Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

Cảnh vệ “yếu nhân”: Hoạ hay phúc?

 

Cảnh vệ “yếu nhân”: Hoạ hay phúc?

Nguyễn Ngọc Chu

22-4-2023

1. Tuyệt đại đa số các nước chỉ có một ‘nguyên thủ’. Việt Nam có 4 vị trí “gần như nguyên thủ”: Tổng bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Việt Nam cũng là quốc gia thuộc nhóm hàng đầu về tổ chức nhiều quốc tang nhất. Phải ‘cảnh vệ’ cho nhiều “yếu nhân”, phải tổ chức nhiều quốc tang – là tốn nhiều tiền bạc.

2. Lãnh đạo các nước Bắc Âu sống và làm việc mà không cần nhiều ‘cảnh vệ’ đặc biệt. Họ không có nhiều kẻ thù muốn mưu sát.

3. ‘Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao’, ‘Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao’ – theo chức năng phải là vị trí của những người lòng tràn đầy Nhân nghĩa, Trí thông tuệ về luật pháp và đạo trời, dũng cảm đến mức không sợ hãi quyền lực, không bị mua chuộc bởi tiền bạc, không thiên vị cho người thân. Họ “sinh ra” để phục vụ cho công lý được thực thi khắp mọi nơi, không sinh linh nào bị oan ức, đúng với vận hành của luật pháp và đạo trời.

Nay nghe tin ‘Dự thảo lần 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2017’ đề xuất thêm các vị trí “yếu nhân” cần ‘cảnh vệ’, trong đó thêm vị trí ‘Thường trực Ban Bí thư’ “gần như nguyên thủ” cùng với ‘Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao’ và ‘Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao’. Tại sao 3 vị trí này trước đây (đã 78 năm kể từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) không có ‘cảnh vệ’, mà nay lại phải đề xuất có ‘cảnh vệ’? Thì sau đây là một trong những lý do:

“Trước đó, trong dự thảo lần 1 được đăng tải cuối tháng 10-2022, Bộ Công an lý giải chánh án Tòa án nhân dân tối cao và viện trưởng Viện KSND tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và kiểm sát hoạt động tố tụng với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao” (https://tuoitre.vn/de-xuat-canh-ve-cho-thuong-truc-ban-bi-thu-chanh-an-toa-toi-cao-va-vien-truong-vksnd-toi-cao-20230420231715311.htm).

Hoá ra từ năm 1945 đến nay, trải qua 78 năm chưa có thống kê nào về việc tấn công hay mưu sát ‘Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao’ và ‘Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao’ thì có lẽ là vì ít án oan. Nay án oan mỗi ngày một nhiều, dự báo sẽ có nhiều kẻ tấn công “tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao” nên phải đưa ra chế độ bảo vệ đặc biệt đối với ‘Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao’ và ‘Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao’.

‘Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao’, ‘Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao’ được đề nghị bố trí bảo vệ công khai và bảo vệ ngầm mọi lúc mọi nơi, cho dù đang thực thi công việc nơi chốn công đường, hay đang nghỉ ngơi nơi chốn tư dinh, bất kể thời gian đêm hay ngày. Như vậy có phải là khắp mọi nơi mọi lúc ‘Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao’ và ‘Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao’ luôn đối mặt với nguy hiểm từ nhiều kẻ thù sẵn sàng tấn công hoặc mưu sát họ? Như vậy không phải là phúc mà là hoạ. Hoạ cho người được bảo vệ. Hoạ cho Nhân Dân.

Một đất nước mà lãnh đạo vì Dân thì sẽ không có kẻ thù mưu sát. Đã có 4 vị trí “gần như nguyên thủ” rồi, nay lại thêm 3 vị trí phải ‘cảnh vệ’ nữa. Phải ‘cảnh vệ’ càng nhiều “yếu nhân” là hoạ càng lớn.

Thuốc đắng dã tật, lời nói thật khó nghe. Hy vọng rằng, các Đại biểu Quốc hội sẽ sáng suốt bác bỏ các bổ sung về ‘cảnh vệ’ “yếu nhân” sắp đề xuất. Bác bỏ nó đi để cho các “yếu nhân” vì Dân mà không có kẻ thù. Vừa tránh được hoạ cho các “yếu nhân”. Vừa bớt được hoạ cho Dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.