Ông Phạm Xuân Thăng cũng từng hối thúc ‘thần tốc’ chống dịch
Trân Văn
20-9-2022
Năm ngoái, lúc quốc gia nghiêng ngả vì đại dịch COVID-19, Phạm Xuân Thăng là một trong những “ông” hối thúc “phải ‘thần tốc’ tiến hành các biện pháp phòng chống dịch”…
Ông Phạm Xuân Thăng – Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN nhiệm kỳ 13, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương, nhân vật vừa là đại biểu cho dân chúng tỉnh Hải Dương tại Quốc hội, vừa là Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, đồng thời còn là Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Hài Dương – vừa bị tống giam vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật về đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước).
Năm ngoái, lúc quốc gia nghiêng ngả vì đại dịch COVID-19, Phạm Xuân Thăng là một trong những “ông” hối thúc “phải ‘thần tốc’ tiến hành các biện pháp phòng chống dịch” (1). Sau khi chuyện nghiên cứu – sản xuất – phân phối bộ xét nghiệm COVID 19 của Công ty Việt Á bị lột trần, tuy ai cũng đã thấy chủ trương và việc thực thi “thần tốc xét nghiệm trên diện rộng” không chỉ khiến hơn hai mươi ngàn đồng bào thiệt mạng, kinh tế – xã hội lộn ngược, dân chúng thêm lầm than, khốn khố mà còn mở đường cho Công ty Việt Á thu đại lợi. Tuy nhiên đến giờ, mới chỉ có một “ông”… “thần tốc” xộ khám. Chẳng ai tin các “ông”…. “thần tốc” sẽ… “thăng” hết như… “ông” Thăng!
Sở dĩ thiên hạ không dám tin hoặc không muốn tin vào sự sòng phẳng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vì ông Thăng… “thăng” không phải do… sòng phẳng. Sau khi ông Thăng… “thăng”, nhiều người dẫn lại chuyện xảy ra hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái, lúc công an vừa tống giam Giám đốc CDC Hải Dương để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” giúp Công ty Việt Á thu lợi bất chính, ông Thăng là người triệu tập mội hội nghị bất thường để “chỉ đạo làm rõ trách nhiệm liên quan tới sai phạm tại CDC Hải Dương” để lên án ông… trâng tráo!
Cho dù chuyện ông Thăng vừa đứng phía sau giật dây để CDC Hải Dương bắt tay với Công ty Việt Á, vừa tổ chức hội nghị lên án Giám đốc CDC Hải Dương “sai phạm rất nghiêm trọng, đi ngược lại với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị và gây bức xúc trong cán bộ, nhân dân trong tỉnh”, vừa ra lệnh cho “Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác chỉ đạo quản lý, giám sát, phòng ngừa tham nhũng, nhất là trong công tác mua sắm, thanh quyết toán phục vụ phòng chống dịch” (2) đúng là… trâng tráo nhưng chưa… đủ.
Cần phải lưu ý, về mặt tâm lý, mức độ trâng tráo chỉ tăng nếu người ta đủ tự tin vào thế và lực của họ. Trên thực tế, những cá nhân bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia, sử dụng đủ loại chiêu trò để tạo ra…. “thần tốc”, mở đường cho Việt Á hoàn toàn vô sự trong một thời gian rất dài. Ngoài ca ngợi về “sáng suốt, kịp thời” đã có ai trong hệ thống chính trị và hệ thống công quyền yêu cầu xem xét – truy cứu – xử lý trách nhiệm của những cá nhân đề ra chủ trương sai, chỉ đạo và đốc thúc việc thực thi các chủ trương đó, biến Công ty Việt Á thành một scandal?
***
Hạ tuần tháng 1 năm ngoái, đảng CSVN tổ chức đại hội lần thứ 13. Lúc kết thúc, cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lẫn hệ thống truyền thông chính thức đồng thanh khẳng định, đó là…. “bước ngoặt lớn cho cách mạng Việt Nam”.
Để trấn an đồng chí, đồng bào sau khi liên tục chọn lầm rồi phải kỷ luật hơn 30 Ủy viên BCH TƯ đảng các nhiệm kỳ trước, kể cả Ủy viên BCH TƯ đảng đương nhiệm trong nhiệm kỳ 12, đồng thời để hóa giải các chỉ trích về qui hoạch nhân sự theo kiểu… “biến rác thành vàng”, từ Tổng bí thư trở xuống đồng thanh lặp đi, lặp lại: 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên Dự khuyết của BCH TƯ đảng nhiệm kỳ 13 là kết quả của “sự chu đáo, thận trọng, khách quan, công tâm, làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó trong chuẩn bị nhân sự”.
Thậm chí, các thành viên lãnh đạo đảng CSVN còn tuyên bố, vì như vừa kể mà đất nước, nhân dân có quyền… “kỳ vọng các đồng chí trong BCH TƯ nhiệmkỳ này là những người ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn trong sạch, không vướng vào tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân hay lợi ích nhóm”. Có người như ông Nguyễn Xuân Thắng (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận của BCH TƯ đảng) còn đi xa hơn: Với BCH TƯ khóa 13, “Việt Nam không có lý do gì không thể lập nên những kỳ tích kiểu như ‘thần kỳ Nhật Bản’,…” (3).
“Bước ngoặt lớn cho cách mạng Việt Nam” ngay sau đại hội đảng CSVN lần thứ 13 là đợt dịch COVID-19 thứ tư. Hậu quả như thế nào thì khỏi kể vì ai cũng đã biết. Sau khi “ngoặt”, riêng trong scandal Việt Á, có ba Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13… “thăng”. Hai người đã đến “thiên đường cộng sản” là ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch kiêm Phó Bí thư thành phố Hà Nội) và ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế). Ông Phạm Xuân Thăng – người thứ ba, chưa rõ vì sao, chưa được BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 “hội ngộ bất thường” để quyết định “sinh mạng chính trị” như ông Anh, ông Long đã bị tống giam.
180 Ủy viên chính thức của BCH TƯ đảng nhiệm kỳ 13 có bốn đang ở “thiên đường cộng sản” (ngoài ông Anh, ông Long, mới đây là ông Thăng, còn có ông Trần Văn Nam – Bí thư Bình Dương bị phạt bảy năm tù vì “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” với mức thiệt hại cho công quỹ khoảng 5.000 tỉ). Đó là chưa kể hai Ủy viên BCH TƯ đảng khác của nhiệm kỳ 13 bị “cảnh cáo” (Huỳnh Tấn Việt – Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Nguyễn Thành Phong – Phó ban Kinh tế BCH TƯ đảng). Trừ ông Phạm Xuân Thăng, năm Ủy viên BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này đều bị xử lý hình sự hay xử lý kỷ luật đảng vì những sai phạm xảy ra trước khi tham gia BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này. Chừng đó có lẽ đã đủ để thấy thế nào là… “sự chu đáo, thận trọng, khách quan, công tâm, làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó trong chuẩn bị nhân sự”, cũng như thế nào là diện mạo của đội ngũ tập hợp “những người ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức, luôn học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, luôn trong sạch, không vướng vào tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân hay lợi ích nhóm” và có nên… “kỳ vọng” hay không?
***
Có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất mà nhiều viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, kể cả những sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang câu kết với nhau để sử dụng doanh nghiệp như Công ty Việt Á làm công cụ kiếm tiền, bất kể quốc gia đang lâm nguy, đồng bào đang quằn quại trong thảm họa. Nếu đừng nhìn… “kỳ” trong “kỳ tích” như một cách diễn đạt sự thần kỳ thì nhận thức, cách hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam trong đại dịch COVID-19 rõ ràng đã tạo ra… “thành tích… “kỳ quái” nhất”! “Ngoặt” mấy lần nữa thì đạt đến “quốc phá, gia vong”?
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/toan-canh-vu-qua-bom-viet-a-tai-hai-duong-20220916204815525.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.