strategic thought behind Russia’s approaches to warfare, Belfer Center – Harvard University, 2016.
[21] Dominic Lieven, Russia against Napoleon, 2009, Penguin Books, 2011.
[22] Jean-Michel Valantin, “War in Ukraine, Europe and the weaponization of winter”, The Red Team Analysis Society, December 12, 2022.
[23] Sonal Patel, “European energy crisis prompts utility take over in Germany, France”, Power, News and technology for the global energy industry, 1 November 2022.
[24] “Russia is using energy as a weapon – how deadly will it be?”, The Economist, 26 November, 2022
[25] Clara Hernanz Lizzaraga, “Protests against soaring energy bills spread through UK, and CEO’s are taking notice”, Bloomberg, 15 August 2022.
[26] Ivan Krastev, Mark Leonard, “Peace vs Justice: the coming European split over the war in Ukraine”, European Council on Foreign relations, 15 June 2022.
[27] David Kilcullen, The Dragons and the Snakes, How the Rest Learned to Fight the West, Hurst, 2020.
[28] Lawrence Freedman, The Future of War: a History, 2017, Penguin Books, 2018.
[29] Kilcullen, ibid.
[30] “German leader warns against ‘worldwide renaissance’ for coal”, October 20, AP News, 2022 and Michal Kedzierski, “Germany: the crisis is driving a renaissance for coal”, Centre for Eastern Studies, 2022-10-12.
[31] Martin Hesse et al., “Growing energy crisis: a grave threat to Industry in Germany”, Spiegel International, 21-09-2022.
[32] Anatol Lieven, “Germany remains admantly opposed to sending any Leopard Tanks to Ukraine”, Responsible Statecraft, January 20, 2023.
[33] Laurent Lagneau, “Spécialiste des questions de sécurité, Boris Pistorius sera le prochain ministre de la Défense”, OPEX 360, 17 janvier 2023.
[34] “Greta Thunberg fait de la mine de Lützerath le centre du combat contre les énergies fossiles”, Novethic, 16 Janvier 2023.
[35] Marie Adélaïde Scigacz, “On vous explique pourquoi le charbon est une bombe énergétique et climatique”, France Info, 03/07/2022.
[36] “Left-wing german politicians furious at Pistorius appointment, Because He’s Man”, ZeroHedge, January 20, 2023.
[37] Jean-Michel Valantin, Géopolitique d’une Planète Déréglée, Le Seuil, 2017? rééd. 2022.
------------
[*] Jean-Michel Valantin là một nhà khoa học địa chính trị người Pháp, người đặt các rối loạn hành tinh làm trọng tâm trong các phân tích của mình. Ông là Tiến sĩ và nhà nghiên cứu về nghiên cứu chiến lược và xã hội học về Quốc phòng (EHESS, Paris), chịu trách nhiệm về phần “Môi trường và An ninh” của tổ chức www.redanalysis.org.
Nguồn: “La longue stratégie russe en Europe”, Le Grand Continent, 10.02.2023.
Nguồn bản dịch: phantichkinhte123.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.