Những điều mình thấy được từ Ukraine
26-9-2022
1. Cuộc sống đang trở lại bình thường trên những vùng từ Kyiv về phía tây. Các công ty, trung tâm thương mại, cửa hàng, quán xá… đều đã mở trở lại, người dân đi lại tấp tập, “phải sống cùng với lũ” vậy thôi, dù còi báo động phòng không vẫn rú lên khoảng một tuần một lần, để thấy rằng chiến tranh vẫn đang còn đó.
2. Cầu, cống, đường, các công trình công cộng, siêu thị… bị phá hỏng đang được nhanh chóng xây lại. Nhà dân cũng vậy, họ cố gắng sửa chữa bằng tất cả những gì có thể: ván, nylon.. để đối phó với mùa đông sắp tới. Mọi hạn chế về xăng dầu, nhiên liệu, điện… đã được bãi bỏ, cũng cho thấy nội lực của Ukraina đang được phục hồi.
3. Việc kiểm soát quân sự trên đường hoặc ra vào các thành phố phía tây đã nới lỏng hơn nhiều, các đường phụ không còn bị chặn, đi lại thoải mái hơn, tuy giờ giới nghiêm vẫn tiếp tục, nhưng được rút ngắn lại từ 11h tối tới 6h sáng hôm sau. Người nước ngoài vào Ukraina cần có giấy mời theo diện hỗ trợ nhân đạo, làm viêc cho chính phủ (báo chí) hoặc thăm thân, visa du lịch vẫn chưa được cấp.
4. Quân đội được trang bị đầy đủ, hiện đại, khác hẳn hình ảnh phải đi xin từng đôi giày, đôi tất như hồi đầu chiến tranh. Hiện tại họ cần chủ yếu thiết bị y tế, hoặc xe ô tô dân sự cũ để mang vào vùng chiến sự hoặc các sản phẩm “cao cấp” như nước tăng lực hay thức ăn dinh dưỡng.
5. Thực phẩm chỉ cần cho dân chúng các vùng có đánh nhau hoặc mới được giải phóng, bởi di chuyển vào đó vẫn rất khó khăn. Ngay cả ở những thành phố lớn thì cũng thấy nhiều người nghèo đổ ra đường làm mọi nghề kiếm sống hoặc nhiều người già phải đi xin, còn ở làng thì tuy thức ăn tươi, rau quả không thiếu nhưng mỳ ống, đường… giá khá cao.
6. Mìn, cơ man là mìn do Nga cài lại. Giờ mới càng thấy nể hơn các bạn tình nguyện viên dám lái xe xông pha khắp nơi, vì cảm nhận được sự nguy hiểm. Ngay cả xung quanh Kyiv, dù 5 tháng trôi qua từ ngày lính Nga rút chạy mà dân chúng cũng không thể vào rừng hái nấm do mìn còn khắp nơi. Ngay cả bọn mình, có hướng dẫn viên, mà còn đi nhầm vào giữa bãi mìn, đang đi thì gặp công binh gỡ mìn ngay bên đường, nhờ sự đảm bảo của họ mới dám đi tiếp, rồi thấy họ làm việc khắp nơi. Tất cả cùng run, nhưng là trải nghiệm không thể nào quên được.
7. Tanja kể chuyện: khu vực nhà cô ý (cách Kyiv 50 km) 2 tuần trước còn bắt được nguyên 1 tiểu đội lính Nga 10 người. Đầu tháng 4 quân Nga bỏ chạy khỏi khu vực Kyiv, nhóm này theo không kịp, bị bỏ lại, không thể tự đi bộ về biên giới vì quá xa và sợ bị giết, họ sống lẩn lút trong rừng hơn 3 tháng, đói quá vào làng ăn trộm thực phẩm thì bị bắt. Hàng xóm nhà cô ý đi cày thì máy cày cào phải mìn, may không chết, công binh tới rà, tìm thêm được 27 quả nữa, nên trẻ con xung quanh vẫn bị cấm chạy lung tung và phải học on-line.
8. Nhưng hơn tất cả, một điều hiển nhiên có thể thấy là tinh thần dân chúng lên cao, rất vui vẻ sau những chiến thắng gần đây, khi các đạo quân của Putin đã bị đánh bại lần 2 ở Kharkiv, khu vực xung quanh thành phố lớn thứ 2 của Ukraina được giải phóng. Họ tin vào chiến thắng, tin vào việc sẽ giành lại Crimea, dù “chưa biết được khi nào”.
9. Việc Putin “sát nhập”, đe dọa bom nguyên tử với bắt thêm 300.000 người đi lính cũng không làm họ suy chuyển: “bọn Nga luôn luôn làm những gì tụi nó muốn, bất chấp tất cả luật pháp, đạo đức, nên chúng tôi phải làm việc của chúng tôi, nếu muốn sống sót và chiến thắng. Chiến tranh sẽ tiếp tục, bất kể Putin nói gì, làm gì, cho tới khi nào tụi nó chạy bán sống bán chết khỏi mảnh đất Ukraina này“.
10. Sau khi giặc rút, những người dân quanh Kyiv trở về nhà thì thấy nhà cửa tan hoang ở những nơi mà lính Nga từng đóng quân, mọi thứ đều bị lấy mất, kể cả bồn cầu, nên việc quân Nga ăn cắp máy giặt, tủ lạnh hay bồn vệ sinh là hoàn toàn có thật.
Đi vào vùng chiến sự là một sự dấn thân, bởi nguy hiểm rình rập, nhưng là điều cần, bởi mới có được “tai nghe, mắt thấy, tay sờ”, để hiểu vấn đề và gần sự thật hơn, mới tránh được phán bậy mà hiểu được sẽ phải làm gì cho đúng.
Viva Ukraina.
P.s. Quà từ những người lính Ukraina mà chúng ta hỗ trợ, được lấy từ chính quân phục của họ, để cảm ơn và cũng như bày tỏ: “Các bạn là một phần của chúng tôi“.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.