Từ vụ rừng thông Đắk Đoa: khi nào xứ sở mới thôi là nạn nhân?
Trân Văn
30-8-2022
Vì sao UBKT của BCH TƯ đảng chỉ nhận thấy các viên chức lãnh đạo và một số cơ quan hữu trách ở tỉnh Gia Lai có sai phạm và sai phạm “đã đến mức cần xử lý kỷ luật” mà không nhìn ra “đồng chí” nào ở “các cơ quan cấp trên”…
Tờ Tiền Phong vừa đăng một phóng sự về cánh rừng thông 174 héc ta vốn đã được xác định là độc đáo, quý hiếm ở huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai (rừng thông Đắk Đoa). Vào lúc này, có 2.528 cây thông đã bị Tập đoàn FLC (chủ đầu tư Dự án sân Golf Đắk Đoa) bứng để dời đi nơi khác (di thực), đa số đã chết khô, số còn lại được nhận định là khó sống (1).
Khi hỗ trợ Tập đoàn FLC thực hiện dự án biến “rừng thông Đắk Đoa” thành “Sân Golf Đắk Đoa”, các viên chức hữu trách ở Gia Lai đã “nhất trí” bán cho FLC 59.243 cây thông gần 50 tuổi, phần lớn là thông ba lá (người thiểu số ở Tây Nguyên gọi là Xà nu) với giá khoảng 300.000 đồng/cây, trong khi dân chúng địa phương bảo rằng, trên thị trường, giá một cây thông dạng bonsai, cao từ năm mét đến sáu mét như những cây thông trong rừng thông Đắk Đoa dao động từ… 30 triệu đồng/cây đến 50 triệu đồng/cây. Đại khái, giá bán thông cho FLC rẻ hơn bình thường từ 10 lần đến 15 lần!..
***
Giữa tháng trước, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN tuyên bố: Sai phạm của hàng loạt viên chức lãnh đạo tỉnh Gia Lai: Võ Ngọc Thành (Phó Bí thư, Chủ tịch), Đỗ Tiến Đông (Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực), KPă Thuyên (Tỉnh ủy viên – TUV, Phó Chủ tịch), Hồ Phước Thành (TUV, Phó chủ tịch), Nguyễn Đức Hoàng (cựu TUV, cựu Phó Chủ tịch) tỉnh) và giám đốc ba sở (Tài chính, Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn) cũng như một số tổ chức đảng, đảng viên khác… “đã đến mức phải kỷ luật”.
Theo UBKT của BCH TƯ đảng CSVN, sở dĩ cần phải xem xét – kỷ luật những viên chức, cơ quan vừa kể ở Gia Lai bởi họ “không trung thực khi báo cáo, đề xuất với các cơ quan cấp trên về chủ trương đầu tư Dự án Sân Golf Đak Đoa gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, tiền, tài sản của nhà nước, lãng phí lớn nguồn lực đầu tư, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương”. UBKT của BCH TƯ đảng CSVN cũng đã đề nghị thu hồi quyết định cho phép FLC chuyển đổi “rừng thông Đắk Đoa” thành “Sân Golf Đắk Đoa”.
***
Những nhận định và đề nghị của UBKT BCH TƯ đảng CSVN về “rừng thông Đăk Đoa” được nêu trong “Thông báo về kết quả kỳ họp thứ 17 của UBKT BCH TƯ” (2) bày ra hai khả năng và chỉ có thể là một trong hai: Thứ nhất, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chậm trí. Thứ hai, làm ngơ là để chờ cơ hội xử lý nhau.
Cần lưu ý, công chúng, các chuyên gia và báo giới đã nhiều lần can gián đừng cho phép biến “rừng thông Đắk Đoa” thành “Sân Golf Đắk Đoa”. Thậm chí Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cũng phản đối, bởi dự án không chỉ phá rừng mà còn xóa sổ cả thảm thực vật vốn được xem là hết sức độc đáo tại đó (3).
Không chỉ phân tích thiệt hơn, công chúng, các chuyên gia, báo giới, một số cơ quan hữu trách còn cảnh báo về FLC – tập đoàn chuyên “bao chiếm” rừng, biển, ruộng và tạo ra đủ loại điều tiếng ở khắp nơi trên toàn Việt Nam (4). Ngoài mong muốn bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, những người, những nơi can gián đừng xâm hại “rừng thông Đắk Đoa” còn trưng dẫn nghị định riêng về đầu tư xây dựng, kinh doanh sân golf, trong đó, cấm sử dụng đất rừng làm sân golf nhằm kiến nghị phải tôn trọng các qui định pháp luật.
Tuy nhiên ý kiến của công chúng, các chuyên gia, báo giới, một số cơ quan hữu trách về việc bảo vệ “rừng thông Đắk Đoa” suốt từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2021 chẳng khác gì những… “tiếng kêu trong hoang mạc”. Đầu tháng 4 năm 2021, vào ngày cuối cùng ở cương vị Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt “chủ trương đầu tư Dự án Sân Golf Đắk Đoa”, nhờ vậy FLC có thể bắt tay vào việc “chuyển mục đích sử dụng 156 héc ta rừng ở huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai sang mục đích khác” (5).
***
Tại sao sau khi ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC), nhân vật một thời “chọc trời, khuấy nước” đã… rụng cánh, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Việt Nam mới đột nhiên… “ngộ” ra rồi lập bập nhắc lại những điều mà công chúng, các chuyên gia, báo giới, thậm chí một số cơ quan hữu trách từng nêu để can gián đừng đụng vào “rừng thông Đăk Đoa”? Vì khả năng trí tuệ của họ cần tới hai năm mới có thể tiêu hóa hết các góp ý và quyết định nên làm theo hay vì im lặng thì có thể biến “rừng thông Đắk Đoa” thành một cái bẫy để chờ mồi?
Tại sao cách nay hai năm, UBKT của BCH TƯ đảng CSVN không nghe công chúng, các chuyên gia, báo giới, một số cơ quan hữu trách nói gì, không thấy thái độ của họ thế nào, đến bây giớ mới phát hiện các viên chức lãnh đạo và một số cơ quan hữu trách ở tỉnh Gia Lai “không trung thực khi báo cáo, đề xuất với các cơ quan cấp trên về chủ trương đầu tư Dự án Sân Golf Đak Đoa gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, tiền, tài sản của nhà nước, lãng phí lớn nguồn lực đầu tư, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương”?
Vì sao UBKT của BCH TƯ đảng chỉ nhận thấy các viên chức lãnh đạo và một số cơ quan hữu trách ở tỉnh Gia Lai có sai phạm và sai phạm “đã đến mức cần xử lý kỷ luật” mà không nhìn ra “đồng chí” nào ở “các cơ quan cấp trên” phải chịu trách nhiệm dù không có ai trong “các cơ quan cấp trên” phải chịu trách nhiệm rõ ràng là không thỏa đáng? Đó là do chậm thấy,… “nhìn không ra”, hay chưa tiện để nhìn vì còn phải chờ dịp thuận tiện mới nhìn như vừa nhìn vào Gia Lai và vẫn chờ như đã chờ “rừng thông Đắk Đoa” tan hoang?
Chú thích
(4) https://kinhtemoitruong.vn/flc-va-nhung-lum-xum-xin-dat-rung-lam-du-an-52007.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.