Nữ hoàng Elizabeth II không vô can trong những tội lỗi của Đế chế Anh Quốc
21-9-2022
Nữ hoàng vừa quá cố là hiện thân của nước Anh và thể chế Anh quốc, đã khôn khéo quảng bá nó mà không bao giờ phê phán hay hối tiếc về quá khứ của đế chế.
Vào cuối thập niên 1550, xem xét tình hình châu Âu, một nữ hoàng Anh, bà Elizabeth, đã lo lắng khi thấy nước Anh bị bỏ xa trong cuộc chạy đua với các nước láng giềng trên lục địa mà mục đích là xây dựng đế chế hải ngoại.
Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã sớm chiếm được vị thế khuynh loát trong cuộc chạy đua. Người Bồ đã đi tiên phong, kiếm được nhiều mối lợi trong việc giao thương với người Tây Phi vào cuối thế kỷ XV trước khi tạo ra một công thức cách mạng: phối hợp canh tác nông nghiệp với chế độ nô lệ dựa trên chủng tộc để làm ra những sản phẩm nhiệt đới trên hòn đảo São Tomé nhỏ bé. Dựa trên ngành trồng mía làm đường và buôn bán nô lệ người châu Phi (nguồn nhân lực cho các đồn điền), phương thức này đã nhanh chóng chế ngự đời sống kinh tế trên Đại Tây Dương trong suốt mấy thế kỷ, tạo ra thế mạnh của Phương Tây đối với phần còn lại của thế giới.
Cho đến triều đại của Nữ hoàng Elizabeth I, lịch sử đế chế Anh chủ yếu là thống trị nước láng giềng Ireland. Song nữ hoàng, mà triều đại gắn liền với văn hào đương thời William Shakespeare, đã bước lên một sân khấu rộng lớn hơn. Bà đã khuyến khích cả quý tộc lẫn hải tặc như John Harkins phiêu lưu ra khỏi eo biển Manche, tấn công tàu thuyền Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, cướp vàng bạc và nô lệ lấy từ bờ biển Tây Phi.
Làm như vậy, Elizabeth đệ nhất đã đặt nền móng cho đế quốc Anh sau này. Những người kế vị đã đi xa hơn nữa khi thành lập công ti Company of Merchant Adventures of London (Công ti Phiêu lưu thương mãi Luân Đôn) năm 1631. Phiêu lưu ở đây có nghĩa là dùng bạo lực để chiếm đoạt vàng bạc và nô lệ ở những nước nhiệt đới. Ít lâu sau, công ti được đổi tên để che đậy mục tiêu địa lý chính yếu. Nó được gọi là Company of Royal Adventurers Trading to Africa (Công ty các nhà thám hiểm hoàng gia giao thương với Châu Phi), và được cấp phép buôn bán độc quyền trong 1000 năm.
Như tôi đã giải thích trong tác phẩm Born in Blackness: Africa, Africans, and the Making of the Modern World, 1471 to the Second World War (Kiếp da đen: Châu Phi, người châu Phi và sự hình thành Thế giới hiện đại, từ 1471 đến Thế chiến II), cũng trong thập niên đó (1630), đế chế Anh đã bành trướng sang bờ tây Đại Tây Dương, lập thuộc địa ở đảo Barbados (thuộc quần đảo Đông Caribbe) mà diện tích chỉ bằng một phần ba diện tích thành phố Los Angeles hiện nay.
Tại Barbados, người Anh đã thực hiện mô hình mà người Bồ Đào Nha đã tạo ra ở São Tomé: đó là một chế độ không thể biện bạch về mặt đạo lý, nhưng vô cùng hiệu quả về mặt kinh tế. Vào giữa thế kỷ XIX, người ta đã thay thế những đầy tớ da trắng có hợp đồng lao động bằng những người nô lệ, nam và nữ, bị xiềng xích từ châu Phi chở sang, phải lao lực cho đến chết – số người này cũng gần ngang số nô lệ đi đưa sang lục địa Bắc Mỹ rộng lớn không biết bao nhiêu lần – biến hòn đảo Barbados sản xuất đường mía thành cỗ máy hái ra tiền.
Sách giáo khoa dạy ở các trường học Tây phương thường kể những câu chuyện cướp bóc của bọn conquistador Tây Ban Nha tấn công những nền văn minh bản địa như các dân tộc Inca, Aztec, chất đầy vàng bạc lên thuyền. Như người Anh đã cho thấy ở Barbados, của cải mà họ rút ra từ các đồn điền mía, trên lưng những người nô lệ châu Phi, còn lớn hơn thế nhiều.
Chính vì nạn nô lệ da đen ở quần đảo Caribbe gớm ghiếc như vậy, nên người Anh ưa nghĩ rằng đế quốc Anh đã tọa lạc chủ yếu ở Ấn Độ. Nhưng trước đó khá lâu, trên vùng đất mà họ gọi là Tây Ấn (West Indies), đã dựng nên những thuộc địa trù phú nhất trong lịch sử kinh tế. Đỉnh điểm là Saint-Domingue, thuộc địa Pháp, nơi người Châu Phi đã khởi nghĩa từ năm 1791, giải phóng nô lệ và thiết lập nền cộng hoà lâu đời thứ nhì của châu Mỹ, đặt tên là Haiti.
Đã từ lâu ở Châu Âu có trò ma giáo viết lại lịch sử – và Anh là nước thịnh hành nhất – phủ nhận tầm quan trọng của chế độ nô lệ trong sự trỗi dậy của Châu Âu cận đại, trở thành lục địa giàu có và hùng mạnh nhất thế giới. Thông điệp của phe ma giáo này là chế độ nô lệ thực ra không mang lại lợi nhuận đáng kể, nông nghiệp đồn điền thuộc địa chỉ có một vai trò hạn chế trong thành tựu của châu Âu.
Thoạt nhìn đã thấy nhiều lý do chứng tỏ sự ngu xuẩn của luận điểm này. Trước hết là việc lãnh tụ Pháp Napoléon Bonaparte đã gửi một đội quân viễn chinh lớn nhất lịch sử Pháp vượt Đại Tây Dương để đàn áp cuộc khởi nghĩa nô lệ ở nước thuộc địa Saint-Domingue đầy lợi lộc, và cuối cùng đội quân ấy đã bại trận. Ý thức được cơ hội ngàn vàng, Tây Ban Nha đã tìm cách đánh thắng người châu Phi ở Saint-Domingue, cuối cùng cũng bị thua.
Nước Anh, đế quốc lớn nhất của thời đại, không thể bỏ qua cơ hội béo bở, đã triển khai một đạo quân hải chinh vĩ đại nhất chưa từng có trong lịch sử. Quân đội Anh đã bị đánh bại một cách nhục nhã, số tử vong lớn hơn cả số binh sĩ tử trận trong cuộc cách mạng Mỹ mà ai cũng biết. Bao nhiêu thương vong như vậy mà cho đến nay, ở Anh, không có một quân kỳ trung đoàn nào được treo lên để tưởng niệm, hầu hết các trường học không nói gì tới chuyện này.
(Tất nhiên, Pháp chưa chịu bỏ cuộc. Bị thua đau, Napoléon lại cử một đạo quân viễn chinh thứ nhì với hy vọng đặt lại gông cùm lên nhân dân Saint-Domingue. Bại vẫn hoàn bại, ít lâu sau Pháp phải bán cả Louisianna cho chính quyền Hoa Kỳ, lúc đó là tổng thống Thomas Jefferson, nhờ đó mà lãnh thổ Hoa Kỳ nhân lên gấp đôi).
Trong chừng mực mà chế độ nô lệ đã xuất hiện trong mọi cuộc lễ kỷ niệm trang trọng và gần như liên miên bất tận trong triều đại của nữ hoàng thứ hai mang tên Elizabeth, người ta ai cũng ghi nhận là bà đã trị vì toàn bộ sự kết thúc của đế chế Anh Quốc và làn sóng phi thực dân hóa diễn ra trong thế kỷ 20. Là người đã trải qua một sự nghiệp lâu dài trong thế giới từng là thuộc địa, là một người đã viết nhiều về chế độ nô lệ và bao nhiêu là những tác động của nó trên thế giới, thật rất đáng ngạc nhiên khi thấy những tình tiết của đế chế bắt rễ trong sự nô dịch, thống trị và khai thác tài nguyên nhân lực đã bị nhanh chóng lướt qua.
Cũng như hầu hết độc giả của chuyên mục này, tôi suốt đời đã sống dưới triều Elizabeth II. Cho nên tôi dễ dàng, như rất nhiều người, thừa nhận phong thái thanh thản và tự tin của nữ hoàng là một điều hiếm có, làm động lực nền tảng trong một thế giới biến động liên tục và khó hiểu. Bà mất đi, tôi không có ác ý gì cả. Còn đế chế của bà – và chế độ đế quốc, nói chung – lại là vấn đề khác.
Hiện nay, nhiều người Anh cảm thấy tự hào rằng chính quyền mới đã đến tầm cao mới về sự đa dạng chủng tộc và sắc tộc, đúng như vậy và đó là một điều tốt. Nhưng chúng ta chớ để điều này, chớ để những lễ kỷ niệm gượng ép trên TV làm người ta quên rằng trong gần như toàn bộ lịch sử của nó, cái đế chế mà nước Anh thực thi là đồng nghĩa với chủ nghĩa chủng tộc ưu đẳng không hề che giấu. Đó thực sự là một trong những tiền đề quan yếu.
Chúng ta cũng chớ để bị lừa dối bởi những bài bình luận hời hợt, coi trời bằng vung, đánh đồng đế chế Anh (hay bất kể đế chế nào khác) với chế độ dân chủ. Tiếng Anh có từ “poppycock” (thậm vô lý) để mô tả rất chính xác. Bộ trưởng tài chính (chancellor of the exchequer) hiện nay thuộc Đảng Bảo thủ là hiện thân của sự đa dạng sắc tộc, tên là Kwasi Kwarteng, cha mẹ nhập cư từ thập niên 1960, gốc Ghana, một thuộc địa cũ của Anh Quốc. Trong tác phẩm xuất bản năm 2011, Ghosts of Empire: Britain’s Legacies in the Modern World (Những bóng ma của Đế chế: Di sản của nước Anh trong thế giới hiện đại), ông viết: “Khái niệm về dân chủ là những điều xa lạ nhất đối với giới quan lại thuộc địa. Đầu óc của họ chỉ có những ý tưởng sơ sài về giai cấp, về sự ưu đẳng trí tuệ(của người da trắng), những ý tưởng gia trưởng chủ nghĩa”.
Đó là xuất phát điểm của Kwarteng khi ông mô tả đế chế Anh như một điển hình của “chủ nghĩa cực quyền bình thường”, ông và tôi bất đồng ở chỗ này. Cái huyền thoại dai dẳng tự sướng này kéo dài, chủ yếu là vì không chịu đào sâu vấn đề. Ngược lại, trong hầu như toàn bộ lịch sử của nó, đế chế Anh, ra đời trong chế độ nô lệ, không đếm xỉa gì tới dân chủ và nhân quyền.
Tôi thường viết nhiều về Châu Phi nên có thể minh chứng luận điểm của tôi bằng nhiều thí dụ về Châu Phi. Nhưng ở đây, có lẽ chỉ cần chứng minh rằng đế chế Anh đã mù quáng trấn áp các chủng tộc khác. Không hiểu ông Kwarteng nghĩ sao về chính sách kéo dài buôn bán thuốc phiện của Anh nhằm cân bằng cán cân thương mại, bành trướng sự thống trị Trung Quốc bằng tuyên truyền vũ trang để bán thuốc phiện?
Hai cuốn sách giúp ta thấy rõ điều này, một cuốn đã trở thành kinh điển, và một cuốn mới ra.
Trong tác phẩm sử thi và cách mạng xuất bản năm 2000, Late Victorian Holocausts: El Niño Famines and the Making of the Third World (Những cuộc diệt chủng cuối thời Victoria: những nạn đói El Niño và sự hình thành Thế giới Thứ Ba), nhà sử học Mike Davis đã cho thấy vào cuối thế kỷ 19, Anh Quốc đã lợi dụng những năm hạn hán trên thế giới để đẩy mạnh kế hoạch mở rộng lãnh thổ và trấn áp chính trị với nhiều nước ở xa.
Ấn Độ là một mục tiêu đặc biệt, tại đây những quan chức thuộc địa toàn quyền, như Robert Bulwer-Lytton và Victor Bruce (được biết nhiều hơn dưới danh hiệu Huân tước Elgin), đã tàn tệ tận dụng chính sách xuất khẩu lương thực đại trà và chính sách thuế khóa để tài trợ các cuộc chiến tranh ở Ấn Độ, cũng như ở Afghanistan và Nam Phi đang lâm vào nạn đói khủng khiếp. Trong suốt thời gian ấy, các quan chức thực dân đã khóa chặt các chương trình cứu trợ người nghèo, coi họ là những thứ vô dụng về mặt kinh tế và xã hội. Để chống lại việc cứu trợ nhân đạo, nhiều người trong họ biện hộ rằng cứu trợ những người nghèo đang sống thoi thóp chỉ làm cho họ thêm lười biếng.
Có lẽ chỉ cần trích dẫn một câu trong tác phẩm này, tự nó là một lời kết tội nghiêm trọng nhất, với đầy đủ bằng chứng: “Nếu phải tóm tắt sự thống trị của nước Anh ở Ấn Độ vào một sự việc, thì đó là: thu nhập tính theo đầu người của nhân dân Ấn Độ, từ năm 1757 đến năm 1947, không hề nhúc nhích tăng một chút nào”.
Cuốn sách mới hơn là của bà Caroline Elkins, giáo sư Phi Châu học: Legacy of Violence: A History of the British Empire (Di sản bạo lực: Lịch sử Đế quốc Anh), mà tôi đã có dịp điểm sách. Tác giả tập trung vào thế kỷ 20, trong đó đề cập tới nhiều hành động bạo lực dưới thời nữ hoàng Elizabeth II, đặc biệt là đợt hành quân nhằm khống chế sắc tộc Kikuyu ở Kenya với mục đích chiếm đoạt đất đai màu mỡ của họ và giam cầm hơn một triệu người trong “một quần thể trại giam tù nhân lớn nhất trong lịch sử đế quốc Anh”.
Phát hiện lớn nhất trong công trình nghiên cứu của Elkins là: những chính sách như đã áp dụng ở Kenya là kết quả của cả một quá trình thử nghiệm những phương pháp đàn áp bạo liệt, thường do cùng một nhóm quan chức thực dân đi từ điểm nóng này sang điểm nóng kia, từ cuối thế kỷ 19 sang thế kỷ 20 – Ấn Độ, Jamaica, Nam Phi, Palestin, Malaysia thuộc Anh, đảo Chypre, thuộc địa Aden (nay thuộc Yemen) và nhiều nơi khác – cải tiến và hoàn chỉnh những kỹ thuật dựa trên bạo lực, tra tấn, tội phạm hóa những hành động kháng cự tự vệ, luôn luôn cải tiến mô hình ở các đồn điền Bồ Đào Nha, di chuyển nô lệ từ São Tomé sang Brasil, rồi từ đó đưa lên phía bắc (quần đảo Caribbe và các bang miền nam Hoa Kỳ).
Cố nhiên – như nhiều người ngưỡng mộ đã nhấn mạnh – nữ hoàng Elizabeth II không có quyền hành chính trị nào cả, trái ngược với Elizabeth I. Trong các cuộc du hành, bà đã khôn ngoan quảng bá thương hiệu Anh Quốc, cho thể chế nước Anh, mà không bao giờ phê phán hay xin lỗi về một hành động quá khứ nào. Và cũng đúng là trong triều đại Elizabeth II, hầu như toàn bộ thế giới đã phi thực dân hóa, một phần lớn các nước thuộc địa cũ của Anh đã trở thành những nước dân chủ, và ít nhiều quan tâm tới các quyền công dân.
Nhưng đã qua rồi, từ lâu rồi, cái thời mà người ta có thể khẳng định rằng đó là nhờ chính sách cai trị của Anh là “hiền lành”, hay là các quyền của thần dân các nước thuộc địa Anh là do bản chất “đế chế”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.